TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm


THÔNG BÁO SỐ 2
CỦA TẬP THỂ 42 CÔNG DÂN GỞI VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ TỔ CHỨC BIỂU TÌNH ĐẾN
THÀNH ỦY ĐẢNG CỘNG SẢN, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN & ỦY BAN TP HỒ CHÍ MINH
—oOo—


Chúng tôi xin thông báo chung diễn tiến tình hình giải quyết văn bản đề nghị biểu tình của lãnh đạo thành phố từ ngày 27/7/2012 đến nay như sau:
Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị của chúng tôi ngày 27/7/2012, lãnh đạo thành phố đã triển khai một số biện pháp sau đây :
─ Mời một số Công dân là Đảng viên đến gặp Bí thư Đảng ủy phường, Bí thư chi bộ khu phố. 
─ Mời 3 trong 42 Công dân đến phòng tiếp dân của UBND TP Hồ Chí Minh (phòng họp có thu băng và thu hình ).
─ Mời một số Đảng viên và Công dân đến Công an các cấp.
─ Một số công dân không được mời.
Một số nội dung được các cấp Ủy Đảng, Ủy ban và Công an TP, quận, huyện, phường xã đã tập trung như sau :
─ Đề nghị xác nhận chữ ký trong đơn , hỏi ai soạn thảo và đưa ký
─ Biểu tình là vi phạm vì chưa có luật biểu tình , biểu tình bị thế lực thù địch lợi dụng
─ Đề nghị rút tên , đảng viên được nhắc nhở biểu tình là vi phạm điều cấm Đảng viên.
─ Đề nghị không đi biểu tình.
Tất cả các công dân được mời đều xác nhận đã ký và không rút tên, riêng các đảng viên chấp nhận mọi hình thức kỷ luật Đảng ngay cả khai trừ Đảng.
Một số nhận xét chung :
─ Trong tiếp xúc thái độ của các cấp ủy Đảng và Công an tỏ ra ôn hòa, không phủ nhận được cuộc đấu tranh chính nghĩa chống nhà cầm quyền Trung quốc xâm lược của các công dân được mời, hứa chuyển ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các công dân lên cấp trên.
─ Biện pháp mời riêng lẻ của các cấp lãnh đạo thay vì mời chung 42 công dân là nhằm ý đồ uy hiếp tinh thần, gây chia rẽ nội bộ và thiếu ý thức tôn trọng đối với các Công dân đã ký tên vào văn bản đề nghị.
Một số đề nghị của tập thể 42 công dân:
─ Lãnh đạo thành phố có văn bản phúc đáp đối với văn bản đề nghị của tập thể 42 công dân .
─ Tổ chức các cuộc đối thoại công khai như Hội đồng nhân dân thành phố đã từng thực hiện chương trình “nói và làm”.
─ Hình thức bày tỏ yêu nước của công dân là đa dạng như biểu tình, mít tinh , hội thảo trong các trường học, cơ quan, xí nghiệp thông qua vai trò của các cấp quản lý và đoàn thể quần chúng, ra tuyên ngôn, tuyên cáo của các hội đoàn quần chúng…Việc lãnh đạo thành phố cho rằng các hoạt động này “dễ bị địch lợi dụng” là vô tình đánh giá thấp vai trò của lực lượng công an, quân đội trợ thủ đắc lực của Đảng và Nhà nước
Trong khi chờ đợi văn bản trả lời của lãnh đạo TP, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục khiêu khích, gây hấn, thì chúng tôi sẽ có quyết định kịp thời để bày tỏ thái độ yêu nước phù hợp của mình.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 08 năm 2012
Thay mặt tập thể 42 công dân
TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm

Nguồn LÃNH ĐẠO TP HCM TRẢ LỜI VỀ KIẾN NGHỊ TỔ CHỨC BIỂU TÌNH …Chỉ có ba trong 42 người ký tên vào kiền nghị tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược được UBND TP HCM mời đến làm việc, đó là các anh Lê Công Giàu, Nguyễn Quốc Thái và Cao Lập. Qua cuộc gặp mặt ấy, những người được mời đã ghi nhận lại nội dung buổi làm việc. Đây là bản ghi nhận chỉ gởi riêng đến những người cùng ký đơn nhưng không được mời để những người nầy nắm được sự việc. Tuy nhiên vì thư kiến nghị đã được đăng công khai và thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người nên tôi thấy cần thiết và mạo muội đăng công khai bản ghi nhận mà cá nhân tôi vừa nhận được.

Ghi nhận về cuộc họp ngày 7-8-2012 với lãnh đạo TP.HCM
Vào lúc 13giờ 30 ngày 07-08-2012 theo thư mời của UBND Tp Hồ Chí Minh , chúng tôi gồm Lê Công Giàu , Nguyễn Quốc Thái và Cao Lập là 3/42 công dân  ký tên vào văn bản đề nghị tổ chức biểu tình chống hành động khiêu khích và sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc đã có buổi làm việc với UBND TP. HCM tại văn phòng tiếp dân số 15 Nguyễn Gia Thiều Quận 3 . Do lãnh đạo thành phố chỉ mời 3 người chúng tôi nên chúng tôi thấy có trách nhiệm phải báo cáo những nội dung chủ yếu đến các anh chị không tham dự  cuộc họp   nói trên .
Thành phần tham dự :
Ông Lê Minh Trí : Phó Chủ Tịch UBND TP. HCM
Ông Nguyễn Thành Tài : Chuyên viên cao cấp của UBNDTPHCM
Ông Phạm Văn Thành : Chủ nhiệm văn phòng tiếp công dân TP. HCM
Ông Lâm Văn Ba :   Phó Văn phòng UBND TP.HCM
Đại diện ban Tuyên Giáo Thành ủy, đại diện sở Tư pháp và các nhân viên giúp việc của văn phòng tiếp công dân
Và chúng tôi gồm Lê Công Giàu , Nguyễn Quốc Thái và Cao Lập
Mở đầu cuộc họp ông Lê Minh Trí cho biết do ông chủ tịch UBND TP.HCM bận nên ủy nhiệm ông chủ trì cuộc họp này . Ông trình bày :
Trong quá trình lãnh đạo đất nước và dân tộc, Đảng Cộng sản VN đã lãnh đạo thành công các cuộc cách mạng bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Đảng đã chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo đưa đất nước và dân tộc vượt qua bao khó khăn và giành thắng lợi, do vậy phải tin tưởng vào Đảng . Về việc chống Trung Quốc, Đảng đã làm được nhiều việc trên các mặt quân sự, ngoại giao . Quan điểm của Đảng là mềm dẻo nhưng kiên quyết . Phải giữ ổn định để bảo vệ thành quả bao năm nay và để phát triển . Phải mạnh để bảo vệ tổ quốc tốt hơn.  Về việc yêu nước có nhiều cách yêu nước , UBND và Thành Ủy chưa chủ trương biểu tình lúc này, biểu tình không giải quyết được tình hình chống Trung Quốc . Hiến pháp có xác định quyền biều tình của công dân nhưng chưa có luật biểu tình, Nghị định 38 có quy định tụ tập đông người phải xin phép và chính quyền sẽ cân nhắc lợi hại  để cho phép hay không.
Ý kiến của Anh Lê Công Giàu , Nguyễn Quốc Thái và Cao Lập :
Hoan nghênh việc tiếp công dân của lãnh đạo TP.HCM , các anh em được mời họp không đại diện cho tất cả  42 công dân đã ký tên và đề nghị lãnh đạo TP nên tiếp tục mời đầy đủ mọi người .
Nhắc lại lý do gởi văn bản đề nghị tổ chức biểu tình , khẳng định đó là thái  độ yêu nước cần bày tỏ trước hành động khiêu khích, sai trái xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, giúp chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh với Nhà cầm quyền Trung Quốc .
Nhân dân lo lắng Đảng và Nhà nước đã phản ứng quá yếu  trước các hành động gây hấn, sai trái của Trung Quốc khác với phản ứng mạnh mẽ của các nước như  Philippines, Nhật, Ấn Độ, Nga … Nhân dân thắc mắc Đảng và Nhà nước  phải chăng bị trói buộc vào “16 chữ vàng và 4 tốt” và phải gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng nên không cứng rắn trong phản ứng ?. Trong khi Đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc đã phơi bày dã tâm và ý đồ xấu xa của họ thì tại sao chúng ta lại phải gìn giữ, bảo vệ “16 chữ vàng và 4 tốt” ? .
Nhân dân cũng thắc mắc tại sao năm 1979 Đảng đã phản ứng  mạnh mẽ , đã phát huy lòng yêu nước của toàn dân tộc chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc thì nay lại không ?. Đảng và Nhà nước phải trả lời cho nhân dân được rõ!
 Đảng cần  xác định  bọn xấu , các thế lực thù địch  là ai ,để dân cảnh giác!. Nếu Đảng dựa vào dân thì không sợ bất cứ kẻ thù nào, lịch sử đã chứng minh điều đó. Đảng phải xây dựng thế trận lòng dân, dựa vào dân, không có dân thì dù có vũ khí tối tân bao nhiêu cũng  không đánh thắng quân xâm lược. Có súng nhưng sẽ không có người cầm súng .
Khi đất nước gặp nguy biến, giặc xâm phạm bờ cỏi sẽ  có 3 hạng người : Yêu nước, cam chịu làm nô lệ, làm tay sai . Những người yêu nước chống ngoại xâm cần được Đảng, Chính Phủ khuyến khích, sao lại bị cản trở, bắt bớ ? Sau khi lãnh đạo TP.HCM  nhận được thư đề nghị tổ chức biểu tình thì  nhiều người bị công an, cấp  ủy địa phương, cơ quan triệu tập hạch hỏi, uy hiếp, yêu cầu rút tên . Nhiều người trong đó có cán bộ, Đảng viên bị theo dõi . Việc làm này là không nên vì phản tác dụng và đẩy những nguời yêu nước vào thế đối lập với Đảng và Nhà nước và làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của Đảng.
Tổ quốc là trên hết, yêu nước là thiêng liêng thì sao nhân dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước lại phải xin phép, phải chờ luật, chờ nghị định ? Lớp người ký tên đã lớn tuổi, đi biểu tình là chuyện phải làm và để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước cho các thế hệ thanh niên kế tiếp. Đảng phải biết trân trọng việc truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ. Cách nói “mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo” sẽ làm lụi tàn ngọn lửa yêu nước trong thanh niên, trong nhân dân. Cụ Nguyễn Đình Đầu một nhân sĩ 93 tuổi đã nhờ nhắn đến lãnh đạo thành phố là phải giữ vững đoàn kết trong nhân dân .
Đồng ý với chủ tọa cuộc họp là yêu nước phải có nhiều hình thức, như vậy ngoài biểu tình, phải tổ chức nhiều hình thức như : mít tinh, hội thảo trong cơ quan, xí nghiệp, trường trung học, đại học, tổ chức mit ting hàng vạn người tại sân vận động … thông qua các đoàn thể quần chúng .Việc này Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình không sợ kẻ xấu lợi dụng như cách nói quen thuộc hiện nay .
Trong khi Trung Quốc đã tuyên truyền giáo dục trong nhân dân của họ và thông qua các phương tiện truyền thông rộng rãi  nhất những thông tin sai lệch về chủ quyền của họ trên biển Đông, khơi dậy lòng hận thù dân tộc thì chúng ta lại hạn chế, ngăn chặn các thông tin về chủ quyền biển đảo chính đáng của VN. Thậm chí việc tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh tại đảo Gạc- ma cũng bị cấm. Chúng ta phải phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt và không dùng hàng nhập lậu, hàng độc hại, không nhãn mác …của Trung Quốc đó là cách khơi dậy lòng yêu nước và có lợi cho đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời phải tận dụng các phương tiện truyền thông, hệ thống giáo dục, các đoàn thể quần chúng, hội đoàn…vào việc giáo dục lòng yêu nước và kiến thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường sa của Việt Nam .
Để có thể lãnh đạo được toàn dân, Đảng phải làm cho dân tin trong việc chống tham nhũng, trong thái độ dứt khoát với nhà cầm quyền Trung Quốc, nên bỏ “16 chữ vàng và 4 tốt” vì không ai bắt chúng ta phải nói diều này,dân cũng không chấp nhận. Lấy lợi ích đất nước và dân tộc làm trọng thay cho việc lấy quan hệ  giữa 2 Đảng, hai nhà nước làm trọng
Nhắc lại Đề nghị UBND Tp, Th/ỦY cần quan tâm lắng nghe tiếng  nói của các tầng lớp nhân dân . Cần tổ chức các cuộc gặp gỡ với các công dân chưa được mời họp và mở rộng ra mời nhiều anh chị khác .
Ông Lê minh Trí và Ông Nguyễn Thành Tài nói ghi nhận và chia sẻ tinh thần yêu nước  của các anh em , những ý kiến đóng góp là tích cực và hứa sẽ chuyển lên trên việc tiếp tục mời các công dân chưa được mời trong lần này .
Cuộc họp kết thúc lúc 16g cùng ngày
TP Hồ Chí Minh  10-08-2012 
Lãnh đạo TP HCM đã giải quyết như thế nào về đề nghị ngày 27/7/2012 của 42 công dân Thành phố? – Những ghi nhận bước đầu 
(BoxitVN). Lê Hiếu Đằng
Ngày 27/7/2012, 42 công dân TP HCM gửi văn bản đề nghị Thành ủy Đảng Cộng sản ViệtNam, HĐND, UBND TP HCM có chủ trương để Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các đoànthể, tổ chức thành viên tổ chức để nhân dân Thành phố biểu tình chống những hành động gây hấn, khiêu khích và xâm lấn Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc gần đây; trong trường hợp lãnh đạo Thành phố không có chủ trương thì nhân dân TP thực hiện quyền hiến định của mình sẽ tự đứng ra tổ chức cuộc biểu tình với mục tiêu nói trên.
Sau khi gửi văn bản, chúng tôi chờ đợi thái độ và việc xử lý của lãnh đạo TP như thế nào trước việc làm công khai, minh bạch và hợp với nguyện vọng của quần chúng đang sôi sục trước những hành động không thua gì bọn cướp biển của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhất là mới đây, chúng xua hơn 23.000 tàu cá (không loại trừ có vũ trang) tràn ngập Biển Đông; trong đó, có “đoàn tàu gần 300 chiếc của tỉnh Quảng Tây sẽ đánh bắt cá ở vịnh Bắc bộ” (báo Tuổi Trẻ ngày thứ Bảy 04/8/2012 đưa tin theo Tân Hoa Xã), xâm phạm nghiêm trọng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đẩy ngư dân Việt Nam vào hoàn cảnh nguy hiểm, khốn khó trăm bề trong mưu sinh mà không được bảo vệ.
Nhưng điều làm chúng tôi kinh ngạc là thay vì lãnh đạo TP. HCM nghiên cứu nghiêm túc văn bản nói trên và tổ chức đối thoại công khai với 42 công dân của TP thì họ lại hù dọa bằng cách cho công an, các viên chức Đảng, chính quyền địa phương đến nhà một số người ký tên để “điều tra” hoặc mời đến cơ quan nhà nước để “làm việc”. Các vị lãnh đạo TP HCM lại phạm một sai lầm lớn vì không đánh giá được những con người đã ký tên vào văn bản đó là ai.
Đó là vị học giả uy tín vang danh cả nước Nguyễn Đình Đầu, người có những cống hiến nổi bật trong nghiên cứu về Biển Đông, về địa bạ các tỉnh, v.v.; người mặc dầu tuổi cao, sức yếu, đã đi đầu trong cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Trung Quốc ngày 05/6/2011. Đó là những Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ đã lăn lộn đấu tranh trong nghị trường Sài Gòn chống độc tài, quân phiệt, trên mặt trận báo chí đối lập, tiến bộ… Đó là giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, gần 80 tuổi, mặc dầu mắc phải bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn xông pha đi đầu trong các cuộc biểu tình gần đây. Đó là những linh mục tiến bộ đi theo đường hướng Công đồng Vatican II, đó là những giáo sư, tiến sĩ, những giảng viên đại học dũng cảm và đáng kính, đó là các nhà văn, nhà báo, là các công thương gia, các cựu sinh viên đã được trui rèn qua lửa đỏ của cuộc đấu tranh trong phong trào đô thị trước 1975, đã từng bị bắt, bị lưu đày ra Côn Đảo, có người đã bị tòa án vùng III chiến thuật lên án tử hình…
Những con người đã kinh qua thử thách, chiến đấu chẳng lẽ đi sợ trò “rung cây nhát khỉ” kia sao? Công an và các viên chức Đảng, chính quyền địa phương đưa ra các câu hỏi đã được sự chỉ đạo thống nhất như: Chữ ký đó có phải là của anh/chị hay không? Ai đưa ký? Ai soạn thảo văn bản? Cuối cùng, họ đề nghị rút tên và “khuyên” nếu có biểu tình thì không nên tham gia. À ra thế! Các vị đã ký tên thẳng thừng đập lại: Biểu tình chống xâm lược mà sai à? Các anh chị là người Việt Nam hay người Trung Quốc? Kẻ cướp đã vào sân nhà và ngấp nghé vào nhà (thực tế là đã vào nhà rồi từ Lạng Sơn đến Cà Mau, từ Tây Nguyên đến các vùng rừng núi khác…) sao nỡ khoanh tay ngồi yên? Tổ tiên ta đâu có hèn nhát như thế đâu? Sợ không làm thì để dân làm chớ? Dân là gốc mà các vị quên rồi sao? v.v. Tất cả đều tỏ thái độ dứt khoát không rút tên. Riêng với số vị là đảng viên, trong đó có người 40, 50 tuổi Đảng, đã thẳng thắn nói rõ không vi phạm điều lệ Đảng, mà chính người đưa ra 19 điều cấm, trong đó có cấm đảng viên tham gia ký tên tập thể, mới xuyên tạc điều lệ Đảng, đứng trên hiến pháp và luật pháp để tước quyền công dân của đảng viên. Như vậy là bất hợp pháp. Có vị đảng viên khẳng khái nói nếu vì việc tôi ký tên mà khai trừ Đảng, tôi sẵn sàng chấp nhận nhưng tôi công bố lý do bị khai trừ Đảng là vì tôi chống lại hành động gây hấn, bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc. Vậy Đảng này là đảng của ai? Của Việt Nam hay của Trung Quốc?
Công bằng mà nói, các nhân viên công an và quan chức đều có thái độ hòa nhã, vui vẻ. Có nhiều anh em trẻ thanh minh: “Cháu cũng vì nhiệm vụ mà làm thôi”. (Ở Hà Nội, thủ đô của cả nước, cách hành xử không được như vậy: ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP – đã có những lời lẽ mà trong bài viết mới đây, Hạ Đình Nguyên đánh giá là của một sai nha tầm thường. Đúng là một vết hoen ố không đời nào rửa được!!!).
Đến đây, tôi nhớ lại một kỷ niệm. Sau 1975, giới Công giáo Thành phố có một bài hát rất cảm động: “Trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam”. Khi các nữ tu ra Hà Nội hát, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe đã rơm rớm nước mắt. Đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Trước khi trở thành người đảng viên Cộng sản, tôi đã là người Việt Nam. Các đảng phái, các tổ chức chính trị là hữu hạn, có sinh rồi có diệt khi không còn phù hợp nữa. Chỉ có Tổ quốc Việt Nam, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam là trường tồn mãi mãi. Không có một thế lực tham tàn, đen tối nào có thể hủy diệt được. Đó là chân lý. Vì vậy, ngày nay, người Việt Nam chân chính là phải đặt quyền lợi, sự sống còn của đất nước lên trên hết. Tất cả vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tất cả vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm công dân./.
Ngày 4 tháng 8, 2012
L. H. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Phụ lục: Giấy báo bưu điện đã đưa thư của 42 công dân đến tay các vị Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bauxite Việt Nam
Biểu tình là một hoạt động chính đáng và không thể thiếu trong một xã hội dân chủ, văn minh. Các tiến bộ xã hội có được cũng là nhờ một phần vào các hoạt động biểu tình. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cũng đã đòi quyền biểu tình từ rất sớm. Trong một văn kiện có tên “Những nhiệm vụ cần kíp của những người cộng sản Đông dương” viết khoảng năm 1929, ĐCSVN đã nhấn mạnh: “Trong cuộc vận động quần chúng cần phải cổ động cách mạng ngoài đường, trong các đám đông, tổ chức mít tinh, trong nhà máy, không cần xin phép trước, phá trật tự cảnh sát, tổ chức các cuộc mít tinh và các cuộc biểu tình.” [i] Hơn 80 năm đã trôi qua, nhưng hiện quyền biểu tình của người dân Việt Nam vẫn chưa được bảo vệ và tôn trọng dưới chính sự lãnh đạo của ĐCSVN.
Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu một bài viết – kinh nghiệm nhỏ về biểu tình:
Hành động bất bạo động trực tiếp
“Hành động Bất bạo động Trực tiếp” (Non-Violent Direct Action) (HĐTT) là những hành động có những đặc tính cơ bản là: đối đầu, ở nơi công cộng (công khai), có khả năng gây gián đoạn một hoạt động nào đó và có thể là bất hợp pháp. HĐTT có thể thực hiện bằng nhiều hoặc ít người. HĐTT có hiệu quả nhất khi được tính toán kỹ, khi cách tiến hành hấp dẫn được dư luận đối với sự bất công và khi các cách thức đòi hỏi sự thay đổi khác đã được thực hiện nhưng không có kết quả.
HĐTT đã được sử dụng để tạo ra các tiến bộ lớn cho xã hội. Các nhà hoạt động nổi tiếng như Martin Luther King, Ghandi và Rosa Parks đều đã sử dụng HĐTT trong cuộc đấu tranh bất bạo động của họ. Lịch sử nhân loại đã cho thấy HĐTT làm cho mọi người chú ý đến các bất công của xã hội và giúp cho các phong trào tiến bộ phát triển.
Mỗi khi nhóm của bạn nghĩ đến HĐTT, bạn cần phải xem xét kỹ 4 vấn đề sau:
─ HĐTT sẽ đưa phong trào của bạn tiến lên hay lùi lại?
─ Bạn sẽ được hậu thuẫn rộng rãi?
─ Bạn có thuyết phục được người khác về sự cần thiết của HĐTT?
─ Bạn đã sẵn sàng để giải quyết các khó khăn khi có rắc rối chưa?
Hãy để tất cả mọi người thể hiện những suy nghĩ, băn khoăn, sợ hãi và kinh nghiệm của họ. Trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào bạn nên xem lại các khả năng hành động khác đã được đề cập, nghiên cứu. Nếu sau tất cả những xem xét, lắng nghe đó mà bạn vẫn thấy HĐTT là cần thiết thì đây là một số điều mà bạn cần phải lưu tâm tiếp:
1. Tâm điểm của Hành động: Đâu là vấn đề bạn muốn nhấn mạnh, làm nổi bật? Ai, nhóm người nào bạn muốn kêu gọi sự chú ý? Nếu bạn muốn phản đối một điều gì thì công sở, trụ sở, tòa nhà nào bạn sẽ hướng hành động vào?  Bạn phải chắc chắn là tòa nhà đó đang làm việc và những người mà bạn muốn gửi thông điệp tới đang có mặt ở trong đó và bạn cần phải biết rõ đường đi, các cửa ra vào và các văn phòng ở trong đó. Phải tránh mọi hành động không hiệu quả.
2. Thời điểm hành động: Đừng hành động nếu thời điểm chưa thuận lợi. Bạn nên dùng thời gian để xây dựng cơ sở hậu thuẫn cho đủ mạnh hơn là hành động vội vã. Nếu vấn đề vẫn đang trong giai đoạn đàm phán thì đó chưa phải là lúc cần đến HĐTT, trừ khi những người đàm phán ngăn cấm những đề nghị của bạn và gây thêm rắc rối cho bạn. Ví dụ, các sinh viên ở một trường đại học, những người ủng hộ bảo vệ môi trường, đã tiến hành biểu tình sau khi ban giám hiệu nhà trường từ chối gặp họ và không đếm xỉa đến các dữ liệu khoa học về thuốc trừ sâu và cũng không đưa ra một thông báo gì như đã hứa. Cũng phải lưu ý là thực hiện một hành động cho một vấn đề mà công luận hầu như chưa biết tới thì rất dễ thất bại hay bị phản ứng ngược.
3. Thu thập dữ kiện: Tìm hiểu những phản đối, phản bác đối với bạn và xem xét vấn đề của bạn liên quan đến lĩnh vực giáo dục và công luận. Điều này cần phải có thời gian.
4. Tìm  hiểu quyền của bạn: Bắt buộc phải biết về những quyền hợp pháp và cả những vi phạm luật hay các trừng phạt có thể. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến một chuyên gia về luật có thiện cảm với bạn. Bạn cũng nên nhớ là bạn có toàn quyền phát tờ rơi cho những thông tin không kích động bạo lực.
5.Chuẩn bị và lên kế hoạch cho sự kiện: Bàn về mục tiêu, về độ dài thời gian tiến hành sự kiện và về khả năng bị giải tán hoặc nguy cơ bị bắt nếu nhà chức trách ập đến. Xác định ngày, giờ, địa điểm và nơi tiến hành sự kiện. Nên nhớ là luôn có nhiều hành động hiệu quả mà vẫn hoàn toàn hợp pháp. Và nếu bạn định chiếm giữ một khu phố hoặc muốn sử dụng các trụ sở, phương tiện công cộng một thời gian thì nên cố gắng đệ trình yêu cầu trước cho nhà chức trách để được sự cho phép. Đừng nên gặp nhau ở địa điểm xảy ra sự kiện mà nên ở nơi gần đó để chờ đến khi số lượng người của bạn đủ một số nào đó thì mới cùng nhau tiến ra nơi tiến hành sự kiện. Nhưng cần phải tôn trọng giờ đã định (như đã kêu gọi). Bạn sẽ làm gì ở nơi xảy ra sự kiện? Phải chuẩn bị các câu khẩu hiệu, biểu ngữ, tờ rơi, loa cầm tay, chuẩn bị người phát biểu, người diễn trò gây chú ý. Chuẩn bị đồ uống, áo mưa,…Phải chuẩn bị đủ các tiết mục để lấp đầy thời gian dự kiến cho sự kiện để tránh nhàm chán.
6. Mạng lưới: Trao đổi và thông báo cho những người ủng hộ hoặc có thể tham gia cùng bạn. Đề nghị các cơ quan truyền thông tiến bộ đến đưa tin. Làm mọi thứ có thể để được hậu thuẫn. Trao đổi với những người có kinh nghiệm để được góp ý, huấn luyện, tập dượt. Điều đó sẽ giúp cho những người thiếu kinh nghiệm về hành động sẽ an tâm hơn và hiểu biết hơn.
7. Truyền thông: Gửi thông cáo hoặc báo tin cho cơ quan truyền thông tin cậy. Nhưng không nên tiết lộ hết kế hoạch của bạn, chỉ cần cho họ thông tin đủ để họ thấy hấp dẫn.
8. Hãy tập trung: Một khi đã lên kế hoạch, hãy tập trung hết sức cho nó! Nếu buộc phải có thay đổi so với kế hoạch ban đầu, cần phải thông báo cho mọi người cùng một lúc. Chỉ để một số người (tốt nhất là người có kinh nghiệm) ra quyết định trong những tình huống khẩn cấp và giao thiệp với cảnh sát khi cần thiết trong lúc xảy ra sự kiện. Đã có những trường hợp thành công ngoài ý muốn chỉ vì việc giao thiệp với cảnh sát được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và khéo léo và cũng có nhiều sự kiện đã bị thất bại chỉ vì ngược lại. Trước khi hành động cần gặp lại nhau thêm một lần để xem lại toàn bộ kế hoạch và giải quyết mọi khúc mắc cuối cùng. Những người tổ chức chính không nên làm thay đổi điều gì chỉ vì tự bản thân thấy thích.
9. Các rắc rối có thể: Kể cả khi hành động của bạn là hợp pháp thì cảnh sát vẫn có thể sách nhiễu hoặc bắt bớ. Hãy chuẩn bị cho điều đó. Nếu bạn có giấy phép để tổ chức sự kiện, mặc dù điều này là hết sức hiếm cho “Hành động Bất bạo động Trực tiếp”, hãy copy ra nhiều bản để phát cho mọi người. Bạn cũng có thể gặp những người cố áp đặt ý tưởng hành động của họ cho kế hoạch của bạn. Phải dự tính một kế hoạch để xử lý với những người đó. Tốt nhất là đề nghị họ có hành động tương ứng với những gì đã được lên kế hoạch và nếu họ từ chối thì đề nghị họ rời khỏi nơi diễn ra sự kiện, nhưng hết sức tránh sa đà vào cãi vã và tuyệt đối không xô xát. Khuyến cáo mọi người tránh các hành vi cướp lời, cãi vã, xô đẩy, gây tổn thương người khác hoặc có bất kỳ hành động phạm luật nào khác. Hãy nhớ: Hưng phấn, Nhiệtthành nhưng phải Đoàn kết! Lưu ý mọi người rằng sẽ bị quay phim, chụp hình và bị đưa lên báo chí để tránh mọi hình ảnh dễ bị hiểu lầm hoặc không có lợi cho mục đích tiến bộ, ôn hòa của sự kiện. Khi ra về nên đi theo nhóm, ít nhất phải là 2-3 người.
10. Hậu sự kiện: Phải chỉ định người cho những việc diễn ra sau khi kết thúc sự kiện. Cần phải có người giao tiếp với truyền thông ngay sau sự kiện để tránh nhà chức trách là bên duy nhất nói về lý do của sự kiện. Phải có người điều phối các vấn đề pháp lý cho sự kiện. Cần phải có người theo rõi tình trạng các yêu cầu, yêu sách đã được công bố hay được thực hiện như thế nào. Cuối cùng nên cùng nhau phân tích, bình phẩm, phê phán, rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra. Và lại tiếp tục cho những kế hoạch mới.
Chúc may mắn!

Không có nhận xét nào: