Bùi Tín

Quyết định lịch sử của Liên Hiệp Quốc :
Đặt cuốc sống đồng loại ở tầm cao nhất


Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chiều ngày 17/03/2011 là một nghị quyết lịch sử.
Có thể nói trong lịch sử 69 năm của Liên Hiệp Quốc (1942 – 2011), Nghị quyết 1973 là một trong những nghị quyết có ý nghĩa chính trị và tư tưởng quan trọng nhất, cao quý nhất về tôn trọng quyền sống của đồng loại trên trái đất, về bảo vệ quyền tự do của một dân tộc đang bị nguy cơ tàn sát bởi một chính quyền cực kỳ hung bạo đang lên cơn điên.
Cái cao quý của Nghị quyết 1973 là nội dung của nó nhắm cấp cứu nhân dân một nước quyết nổi dậy chống ách độc tài cá nhân của Moammar Gadhafi – tên điên khùng ở Địa Trung Hải – và đang bị đàn áp điên cuồng, đang kêu cứu thế giới can thiệp gấp để tránh khỏi bị diệt chủng.
Cả 15 nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cả 192 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đều không có một lợi ích riêng tư nào khi bàn bạc về Nghị quyết 1973 này. Do đó động cơ để ra nghị quyết về tình hình Libya hoàn toàn là trong sáng, vô tư; đó là tình Người, là lòng Nhân ái giữa cộng đồng nhân loại, là thương Người như thể thương thân, người chung Quả đất hãy thương nhau cùng. Mục tiêu của Nghị quyết là bảo vệ cuộc sống vô giá của người dân tay không.
Một Nghị quyết vô tư, trong sáng, đẹp đẽ, cao thượng như thế là rất hiếm, cho nên rất đáng quý. Nghị quyết này sẽ có ý nghĩa dài lâu, vượt qua không gian và thời gian, làm nức lòng mọi người dân lương thiện trên trái đất, củng cố niềm tin cho mọi dân tộc chưa có tự do và quyền công dân thật sự, đang khao khát quyền sống dân chủ, tự do giữa thế giới văn minh hiện tại. Đây là một mũi đột phá có ý nghĩa lịch sử, mang lại tiếng thơm và vinh dự cho Hội Đồng Bảo An và cho cả Liên Hiệp Quốc trong sứ mạng cao quý bảo vệ hòa bình và an ninh của toàn nhân loại.
Cần chỉ rõ vinh quang trước hết thuộc về 10 nước đã bỏ phiếu thuận cho bản dự thảo đã được Pháp và Anh khởi thảo, được Ngoại trưởng Alain Juppé Pháp đọc trước Hội Đồng Bảo An. Đó là các nước: Pháp, Anh, Brazil, Colombia, Gabon, Bosnia Herzegovina, Lebanon, Albania, Nigeria, Bồ Đào Nha và Nam Phi.
Theo tin các nhà báo Pháp theo dõi chặt chẽ cuộc bỏ phiếu lịch sử, đến phút chót, Nigeria và Nam Phi định không tham gia bỏ phiếu, đại biểu Pháp và Lebanon đã ra sức thuyết phục có kết quả, do đó mà đạt vừa đủ 10 phiếu thuận. Thật đáng mừng.
Cũng nhờ đại biểu Lebanon đã thay mặt khối nước A-rập ra sức thuyết phục các đại biểu Nga và Trung Quốc để 2 nước này chỉ không tham gia bỏ phiếu mà không dùng quyền phủ quyết của nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, do đó mà cuộc bỏ phiếu tránh khỏi thất bại.
Thái độ của Đức cũng đáng ghi nhận. Bà Merkel tuy giữ lập trường không can thiệp, không bỏ phiếu, nhưng ngày 19/03/2011 bà vẫn sang Paris để tỏ tình đoàn kết với các nước châu Âu, A-rập và châu Phi; bà cho biết Đức sẽ gửi ngay một số máy bay quan sát AWACS hiếm hoi sang Afghanistan, để các nước bạn có thể điều các máy bay AWACS ở đó sang hoạt động ở bầu trời Libya và quanh đó.
Ngay chiều 19/03, máy bay quân đội Pháp đã đánh trúng 4 xe tăng Libya đầu tiên từng bắn vào dân thường. Các máy bay Anh, Canada đang hành động tiếp. Quân đánh thuê của Libya đang hoang mang, có dấu hiệu tan rã từng mảng.
Nghị quyết 1973 ngày 17/03/2011 của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cổ vũ các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông vùng dậy giành dân chủ và tự do theo đường lối hòa bình không bạo lực. Nhân dân Algerie đang rục rịch. Nhân dân Bahrain đã xuống đường đông đảo. Nhân dân Yemen đang xuống đường quyết liệt đòi tự do và công ăn việc làm. Nhà Vua Morocco đã cam kết dân chủ hóa vương quốc với bản Hiến Pháp mới. Nhân dân các nước trên đây tin rằng thế giới đã chi viện, tiếp sức cho nhân dân Libya thì cũng sẽ ủng hộ chi viện các dân tộc khác.
Ở Việt Nam, các báo nhà nước được lệnh không đưa tin sâu đậm, không bình luận gì về Nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhưng dấu diếm hay úp mở chỉ khêu gợi tò mò của bạn đọc, và không thiếu nguồn thông tin và bình luận phong phú trên mạng lưới thông tin dày đặc.
Sau Nghị quyết 1973, có thể thấy trên trái đất, quan hệ người với người đã đổi khác. Gần gụi, thân quen, tinh thần cứu giúp nhau trong hoạn nạn nồng ấm hơn trước. Cái lý sự cùn “không can thiệp vào nội bộ nước khác” đã bị bẻ gãy vụn từ lâu rồi. Người với người, nước này với nước khác bị ràng buộc chặt chẽ cả về luật pháp và đạo lý. Đã có cả một lập luận văn minh về “quyền can thiệp”, “về bổn phận can thiệp”, “về nghĩa vụ can thiệp”. Đã có nhiều đạo luật văn minh nghiêm trị những công dân thấy đồng bào, đồng loại lâm nguy mà bỏ qua không ứng cứu. Làm ngơ khi đó là phạm tội, tội nặng.
Rất cần giới thiệu kỹ cho 14 người trong Bộ Chính Trị của ĐCSVN về sự hình thành của Nghị quyết 1973 trên đây, cũng nên cho họ tập huấn sâu sắc về “quyền can thiệp”, về “nghĩa vụ can thiệp”. Và cũng nên mời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hà Nội tham dự. 
Bùi Tín

Không có nhận xét nào: