Cao Phong

“Nhà buôn gạo” phải chung lưng với nhà nông

Ngày 6-9, hơn 100 thành viên là hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã về Cần Thơ tham dự Đại hội VFA nhiệm kỳ VII (2011 – 2015). Đến dự đại hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhiều lần nhắc nhở các “nhà buôn gạo” cần gắn kết hơn với 10
triệu hộ nông dân trồng lúa của cả nước, tiếp tục tạo “thế và lực mới” của một cường quốc xuất khẩu gạo.

Lợi nhuận của nông dân là mục tiêu số một.
Báo cáo của Đại hội VFA nhiệm kỳ VII đã đánh giá một cách toàn diện về sự trưởng thành của ngành lúa gạo ViệtNam giai đoạn 2006 – 2010. Trong đó, các thành viên của VFA cùng với sự điều hành linh động của Chính phủ đã đưa ngành lúa gạo Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn, biến động: 2 lần phải buộc tạm ngưng xuất khẩu, 1 lần phải ứng phó với tình trạng biến động giá gạo tại thị trường nội địa. Những ứng xử có tính chất tình thế càng khẳng định sự trưởng thành, bản lĩnh của các doanh nghiệp ViệtNam, những đóng góp của ViệtNam về an ninh lương thực trên thế giới càng được trân trọng.

Thoát khỏi sự thiếu hụt về lương thực, Việt Nam đã tạo dấu mốc và ấn tượng với thế giới vào năm 1989 khi xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn gạo, trị giá hơn 310 triệu USD. Con số thống kê xuất khẩu gạo từ năm 1989 – 2010 của VFA thật ấn tượng: xuất khẩu hơn 76,5 triệu tấn gạo, trị giá hơn 21,6 tỷ USD. Năm 2011, dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, tạo nên kỳ tích cao nhất về số lượng và giá trị trong 22 năm qua.

Trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới biến động theo xu hướng tăng mạnh, Chính phủ Thái Lan quyết định nâng giá thu mua là những điều kiện thiên thời để khẳng định vị thế của xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây cũng là dịp nhiều người mong đợi ngành lúa gạo trong nước trưởng thành về “lượng” và biến đổi về “chất” bằng cách tạo lập thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Gạo xuất khẩu - thế mạnh đặc thù của ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói: “Xuất khẩu gạo không chỉ là lợi nhuận liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà cần phải tính đến giá trị gia tăng và lợi ích của nông dân. VFA phải có giải pháp để hài hòa lợi ích trong giai đoạn tới đây. Cụ thể, cần tăng cường chỉ đạo thương nhân thực hiện nghiêm túc kinh doanh, xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị gia tăng”.

Ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang mạnh dạn đề xuất xác lập lại vị trí của ngành lúa gạo Việt Nam. Theo đó, nên đặt lợi nhuận của người nông dân là mục tiêu số 1, sau đó mới đến an ninh lương thực quốc gia, rồi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. “Khi có lãi cao, nông dân sẽ ùn ùn trồng lúa” – ông Lãm lý giải như một tất yếu cho sự bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Điều này cũng đáng suy nghĩ khi hiện nay nhiều nhà khoa học đang phân vân giữa việc tạo hấp lực mới để nông dân bám trụ nghề trồng lúa thay vì phải đặt nặng nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia lên vai họ.

Đồng hành và gắn kết

Một đại biểu tại đại hội đã phê bình các thành viên chủ chốt VFA nhiệm kỳ qua chưa phản ứng và tổ chức đối thoại, xử lý thông tin kịp thời, nhất là những tin đồn thuộc dạng “cuộc chơi” của các nhà buôn. Thực tế, ngoài năm 2008 các “nhà buôn gạo” Việt Nam đạt lợi nhuận cao, còn lại hàng năm chuyện “thắng thua, lên bờ xuống ruộng” là bình thường. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng các thành viên VFA nếu đấu không lại mặt hàng gạo thơm, cần định vị thương hiệu gạo Việt Nam: luôn tươi và mới, ngọt, đậm đà! Ý kiến này xuất phát từ thành công của các nhà khoa học Việt Nam trong lai tạo các giống lúa ngắn ngày.

Nhiều ý kiến đã ghi nhận sự đóng góp, trưởng thành của các thành viên VFA trong thời qua. Trong đó, VFA đã có những điều chỉnh, cải tiến trong hoạt động và đóng góp tích cực cho thành tựu của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: Vừa qua, VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn thực hiện thí điểm ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với nông dân theo mô hình “liên kết bốn nhà” được nông dân đồng tình và cơ hội mở rộng diện tích bao tiêu rất lớn. Từ năm 2010, các doanh nghiệp thành viên VFA đã tổ chức lực lượng bạn hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực thu mua lúa gạo nông dân ĐBSCL đạt được những kết quả khả quan. Sắp tới, VFA xác định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp và nông dân.

“Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực có vị trí vô cùng quan trọng, liên quan đến sinh kế của hơn 10 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, VFA cần phát triển ngành lúa gạo mạnh, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng lúa” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng gửi gắm.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng mong muốn VFA gắn kết hơn nữa với nông dân, với vùng nguyên liệu, địa phương. Bởi không có nông dân trồng lúa thì cũng không có VFA như hôm nay, hạt lúa và hạt gạo gắn liền nhau. Mong muốn của nông dân vựa lúa ĐBSCL: “nhà buôn gạo” cần là người bạn đáng tin cậy, chung lưng đấu cật với nhà nông!

 Cao Phong

Không có nhận xét nào: