Trọng Thành

Đói ăn trong những tuần giáp hạt tại tỉnh Thanh Hóa 

Lê Văn Cuông
Theo các phương tiện truyền thông, tình trạng đói ăn đang rất nghiêm trọng tại tỉnh Thanh Hóa. Khoảng 250.000 người bị đói, chiếm gần 10% dân số toàn tỉnh. Ngày 5/5/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chính thức kiến nghị lên chính quyền trung ương, xin cấp hơn 2.000 tấn gạo cho các hộ bị đói.


Từ Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, kiêm ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trả lời phỏng vấn RFI.

RFI : Xin chào ông Lê Văn Cuông, từ hơn một tháng nay, như ông biết, tại tỉnh Thanh Hóa nạn thiếu đói đang hoành hành. Theo một con số được báo chí đưa ra, có khoảng 10% dân số toàn tỉnh bị lâm vào cảnh này. Xin ông cho biết, nhận định của ông về chuyện này ?
Trong bếp của một gia đình nông dân thuộc huyện Lang Chánh
Lê Văn Cuông : Trong điều kiện đất nước hiện nay, trượt giá hay cuộc sống của người dân do lạm phát tăng cao, thu nhập thực tế giảm sút, các hộ trước đây là cận nghèo rơi vào tình trạng nghèo. Do đó [chính quyền] cần phải quan tâm, nhất là trong lúc giáp hạt và trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. [Chính quyền Trung ương] yêu cầu các địa phương, các cấp chính quyền địa phương phải chăm lo đến đời sống của người dân, không để người dân bị thiếu đói hoặc mất bữa. Về cái này, có chủ trương như thế thì các địa phương, các cấp chính quyền thống kê các gia đình ở « diện » thiếu đói, hay thuộc hộ nghèo. Rồi [đối với] các xã, các bà con ở vùng biên giới, có chủ trương là nhà nước sẽ cấp gạo hàng tháng. Các chính sách của Nhà nước như thế, thì chính quyền địa phương tổng hợp, thống kê danh sách lên tỉnh, và tỉnh tổng hợp diện thiếu đói đó và báo cáo với Trung ương để đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Tôi nghĩ rằng, việc này là việc làm bình thường của Việt Nam lâu nay. Tôi nghĩ rằng báo cáo của Ủy ban tỉnh lên Trung ương và các thông tin báo chí đưa về diện thiếu đói và đề nghị cấp gạo của tỉnh Thanh Hóa cũng phù hợp với chủ trương chung. Thế còn, thực tế như thế nào, chúng tôi chưa nắm được, nên cũng chưa thế đánh giá được thực tế là các hộ thiếu đói có đúng như vậy không. Cái này cần phải có thời gian đi tìm hiểu nắm bắt tình hình thì mới biết được.

RFI : Tình hình chung là như vậy. Thưa ông, ông là người thuộc tỉnh Thanh Hóa, không biết cái nạn đói này có phải diễn ra thường xuyên không, hay năm nay mới đột xuất diễn ra nặng như vậy ?

Lê Văn Cuông : Hiện nay, các hộ nghèo ở Thanh Hóa còn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các huyện trên vùng núi, vùng sâu vùng xa. Có những nơi đến 50-60% các hộ là nghèo, thiếu đói. Không phải chỉ năm nay, hàng năm vào các dịp giáp hạt, hay là dịp Tết, thì tỉnh cũng đều có kế hoạch cấp gạo cho các gia đình nghèo hay thiếu đói theo chủ trương chung. Chuyện này diễn ra hàng năm.



RFI : Về nguyên nhân của nạn đói này, có liên quan đến vấn đề tài nguyên và nguồn lực của tỉnh Thanh Hóa. Có hai ý kiến khác hẳn nhau. Một ý kiến cho rằng, Thanh Hóa vì đất đai khô cằn quá, nên sản xuất lương thực không đủ. Theo một ý kiến khác thì không hẳn như thế, Thanh Hóa là một tỉnh được đầu tư nhiều, do vấn đề quản lý mà bị rơi vào trạng thái này. Vậy ý kiến ông về vấn đề này như thế nào ?

Lê Văn Cuông : Hàng năm hiện nay, Thanh Hóa thu được khoảng 1,5 triệu tấn lương thực, cũng là một sản lượng cao, chứ không phải đất đai Thanh Hóa là kém, mà là trung bình. Nếu không bị ảnh hưởng thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh, thì thu nhập của bà con vẫn đảm bảo được cuộc sống, thậm chí có nơi có lượng lúa để bán ra ngoài thị trường, hoặc tham gia xuất khẩu. Nhưng sản lượng đó được phân phối không đều. Một số gia đình dư thừa lương thực, nhưng có những gia đình khó khăn, do ở vùng sâu, vùng xa, hoặc do một số hoàn cảnh. Vấn đề nghèo đói vẫn diễn ra trên phạm vi rộng tại Thanh Hóa. Mặc dù những năm gần đây so với trước, số hộ nghèo đói giảm đi rất nhiều, nhưng chưa hết được, và hiện nay vẫn đang tập trung vào những vùng đặc biệt khó khăn, như vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biển. Cụ thể vùng biển là ở vùng Bãi Ngang, bà con không có việc làm.

Thực ra, [về mức độ đói như hiện nay] tôi không hiểu cụ thể có đúng như thế không, hay là người dân cũng có thể người ta lợi dụng chính sách của Nhà nước, rồi người ta khai báo, không phải thiếu đói, nhưng được Nhà nước cho, thì người ta cũng khai lên để được. Nhưng thực tế người ta có nghèo không ? Thì [đánh giá] cái đó rất khó ! Rồi chính quyền lại là người nhà, họ hàng, trưởng thôn, cũng là trong dòng tộc, họ né tránh. Người ta cứ kê khai như vậy, nhưng không [ai] đấu tranh. Không xác định đúng đối tượng, rồi cũng vào hùa với « quần chúng », rồi đưa danh sách đó lên. [Làm như thế] cũng không mất gì cả, có khi lợi dụng vào chính sách này, khai khống lên, báo cáo không trung thực để xin trung ương, thì cái này, tôi cũng không tin là cái số liệu thiếu đói nó thực chất như thế, mà qua quá trình kinh nghiệm theo dõi, thì thấy cũng nhiều gian dối, nhiều tiêu cực trong các kê khai lợi dụng chính sách Nhà nước cho không, để rồi đề xuất lên « trên », để trên hỗ trợ được bao nhiêu là quý bấy nhiều.

RFI : Cái ý phân tích này của ông làm sáng tỏ thêm vấn đề. Nhưng riêng ở vùng biển, có ý kiến cho rằng ngư trường ở ngoài biển khơi bị tàu lớn lấn át, có những đụng độ, và vì thế, nghề cá không được như trước nữa. Việc này cũng ảnh hưởng đến việc tự túc lương thực thực phấm. Thưa ông, ý kiến của ông về chuyện này như thế nào ?

Lê Văn Cuông : Số dân ở vùng biển rất lớn, và hiện nay không có việc làm khá đông. Người ta chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản. Nhưng có những vùng, như Bãi Ngang không đánh bắt được. Không phải tất cả cư dân ở ven biển đều đi đánh bắt được đâu. Bởi vì phải có các điều kiện : phụ thuộc vào ngư trường, rồi phương tiện, rồi lao động.



RFI : Nhưng về ngư trường, không biết ông có nghe thấy rằng nó bị giảm sút trong những năm gần đây, có đúng không ông ?

Lê Văn Cuông : Nói tóm lại, càng ngày vấn đề đánh bắt của bà con càng khó khăn hơn. Ở trong bờ, lượng hải sản ít và không có giá trị cao. Đánh bắt ở ngoài khơi xa, thì phải có các phương tiện đánh bắt, rồi phụ thuộc vào nguồn vốn, vào thời tiết, vào ngư dân nước ngoài. Chủ yếu là với Trung Quốc hay có những va chạm trên biển, [chuyện này] cũng gây cho ngư dân các khó khăn hay tâm lý lo ngại, sợ có các đụng chạm « trên kia » thì bị bắt, hoặc bị gây khó khăn, nên kết quả đánh bắt của ngư dân cũng rất bị ảnh hưởng.

RFI : Ở vùng ven biển, hiện nay có nhiều than phiền là đất bị ngập mặn, không thể trồng cây lương thực được. Theo ông, có phải vấn đề này cứ tiếp tục tồn tại dai dẳng như vậy phải chăng tại vì Thanh Hóa không huy động được các biện pháp khoa học kỹ thuật để có thể canh tác được tại các vùng đất gặp khó khăn này ?

Lê Văn Cuông : Riêng ở Thanh Hóa, có những huyện như Nga Sơn chúng tôi là chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bà con cũng kiến nghị nhiều. Về lâu dài hiện nay có những phương án được đề nghị, như làm đập Lèn để lấy nước ngọt đưa xuống vùng biển để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt, hoặc cũng đang có kế hoạch quai đê lấn biển, hoặc chuyển đối sang cây cói, hoặc sang nuôi hải sản.

RFI : Thưa ông, xin được hỏi ông một câu cuối cùng. Cái ý này nếu có gì không phải xin ông bỏ quá cho. Trong truyền thống của Thanh Hóa, có một số địa phương vác bị gậy đi ra các vùng khác để ăn xin. Vậy thì, phải chăng cái truyền thống đó có ảnh hưởng phần nào đến ý thức tự túc đời sống tại chỗ của người dân ở một số vùng tại Thanh Hóa ?

Lê Văn Cuông : Vấn đề này, thực tế trước đây là có. Có những xã, như xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương), người ta gọi là « ăn mày ». Có rất nhiều người đi lang thang khắp cả nước để ăn xin, nhưng gần đây tình trạng này đã giảm rất nhiều. Và có thể nói, hiện tượng đi ăn xin bây giờ không phải do thiếu đói, do này khác, mà có thể là người ta lợi dụng vào tình hình để người ta đóng giả những người khó khăn, lợi dụng đi ăn xin để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thậm chí có trường hợp, làm một cái nhà, thiếu mấy bộ cửa hay cái này cái khác, thì người ta lợi dụng. Trước đây có cái nghề [ăn mày], vì thiếu thốn, phải đi ăn xin thật. Sau này, cuộc sống khấm khá lên, nhưng mà bản năng, kinh nghiệm đi ăn xin đã nằm trong dòng máu của họ vẫn còn, nên họ [vẫn tiếp tục] lợi dụng để nâng cao cuộc sống, chứ không phải do thiếu. Bây giờ nó phức tạp là thế. Những người đi ăn xin bây giờ có người thực chất, nhưng cũng có người không thực chất.

Nói tóm lại, ở những xã như Quảng Thái chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, và cuộc sống của bà con khấm khá rất nhiều và hiện tượng hành khất, ăn xin khắp nơi không còn phổ biến như trước nữa.

RFI : Xin trân trọng cảm ơn ông Lê Văn Cuông đã trả lời phỏng vấn.

Không có nhận xét nào: