Bất An (Huỳnh Ngọc Chênh)




Trước 75, ngay khi sống trong thời chiến, tôi vẫn luôn cảm thấy an lành.

Những năm chiến tranh ác liệt ấy, gia đình tôi tách ra làm hai.

Ba tôi xuống thành phố, còn mẹ tôi vẫn ở lại quê bám trụ. Tôi đi đi về về cả hai nơi. Đêm ngủ ở quê, thường xuyên nghe tiếng đại bác nổ ven rìa làng do lính Mỹ bắn cầm canh từ phi trường Đà Nẵng. Thỉnh thoảng cũng có vài quả đại bác bay lạc vào nhà dân gây ra cảnh tang thương chết chóc thế nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn không cảm thấy bất an. Đêm ngủ ở Đà Nẵng thỉnh thoảng lại nghe hú còi báo động có pháo kích của Việt Cộng bắn về thành phố, nhiều người phải chạy vào nấp dưới hầm, riêng tôi vẫn nằm tỉnh queo trên giường, không chút lo sợ.
Bây giờ sống trong hòa bình, mà hòa bình đã gần 40 năm rồi sao trong lòng cứ thắc thỏm bất an. Do tuổi già ư? Không phải như vậy.
Làm sao mà yên ổn được khi bước ra đường phải lo sợ trước bao nhiêu điều hiểm nguy đang rình rập. kẹt xe, khói bụi ô nhiễm, tai nạn giao thông, đinh tặc, cướp giật, va quẹt xe đưa đến bị hành hung, cây đổ, dây điện đứt, sụp hố cống....

Một ngày ở thành phố lớn như Sài Gòn, xảy ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, bao nhiêu vụ cướp giật, hành hung, đâm chém...thấy tận mắt hoặc đọc báo, nghe đài mà oải cả người.
Hầu như mọi thứ thức ăn đều có nguy cơ chứa chất độc hại do dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, do chất kích thích hoặc do làm ra gian dối. Không thể nào yên tâm với thức ăn ở các hàng quán.

Cà phê hóa chất, phở ngâm formol, dầu ăn từ cống rãnh, chế biến thức ăn bên cạnh nhà vệ sinh...

Thực phẩm mua ở chợ về tự chế biến cũng hoàn toàn không yên tâm.

Rau, giá, trái cây đầy rẫy chất kích thích cực độc (nhất là trái cây Trung cộng), cá thì bị ướp hàn the, thịt thì không kiểm định hoặc thịt bị dùng chất tăng trưởng độc hại.

Bất an với món ăn ở hàng quán nhưng cũng không thể nào an tâm với bữa ăn tự nấu nướng ở nhà.

Tình trạng ô nhiễm thì kinh hồn. Đường xá thì khí thải và bụi bẩn bay mù mịt, cống rãnh và kênh rạch thì đen ngòm vì chất thải bẩn. Rồi ô nhiểm âm thanh mới kinh hồn.
Trong công việc mưu sinh, bất an khắp mọi nơi.

Vật giá liên tục leo thang, quá nhiều công ty nợ nần phá sản, chiếm dụng vốn và lừa đảo khắp mọi nơi.

Khuyến mãi lừa đảo, bán hàng đa cấp lừa đảo, thế chấp vay lừa đảo...

Sự bất an do suy thoái kinh tế làm người có vốn không dám bỏ tiền ra đầu tư, người làm công cứ thắc thỏm lo mất việc từng ngày.

Khi bị ngã bệnh, phải đến bệnh viện thì người dân hoàn toàn không yên tâm.

Chỗ nằm thiếu, phương tiện y tế lạc hậu, tay nghề cũng như lương tâm thấp kém của y bác sĩ có thể làm cho bệnh nhân không những không được cứu chữa thích đáng mà còn gây ra tử vong vô lý nữa.

Biết bao nhiêu cái chết oan khiên được nêu ra và không được nêu ra do sự tắc trách của bệnh viện.

Hành chính thì nhũng nhiễu, thường gây ra sự phiền hà cho dân để công chức ăn hối lộ thay vì tận tụy phục vụ dân.

Có việc đến cơ quan công quyền như thuế vụ, hải quan, nhà đất, ủy ban các cấp, công an...người dân phải khúm núm quỵ lụy và lo lót thì sự việc mới trơn tru.

Có lỗi bị tạm giữ trong đồn công an, người bị tạm giữ hoàn toàn không yên tâm. Chuyện bị chết trong đồn công an đã trở nên quá phổ biến.

Chuyện an ninh quốc phòng thì được nghe nói đã có đảng và nhà nước lo nhưng người dân hoàn toàn thấy bất an.

Ngư dân ra khơi là bị Trung cộng đuổi bắt hoặc đâm chìm tàu. Tàu chiến, tàu hải giám, tàu cá của Trung Cộng hầu như đã chiếm lĩnh toàn bộ biển Đông. Trong đất liền thì chỗ nào, lãnh vực nào cũng có mặt người Tàu.

Cơ quan chức năng và ban bệ rất nhiều, người dân phải è lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy nhà nước vô cùng cồng kềnh, nhưng bộ máy ấy hoàn toàn không làm cho người dân an tâm.

Bất ngờ đau ốm không dễ dàng có xe cấp cứu đến, bị cướp bóc trấn lột không dễ gì gọi được công an.

Thức ăn nhiểm bẩn hầu như không có cơ quan nào quan tâm....

Người dân cảm thấy bị bơ vơ đơn độc giữa cuộc đời.

Một nhà nước yếu kém, bất lực và vô trách nhiệm như vậy mà sao vẫn tồn tại lâu vậy nhỉ?

Đây có lẽ là nỗi bất an lớn nhất mà người dân phải mang nặng trong lòng.

Huỳnh Ngọc Chênh

Không có nhận xét nào: