Lữ Giang

Lê Trọng Văn là ai ? (Đăng lại theo lời yêu cầu)

Lê Trọng Văn (Trái)
Phản ứng khá nhanh
Hôm 2.6.2011 chúng tôi đã cho phổ biến rộng rãi bài “Đấu trí và đấu mồm” nói về các thủ đoạn tinh vi mà CSVN đã xử dụng để bắt các thành phần đấu tranh ở trong nước. Với “Chiến thuật Mường Nhé”, chúng tôi đã dựa vào các tin tức nhận được, cho thấy CSVN đã dùng “binh pháp Thiên An Môn” của Trung Quốc để tiêu diệt cuộc nổi dậy ở Mường Nhé. Với “Chiến thuật Cù Huy Hà Vũ” chúng tôi đã mô tả lại

cuộc chiến giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng với phe đối thủ để tranh quyền trong Đại Hội Đảng XI vừa qua và cả hai phe đều dùng con bài Cú Huy Hà Vũ để hạ nhau. Chúng tôi chỉ không nêu rõ tên phe đối thủ của Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng theo yêu cầu của người cung cấp tin. Vụ biểu tình chống Trung Quốc hôm 5.6.2011 ở Sài Gòn và Hà Nội cũng là một chiến thuật của đảng CSVN nhưng bị Trung lật tẩy. Các nhà đấu tranh bị biến thành công cụ (chúng tôi sẽ nói trong bài khác).

Khi cả thế giới đang hướng về Mường Nhé, website noihaydung.com đã cho phổ biến bài "Hồi chuông báo hiệu âm mưu “DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH”, ký bút hiệu là Hoài Việt, lên án cuộc tranh đấu của người Hmong ở Mường Nhé “thực là một cuộc châm ngòi  trong âm mưu “Diễn biến hoà bình”, với kết luận: “Đây là hồi chuông báo hiệu bước đầu của một âm mưu “Diễn biến hoà bình” mà  chính phủ cũng như toàn dân Việt phải LƯU Ý ĐỀ PHÒNG”.

Website noihaydung.com được đăng ký dưới tên Marilyn Meadows, ở Coral Springs, Florida và do Tuyet Le Bach chủ biên. Hoài Việt, tác giả bài viết nói trên, là một trong các  bút hiệu của Lê Trọng Văn. Sau đó, hôm 6.6.2011 bà Tuyet Le Bach cho phổ biến bài “Tú Gàn là ai” của Lê Trọng Văn để đánh hỏa mù. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một bài viết vớ vẫn, chẳng gây ảnh hưởng  gì.

CHUYỆN CẦN NHẮC LẠI

Chúng ta nhớ lại: Nhật báo Nhân Dân của Đảng CSVN số 693 ra ngày 21.2.2001 có đăng một Thư Ngỏ đề ngày 16.2.2001 của một người ký tên là Lê Trọng Văn, ở San Diego, California, gởi Ủy Ban về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, phản đối việc Ủy Ban mời đại diện các tôn giáo đến trình bày về sự vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nội dung Thư Ngỏ viết như sau:

“Chúng tôi được biết hôm thứ hai (12-2-2001) ủy ban các ngài tiến hành cuộc “điều trần về các vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam” tại Thượng viện đáp ứng yêu cầu của cái gọi là một nhóm người đại diện nhiều tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tôi muốn giải thích rằng chủ đề đó là sai trái, nhất là khi được đặt trong một thời điểm sai trái.

"Thứ nhất, hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ gần đây đã xích lại gần nhau, thiết lập quan hệ ngoại giao và xúc tiến việc ký kết Hiệp định Thương mại. Mặt khác, sau những thập niên chiến tranh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại đất nước... nhằm đạt thành tựu phục vụ đất nước và nhân dân nước này. Trong khi đó chỉ một bộ phận người Việt rất nhỏ ở nước ngoài lại muốn gây rối, chửi bới, phá hoại đất nước vì lợi ích của riêng họ.

"Thứ hai, chúng ta đều biết rất rõ rằng cái gọi là nhóm người Việt Nam đại diện tôn giáo Việt Nam trên thực tế chỉ là những kẻ mạo danh. Họ không đại diện bất cứ cái gì liên hệ Việt Nam vì họ không phải là công dân Việt Nam. Họ là công dân Mỹ hay là công dân Vatican. Thí dụ: ông Võ Văn Ái là người nhập quốc tịch Pháp, từ Paris sang, làm việc cho người Mỹ và mỗi năm nhận khoản tiền khoảng 90 nghìn USD từ Quỹ Hoa Kỳ. Đức cha Trần Công Nghị theo Thiên chúa giáo, rõ ràng phục vụ lợi ích của Vatican, nhiều hơn là phục vụ Việt Nam. Những người nói trên mang nặng tinh thần nô lệ làm thuê, mất gốc và người Việt Nam có thể gọi họ là “kẻ tôi tớ cho ngoại quốc”.

"Qua một thế kỷ là nô lệ, ngày nay chúng tôi đã mở tầm mắt của mình. Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam không cần đếm xỉa những con người đó, bởi vì họ làm vấy bẩn nền văn hóa của chúng ta... Phải nói rằng Chính phủ Việt Nam quá rộng lượng để cho họ tự do truyền bá tôn giáo, làm lu mờ hình ảnh nhân dân Việt Nam, trong khi hầu hết họ không thấu hiểu tín ngưỡng là gì.

"Thứ ba, với ngài Zaechary Abuza, sau khi đọc báo cáo của ngài, chúng tôi thấy có sự mâu thuẫn trong lời lẽ khi ngài viết “Việt Nam không cấm tôn giáo nhưng cứ để cho nó hoạt động trong một môi trường hành chính quan liêu hỗn độn...”. Nếu chúng ta giải nghĩa sáu từ Việt Nam không cấm tôn giáo, thì có nghĩa rằng nhân dân Việt Nam được tự do thờ phụng và tham gia các hoạt động tín ngưỡng...

"Chúng tôi hiểu rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước với nhau dựa trên sự bình đẳng, nước lớn không thể ra yêu sách để dọa dẫm một nước nhỏ như Việt Nam. Các ngài cũng biết hơn chúng tôi là, chính ông Paul Martin, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu nhân quyền Đại học Columbia đã viết: “Nhiều người dân tại những quốc gia như Nga, Pháp, Bỉ và Đức nhìn nhận hành động của Quốc hội Mỹ là một bộ phận của “chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

Chúng tôi muốn các ngài thấy tất cả các điều trình bày trên, và mong các ngài có sự so sánh giữa hai nước (Hoa Kỳ, Việt Nam) để thấy sự khác biệt về văn hóa, xã hội và chuẩn mực tri thức, điều kiện sống... Với sự kính trọng chúng tôi hy vọng các ngài đọc lá thư này và có thể đưa ra quyết định đúng đắn.”

Ký tên: Lê Trọng Văn

(San Diego, Mỹ)

Bài này đã bị cộng đồng người Việt hải ngoại lên án nặng nề, nhất là cộng đồng tại Nam Cali. Trong bài “Bộ mặt con thò lò” trên Saigon Nhỏ ngày 23.3.2001, chúng tôi đã trích đăng lại “thư ngỏ” này với những lời phê phán nặng nề.

TỰ KHAI LÝ LỊCH

Trong lời giới thiệu tập “Hồi ký những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm”, xuất bản năm 1989 tại San Diego, California, một người ký tên là Bùi Ngọc Lâm đã mô tả Lê Trọng Văn như sau:

“Tác giả Dược Sĩ Lê Trọng Văn, bên ngoại vốn cùng quê với anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho nên hai gia đình đã hiểu nếp sống chính trị và xã hội mỗi bên. Đó cũng là lý do khi ông Diệm mới về nhận chức Thủ Tướng, D.S. Văn đã được tiến cử để làm việc với ông Ngô Đình Nhu. Vốn tốt nghiệp Tây học, lại thông thạo các ngoại ngữ Thái-Lào-Miên, cho nên tác giả không những được sự tin cậy của ông Nhu mà còn dành được sự nể vì của ông cố vấn nữa.

“Tất cả những sự kiện trên đã đưa tác giả tới vị trí biết được nhiều, chứng kiến được nhiều thủ đoạn tàn bạo của anh em nhà họ Ngô.”

Trong lời mở đầu của tập nói trên, chính Lê Trọng Văn đã tự giới thiệu như sau:

“Lý do tôi có được một cơ hội biết nhiều các sự kiện tối mật này là vì chính tôi đã làm việc trực tiếp dưới quyền ông cố vấn Ngô Đình Nhu trong suốt 9 năm ròng rã. Tôi được chọn làm việc với ông Nhu vì liên hệ bên ngoại, ngay từ buổi đầu khi ông Diệm vừa về nước làm Thủ Tướng. Tôi được coi như người nhà. Do đó, tuy là một Tham Vụ Bộ Ngoại Giao, nhưng tôi không làm việc ở Bộ Ngoại Giao hay trực thuộc một cơ quan nào của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Những vị chỉ huy các cơ quan như: Sở Nghiên Cứu Xã Hội và Chính Trị Phủ Tổng Thống (Mật Vụ), Nha An Ninh Quân Đội, Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo... đều không biết được những công tác mật do tôi phụ trách.

“Nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên ông Nhu đã giao cho tôi rất nhiều phần vụ quốc tế bên cạnh những vấn đề đối nội tối mật của chế độ.

“Chính vì được giao những công tác trên cho nên tôi đã thấy tận mắt những cảnh giết người man rợ nhất trong lịch sử văn minh nhân loại do một người xuất thân tại trường danh tiếng của Pháp chủ trương, với sự chấp thuận của vị Tổng Thống đương quyền”.

CON BÀI TẨY BỊ LẬT LÊN

Chỉ đọc phần giới thiệu và tự giới thiệu đã trích dẫn ở trên, chúng ta cũng đã thấy Lê Trọng Văn đã xạo một cách ngu xuẩn. Nếu giới thiệu Lê Trọng Văn là phu vác hàng ở cầu Ông Lãnh hay đứng bến xe đò miền Tây... thì quả thật khó ai có thể kiểm chứng được. Nhưng không thể nói rằng Văn là Dược Sĩ hay Tham Vụ Ngoại Giao mà không một Dược Sĩ hay Tham Vụ Ngoại Giao nào ở Việt Nam biết đến. Ở Việt Nam, số Dược Sĩ cũng như Tham Vụ Ngoại Giao rất ít, lại được tổ chức rất chặt chẻ, nên mạo danh là lòi tẩy ra ngay.

Lê Trọng Văn còn được giới thiệu có quê ngoại cùng với Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho nên hai gia đình đã hiểu nếp sống chính trị và xã hội mỗi bên. Do đó khi ông Diệm mới về thì Lê Trọng Văn được giới thiệu để làm với ông Nhu ngay và được ông Nhu coi như “người nhà”. Nhưng bịp đầu hở đuôi. Trong phần “Vài nét về dòng họ Ngô Đình”, Lê Trọng Văn bảo ông Ngô Đình Khả có 8 người con, 2 gái và 6 trai. Hai người con gái là: Ngô Thị Giáo, thân mẫu Giám Mục Nguyễn Văn Thuận và Ngô Thị Hiệp, thân mẫu bà Trần Trung Dung. Sự thật, ông Ngô Dình Khả có đến 9 người con, trong đó có ba người con gái: Người thứ nhất là bà Ngô Đình Thị Giao, vợ của ông Trương Đình Tùng. Bà này đã qua đời năm 1944. Người thứ hai là bà Ngô Đình Thị Hiệp, vợ của ông Nguyễn Văn Ấm. Bà này mới là thân mẫu của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (chớ không phải bà Ngô Thị Giáo!). Người thứ ba thì cả nước đều biết, chỉ một mình Lê Trọng Văn tự xưng là cùng quê và là “người nhà” của nhà Ngô lại không biết, đó là bà Ngô Đình Thị Hoàng, vợ của ông Cả Lễ, tức ông Nguyễn Văn Lễ, nên thường được gọi là Bà Cả Lễ. Bà này mới là thân mẫu của vợ ông Trần Trung Dung. Lê Trọng Văn đem râu cha nọ chắp cằm mệ kia như thế mà dám xưng là “người nhà” của họ Ngô thì không có gì khôi hài bằng!

ĐỤNG ĐỘ VỚI CỘNG ĐỒNG LÀO

Lúc đầu, khi mới qua Mỹ, Lê Trọng Văn định cư ở Denver, Colorado. Địa chỉ ghi trên các thư tín: David Le, 2600 W. Cornell Ave., Denver, CA 80236. Trong thời gian định cư tại đây, giữa Lê Trọng Văn và Cộng Đồng Lào đã xẩy ra một cuộc đụng độ nẩy lửa. Bản Tin Thư có tên là Neo-Lao Haksat Newsletter, trong số ra ngày 9.5.1975 có đăng một bài dưới đầu đề Another “Plain of Jar” in Colorado (Một Cánh Đồng Chum khác tại Colorado) của Lê Trọng Văn, trong bài đó Lê Trọng Văn tự xưng mình là “former diplomatic” (cựu nhân viên ngoại giao), tố cáo người Mèo, tức người Hmong, đã hoạt động cho CIA và giải thích tại sao Việt Cộng và Pathet Lào đã mở một cuộc chiến tranh bí mật chống lại người Hmong và các sắc tộc khác ở tỉnh phía Bắc Lào, với chủ đích biện hộ và tuyên truyền cho Việt Cộng và Pathet Lào. Cuộc chiến giữa Cộng Đồng Lào và Lê Trọng Văn bắt đầu và ngày càng trở nên gây cấn.

Ngày 4.15.1983, Trung Tâm Cộng Đồng Lào (Lao Community Center) đã gởi cho Lê Trọng Văn một văn thư, ở trên lá thư ghi rõ: “To David Le, Former communists dipplomatic and spy in Laos" (Gởi David Le, Cựu nhân viên ngoại giao và gián điệp cộng sản tại Lào). Trong lá thư đó, Cộng Đồng Lào nói: “ông là một tên gián điệp đã báo cáo tất cả tin tức về chính phủ cánh hữu cho cộng sản trong suốt thời gian chiến tranh” (you are a spy who informed all information about the right wing goverment to the communists during the war). Và nếu ông là một tên gián điệp tài giỏi, hãy trả lời các câu hỏi của chúng tôi trong vòng một tuần lễ. Nếu không, ông sẽ trả lời cho hàng trăm ngàn người Hmong đã chết sau chiến tranh, bởi vì ông là một tên gián điệp làm việc rất giỏi cho cộng sản. Nếu ông không thể mang những tội này xuống địa ngục, ông có thể nhờ bọn băng đảng giúp đỡ. (If you cannot bear this sins to hell, then you can have your gang to help you).

Nhận được lá thư này, Lê Trọng Văn co giò bỏ chạy về San Diego, California, lánh nạn. Tài liệu tố cáo này đã được chúng tôi công bố trên Saigon Nhỏ ngày 23.3.2001, nhưng Lê Trọng Văn không hề có phản ứng nào. Bây giờ, trong bài “Tú Gàn là ai” mới được bà Tuyet Le Bach phổ biến, Lê Trọng Văn đã giải thích như sau:

“Với sự cố vấn của ông Tô Tiến Phát, nhóm người Hmong/Mèo làm việc dưới quyền ông ta (Colorado Refugee Services) đã mở một chiến dịch rầm rộ với nhiều mục đích:  1- Làm đơn chụp mũ khiếu nại với FBI (tôi nghe nói nhưng không biết rõ trong đơn viết những gì?). 2- Làm đơn thưa với Bộ Y Tế bang Colorado là Lê Trọng Văn đã lợi dụng chức vụ, cơ hội trong giờ làm việc để tiếp xúc với người tị nạn tuyên truyền đánh phá người Hmong làm lợi cho CS. Yêu cầu bãi chức đương sự.  3- Mặt khác, viết thư gửi cho tôi, nhưng gửi tới văn phòng tôi làm việc phản đối và đe dọa tôi, buộc tôi phải viết thư xin lỗi, đồng thời phải trực tiếp xin lỗi trước Cộng Đồng. người Hmong.

“Tôi cứ lờ đi, không trả lời họ làm như không có chuyện gì xẩy ra. Vì tôi hiểu luật pháp Mỹ cũng như tin tưởng Hoa Kỳ là một nước văn minh Dân chủ Pháp trị, toà án công bằng. Mặt khác, tôi được bác sĩ (giáo sư) trưởng phòng gọi lên, ông cho biết các diễn tiến của sự việc và ông cũng cho biết bên Văn Phòng Tị Nạn bang Colorado đề nghị sa thải tôi. Ông nói với họ là ông không thể chấp thuận vì thiếu bằng chứng. Nếu sa thải, tôi sẽ thưa tại Toà đòi bồi thường. Vả lại, ông không muốn rắc rối”. Và cuối cùng ông nói với tôi: “Thôi, anh cứ làm việc như thường đi và nên cẩn thận đừng để họ kiếm chuyện”.

LỜI MỘT NHÂN CHỨNG

Trong bài “Lời nói chẳng đặng đừng về Một Trang Sử của Ô. Hoàng Cơ Thụy” phổ biến vào tháng 2/2003, phản bác những ngụy chứng về cái chết của Tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế, ông Thái Lân, bút hiệu Nhị Lang, Cố Vấn của Tướng Thế, người đầu tiên đã điều tra cái chết của Tướng Thế, có viết về Lê Trọng Văn khá dài, chúng tôi chỉ xin trích một vài đoạn:

“Vậy tôi phải đặt giùm câu hỏi "Lê Trọng Văn là ai?" cho khách hiếu kỳ, và xin trả lời như sau:

“Tôi chắc từ ông Hoàng Cơ Thụy cho chí toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn trên khắp thế giới đều không biết người ấy là ai. Nhưng riêng tôi thì chẳng lạ gì. Vì ông ta đã từng sống tại Colorado một thời gian khá lâu, và đã có những hành vi mờ ám, bất lương, khuất tất, khả nghi, khiến cộng đồng Colorado không nhìn nhận ông ta vào trong hàng ngũ, và còn xem như một cái gai trước mắt! Vậy những gì tôi sắp tiết lộ sau đây không khỏi làm kinh ngạc nhiều người.

“Trước hết, tôi muốn nói cái tên "Lê Trọng Văn" kia chưa hẳn đã là một cái tên thật. Nó có thể là một bí danh chỉ được ghi trên những cuốn sách tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, bới móc, và vu khống các nhân vật tên tuổi trong Cộng Đồng Lưu Vong mà thôi. Ngoài cái tên ấy ra, tôi được biết họ Lê còn đội nhiều tên khác nữa, như: Lê Văn Thống, David Thống, David Lê Văn, Hoài Việt v.v. Ấy là chưa kể một cái tên bí mật mang quốc tịch Thái Lan không hề dùng tới, nhờ có vợ gốc Thái. Lý do là vì, theo giới thông thạo cho biết, ông ta vốn thuộc nhóm Việt Kiều định cư tại Thái Lan trong thời gian xảy ra cuộc chiến Quốc Cộng...

“Thế rồi từ dạo ấy, không còn ai thấy bóng Thống ta đâu nữa. Hóa ra y đã bị sa thải mất việc, và đã chạy sang San Diego từ lúc nào không biết. Nghe đâu y đã tìm tới núp bóng hai người quen biết, xin làm nghề cắt cỏ độ nhật!”

Có lẽ chừng đó tài liệu cũng đủ cho độc giả nhận ra Lê Trọng Văn và website noihaydung.com là của tổ chức nào.
Ngày 7.6.2011
Lữ Giang

Không có nhận xét nào: