Thư tòa soạn

            Tổ Quốc
  số 108. 01/04/2011


Nhật buộc cả thế giới phải kính phục
Tai họa xẩy đến cho nước Nhật không thể mô tả.  Một trận động đất với cường độ chưa từng có phối hợp với một đợt sóng thần lớn nhất trong lịch sử Nhật đã cuốn đi hàng chục thành phố dọc theo một bờ biển dài gần 200 Km và làm thiệt mạng gần 30.000 người. Thêm vào đó là nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị hư hại, phóng xạ chưa kiểm soát được, có nguy cơ phát nổ, hậu quả lâu dài còn nặng nề hơn những tàn phá của thiên nhiên. Thiệt hại sẽ còn kinh khủng hơn nhiều nếu Nhật không phải là nước giầu mạnh hạng nhất thế giới và đã chuẩn bị rất chu đáo để đương đầu với động đất và sóng thần.
Bài học đầu tiên đến từ Nhật là bài học khiêm tốn. Loài người vừa được nhắc nhở về sự nhỏ bé mong manh của mình trước thiên nhiên và về sự ngắn ngủi phù du của cuộc sống. Trước hết là đừng quá tự tin mà nghĩ rằng mình đã đủ thận trọng trong quan hệ với thiên nhiên. Sau sự cố nghiêm trọng tại Fukushima Trung Quốc đã quyết định đình chỉ chương trình xây dựng 160 lò phản ứng nguyên tử. Đó là một quyết định đúng, Việt Nam cũng phải xét lại dự án điện nguyên tử. Sau đó, thái độ sáng suốt cho mọi người, trong mọi quốc gia và trên cả thế giới, là hãy khôn ngoan để sống một cách khiêm cung, hài hòa và liên đới với đồng bào, đồng loại và thiên nhiên. Nếu tại họa này giúp chúng ta một lần nữa nhận ra sự u mê của những tham vọng quyền lực và sự kệch cỡm của những chính sách đàn áp và khống chế thì đó chính là cách để tưởng nhớ các nạn nhân.
Nổi bật hơn, đây cũng là dịp để thế giới nhìn rõ hơn chân dung của dân tộc Nhật, một chân dung tráng lệ bắt buộc sự thán phục. Đã không hề có hoảng loạn, gào thét, chen lấn, trộm cướp, hôi của. Người ta đã chỉ thấy một dân tộc Nhật, già trẻ, nam nữ, và cả trẻ thơ kỷ luật, bình tĩnh, an nhiên. Khi thủ tướng Nhật nói một cách giản dị "chúng tôi sẽ xây dựng lại" không ai nghĩ rằng ông đã quá lạc quan. Không thể khác, người Nhật một lần nữa đã chứng tỏ một sự dũng cảm và một khả năng thích nghi phi thường.
Họ đã chứng tỏ nhiều lần trong quá khứ. Vào thế kỷ 16, khi tiếp xúc với Phương Tây, dù đã là nước tiến bộ và hùng mạnh nhất Châu Á, họ đã có can đảm nhìn nhận mình thua kém và nhanh chóng học hỏi thay vì tự mãn và chống trả. Giữa thế kỷ 19, khi vừa dụng độ với Hoa Kỳ, họ nhận ra là mình vẫn chưa đủ mạnh và nhượng bộ ngay để học hỏi thêm. Sau Thế Chiến II, họ đã dứt khoát vất bỏ chế độ độc tài quân phiệt để chọn dân chủ và phồn vinh. Từ hơn hai thâp niên qua Nhật đang làm một trong những xét lại lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử của họ, đó là từ giã mô hình xã hội truyền thống để tiến tới một tổ chức xã hội mới và hợp lý đặt nền tảng trên con người và trên một quan niệm quốc gia mới. Họ đang thành công cuộc cách mạng văn hóa này. Không ai ngờ vực sự can trường của người Nhật, nhưng điều đáng phục nhất nơi họ là sự sáng suốt và dũng cảm để lấy những quyết định thay đổi nhanh chóng và quả quyết. Chính vì thế mà họ đã xây dựng được một quốc gia phồn vinh và tiến bộ hạng nhất trong những điều kiện địa lý và thiên nhiên rất bất lợi.
Dân tộc ta có rất nhiều điều để học hỏi từ người Nhật. Trí thức Việt Nam càng phải khiêm tốn học hỏi trí thức Nhật, nhất là trong khúc quanh lịch sử trọng đại này. Để dám đứng dậy đòi dân chủ.

Ban biên tập

Không có nhận xét nào: