Thanh Trúc

Việt Nam vẫn ở bậc 2 về nạn buôn người

Phúc trình thường niên 2012 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tệ nạn buôn người trên thế giới, công bố chiều thứ Ba vừa qua, vẫn giữ Việt Nam ở bậc 2 trên danh sách những quốc gia có vấn đề về nạn buôn người.
Photo courtesy of state.gov;
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (ngồi giữa) trong buổi họp báo công bố bản phúc trình năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Mỹ về tệ nạn buôn người trên thế giới hôm 19/6/2012.





"Nạn nô lệ thời đại mới"
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton mở đầu buổi họp báo để công bố bản phúc trình năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Mỹ về tệ nạn buôn người trên thế giới, một tệ nạn mà cựu bộ trưởng ngoại giao Colin Powell cũng như đương kim ngoại trưởng Hillary Clinton gọi là nạn nô lệ thời đại mới. Bà nói:

"Đáng tiếc là sự kết thúc chính thức của nạn nô lệ ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác trên thế giới không có nghĩa là sự chấm dứt của nạn nô lệ trên toàn cầu. Tính đến hôm nay ước lượng hai mươi bảy triệu người đang là nạn nhân của tệ trạng nô lệ trong thời đại mới. Đây là vấn đề được gọi là buôn người hoặc có khi được gọi là đem người đi rao bán. Kể từ lúc khởi sự đối phó với tệ nạn buôn người thì Bộ Ngoại Giao Mỹ đặc biệt lưu tâm đến chuyện gọi là khai thác và lạm dụng con người mà phần lớn là phụ nữ, bị buôn bán vào đường những đường dây kinh doanh tình dục hoặc những hình thức nô lệ phục vụ khác."

Phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Mỹ, công bố chiều thứ Ba giờ Washington, vẫn xếp Việt Nam vào bậc 2, Tier 2, trên danh sách những quốc gia mà vấn đề buôn người còn tồn tại.

Phúc trình đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam là nguồn xuất phát và cũng được coi là điểm đến của tệ nạn buôn người với đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán vào đường mãi dâm hoặc lao động cưỡng bách.

Báo cáo nói Việt Nam xuất khẩu công nhân nam nữ qua Đài Loan, Malaysia, Nam Hàn, Lào, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác nữa trên thế giới, để làm việc trong ngành lao động tay chân như xây dựng, đánh bắt cá, trồng trọt, lâm nghiệp, khai thác mỏ hoặc trong các hãng xưởng.

Phúc trình nói phần lớn lao động Việt đi theo con đường xuất khẩu do các công ty của nhà nước phụ trách, trở thành nạn nhân vì gặp nhiều khó khăn và bị bóc lột sức lao động, bị buộc làm việc quá mức tại đất nước họ được đưa tới.

Đáng tiếc là sự kết thúc chính thức của nạn nô lệ ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác trên thế giới không có nghĩa là sự chấm dứt của nạn nô lệ trên toàn cầu. Bà Hillary Clinton

Bên cạnh đó, vì không có sự bảo đảm hoặc liên lạc chặt chẽ giữa lao động với các công ty trung gian đưa họ đi, vì thế những trường hợp bất ưng như làm việc trong điều kiện tồi tệ, bị bóc lột sức lao động, đã không được công ty môi giới Việt Nam bênh vực kịp thời hay chủ sử dụng lao động ở nước sở tại giải quyết thỏa đáng.

Dưới mắt Bộ Ngoại Giao Mỹ, được thể hiện qua phúc trình 2012 về tệ nạn buôn người trên thế giới, Việt Nam đã để cho xảy ra nhiều trường hợp như gian lận hay giả mạo liên quan đến những công ty môi giới và hồ sơ tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc mà hậu quả là nhiều người bị lường gạt cũng như không được luật pháp bảo vệ.

Thông qua xuất khẩu lao động

Bà Hillary Clinton trong buổi họp báo công bố phúc trình năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Mỹ về nạn buôn người trên thế giới hôm 19/6/2012. Photo courtesy of state.gov

Trong lãnh vực buôn người vào đường mãi dâm, phúc trình nêu vấn đề phụ nữ và trẻ em Việt Nam vẫn là đối tượng bị buôn đi bán lại vào những đường mãi dâm đến Kampuchia, Trung Quốc và Lào, rồi từ những nước này bị đưa qua Thái Lan, Malaysia, Singapore và kể cả các nước Châu Âu. Điều đáng chú ý trong phúc trình là thông qua con đường xuất khẩu lao động mà nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị lừa bán vào đường mãi dâm đến các nước Châu Á hoặc xa hơn Châu Á.

Phúc trình còn cho thấy dù có nhiều cố gắng nhằm cải thiện tình trạng buôn bán người mà điển hình là Luật Chống Buôn Người được quốc hội Việt Nam thông qua tháng Ba 2011 và trở thành có hiệu lực tháng Giêng 2012, nhưng trên thực tế việc sử dụng luật pháp nhằm giảm thiểu tình trạng buôn bán người vẫn chưa được áp dụng nghiêm chỉnh và đúng mức.

Mặt khác, Việt Nam đã báo cáo nhiều vụ phá án liên quan đến những đường dây chuyên lừa gạt và bán phụ nữ cũng như thiếu nữ trong nước qua biên giới Trung Quốc để làm vợ hoặc hành nghề mãi dâm. Từ cuối năm ngoái, tin từ Việt Nam cho thấy nhiều đối tượng phạm tội đã bị xử phạt dựa trên điều khoản 119 và 120 của Bộ Luật Hình Sự.

Tuy nhiên phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vạch rõ có nhiều trường hợp được coi là buôn người núp dưới hình thức lao động, thí dụ chuyện một công ty may mặc đã sử dụng lao động là trẻ dưới tuổi vị thanh niên chẳng hạn, lại không bị truy tố và xử phạt theo luật chống buôn người mà chỉ bị cáo buộc tội vi phạm luật lao động.

Một số tổ chức NGO ngoài chính phủ cho rằng tệ nạn buôn người ở Việt Nam còn bị chi phối bởi tình trạng tham nhũng ở địa phương, đặc biệt những khu vực biên giới Việt Nam Trung Quốc và Việt Nam Kampuchia, nơi có nhiều trạm kiểm soát số người hai bên qua lại mỗi ngày.

Những dữ kiện và số liệu cung cấp từ chính phủ Việt Nam và từ các tổ chức ngoài chính phủ đã dẫn đến kết luận của Bộ Ngoại Giao Mỹ trong phúc trình về tệ nạn buôn người 2012, phần đề cập đến Việt Nam, rằng sự thiếu thốn nguồn tài trợ, thiếu đào tạo chuyên môn về nhân sự, sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chức năng, sự lỏng lẻo trong việc áp dụng luật pháp là những nguyên nhân gây cản trở và làm chậm tiến trình cũng như nỗ lực phòng chống tệ nạn buôn người của chính phủ Việt Nam.


Thanh Trúc, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: