Sẽ đến lượt Trung Quốc
LTG: Theo tác giả, Trung Quốc sẽ không lây “bệnh truyền nhiễm” của Trung Đông một ngày gần đây. Nhưng Trung Quốc rất có thể phải đối phó với những vấn đề trong tương lai. Lý do là cho đến nay, giai cấp trung lưu xem ra bằng lòng hi sinh tự do chính trị để đổi lấy lợi tức cao và sự ổn định. Nhưng ở một thời điểm nào đó, sự đổi trác này sẽ rất có thể thất bại.
Một số tác giả khác cũng đã đóng góp những bài nghiên cứu đáng chú ý về “Cách Mạng Hoa Nhài” như Jean-Pierre Cabestan, Barry Eichengreen, Duncan Green, Huguette Labelle, và Dani Rodrik.
Ông Francis Fukuyama là học giả kỳ cựu tại Freeman Spogli Institute for International Studies thuộc Standford University ở California, Hoa Kỳ. Trước đây ông đã giảng dậy nhiều năm tại George Mason University và Johns Hopkins University. Ông từng theo học tại Cornell và Yale và tốt nghiệp với bằng Tiến Sĩ Chính Trị Học tại Harvard University. Cuốn sách mới nhất của ông với tựa đề “The Origins of Political Order: From Prehuman Times to the French Revolution,” sẽ được phát hành trong tháng 4, 2011.
Tuy nhiên GS Fukuyama được biết đến nhiều nhất qua cuốn sách nổi tiếng “The End of History and the Last Man”, xuất bản vào năm 1992. Trong sách này ông lập luận rằng sự tiến bộ của lịch sử nhân loại qua những cuộc tranh chấp về ý thức hệ hầu như kết thúc và thế giới an vị với một nền dân chủ cởi mở sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và sự xụp đổ của Bức Tường Bá Linh vào năm 1989. GS Fukuyama tiên đoán sự toàn thắng huy hoàng cuối cùng của chủ nghĩa tự do về cả hai phương diện chính trị và kinh tế.
Trong thời gian ba tháng ngắn ngủi vừa qua, những cuộc nổi dậy của dân chúng đã lật đổ chế độ tại Tunisia và Ai Cập, đang gây ra cuộc nội chiến tại Libya, và rối loạn tại những nơi khác ở Trung Đông. Những cuộc nổi dậy này cũng tạo ra một thắc mắc trong đầu nhiều người: Liệu làn sóng dân chủ mới này sẽ là mối đe dọa cho tất cả những chế độ độc tài? Đặc biệt là Trung Quốc , một cường quốc đang vươn lên, có thể bị những sức mạnh này tấn công hay không?
Chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh rõ ràng lo ngại. Họ đã giới hạn việc phổ biến tin tức về những cuộc nổi dậy và đã chấn áp những người vận động dân chủ và những phóng viên ngoại quốc để ngăn chặn ngay từ đầu những lời kêu gọi trên Internet về một cuộc “Cách Mạng Hoa Nhài” tại Trung Quốc. Một bài bình luận mới đây trên tờ nhật báo Bắc Kinh, một cơ quan ngôn luận của ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản thành phố, tuyên bố rằng đa số những người dân ở Trung Đông không thích những cuộc biểu tình chống đối tại nước của họ. Đây là những rối loạn tự lừa bịp do một thiểu số điều khiển. Về phần Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, ông kêu gọi tăng cường cái được gán cho cái tên “Trường Hỏa Thành” (Great Firewall). Đây là một bộ máy kiểm duyệt và theo rõi phức tạp mà chế độ sử dụng để kiếm soát việc tiếp cận Internet. Không giống trường hợp ở Trung Đông, giai cấp trung lưu của Trung Quốc đã hưởng phúc lợi từ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và chánh sách tạo việc làm cho những người có học.
“Những cuộc tấn công vào chính quyền hiện hữu rất ít khi được lãnh đạo bởi những người nghèo nhất của giai cấp nghèo trong xã hội, mà do giai cấp trung lưu bất mãn vì thiếu những cơ hội chính trị và kinh tế.”
Không có một nhà xã hội học hay phân tách tình báo nào đã tiên đoán được thời điểm chính xác hoặc sự lan rộng của cuộc nổi dậy của người dân Ả Rập – thực tế là cuộc nổi dậy này đã khởi sự tại Tunisia và được châm ngòi bởi một vụ tự thiêu của một người bán rau và những cuộc biểu tình đã buộc quân đội Ai Cập bỏ rơi ông Hosni Mubarak. Những xã hội Á Rập xem ra ổn định một cách thản nhiên trong hơn một thế hệ vừa qua. Tại sao những xã hội này lại bùng nổ vào năm 2011 là một điều chỉ có thể hiểu được bằng cách nhìn vào quá khứ, hi vọng như thế.
Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể nghĩ đến những cuộc cách mạng xã hội theo một phương cách có tổ chức hơn. Ngay cả những sự việc bất ngờ phải xẩy ra trong một môi trường nào đó. Một điểm nữa là tình trạng của Trung Quốc và Trung Đông khác biệt tận gốc. Hầu hết những bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc khá an toàn đối với làn sóng dân chủ đang lan tràn trên những phần đất khác của thế giới – ít nhất trong giai đoạn hiện tại.
Có lẽ nhà tư tưởng thích hợp nhất có thể giúp chúng ta hiểu tình trạng ở Trung Đông hiện nay và Trung Quốc trong tương lai là ông Samuel Huntington – không phải Huntington của cuốn sách “The Clash of Civilizations,” (Sư Xung Khắc Của Những Nền Văn Minh) theo đó ông lý luận rằng có sự xung khắc căn bản giữa Hồi Giáo và dân chủ, nhưng là Huntington của cuốn sách “Political Order in Changing Societies” (Trật Tự Chính Tri Trong Những Xã Hội Thay Đổi), xuất bản vào năm 1968, theo đó ông đưa ra một lý thuyết về phát triển mất thăng bằng (the theory of the development gap).
Quan sát những sự bất ổn chính trị mạnh mẽ tại những nước đang phát triển trong hai thập niên 1950 và 1960, ông Huntington nhận thấy rằng những sự phát triển kinh tế và xã hội thường đưa đến những cuộc đảo chánh, cách mạng và quân đội nắm chính quyền. Ông giải thích bằng sự khác biệt giữa những người mới được huy động, có học, và được tăng cường khả năng về mặt kinh tế và hệ thống chính trị hiện hữu - nghĩa là giữa hi vọng được tham gia vào chính trị và một cơ chế chỉ cho phép họ có chút ít tiếng nói hoặc không có tiếng nói gì cả. Ông Huntington nhận thấy rằng những cuộc tấn công vào chính quyền hiện hữu rất ít khi được lãnh đạo bởi những người nghèo nhất của giai cấp nghèo trong xã hội, mà do giai cấp trung lưu bất mãn vì thiếu những cơ hội chính trị và kinh tế.
Những nhận định này có thể áp dụng vào trường hợp Tunisia và Ai Cập. Cả hai quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ về xã hội trong vài thập niên gần đây. Chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc (một cách đo lường hỗn hợp bao gồm sức khỏe, giáo dục, và lợi tức) tăng 28% tại Ai Cập và 30% ở Tunisia từ 1990 đến 2010. Số người đi học gia tăng đáng kể. Đặc biệt, Tunisia đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học. Thật vậy, những cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập do những người thuộc giai cấp trung lưu, trẻ, có học và hiểu biết kỹ thuật. Họ muốn bầy tỏ với bất cứ ai có thể lắng nghe nỗi thất vọng của họ đối với những xã hội trong đó họ không được phép bày tỏ quan điểm của mình, không thể quy trách nhiệm vào những người lãnh đạo về sự tham nhũng và bất tài, hoặc không thể kiếm được việc làm mà không cần có sự quen biết.
Ông Huntington nhấn mạnh đến sức mạnh gây bất ổn của những lớp người mới trong xã hội. Họ đòi hỏi quyền tham dự vào chính trị. Dân chúng trước đây được huy động bởi báo chí và đài phát thanh; ngày nay họ được kích động bởi điện thoại di động, Facebook và Twitter. Những phương tiện này cho phép người dân được chia sẻ những nỗi bất bình về chế độ hiện hữu và học hỏi về những triển vọng trong một thế giới rộng lớn hơn. Sự thay đổi này trong vùng Trung Đông nhanh chóng một cách lạ thường và đã đánh đổ những chân lý cổ lỗ về tính chất thụ động của văn hóa Ả Rập và sự đối kháng của Hồi giáo đối với việc hiện đại hóa.
Những sự thay đổi phi thường này có gợi ý cho chúng ta về một khả năng bất ổn tại Trung Quốc trong tương lai không?
Một sự thật chắc chắn là sự bất mãn xã hội, giống như miếng bùi nhùi để nhóm lửa, cũng hiện hữu ở Trung Quốc như ở Trung Đông. Ngòi thuốc nổ của cuộc nổi dậy tại Tunisia là việc tự thiêu của Mohamed Bouazizi xẩy ra sau khi chiếc xe rau của anh bị tịch thu liên tục bởi nhân viên công lực và anh bị cảnh sát bạt tai và sỉ nhục khi anh đến để khiếu nại. Tất cả những chế độ không phải là pháp quyền (rule of law), trị dân bằng luật pháp (rule by law), hoặc không chịu trách nhiệm trước công chúng, đều bị sự thật kể trên săn đuổi. Chánh quyền thường xuyên coi thường người dân bình thường và chà đạp lên quyền của người dân. Không có một văn hóa nào lại không chống đối những hành vi như vậy.
Đây là một vấn đề rất lớn ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Một báo cáo của Đại Học Giao Thông (Jiao Tong) cho thấy rằng trong năm 2010 có 72 việc xáo trộn xã hội “lớn” xẩy ra ở Trung Quốc, tăng 30% so với năm trước. Theo phần lớn những quan sát viên ngoại quốc, báo cáo này đã giảm con số thật sự xuống có thể vài mức độ. Những sự xáo trộn như thế khó mà đếm bởi vì chúng xẩy ra ở nông thôn và vấn đề báo cáo bị kiểm soát chặt chẽ bởi những giới chức có thẩm quyền Trung Quốc.
Trường hợp điển hình và trắng trợn vi phạm đến dân quyền nhất ở Trung Quốc đương thời là việc chánh quyền địa phương toa rập với những công ty phát triển địa ốc chiếm đoạt đất của nông dân hoặc công nhân nghèo để thực hiện những dự án hoành tráng mới hoặc là một công ty phế thải những chất nhiễm độc vào hệ thống cung cấp nước của thành phố nhưng không bị trừng phạt vì nối kết với quyền lợi cá nhân của giới chức lãnh đạo phân bộ đảng ở địa phương. Mặc dù nạn tham nhũng tại Trung Quốc chưa tới mức độ ăn cướp như ở một vài nước ở Phi châu hoặc Trung Đông, nhưng nó lan rộng ra khắp nơi. Dân chúng nhìn thấy và bất bình với nếp sống ưu đãi của lớp người quyền cao chức trọng và con cháu của họ. Cuốn phim “Avatar” đạt thành công lớn ở Trung Quốc một phần vì nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy mình như những người bản xứ trong cuốn phim bị những đại công ty vô hình ăn cướp đất đai của họ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có vấn đề bất bình đẳng lớn lao và ngày càng gia tăng. Phần lớn những lợi ích từ sự phát triển phi thường dành cho những vùng ven biển và làm cho nông thôn tụt hậu khá xa. Chỉ số Gini của Trung Quốc – một tiêu chuẩn để đo lường sự cách biệt về lợi tức trong xã hội – đã tăng lên đến mức của Châu Mỹ Latin trong một thế hệ vừa qua. Để so sánh, Ai Cập và Tunisia có sự phân phối lợi tức tương đối cân bằng hơn nhiều.
Tuy nhiên theo ông Huntington, cách mạng không tạo bởi những người nghèo mà bởi giai cấp trung lưu đang lên nhưng khát vọng của họ bị chặn lại, và ở Trung Quốc có rất nhiều những người này. Tùy theo định nghĩa của quý vị, giai cấp trung lưu của Trung Quốc có nhiều hơn tất cả dân số của Hoa Kỳ. Giống như ở Ai Cập và Tunisia, giai cấp trung lưu ở Trung Quốc không có một cơ hội nào tham dự vào chính trị. Nhưng không giống như ở Ai Cập và Tunisia, giai cấp trung lưu ở Trung Quốc được hưởng lợi ích từ nền kinh tế đang tiến bộ một cách ngoạn mục và chính sách tạo việc làm của nhà nước nhắm hết sức đặc biệt vào giới trung lưu.
Ở một mức độ người ta có thể đo lường dư luận quần chúng Trung Quốc qua những cuộc thăm dò như Asia Barometer (Phong Vũ Biểu Á Châu), đa số rất lớn của dân Trung Quốc cảm thấy rằng đời sống kinh tế của họ khá hơn trong những năm vừa qua. Đa số dân Trung Quốc cũng tin rằng dân chủ là một chính thể tốt đẹp nhất, nhưng như một khúc ngoặt kỳ lạ, họ lại nghĩ rằng Trung Quốc đã là một nước dân chủ và họ bằng lòng với tình trạng này. Điều này có nghĩa là sự chuyển tiếp trong một thời hạn ngắn sang một nền dân chủ thật sự cởi mở chỉ được ít người hỗ trợ.
Thật vậy, có một vài lý do để tin rằng giai cấp trung lưu ở Trung Quốc có thể lo ngại rằng một chế độ dân chủ đa đảng trong ngắn hạn sẽ cho phép những người đã từng bị bỏ rơi đạo đạt những đòi hỏi của họ về việc tái phân phối lợi tức. Những người Trung Quốc giầu có nhận thấy rằng chế độ dân chủ đã gây ra tình trạng chính trị phân cực gần đây ở Thái Lan.
Sự thật là chế độ toàn trị ở Trung Quốc tinh vi hơn ở Trung Đông rất nhiều. Mặc dù không có trách nhiệm gì đối với dân chúng qua những cuộc bầu cử, chính quyền Trung Quốc cẩn thận theo rõi những bất mãn của dân chúng và thông thường phản ứng bằng cách dỗ dành thay vì đàn áp. Thí dụ như Bắc Kinh thẳng thắn công nhận sự chênh lệch lợi tức ngày càng lớn và trong những năm vừa qua đã tìm cách làm giảm bớt vấn đề này bằng cách chuyển những đầu tư mới vào khu vực nội địa nghèo. Khi có những trường hợp tham nhũng hay lạm quyền hiển nhiên, như đồ ăn cho trẻ sơ sinh bị nhiễm chất melamine hay việc xây cất trường học tồi tệ bị phát hiện khi có động đất tại Sichuan, chánh quyền đã quy trách nhiệm một cách tàn bạo cho các viên chức địa phương – đôi khi bằng án tử hình.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa của chính quyền Trung Quốc là việc tự buộc phải thay đổi cấp lãnh đạo. Những lãnh tụ Ả Rập như Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập, và Đại Tá Moammar Gadhafi không bao giờ biết khi nào phải ra đi, lần lượt nắm giữ quyền trong 23, 30, và 41 năm. Kể từ sau Mao Trạch Đông, cấp lãnh đạo Trung Quốc triệt để tôn trọng nhiệm kỳ khoảng 10 năm. Ông Hồ Cẩm Đào, Chủ Tịch Nhà Nước hiện nay, theo lịch trình sẽ dời khỏi chức vụ vào năm 2012, khi đó ông sẽ được thay thế bởi Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping). Thay đổi cấp lãnh đạo có nghĩa là có nhiều đổi mới về chính sách hơn, khác hẳn với những nước như Tunisia và Ai Cập, bị mắc kẹt trong chế độ tư bản bè phái trong nhiều thập niên.
Chính quyền Trung Quốc cũng rất khôn ngoan và tàn nhẫn trong cách đàn áp. Khi cảm thấy một mối đe dọa rõ rệt, ngay từ đầu những nhà cầm quyền không bao giờ để cho các cơ quan ngôn luận Tây phương loan tin. Facebook và Twitter bị cấm, và nội dung của những mạng Internet và những hệ thống thông tin xã hội bị gạn lọc bởi cả một đội quân kiểm duyệt. Dĩ nhiên có những chuyện xấu xa của chính quyền lọt ra ngoài rồi mới bị khám phá và loại bỏ bởi viên chức kiểm duyệt, nhưng trò chơi mèo rình chuột này làm cho một hệ thống thông tin xã hội khó có thể thành hình.
“Một điểm khác biệt quan trọng sau chót giữa Trung Quốc và Trung Đông liên quan đến bản chất của quân đội.”
Một điểm khác biệt quan trọng sau chót giữa Trung Quốc và Trung Đông liên quan đến bản chất của quân đội. Số phận của những chế độ độc tài phải đối phó với những cuộc chống đối của dân chúng sau cùng lệ thuộc vào sự cấu kết và trung thành của những cơ quan quân sự, cảnh sát và tình báo. Quân đội của Tunisia không ủng hộ ông Ben Ali từ lúc đầu; sau một thời gian tầm phào, quân đội Ai Cập quyết định không bắn vào những người biểu tình và đẩy ông Mubarak ra khỏi chức vụTổng Thống.
Tại Trung Quốc, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân là một tổ chức lớn lao và ngày càng tự trị, với nhiều quyền lợi mạnh mẽ về kinh tế và do đó quân đội có thế đứng trong tình trạng hiện nay. Như trong cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn vào năm 1989, quân đội có nhiều đơn vị trung thành ở khắp nơi trong nước, có thể được đem vào Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, và những đơn vị này không ngần ngại bắn vào những người biểu tình. Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân cũng tự coi mình như như người bảo vệ chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc. Trong tập sách tường thuật lịch sử của thế kỷ 20, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đã tự đặt mình vào trung tâm của những biến cố như đánh bại Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương và sự lớn mạnh của Trung Quốc hiện đại. Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân rất khó có thể thay đổi vị trí để ủng hộ một cuộc nổi dậy dân chủ.
Kết quả sau cùng là Trung Quốc sẽ không lây bệnh truyền nhiễm của Trung Đông một ngày gần đây. Nhưng Trung Quốc có thể dễ dàng phải đối phó với những vấn đề trong tương lai. Trung Quốc chưa trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hoặc tình trạng kinh tế suy giảm kể từ khi có cuộc cải tổ vào năm 1978. Nếu quả bong bóng của khu vực tài sản ở Trung Quốc tan vỡ, hàng chục triệu người sẽ mất việc, tính cách chính thống của chính quyền dựa vào việc quản trị quản trị kinh tế sẽ bị suy giảm một cách nghiêm trọng.
Hơn nữa, kịch bản của ông Huntington về sự vươn lên của giai cấp trung lưu nhưng kỳ vọng của họ không được thỏa mãn, vẫn có thể xẩy ra trọn vẹn. Mặc dầu có sự thiếu thốn nhân công với kỹ năng thấp tại Trung Quốc hiện nay, lớp người tốc nghiệp đại học lại dư thừa. Từ nay trở về sau mỗi năm Trung Quốc đào tạo bẩy triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, so với chưa tới một triệu vào 1998, và nhiều người khó khăn kiếm được việc làm phù hợp với địa vị của mình. Đối với một chế độ đang hiện đại hóa, vài triệu sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp nguy hiểm hơn hàng trăm triệu nông dân nghèo khổ.
Những người dân Trung Quốc còn nói đến một vấn đề mà họ gọi là “hoàng đế tồi tệ”. Những thành tích lịch sử của Trung Quốc qua nhiều thế kỷ là việc sáng tạo ra một chánh quyền tập trung. Khi những nhà lãnh đạo độc tài có khả năng và có trách nhiệm, sự việc có thể tiến triển tốt đẹp. Thật vậy, một tiến trình quyết định như vậy thường là có hiệu quả hơn là trong một chế độ dân chủ. Nhưng không có sự bảo đảm rằng chế độ [độc tài] luôn luôn sản xuất ra những nhà lãnh đạo tốt, và trong trường hợp không phải là chế độ pháp quyền (rule of law) và không có cách kiểm tra quyền hành pháp, không có cách nào để loại trừ vị hoàng đế tồi tệ cả. Vị hoàng đế tồi tệ cuối cùng, thường (nói một cách yên lặng) được công nhận là Mao Trạch Đông. Chúng ta không thể biết một tên bạo chúa hoặc kẻ tham nhũng biển thủ công quỹ là ai trong tương lai của Trung Quốc.
Sự thật là chúng ta rất muốn xây dựng một lý thuyết về những nguyên nhân của cuộc cách mạng xã hội, nhưng xã hội loài người rất là phức tạp và thay đổi nhanh chóng để có thể có được một lý thuyết hướng dẫn đơn giản và đáng tin cậy. Một số quan sát viên đã không tin vào sức mạnh của “đường phố Ả Rập” có thể đem lại thay đổi chính trị, căn cứ vào sự hiểu biết sâu sa của họ về Trung Đông, và mỗi năm họ đều đúng cả - cho đến 2011.
Điều khó nhất để tiên đoán đối với bất cứ một quan sát viên chính trị nào là yếu tố đạo đức. Tất cả những cuộc cách mạng xã hội đều được khích động bởi sự tức giận tột độ vì sự súc phạm đến phẩm giá, một sự tức giận đôi khi được kết tinh bởi một biến cố đơn thuần hay một hình ảnh. Nó có thể huy động những cá nhân trước đây rời rạc và nối kết họ thành một cộng đồng. Chúng ta có thể trích dẫn những con số thống kê về giáo dục, việc làm, và tìm tòi về lịch sử và văn hóa của một xã hội, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn không thấy ý thức xã hội tiến hóa nhanh chóng qua hàng ngàn tin nhắn, đoạn phim video hoặc những cuộc chuyện trò đơn giản.
Đối với Trung Quốc, đạo đức chủ yếu không thể đo lường được là giai cấp trung lưu. Cho đến nay, giai cấp này xem ra bằng lòng hi sinh tự do chính trị để đổi lấy lợi tức cao và sự ổn định. Nhưng ở một thời điểm nào đó, sự đổi trác này sẽ rất có thể thất bại; chế độ sẽ tự nhận thấy không thể đem lại thành quả mong muốn, hoặc sự xúc phạm đến phẩm giá của người dân Trung Quốc quá lớn để có thể tha thứ. Chúng ta không nên có tham vọng rằng chúng ta có thể tiên đoán được thời điểm đảo lộn đó khi nào sẽ xẩy ra, nhưng, như ông Samuel Huntington đề nghị, ngày đó sẽ được qui định bởi lý lẽ của chính việc đổi mới.
Francis Fukuyama,
Nguồn: Wall Street Journal
Nguyễn Quốc Khải dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét