Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Lời nhắn đến Bộ trưởng Đinh La Thăng

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
(Tin tuc) - "Trước đây cũng đã có một số Bộ trưởng hứa rất nhiều nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu, mong rằng..."
"Trước đây cũng đã có một số Bộ trưởng hứa rất nhiều nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu, mong rằng các Bộ trưởng khóa XIII không thất hứa với dân. Mỗi Bộ trưởng phải là một dũng tướng trên sa trường…", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa  8, 9, 10 nói.



"Đã hèn nhát thì đừng làm lãnh đạo"

Thưa ông, gần đây nhân dân khắp nơi nói về một số Bộ trưởng mới đắc cử đã có những phát ngôn đanh thép và hành động kiên quyết vì sự nghiệp phát triển đất nước, vì lợi ích toàn dân. Ông có đánh giá thế nào về những lãnh đạo như vậy?

Tôi đã có 15 năm là Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X và thấy rằng sau mỗi nhiệm kỳ, công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo đều tiến bộ, đó là điều đáng mừng. Mừng hơn nữa là gần đây đã có những Bộ trưởng hành động kiên quyết, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và góp phần quan trọng vào việc điều hành nền kinh tế của Chính phủ.

Cần phải khẳng định rằng vai trò của các Bộ trưởng chuyên trách là vô cùng quan trọng, chỉ có điều bên cạnh những người dám nói dám làm, kiên quyết vì mục tiêu chung thì còn những lãnh đạo chưa đáp ứng được yêu cầu, sự kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là mảng chất vấn đại biểu quốc hội đã được phát huy tốt, để qua đó nhân dân nắm được tình hình, biết được quan chức nào chỉ nói hay mà làm thì dở, qua đó chọn mặt gửi vàng, bỏ phiếu cho những người xứng đáng được trở thành “tư lệnh” của các Bộ, ngành. Chất vấn là một kênh kiểm tra việc thực thi nghị quyết của quốc hội, trong đó có phần các Bộ trưởng trả lời ý kiến cử tri, có đồng chí rất thẳng thắn (kể cả thừa nhận những vấn đề chưa làm được), nhưng cũng có đồng chí thì tìm cách “lách chất vấn”.
Bộtrưởng Đinh La Thăng ra quyết định
cách chức ngay tại công trường
Tôi cho rằng đó là những người hèn nhát, mà đã hèn nhát như vậy thì đừng làm lãnh đạo nữa. 

Theo tôi, Chính phủ cần phải kiên quyết với những lãnh đạo này, việc họ né chất vấn cũng có nghĩa là nhiều vấn đề thuộc chức trách của họ phải thực hiện vẫn còn dang dở, thậm chí có Bộ trưởng chẳng làm được việc gì cho ra hồn trong cả nhiệm kỳ, không để lại dấu ấn nào.

Gần đây, có một số lãnh đạo đã có phát biểu và hành động kiên quyết, đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với vấn đề lãi xuất, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tuyên bố: “Sẽ can thiệp để công chức có nhà ở”; đặc biệt Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã có dấu ấn khá rõ. 
Bộ trưởng Huệ đã để lại dấu ấn sâu đậm với tôi bằng câu nói đanh thép: “Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”. 
Còn Bộ trưởng Đinh La Thăng thì làm tôi nhớ lại thời mình còn trẻ với câu nói: “Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi" và trên thực tế đã hành động rất quyết liệt, bắt đầu là vụ xử lý dứt khoát với lệnh thay đổi nhân sự và phải hoàn thành đúng thời hạn tại công trình cảng hàng không Đà Nẵng.

Thời còn là Tư lệnh quân khu IV, tôi đã từng nói với Đại tướng Đoàn Khuê – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, sau khi giao nhiệm vụ và chỉ tiêu thì hãy cho tôi toàn quyền triển khai công việc tại quân khu của mình. Bởi nếu phải làm theo mọi chỉ đạo của cấp trên thì sẽ rất khó cho lãnh đạo của đơn vị, vai trò của Tư lệnh quân khu vì thế cũng bị triệt tiêu. 

Đại tướng Đoàn Khuê hoàn toàn nhất trí với đề nghị của tôi và nói rằng: “Cơ quan tham mưu đừng cột chặt cấp dưới mà phải giao quyền cho cấp dưới”.

Tôi mừng vì chúng ta ngày càng có nhiều Bộ trưởng có năng lực tốt, dám hành động một cách kiên quyết. Trước đây cũng đã có một số Bộ trưởng hứa rất nhiều nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu, mong rằng các Bộ trưởng khóa XIII không thất hứa với dân. Bên cạnh đó, để các Bộ trưởng làm tốt nhiệm vụ của mình, tôi mong quốc hội sẽ giám sát thật chặt chẽ từng đồng chí qua mỗi kỳ họp, phải có thái độ kiên quyết với những lãnh đạo “nói một đằng làm một nẻo”.

Các Bộ trưởng phải là dũng tướng trên sa trường

Theo ông thì có nên coi mỗi Bộ trưởng giống như một vị tướng trên sa trường? Một vị tướng như vậy thì có quyền lớn tới mức nào, thưa ông?

Trên chiến trường thắng hay thua đều phụ thuộc và những vị tướng khi xung trận, vậy thì trong thời nay mỗi Bộ trưởng cũng có vai trò tương tự như vậy, cho nên tôi mong mỗi Bộ trưởng phải là một dũng tướng trên sa trường.

Thủ tướng điều hành Chính phủ ở tầm vĩ mô chứ không thể nắm tay chỉ cho các Bộ trưởng từng việc chi tiết được, mà các Bộ trưởng phải phát huy tính chủ động sáng tạo. Thủ tướng giống như một tổng chỉ huy, còn mỗi Bộ trưởng là một tư lệnh trên mặt trận, phải có tính quả đoán thực thi nhiệm vụ, không bị sức ép từ thế lực nào cả thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tính chủ động sáng tạo ở đây cũng cần được hiểu rộng ra, nghĩa là việc gì làm có lợi cho dân cho nước thì mạnh dạn đề xuất, thậm chí phải “tiền trảm hậu tấu”, với động cơ trong sáng thì không sợ gì cả, còn tất nhiên là nếu vì mục đích cá nhân (tham nhũng) thì phải xử lý triệt để.

Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế giám sát các Bộ trưởng, phải báo cáo chi tiết và thành thực tại các kỳ họp quốc hội, tránh tình trạng lúc nếu mục tiêu thì to như núi Thái Sơn, nhưng kết quả cuối cùng thu được chỉ còn như một mô đất, như vậy thì sao gọi là nghiêm túc, như vậy thì sao có thể làm gương cho cấp dưới, và như vậy thì càng làm mất niềm tin trong nhân dân.

Nhân đây, tôi cũng xin gửi tới đồng chí Bộ trưởng Giao thông lời nhắn nhủ rằng, có rất nhiều việc cần phải làm, nhưng trong đó có một vấn đề quan trọng đó là giao thông đường biển cần phải được lưu ý, bởi nó có khả năng tạo ra thế đứng cho Việt Nam trong khu vực. Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc và tính toán nghiêm túc để triển khai các dự án có tính thực tiễn, không đầu tư tràn lan vào các dự án viển vông, chưa cần thiết cho đất nước trong thế kỷ này.

Một số ý kiến cho rằng, quan chức khi còn tại vị chẳng mấy ai dám nói và làm thẳng tay vì nhiều mối quan hệ khác nhau, nhất là khi mới nhậm chức. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

Tôi có thể nói thế này, khi còn đương chức thì đó chưa phải là con người thật hoàn toàn, bởi có rất nhiều việc phải được tiến hành một cách có hệ thống, cần sự hợp sức của nhiều người, nhiều đơn vị, mà con người thì chẳng phải ai cũng đi đến một đích giống nhau. Tôi quan niệm rằng mục đích của quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích chung, do đó thành quả lớn nhất mà người lãnh đạo đạt được chính là sự quý trọng của nhân dân.

Trên thực tế có những quan chức hành xử có nhiều vụ lợi cho cá nhân mình, để rồi đến lúc đã nghỉ hưu chẳng có anh em bạn bè, bị nhân dân coi thường – đó là sự bất hạnh, cho nên mong rằng sau này đừng có lãnh đạo nào để mình rơi vào cảnh ngộ như vậy. Hãy làm mọi việc vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, chứ đừng vì tính chất nhiệm kỳ, khiến cho các thế hệ sau không kế tục được. Có thể rằng nhiệm kỳ này đồng chí lãnh đạo đó chưa tạo ra sản phẩm lớn, nhưng phải mở ra được cánh cửa cho nhiệm kỳ sau. Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc là một trong những tấm gương điển hình về một lãnh đạo dám hy sinh vì dân vì nước.

Theo ông thì vì sao trước đây không nhiều Bộ trưởng dám hành động mạnh mẽ như vậy?

Vì bây giờ dân trí cao hơn, việc giám sát được thực thi tốt hơn, tính dân chủ được nâng cao… tất cả những điều đó buộc những người đứng đầu phải mạnh mẽ, phải quyết liệt với quyền hạn được giao. Tôi cho rằng, nếu mỗi Bộ trưởng đều có năng lực tốt, đều có tâm với công việc thì chẳng sợ thế lực nào cả; còn những ai sợ sệt, lo giữ ghế thì cũng có nghĩa là nhân dân chẳng thể mong chờ gì từ họ đâu, loại quan chức như vậy sớm muộn gì cũng phải bị gạt bỏ.

Theo tiến trình phát triển tự nhiên thì đất nước nào cũng phải trải qua một giai đoạn quá độ để vươn tới trình độ cao hơn, và những kẻ bị coi là “sâu mọt của đất nước” chắc chắn sẽ bị loại bỏ, nhưng nếu cùng một lúc mà có nhiều con sâu thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Tôi cho rằng, tính dân chủ và vai trò giám sát của nhân dân được phát huy tốt thì cũng có nghĩa là sẽ tìm được nhiều cán bộ lãnh đạo tốt, mà hai yếu tố này có thực hiện được tốt hay không thì lại phụ thuộc rất nhiều vào những người lãnh đạo đứng đầu đất nước.

Chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tính dân chủ cao hơn. Cần phải xem xét thành quả làm việc, cống hiến, thực tiễn công tác của cán bộ (tránh tình trạng sống lâu lên lão làng, dù chẳng có thành tích gì đáng kể); cải cách cơ chế, thay đổi nhận thức về vấn đề căn cứ vào bằng cấp để đề bạt cán bộ lãnh đạo. Tôi thấy rằng, bằng cấp chỉ là điều kiện cần thôi, nhưng không nên phụ thuộc vào nó một cách thái quá như hiện nay. Trước đây, lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta có nhiều đồng chỉ không được học hành bài bản ở trường lớp, bằng cấp có đâu mà vẫn giỏi, vẫn lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn một cách xuất sắc, đó là vì các đồng chí ấy tự ý thức học tập để vươn lên.

Có là quá sớm không nếu nói rằng đang có những dấu hiệu chuyển biến tốt trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng đồng chí nào được chọn lựa để nắm các vị trí quan trọng đều có trách nhiệm cả. Tuy nhiên, để thực thi được chức trách của mình, làm được những nhiệm vụ quan trọng không phải là chuyện dễ dàng, như tôi đã nói thì đó là vì tư duy của mỗi lãnh đạo khác nhau, cho nên không phải ai cũng đi một con đường giống nhau.

Vì thế, tôi hiểu rằng một Bộ trưởng muốn hoàn thành được nhiệm vụ trong nhiệm kỳ thì đó là quá trình đấu tranh quyết liệt với bản thân (giữ được sự trong sáng – chuẩn mực), đấu tranh với cấp trên, đấu tranh với đồng cấp, đấu tranh với cấp dưới, phải luôn lấy nhiệm vụ làm mục tiêu.

Theo tôi, để chọn và sử dụng được những cán bộ lãnh đạo ưu tú thì cần lưu ý hai việc:

Thứ nhất, phải chọn được người có tâm và chí. Về năng lực với các lãnh đạo, tôi cho rằng không cần phải ở mức xuất sắc bởi ai thì cũng phải có quá trình phấn đấu, nhưng phải có chí lớn – chí ở đây là chí lớn, là ý chí vững vàng trước mọi hoàn cảnh, mọi tác động từ ngoại cảnh, hay nói cách khách thì phải có đức độ, phải có uy tín, vì uy tín của người đứng đầu sẽ giúp tập hợp được nhiều người giỏi để cùng hướng tới mục tiêu chung.

Người lãnh đạo giỏi không phải là người có thể tự tay làm được tất cả mọi việc, mà là người tập hợp được nhiều nhân tài, trong lịch sử các triều đại của Việt Nam đã có nhiều bài học như vậy.

Thứ hai, phải giám sát chặt chẽ để giúp cán bộ lãnh đạo tránh được những cạm bẫy. Có những cán bộ khi nhậm chức thì quyết tâm đấy, nói rất hay đấy, nhưng rồi bị các quyền lợi cá nhân làm cho hoa mắt, ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thì mong manh lắm, khi đã bán rẻ nhân cách của mình rồi thì chẳng còn cách nào quay lại được nữa.

Ông từng là Tư lệnh quân khu IV. Vậy ông có thường xuyên kiểm tra và ra những quyết định cứng rắn?

Tôi luôn sẵn sàng ra những quyết định cứng rắn và chịu trách nhiệm tới cùng với quyết định của mình. Chính vì vậy, tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp cấp trên là Cố Đại tướng Đoàn Khuê để đưa ra chính kiến của mình và yêu cầu được toàn quyền quyết định ở quân khu IV. Tôi mong rằng các Bộ trưởng của chúng ta bây giờ sẽ luôn sẵng sàng mạnh mẽ, để không có dự án chậm tiến độ, không có sai phạm làm thất thoát tiền của, mồ hôi công sức của nhân dân.
TAGS: bo truong dinh la thang, tuong thuoc, bo truong vuong dinh hue, 
bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Không có nhận xét nào: