Trọng Nghĩa

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cấm xuất cảnh
Tác phẩm "Tuổi hai mươi
yêu dấu" do NXB L'Aube
 phát hành tại Pháp
(AFP) Chính quyền Việt Nam vừa cấm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không cho đi Pháp vào đầu tháng Sáu nhân dịp ra mắt tác phẩm « Tình yêu, tội ác và trừng phạt » của ông do nhà xuất bản Pháp L’Aube giới thiệu. Hôm thứ Hai 21/05/2012 nhà xuất bản L’Aube đã cho AFP biết như trên.
Theo nhà xuất bản này, vốn sẽ xuất bản bộ truyện ngắn toàn tập của nhà văn vào tháng Sáu, thì « Nguyễn Huy Thiệp – mà tội duy nhất là viết lách – một lần nữa lại bị cô lập : thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh ».


Trong một thông báo, nhà xuất bản L’Aube nhắc lại, để có thể tự do gặp gỡ các độc giả, « nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thành lập một nhà hàng dưới chân cầu Long Biên ở Hà Nội ». Thông cáo nói tiếp : « L’Aube nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện đối với nhà văn hiện đang bị mất quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận – mà chúng tôi hy vọng là chỉ tạm thời – và đề nghị mỗi người trong chúng ta cũng ủng hộ cho ông ».

Từ khi thành lập, nhà xuất bản L’Aube luôn cam kết dành tiếng nói cho các nhà văn bị ngăn trở trong việc tự do diễn đạt ở trong nước. Chẳng hạn như đã xuất bản cuốn « Thẩm vấn từ xa » của Vaclav Havel năm 1989 khi ông đang còn trong nhà tù. L’Aube cũng là nhà xuất bản đã in các tác phẩm của Cao Hành Kiện, nhà văn đã rời Trung Quốc từ năm 1988 và sau đó đoạt giải Nobel văn chương. Hoặc Abed Charef, bị buộc phải đi khỏi Algérie sáu tháng sau khi cho ra đời tác phẩm « Algérie, bước trượt ngã dài ».

http://thuymyrfi.blogspot.fr/2012/05/nha-van-nguyen-huy-thiep-bi-cam-xuat.html


VIỆT NAM - Bài đăng : Thứ ba 22 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 22 Tháng Năm 2012


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không sang được Pháp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại EXPOLANGUES, Porte de Versailles – Paris, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, 07/02/2008. @Trọng Nghĩa/ RFI.

Vào ngày 31/05/2012 tới đây, nhà xuất bản L’Aube ở miền Nam nước Pháp sẽ cho ra mắt một tuyển tập truyện ngắn dịch qua tiếng Pháp của nhà văn Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp. Nhân dịp này, nhà xuất bản đã dự trù một buổi ra mắt tuyển tập và tiếp xúc với tác giả tại Paris vào ngày 15/6. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP vào hôm qua, 21/05/2012, Nguyễn Huy Thiệp đã không được phép qua Pháp, điều đã bị chính nhà văn cải chính vào hôm nay.

Trong một bản thông báo gởi đến AFP, nhà xuất bản đã tỏ ý lo ngại về khả năng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cô lập và bị « cấm xuất cảnh ». Trả lời ban Việt ngữ RFI bà Marion Hennebert, thuộc nhà xuất bản L’Aube, giải thích:

Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng ông Thiệp không thể sang Pháp vì ông đã không có được những giấy phép cần thiết để xuất cảnh Việt Nam . Các thông tin mà tôi có được là thông qua dịch giả Thụy Khuê, người đã liên lạc nhiều lần với ông Thiệp.

Đúng là ban đầu, ông Thiệp nói với chúng tôi là ông không thể sang Pháp vì ông có những vấn đề về sức khỏe. Những điều này, ông Thiệp đã nói với chúng tôi và đúng là ông có vấn đề về sức khỏe và đây không phải là vấn đề nhỏ. Nhưng sau đó, ông Thiệp đã gặp bác sĩ và bác sĩ nói rằng giờ đây, mọi việc đều tốt cả, nên đi, điều này sẽ tốt và cần phải thay đổi không khí …Lúc đó, ông Thiệp rất hài lòng…

Do vậy, chúng tôi đã gửi một giấy mời chính thức. Chúng tôi đã thông báo cho sứ quán Việt Nam tại Pháp. Thế nhưng, ông Thiệp không hề nhận được thư mời, không nhận được bất kỳ giấy tờ gì từ phía nhà xuất bản L’Aube. Do vậy, chúng tôi kết luận rằng chính phủ Việt Nam đã không cho phép ông Thiệp thực hiện chuyến đi này. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc này. Mặt khác, chúng tôi được biết là ông Thiệp lại một lần nữa đang ở trong tình thế rất bị cô lập.

Chính vì vậỵ, tôi rất hài lòng được nói về việc này trên đài phát thanh của quý vị, bởi vì tôi nghĩ rằng ông Thiệp cần được biết là chúng tôi hết lòng ủng hộ ông và chúng tôi muốn ở bên cạnh ông. Có một ngạn ngữ nói rằng, nếu Mohamed không lên núi thì núi sẽ đến với Mohamed. Tôi hy vọng sẽ thuyết phục được vài nhà báo sang Việt Nam để gặp Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp cải chính tin bị cấm xuất cảnh

Nói chuyện với RFI qua điện thoại, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xác nhận là ông không qua Pháp lần này, nhưng vì những lý do cá nhân như tuổi cao, sức khỏe yếu và gia đình bận rộn.

Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, nhà văn cho rằng thêm là thông tin nói là ông bị cấm sang Pháp là không đúng. Ông nói rõ thêm : "Cách nay một tháng, tôi được được email của nhà xuất bản L'Aube mời tôi qua Pháp nhân dịp đó (ra mắt sách), và tôi đã trả lời rằng tôi không thể đi được vì lớn tuổi và bệnh tật. Tôi bị bệnh tim và tiểu đường".

Theo AFP, tác giả truyện Tướng Về Hưu không hẳn là một nhà ly khai, cho dù nhiều khi ông có những quan hệ khó khăn với chính quyền, nhất là với Hội Nhà văn.

Riêng về tuyển tập sắp ra mắt độc giả, tựa tiếng Pháp là « Crimes, amour et châtiment » - mà chính Nguyễn Huy Thiệp dịch ngược lại là Tình yêu, Tội ác và Trừng phạt - nhà xuất bản L’Aube cho biết đây là một tập sách dầy hơn 700 trang, hiệu đính lại toàn bộ các truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản trước đây, từ truyện Tướng Về Hưu (Un Général à la retraite), phát hành năm 1991, cho đến Tuổi 20 Yêu Dấu (A nos vingt ans), in lần đầu tiên năm 2005. Đặc biệt còn có 4 truyện ngắn mới, chưa từng được dịch ra tiếng Pháp.

Bà Marion Hennebert giới thiệu :

Thực ra, chúng tôi đã xuất bản các tập truyện ngắn, tiểu thuyết và một số tác phẩm kịch của ông Thiệp từ những năm 1990. Trong tuyển tập « Tình yêu, tội ác và trừng phạt », chúng tôi tập hợp lại tất cả các tập truyện ngắn đã xuất bản, trong đó có thêm 4 truyện ngắn chưa từng được dịch sang tiếng Pháp và chưa được xuất bản.

Tuyển tập này có nhiều điểm đáng chú ý. Bởi vì, theo tôi, Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn phi thường, thú vị và đầy quyến rũ, vừa mềm mại nhẹ nhàng, vừa mang tính chính trị. Nhờ vậy, chúng ta có một cái nhìn thú vị về Việt Nam đương đại khi đọc các tác phẩm của ông.

Mặt khác, việc dịch các tác phẩm được xem xét lại toàn bộ ; bản dịch mới chắc chắn mang lại một cách nhìn mới, mang tính chính trị hơn, dấn thân hơn so với các bản dịch trước đó. (…) Do vậy, với những điểm sửa đổi, làm rõ hơn, tôi thấy, tuyển tập mới này hay hơn.

Ngay cả đối với những độc giả đã mua các tập truyện trước đây, tôi cho rằng tuyển tập này sẽ mang lại cho họ một cái nhìn mới, với các điểm được làm sáng tỏ hơn, rất thú vị. Tôi hy vọng rằng tuyển tập mới này dịch hay hơn, sát hơn những ý tưởng của ông Thiệp.

Trọng Nghĩa  RFI

Không có nhận xét nào: