Khu vực đồng euro đồng ý về kế hoạch 130
tỷ euro để kích thích tăng trưởng
Lãnh đạo bốn nền kinh tế Đức (A. Merkel), Pháp (F. Hollande), Tây Ban Nha (M. Rajoy) và Ý (Mario Monti) - Reuters / L. Bonaventure |
Tại Roma, lãnh đạo bốn nền
kinh tế hàng đầu khối euro - Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha- đồng ý huy động 130
tỷ euro để hỗ trợ tăng trưởng. Các biện pháp kích thích kinh tế phải được áp
dụng song song với chính sách khắc khổ để đưa vùng euro ra khỏi khủng hoảng.
Cuộc họp Roma nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh châu Âu vào cuối tháng 6/2012.
Chiều ngày 22/06/2012, thủ tướng
Ý đã chủ trì một cuộc họp bốn
bên với lãnh đạo Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Các bên đồng ý coi tăng trưởng là một ưu tiên hàng đầu của khối euro. Để đạt được mục tiêu đó, thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Ý Mario Monti đã đồng ý huy động 1% tổng sảm phẩm nội địa của châu Âu, tương đương với 130 tỷ euro. Trên nguyên tắc, khoản tiền 130 tỷ euro nói trên chủ yếu đến từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu và qua việc phát hành công trái châu Âu ngắn hạn.
Trong buổi họp báo, thủ tướng Ý,
trong cương vị nước chủ nhà tuyên bố : « Mục tiêu đầu tiên mà các bên đã đạt
được đồng thuận đó là thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và tạo công việc làm (…) đó
sẽ là trọng tâm của châu Âu » Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nỗ lực huy động 1 %
GDP châu Âu vì tăng trưởng.
Theo quan điểm của thủ tướng Đức
thì đây là « một tín hiệu mạnh » mà các nền kinh tế trong khu vực đồng euro
muốn gửi đến các đối tác kinh tế và tài chính. Berlin đến nay luôn chỉ chú
trọng vào mục tiêu đòi các quốc gia thành viên phải lành mạnh hóa tài chính,
giảm bội chi ngân sách nhà nước và giải quyết bớt nợ công.
Trong cuộc họp báo, bà Angela
Merkel không quên nhấn mạnh là các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng luôn phải được
áp dụng cùng với mục tiêu cân bằng hóa ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia về kinh
tế châu Âu cho rằng thỏa thuận các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp vừa đạt
được tại Roma đánh dấu sự hàn gắn trong quan hệ giữa Paris và Berlin sau nhiều
tuần lễ căng thẳng : tổng thống Hollande từ khi lên cầm quyền liên tục đề nghị
khối euro phát hành công trái chung để giúp các thành viên yếu kém nhất trong
khu vực được đi vay tín dụng với lãi suất thấp hơn.
Phía Đức hoàn toàn bác bỏ khả
năng này, vì lo ngại các quốc gia có thói quen tiêu xài quá trớn lại càng lỏng
lẻo hơn trong việc quản lý tài chính. Đề nghị phát hành công trái chung ở cấp
châu Âu đã khiến quan hệ Pháp-Đức bị xấu đi.
Thế nhưng tại Roma, tổng thống
Pháp đã nhượng bộ thủ tướng Đức trên hồ sơ này để đổi lấy đồng thuận của Berlin
trên kế hoạch kích thích kinh tế 130 tỷ euro kể trên.Cuối cùng, cuộc họp Roma
vừa qua còn được đánh giá cao do các bên đã cam kết nhanh chóng áp dụng thuế
đánh vào các dịch vụ ngân hàng.
Thanh Hà RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét