Hà Văn Thịnh

Nhục và đau


Sắp đến ngày xử Ts. Cù Huy Hà Vũ (Ts. CHHV). Chắc chắn đó là ngày mà cả hai phía (không, phải là nhiều phía mới đúng) lề phải - lề trái (đó là người có quyền nói; chứ theo tôi, rất nhiều những điều lề trái đúng cả trăm trăm còn lề phải thì sai toè loe) cùng những kẻ lừng chừng, vô số ông ba phải, không ít kẻ nửa vời (kể cả người viết bài này đôi khi sợ quá cũng phải ỡm ờ) quan tâm, theo dõi. Do bận việc nhà, có vài chuyện thật buồn, rất buồn nên lâu nay tôi không lên được mạng. Hôm nay (12.3) đọc bài của Luật sư Trần Đình Triển và Lời Thỉnh cầu của BVN về việc xử án Ts. CHHV, tôi thật thấm thía cụm từ nhục đau và, cũng đã gần như cay cả hai con mắt khi đọc thấy câu: Nếu cả chúng tôi nữa cũng bị đàn áp, thì văn bản này vẫn sẽ còn nguyên giá trị nâng cao nhận thức của người đọc.
Vâng, tại sao lại đến nỗi như thế? Một chế độ do dân, vì dân, của dân mà đi đâu cũng nghe dân ta thán; hàng ngàn trí thức liên tục góp ý, thỉnh cầu, kiến nghị; hàng trăm tướng lĩnh, cán bộ lão thành phản đối hết chính sách này đến chính sánh khác là tại làm sao? Do dốt nát, do tham lam, do thiển cận, đạo đức giả hay là do tất tần tật mọi nhẽ của các loại câu hỏi đang tồn tại trên cõi đời này? Tại sao Đại hội chưa khai mạc mà ngay cả ông bán nước chè cũng biết ai là ai (who is who?) trong ban lãnh đạo sắp tới? Tại sao mồm miệng khi nào cũng xoen xoét “đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực phát triển” nhưng hễ phản biện mạnh một tí là y như rằng nhẹ thì bị dọa, “nặng” thì bị bắt?… Chao ôi là tại sao! Mới đây nhất là chỉ vì có cái mũ bảo hiểm hơi bị lệch trên đầu mà một mạng người phải chết thảm thê ngay giữa thủ đô Hà Nội bởi dùi cui của một Ngài Trung Tá Công An thì quả là đau đớn đến mức phải kêu trời!…
Một giáo viên THPT hỏi tôi rằng vì sao Nhật Bản động đất nhiều như thế, chết và thiệt hại nhiều như thế mà họ vẫn giàu có, phát triển (năm 1923, 1927, 1933, 1943, 1944, 1945, 1946, 1948, 1995, 2011)? Tôi trả lời rằng: Họ hơn Việt Nam 3 điều. Một, năm 1868, Nhật Hoàng Mushuhito tuyên bố “Thời kỳ học hỏi lâu dài nền văn minh Trung Hoa phải chấm dứt. Kể từ đây phải học hỏi phương Tây để đuổi kịp và vượt phương Tây sau 100 năm”. Mushuhito đã bày tỏ quyết tâm không dây dưa với Trung Quốc bằng cách huỷ bỏ âm lịch, dùng dương lịch… Còn chúng ta thì cứ ăn theo, chạy theo, sợ hãi Trung Quốc nên mới ra nông nỗi này. Hai, lãnh đạo của Nhật tuyệt đại đa số luôn vì dân, vì lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước. Ba, dân Nhật chịu khó, tiết kiệm, có lòng tự tôn và dũng cảm hơn dân ta. Tôi trả lời thế không biết đúng sai thế nào xin các bậc thức giả góp ý. Có thể tôi không đúng hoặc là đúng chưa nhiều, nhưng đừng vì thế mà đổ hô cho tôi là phản động.
Những năm 1936 – 1939 dân ta do trí thức vận động đưa hết thỉnh cầu này tới thỉnh nguyện khác cho bọn thực dân và lũ bán nước. 70 năm sau, lại vẫn tiếp tục thỉnh cầu thì đúng quả thật là, lịch sử đang bị đùa giỡn một cách bi hài. Dân ta hồi đó – sau đó không chịu nhục. Dân ta bây giờ chỉ biết thở dài là nhục và đau (?). Thử hỏi, nếu đổi đời rồi mà vẫn còn nhục và đau thì có gì để vui, để tự hào? Không có trí thức nào không cảm thấy bị đau và nhục ít hay nhiều. Tôi đố vị nào chỉ ra rằng điều này không đúng? Nếu đúng thì chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại câu thỉnh cầu của BVN.

Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào: