Hoàng Kim

Vụ án Cống Rộc, huyện Tiên Lãng: Anh em ông Đoàn Văn Vươn vô tội
Cửa cống nối thông với hai khu đầm
do Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển

Tòa án chúng ta có nhân đạo hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp?
Năm 1928, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc liêu đã xảy ra việc 2 gia đình nông dân là Biên Toại và Mười Chức vác


dao, vác mác chống lại đoàn “cưỡng chế” tịch thu lúa, giết chết một viên chức người pháp trong đoàn cưỡng chế của chính quyền thực dân Pháp.

Sự việc như sau: ông nội của các ông Biên Toại, Mười Chức khẩn hoang được 73 ha đất ruộng, để lại cho cha ông Biên Toại, Mười Chức, cha ông Biên Toại, Mười Chức chết để 73 ha ruộng này lại cho Biên Toại và Mười Chức cùng anh em.

Tên cường hào người Hoa là Bang Trắc cấu kết với quan phủ Ngô Văn H. ở Giá Rai bẻ cong luật pháp cướp đoạt hết 73 ha ruộng của gia đình Biên Toại, Mười Chức.

Bang Trắc bán 73 ha đất này lại cho bà Hà Thị Tr., nhưng gia đình Biên Toại, Mười Chức không giao đất.

Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại.

Để thực hiện việc “cưỡng chế” tịch thu lúa, chính quyền thực dân Pháp thành lập đoàn cưỡng chế gồm có: hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou với bốn lính mã tà cùng viên chức của làng.

Sáng 16 tháng 2 năm 1928, đoàn cưỡng chế bắt đầu cưỡng chế tịch thu lúa.

Gia đình ông Biên Toại, Mười Chức vác dao, vác mác xông vào chém đoàn cưỡng chế, giết chết viên cò người Pháp Tournier. Phía gia đình ông Biên Toại chết 4 người.

Ngày 17/8/1928 Tòa Đại hình Cần Thơ đưa gia đình ông Biên Toại ra xét xử.

Công tố viên Moureau, thay vì buộc tội theo cương vị, lại biện hộ cho gia đình Biên Toại như một luật sư bào chữa khi nói: “tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Moreau đề nghị tòa tha bổng Biên Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trọng và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).

Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên án: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm.

Vụ án Nọc Nạn và vụ án Tiên Lãng có nhiều điểm giống nhau.

Gia đình ông Vươn và ông Quí cũng bị những kẻ không có trái tim trong UBND huyện Tiên Lãng ra lệnh thu hồi 40,3 ha đất mà không bồi thường, nên ông Vươn và ông Quí vác súng tự chế bắn vào đoàn cưỡng chế làm 6 người bị thương.

Tòa án của bọn thực dân Pháp, xử tha bổng những người nông dân Việt Nam chống lại đoàn cưỡng chế, dù họ giết chết một viên chức Pháp trong đoàn cưỡng chế.

Vậy Tòa án của chính quyền Việt Nam, xử ra sao khi những người nông dân Việt Nam chống lại đoàn cưỡng chế, chỉ làm bị thương nhẹ 6 người trong đoàn cưỡng chế?

Đại tướng Lê Đức Anh, trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Giáo Dục Việt Nam tổ chức nói: “Tôi không tin một người có chí làm ăn cho gia đình và cho xã hội, chưa từng vi phạm pháp luật, mà lại đi chống đối chính quyền Nhà nước. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy? (*)

Đất của nông dân thu hồi làm gì thì phải rõ ràng, phải thông báo trước nhân dân ít nhất một năm, phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân, nếu lấy đất ở khu vực đó”.

Cho nên, Công lý chỉ được thực thi khi gia đình anh Vươn được tòa tuyên: tha bổng, vì Tòa án của chúng ta đương nhiên nhân đạo, công minh hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp.

Chính quyền huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Vươn trái pháp luật

Hầu hết các tờ báo lớn, có uy tín trong nước điều khẳng định chính quyền huyện Tiên Lãng làm trái pháp luật, sai đạo lý khi cưỡng chế thu hồi không bồi thường 40,3 ha đất của anh Đoàn Văn Vươn.

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, GS. Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chỉ ra 2 việc sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng:

“ Pháp luật về đất đai ở nước ta chưa bao giờ cho cấp huyện có thẩm quyền quy định về thời hạn và hạn điền, thế mà Tiên Lãng dám tự quy định. Theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp quy định thống nhất thời hạn sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Nếu đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15-10-1993, nếu đất được giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ ngày giao (quy định hồi tố về thời hạn sử dụng đất). Đây là chính sách rất lớn về đất đai của Đảng và Nhà nước ta.

Các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng có căn cứ vào hết thời hạn mà không được gia hạn. Trong khi đó, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai (khoản 1 điều 34) quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ một số trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất nhưng không trừ trường hợp Nhà nước thu hồi vì hết thời hạn. Đó là cái sai cơ bản thứ hai của chính quyền Tiên Lãng so với pháp luật hiện hành. Tiên Lãng đã tự quyết định trước cả những quyết định lớn về “làm gì khi hết thời hạn sử dụng đất của nông dân” mà Quốc hội sẽ quyết định trước ngày 15-10-2013” [1].

Chống lại việc cưỡng chế tài sản trái pháp luật, có phải là hành động vi phạm pháp luật?

Thế nhưng, cũng như hầu hết các tờ báo lớn trong nước, điều cho rằng ông Vươn, ông Quí có tội khi bắn súng hoa cải và cho nổ mìn tự chế gây thương tích cho 6 người của đoàn cưỡng chế.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng anh Vươn có tội:

“Quyết định thu hội đất và cưỡng chế thu hồi đất của địa phương là sai nên gây ra hậu quả khôn lường, bởi vì nếu quyết định đó là đúng thì người dân đã không chống lại.

Câu chuyện bắt đầu từ đó mà ra thành hậu quả xấu. Tất nhiên cũng phải thấy rõ rằng việc anh Vươn hành động như vậy là hoàn toàn trái pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Với tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc xử lý các bên phải đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật” [2].

Nhìn vào nhận định trên, chúng ta nhận thấy GS Đặng Hùng Võ đã tự mâu thuẩn.

GS Đặng Hùng Võ đã định kiến khi cho rằng chống lại lực lượng cưỡng chế là sai, mà quên rằng lực lượng cưỡng chế được thành lập từ quyết định thu hồi đất sai và quyết định cưỡng chế sai.

Nếu chúng ta đặt câu hỏi ở góc độ: ông Vươn có quyền chống lại một đoàn người đến tước đoạt tài sản của mình một cách sai trái hay không? Câu trả lời sẽ là được phép.

Khi chúng ta công nhận rằng: do quyết định quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng là sai, nên ông Vươn mới nổ súng (bởi vì nếu quyết định đó là đúng thì ông vươn đã không chống lại), thì chúng ta phải công nhận rằng: ông Vươn có quyền tự vệ lại việc làm sai pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.

Thêm nữa, chính quyền huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng còn cấu kết với nhau, để lừa gạt ông Vươn rút đơn kháng án, tôi sẽ nói ở phần sau.

Tức là: việc ông Đoàn Văn Vươn chống lại đoàn cưỡng chế là chống lại việc làm sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng, để bảo vệ tài sản của mình.

Từ những quyết định sai pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng thành lập một đoàn cưỡng chế để thực hiện việc cưỡng chế sai pháp luật, thì đoàn cưỡng chế này không thể đại diện cho pháp luật.

Đoàn cưỡng chế này chỉ là công cụ mà chính quyền huyện Tiên Lãng dùng để tước đoạt tài sản của nông dân.

Đoàn cưỡng chế được thành lập từ những quyết định sai pháp luật, nhằm mục đích tước đoạt tài sản của nông  dân, thì tồn tại của đoàn cưỡng chế là sai pháp luật, do đó không thể nói rằng đoàn cưỡng chế đang thi hành công vụ, vì thế, không thể kết tội ông Vươn, ông Quí chống người thi hành công vụ

Báo Pháp luật TP HCM Online cho biết: “Theo tài liệu chúng tôi có được, trong kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế khu đầm của ông Vươn, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nêu rõ: “Trường hợp các đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng chất cháy nổ, chất độc thì các lực lượng công an, quân sự phải kịp thời xử lý ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu và không dừng việc cưỡng chế”. Điều này cho thấy khả năng phía người bị cưỡng chế sử dụng chất cháy nổ đã được dự liệu và việc cưỡng chế được thực hiện hết sức kiên quyết” [3].

Do đó, nếu ông Vươn và thân nhân không nổ súng, nổ mìn mà dùng bất cứ biện pháp tự vệ nào khác, thì với lệnh của ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng, đoàn cưỡng chế trái luật pháp này sẽ tước đoạt hết tài sản của ông Vươn, bản thân ông Vươn và thân nhân sẽ bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ, và Trung ương cũng như công luận sẽ không biết được sự việc xãy ra.

Vì vậy, nổ súng vào đoàn cưỡng chế là một hành động tự vệ chính đáng của gia đình anh Vươn.


Chính quyền Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất dù trước đó hứa "sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê" để khỏi bị kiện

Chỉ xem xét ở 2 vấn đề sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng mà GS Đặng Hùng Võ đưa ra chúng ta đã thấy rằng: hành động ông Đoàn Văn Vươn nổ súng vào đoàn cưỡng chế được thành lập trái pháp luật để tước đoạt tại sản của ông, là một hành động tự vệ chính đáng.

Thế nhưng, 2 nguyên nhân sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng mà GS Đặng Hùng Võ nêu trên chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Vươn nổ súng.

Nguyên nhân chính khiến ông Vươn căm phẫn đến nổ súng, là do hoàn toàn mất lòng tin vào luật pháp, uất ức vì bị chính quyền huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng mà đại diện là thẩm phán Ngô Văn Anh cấu kết lừa gạt.

Trong Báo cáo số 11/BC-UBND: “về việc cưỡng chế thu hội đất nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sữ dụng và vụ án giết người chống người thi hành công vụ tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lảng” do Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền ký, việc kháng cáo của anh Đoàn Văn Vươn được báo cáo như sau:

“Việc ông Vươn khiếu nại quyết định hành chính của UBND huyện Tiên Lãng đã được Tòa án thành phố Hải Phòng giải quyết tại quyết định đình chỉ số 02/2010 HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật là căn cứ để Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng thi hành”.

Báo cáo này không hề nói đến việc ông Vươn không đồng ý với án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, nên làm đơn kháng án lên Tòa án thành phố Hải Phòng.

Báo cáo này cũng không thể hiện biên bản hòa giải được Tòa án thành phố Hải Phòng thực hiện, do Thẩm phán Ngô Văn Anh chủ tọa.

Trên báo Pháp luật TP HCM Online, về việc hòa giải của Tòa án thành phố Hải Phòng, ông Võ Văn Luân người cùng khởi kiện với ông Vươn cho biết:

“Tôi và anh Vươn cùng khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng, cùng bị thua kiện ở cấp sơ thẩm và kháng cáo. Tại cấp xét xử phúc thẩm ở TAND TP Hải Phòng, đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng trong vụ kiện của tôi là ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT; đại diện UBND huyện trong vụ kiện của anh Đoàn Văn Vươn là ông Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng…

Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, Thẩm phán Ngô Văn Anh làm việc với tôi. UBND huyện cũng thấy yếu lý nên đồng ý thỏa thuận là chúng tôi rút đơn, đổi lại huyện sẽ không thu hồi, tiếp tục cho thuê đất.

Khi làm việc xong vụ của tôi, đóng dấu vào biên bản là đã hơn 11 giờ. Thẩm phán Ngô Văn Anh tiếp tục làm việc với anh Vươn và đại diện UBND huyện là ông Hè. Cũng như tôi, anh Vươn đồng ý rút đơn và ông Hè đồng ý rằng huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tôi cũng ngồi và chứng kiến cuộc làm việc này. Tuy nhiên, vì quá muộn, cuộc làm việc ấy không kịp lập và đóng dấu biên bản nên thẩm phán hẹn sẽ gửi biên bản về sau” [4].

Báo Pháp luật TP HCM nêu thêm chứng cớ về việc UBND huyện Tiên Lãng hòa giải với ông Vươn:

“Trong Công văn số 291/2010/CV ngày 25-6-2010 của TAND TP Hải Phòng do Thẩm phán Ngô Văn Anh ký, gửi ông Đoàn Văn Vươn có nội dung:

Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án. Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật, vì vậy TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện”.

Qua công văn trả lời của ông Thẩm phán Anh, thì việc tạo điều kiện để ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với nhau nằm trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng.

Thỏa thuận đạt được là: đại diện UBND huyện Tiên Lãng nhất trí cho ông Vươn thuê lại đất theo qui định của pháp luật, đổi lại ông Vươn rút đơn kháng cáo phúc thẩm.

“Vì vậy, TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện” có nghĩa là: vì lý do đã có thỏa thuận của ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng nên Tòa án không cần phải xét xử phúc thẩm nữa”.

Căn cứ vào biên bản thỏa thuận, ông Vươn không còn kháng án, nên ngày 22/4/2010 Tòa án thành phố Hải Phòng mới ra Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ đình chỉ việc xử phúc thẩm.

Như vậy: Biên bản thỏa thuận ngày 9/4/2009 có giá trị thay thế cho việc xử phúc thẩm của Tòa án thành phố Hải Phòng. Tòa án thành phố Hải Phòng không xử phúc thẩm vì đã đạt được thỏa thuận hòa giải.

Một thỏa thuận nhằm giải quyết đơn kháng cáo cấp phúc thẩm của ông Đoàn Văn Vươn, được ký kết ở Tòa án thành phố Hải Phòng, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Văn Anh, khiến cho ông Vươn rút đơn kháng án phúc thẩm, phải có giá trị thay thế việc xử phúc thẩm, và Tòa án thành phố Hải Phòng phải có trách nhiệm giám sát 2 bên thực hiện đúng tinh thần của thỏa thuận này.

Thế nhưng, chính quyền huyện Tiên Lãng lật lọng với ông Vươn, không thực hiện đúng theo biên bản thỏa thuận cho ông Vươn thuê lại đất, mà ngày 24/11/2011 lại ra Quyết định số 3307/QĐ-UBND để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Không những không cho thuê tiếp theo thỏa thuận, mà còn tước đoạt hết 40,3 ha đất của ông Vươn mà chẳng bồi thường.

Chính quyền huyện Tiên Lãng lật lọng, còn Tòa án thành phố Hải Phòng lại bao che để chính quyền Tiên Lãng làm bậy, mà không hề yêu cầu chính quyền Tiên Lãng thực hiện đúng thỏa thuận đã ký ngày 9/4/2010.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng lại tuyên bố: “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính. Biên bản chỉ là căn cứ để sau đó tòa ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm” [5].

Ông Vươn làm đơn kháng án, Tòa án thành phố Hải Phòng cử ông Thẩm phán Ngô Văn Anh tổ chức cho ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với nhau, có biên bản thỏa thuận rõ ràng, khiến cho ông Vươn mất quyền kháng án phúc thẩm, mà bà Chánh án Tòa án Hải Phòng nói thỏa thuận này không có giá trị pháp lý, vậy, Tòa án thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho 2 bên tự thỏa thuận để làm gì?

Sao không xữ phúc thẩm cho ông Vươn mà lại tổ chức một thỏa thuận không có giá trị pháp lý?

Để gạt ông Vươn rút lại đơn kháng án chăng?

Như vậy, rõ ràng đã có sự bật đèn xanh từ phía Tòa án thành phố Hải Phòng cho chính quyền huyện Tiên Lãng – rằng thỏa thuận đã ký là không có giá trị pháp lý – cho nên chính quyền huyện Tiên Lãng mới lật lọng mà quay lại cưỡng chế ông Vươn.

Tại sao thỏa thuận ký ngày 9/4/2010 lại không có giá trị pháp lý?

1) Tại vì Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng quá kém chuyên môn nên thay vì xét xử phúc thẩm, lại làm một việc bậy bạ là tạo điều kiện để ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng ký một biên bản tự thỏa thuận vô giá trị, khiến cho ông Vươn mất quyền kháng án?

Nếu đúng như vậy, thì lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng phải chịu trách nhiệm trước ông Vươn, vì đã cắc nhắc những người yếu kém lên làm lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng, để họ dựa bệ ăn lương mà làm điều bậy bạ, gây thiệt hại cho ông Vươn.

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng phải sửa sai bằng cách thu hồi Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ đình chỉ việc xử phúc thẩm, và xữ phúc thẩm theo đơn kháng án của ông Vươn.

2) Tại vì Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng cấu kết với chính quyền huyện Tiên Lãng, để gài bẫy ông Vươn ký vào một biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, gạt ông Vươn rút đơn kháng án?

Vậy thì, phải khởi tố Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng và chính quyền huyện Tiên Lãng với tội danh: Lợi dụng chức vụ và quyền hạn cấu kết để lừa gạt, nhằm tước đoạt tài sản của nông dân, gây hậu quả nghiêm trọng.

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cũng phải sửa sai bằng cách thu hồi Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ, và xử phúc thẩm theo đơn kháng án của ông Vươn.

Tôi xin nhấn mạnh: dù vì bất cứ lý do gì mà Tòa án thành phố Hải Phòng làm sai, khiến cho anh Vươn mất quyền kháng án, thì UBND thành phố Hải Phòng phải sửa sai, bằng cách phục hồi quyền kháng án cho anh Vươn, chứ không thể nói một cách vô trách nhiệm rằng ông Thẩm phán Anh sai nên anh Vươn mất quyền kháng án.

Chính những câu trả lời vô trách nhiệm của Tòa án thành phố Hải Phòng theo kiểu của bà Chánh án Nguyễn Thị Mai, mà anh Đoàn Văn Vươn phẫn uất đến nổ súng.

Xin mọi người nhìn rõ để cảm thông cho tình cảnh của anh Vươn.

Nông dân chất phát Đoàn Văn Vươn, người đi tiên phong trong việc đắp đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản, người đã dùng tất cả: tuổi trẻ, sức lực, trí tuệ, tài sản và cả xương máu để bẻ nạng chống trời.

May mắn thành công, thành quả chưa kịp hái, nợ nần chưa kịp trả, thì bị UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi trái pháp luật, trái đạo lý cưỡng đoạt sạch trơn 40,3 ha đất.

Đến huyện mong được cho thuê thêm để làm ăn trả nợ, huyện nói hết thời gian lấy lại không cho thuê nữa.

Phân trần rằng: tôi có công khai phá, nên cho tôi thuê tiếp, chứ sao lại lấy lại giao cho người khác.

Huyện bảo: đất đai của nhà nước, nên chính quyền huyện có quyền thu hồi, giao cho ai là quyền của huyện.

Ức lòng đi kiện, Tòa án huyện Tiên Lãng xử thua.

Một lòng tin vào công lý, kháng án lên Tòa án thành phố Hải Phòng, Tòa án không xử phúc thẩm mà ông Thẩm phán Ngô Văn An hướng dẫn thỏa thuận với đại điện UBND huyện Tiên Lãng.

Lập biên bản thỏa thuận rằng: UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất nếu ông Vươn rút đơn kháng cáo, thế là anh Vươn rút đơn kháng cáo.

An tâm sản xuất, chờ ngày làm giấy thuê đất theo thỏa thuận.

Đùng một cái, UBND huyện Tiên Lãng lật lọng tuyên bố rằng: do anh Vươn rút đơn kháng cáo xin phúc thẩm nên án sơ thẩm có hiệu lực, buộc anh Vươn phải giao 40,3 ha đất mà không bồi thường đồng nào.

Hỏi huyện: đã thỏa thuận ở Tòa án thành phố Hải Phòng tôi rút đơn kháng cáo, huyện sẽ cho thuê tiếp, sao bây giờ huyện lại thu hồi?

Huyện ngang ngược phủ nhận: giấy thỏa thuận không có giá trị, bản án sơ thẩm mới có giá trị.

Hỏi Tòa án thành phố Hải Phòng: đã ký thỏa thuận tại đây, sao bây giờ huyện nói không giá trị?

Tòa án thành phố Hải Phòng thản nhiên: thỏa thuận không có giá trị, căn cứ vào luật pháp, anh rút đơn kháng cáo, nên án sơ thẩm có hiệu lực thi hành.

Bà Chánh án Tòa án thành phố Hải Phòng: theo luật pháp hiện hành, chỉ có bản án phúc thẩm của Tòa án thành phố Hải Phòng mới có giá trị xóa bỏ án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, còn Biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý.

Cả Tòa án đồng thanh nói: việc tại sao ông Thẩm phán Ngô Văn Anh lại tổ chức cho 2 bên thỏa thuận, thì ông kiếm Thẩm phán Anh mà hỏi.

Đi năm lần mười lượt mới gặp Thẩm phán Ngô Văn Anh.

Hỏi ông Anh: sao bà Chánh án nói Biên bản thỏa thuận mà ông lập không có giá trị pháp lý?

Thẩm phán Ngô Văn Anh tỉnh queo: theo luật định, Biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý. Tôi chỉ tạo điều kiện cho 2 bên tự nguyện thỏa thuận và lập biên bản thỏa thuận, còn nội dung thỏa thuận là do ông và đại diện UBND huyện Tiên Lãng đồng ý lập ra, vậy cho nên 2 bên phải tự nguyện thực hiện theo thỏa thuận.

Hỏi: Biên bản không có giá trị thay thế bản án phúc thẩm, thì ông để tôi kháng án, chứ sao lại kêu tôi rút đơn kháng án?

Thẩm phán Anh: ông nhớ cho kỹ nghen, ông tự nguyện rút đơn kháng án, chứ tôi không có bảo ông rút đơn kháng án.

Anh Vươn: vì có biên bản thỏa thuận huyện hứa cho tôi thuê tiếp, tôi mới rút đơn kháng án, chứ tôi không tự nhiên mà rút đơn. Mà tôi hỏi ông, nếu biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, thì ông tổ chức thỏa thuận để làm gì?

Thẩm phán Anh: ông đi thưa kiện thì ông phải biết luật, ông phải biết thỏa thuận không có giá trị pháp lý, chứ tôi không có trách nhiệm phải nói cho ông biết điều đó, còn rút đơn kháng án là ông tự nguyện, thì ông phải chịu chứ đừng trách tôi.

Anh Vươn: vậy ra, ông và Tòa án thành phố Hải Phòng, bày mưu tổ chức thỏa thuận để lừa tôi rút đơn kháng án à?

Thẩm phán Anh: Ông nói như vậy, tôi không tiếp ông nữa.

Bị lừa! Mình bị chúng nó lừa rồi! Mình bị bọn Tòa án thành phố Hải Phòng cấu kết với bọn chính quyền Tiên Lãng nó lừa rồi!

Luôn vang lên trong đầu anh Vươn, trên đường từ Tòa án thành phố Hải Phòng trở về nhà.

Nguy cơ bị cưỡng chế trắng tay cận kề, rồi đây gia đình lấy gì mà sống!

Hằng ngày, hằng đêm: nỗi phẫn uất vì bị những người thực thi pháp luật lừa gạt bốc lửa trong lòng anh, nổi lo sợ toàn bộ tài sản bị tước đoạt một cách bất công bóp nghẹt trái tim anh.

Con đường đến với pháp luật đã bị chặn.

Lòng tin vào pháp luật đã mất.

Pháp luật đã bị bịt mắt, ngày cưỡng chế đã cận kề, anh Vươn còn con đường hợp pháp nào khác để phản kháng với cường quyền?

Chỉ còn một con đường tuyệt vọng: nổ súng.

Không phải nổ súng để giết người mà:

Nổ súng: cho Trung ương biết thảm trạng của gia đình.

Nổ súng: để hy vọng pháp luật trở về.

Nổ súng: để đánh động công luận, khiến cho công luận quan tâm.

Nổ súng: để vợ dại, con thơ còn có mái nhà để ở, có nơi làm ăn sinh sống.

Nổ súng: để tìm hy vọng trong tuyệt vọng.

Chúng ta không khuyến khích công dân chống người thi hành công vụ, nhưng chúng ta cũng không thể để cường quyền áp bức nông dân.

Xin hãy đặt vấn đề như Đại tướng Lê Đức Anh: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?

Xin mọi người hãy tự hỏi và tự trả lời câu hỏi: ở vào địa vị của anh Vươn, mình có nổ súng không?

Mong rằng mọi người, nhất là những người thi hành pháp luật, hãy nhìn sự việc nổ súng trong tuyệt vọng của anh Vươn với sự công tâm và lòng trắc ẩn.

Đã có tiền lệ ở vụ án Nọc Nạn.

Nông dân Tiên Lãng, nông dân Hải Phòng, nông dân cả nước mong rằng: Tòa án của ViệtNamta nhân đạo bằng hoặc hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp.
H.K.
Tài liệu tham khảo:
(*) Bài: “ Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng”

Không có nhận xét nào: