Một Người Việt Nam

BỨC THƯ THỨ 2 GỬI CHÚ NGUYỄN XUÂN DIỆN

THƯ THỨ 2 GỬI CHÚ NGUYỄN XUÂN DIỆN, CHO NGÀY CHỦ NHẬT BẼ BÀNG, NỖI BUỒN CHIA RẼ VÀ LÒNG TIN KHÔNG TÌM THẤY
Cháu xin chào chú Diện.
Lần thứ 2 cháu lại ngồi viết thư cho chú, hôm nay 17 tháng 07 năm 2011, không phải như tâm trạng

của ngày hôm trước. Về đến nhà, cháu thực sự thất vọng và càng uất nghẹn hơn khi nhìn những hình ảnh, theo dõi những thông tin trên Internet về buổi sáng nay. Trong thư này gửi chú, cháu sẽ không nói bất kỳ gì về những sự việc, hình ảnh và hoàn cảnh mà chúng ta có lẽ sẽ phải đi dần từ bất ngờ, e ngại đến bình thường hóa đó, xem nó như 1 trong những “câu chuyện” rất bình thường. Những nơi mà ta sẽ phải đến – không mong muốn, được mời đến – không thể từ chối, hãy tập làm quen và xem nó cũng tựa như nhà mình, không gần gũi than thuộc nhưng cũng sẽ ra vào hết sức thường xuyên, rất thản nhiên và vô tư lự.

Hôm nay, cháu sẽ viết để kể với chú về những nỗi buồn, những nỗi buồn mà người ta luôn bảo “rỗi hơi, những thứ ấy đã có ai đó lo rồi”. Buồn cho 1 ngày Chủ Nhật bẽ bàng. Buồn cho 1 sự chia rẽ vô cùng khó khăn hàn gắn. Và buồn cho 1 lòng tin đã mất không thể tìm thấy lại.

Chủ Nhật bẽ bàng? Chính xác là phải có đến 2 ngày, 10 tháng 07 và sáng hôm nay. 10 tháng 07, khi phần lớn các nhân sỹ đã quyết định chiều muộn hôm trước rằng hôm ấy sẽ tạm nghỉ biểu tình khi mà phía nhà nước đã có 1 hành động nhượng bộ đáng hoan nghênh đó là thôi không mời anh Nguyễn Văn Phương lên làm việc 8h sáng Chủ Nhật ngày 10 tháng 7. Một chút lòng tin vừa bùng dậy. Tuy vẫn còn mông lung, tuy vẫn còn mờ ảo nhưng nó đã hiện ra: 1 con đường đối thoại, 1 cử chỉ chấp nhận lắng nghe, 1 hành động tôn trọng và tiếp thu nguyện vọng nhân dân của cơ quan nhà nước. Nhưng từ cả 2 bên, đều đã không phải tất cả cùng cảm nhận và đồng lòng như thế. Bởi vậy mà, Chủ Nhật 10 tháng 07 biểu tình vẫn diễn ra nhưng chỉ èo uột trong khoảng 15 phút là bị dập tắt. Nên nhiều lúc cháu buồn, về phía nhân dân, với những ai không biết blog chú, hay blog nhiều người khác, hay những trang mạng loan truyền lời kêu gọi, thì họ vẫn đi là 1 lẽ thường. Nhưng có cả những người đã đọc được lời kêu gọi tạm nghỉ 1 ngày của các nhân sỹ, trí thức mà họ vẫn đi. Dĩ nhiên, yêu nước là quyền tự do cao cả hơn mọi quyền tự do riêng tư khác nên họ đương nhiên được quyền biểu hiện theo suy nghĩ của họ mà không ai có quyền chê trách. Và vẫn có rất nhiều cách lý giải, hợp tình và hợp lý. Cho nên. Không cần lý giải. Không thể chê bai, trách móc. Và đương nhiên buồn thì cũng không thể không buồn. Khi mà mỗi chúng ta trong hi vọng nuôi ý tưởng hình thành 1 nhận thức chung, xoay sở tìm cách bảo vệ tha nhân thì cũng lại vô tình tự hành động tách mình ra xa những người xung quanh khác.

Nó trở thành 1 cái cớ, 1 cái cớ mà cháu tin rằng khiến cho không chỉ đa số chúng ta mà cả những người thuộc cơ quan nhà nước thực lòng với quyết định nhượng bộ thôi mời làm việc với anh Nguyễn Văn Phương phải thấy buồn rầu. Trong khi, 1 lực lượng khác thì hí hửng, cười mừng cho cơ hội của Tàu, hay cười mừng cho chính bản thân họ đang bị chi phối trong mê hồn trận của Tàu. Và hôm ấy, rồi cả hôm nay, họ vung tay thoải mái. Với những cái cớ tự cho rằng hợp lý, cánh tay họ cứng rắn hơn, nặng nề hơn giáng xuống người yêu nước khi lương tâm đã bị che khuất để không còn là trở lực.

Cuộc đời không có “nếu”, và cháu nghĩ rằng dù cái hôm 10/07 ấy chúng ta có ứng xử thế nào thì ngày hôm qua cũng sẽ vẫn là như vậy. Ngày 13, 14 cháu theo dõi mỗi giờ về tình hình cuộc gặp giữa bộ ngoại giao và các nhân sỹ trí thức. Kết quả là không có, với sự việc được mô tả trên blog chú, được kể bởi Gs Nguyễn Huệ Chi. Niềm tin cuối cùng về 1 cử chỉ đối thoại, tiếp thu ý kiến, tâm tư, tình cảm giữa nhà nước và những trí thức đại diện cho nhân dân cũng đã tắt. Cộng thêm vào đó là tin tức về ngư dân Quảng Ngãi lại bị lính Trung Quốc tịch thu tài sản, đánh đập gần quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Phú Yên lại bị tàu quân sự Trung Quốc bắt giữ và đánh đập ở vùng biển Trường Sa. Và thật tủi nhục làm sao khi mà Ủy ban nhân dân Tỉnh Phú Yên đã phải có Công điện khẩn cấp gửi Bộ ngoại giao đề nghị can thiệp thì tất cả vẫn chỉ nhận được sự im lặng mà thôi, kể cả dù chỉ 1 lời phát ngôn của bà Nguyễn Phương Nga cũng vắng. Phải chăng Bộ ngoại giao đã chỉ còn chơi với nước ngoài? Thế là lên lịch cho Chủ Nhật, định viết thư cho chú nhưng công việc túi bụi, cuống cuồng nên lại bẵng đi.

Sáng Chủ Nhật, đi mà không đến, lại thấy buồn nhớ câu hứa trong thư trước với chú rằng “Một hôm nào đó, khi Trung Quốc lại giở thói côn đồ và hành động bá quyền xâm lược, cháu sẽ lại tiếp tục đi và ngày hôm đó, Sài Gòn của cháu sẽ không chịu kém cạnh Hà Nội của chú nữa đâu.” Té ra, nói như thế người ta gọi là quá lạc quan và thiếu nhận định tình hình. Nhưng cháu vẫn tin không thứ gì có thể khống chế lòng yêu nước. Và 1 lần nữa, cảm ơn tất cả những bạn Sài Gòn, đã lại chứng minh điều không bao giờ sai ấy: nhốt bất kỳ ai là 1 việc quá dễ dàng, nhưng xiềng xích lòng yêu nước là không thể.

Nhưng, 17 tháng 07 – 2011 là 1 Chủ Nhật quá bẽ bàng, cho thứ tình cảm được định danh là Lòng Yêu Nước. Nếu như ở Sài Gòn, người ta có thể gọi những thanh niên xuống đường là bọn cơ hội, là thế lực thù địch, là bị kích động xúi giục rồi bắt giữ, mời làm việc là hành động còn có thể có chút lý lẽ thì việc làm ở Hà Nội đã vạch trần toàn bộ cái vỏ bọc bên ngoài ấy. Những nhân sỹ, trí thức như chú, như Ts Nguyễn Quang A, Gs Nguyễn Huệ Chi, Gs Phạm Duy Hiển, Ts Nguyễn Hồng Kiên, Nhà văn Trần Nhương… có lẽ nào cũng là bọn phản động hay bị xúi giục kích động hay sao. Vậy mà Hà Nội cũng tan tác thế, những hình ảnh không khác gì ngày 12 tháng 06 tại Sài Gòn đã tìm đến nơi đây – thủ đô Ngàn năm Văn Hiến. Nhưng nhờ thế những người yêu nước Sài Gòn đã được rửa oan. Họ có thể “ngây thơ”, họ có thể “bồng bột”, họ có thể “suy nghĩ đơn giản” và “không lường hết được hậu quả” như người ta nói, nhưng chắc chắn cháu khẳng định rằng họ vô cùng yêu nước, yêu nước rất chân thành. Lòng yêu nước của những con người nhỏ bé nhưng vô hạn và không thua kém bất kỳ ai.

Nghĩ tới họ, rồi nghĩ tới những người trấn áp thô bạo họ mà lại thấy đau lòng. Đau lòng thật, mà tại sao lại thế. Một lần nữa cháu lại phải đắn đo câu hỏi: bản chất Việt Nam là đấy hay sao?!

Tại ta không nói? Hay tại ai không biết? Hay người nào đấy cố tình biết mà làm như không biết? Những hình ảnh đó, sẽ để lại gì trong ánh mắt và suy nghĩ của bọn bành trướng Bắc Kinh – những kẻ đang ngồi chễm trệ trong phòng lạnh, xuyên qua những khung kính cửa sổ sáng bóng nhìn đoàn người Việt Nam hỗn độn nhễ nhại dưới nắng nôi tự bắt bớ lẫn nhau – không giống những hình ảnh bắt người theo Pháp luật. Đó mới là nỗi đau quặn thắt hơn tất cả những nỗi đau thể xác, đó mới là nỗi đau sâu lắng nhất trong tâm khảm con người - nỗi đau của lòng yêu nước bị giết chết, mà không phải bởi kẻ thù xâm lược. Một ngày khủng hoảng, một ngày thật bẽ bàng cho những người gọi là nhân dân có 1 lòng yêu nước không theo định hướng. Ai cũng cố chứng tỏ cái lý của họ, ai chứng tỏ không được thì áp đặt cái lý của họ và rồi đẩy những con người cùng chung một mẹ, cùng máu mủ ruột rà vào tình trạng đối đầu nhau.

Lúc này đây, những người đại diện cho quần chúng ở đâu? Tại sao họ không bao giờ xuất hiện? Quốc Hội ơi, đại biểu ơi, các ngài không xuất hiện, phải chăng là vì đang bận ráo riết soạn thảo luật biểu tình. Nếu được thế, những kẻ dân hèn này sẽ mừng rơi nước mắt và tạc dạ suốt đời. Còn nếu không phải vậy, thì xin quý vị hãy 1 lần, 1 lần thôi và thật ngắn gọn thoáng qua cũng được, đến và nói với những người đang thi hành mệnh lệnh của chính phủ rằng: là ý chí của dân như vậy, là dân đang thể hiện lòng yêu nước, tình đoàn kết, và biểu dương lực lượng để ủng hộ chính phủ trong những quyết định cứng rắn hơn, minh bạch hơn đấy chứ không phải là chống đối gì chủ trương, chính sách của nhà nước cả đâu. Nếu họa có chiến tranh, xin nhà nước cứ điểm danh bảo đảm tên tuổi những người này sẽ không ai vắng. Nhà nước biết tìm giải pháp đối phó với Trung Quốc bằng đàm phán ngoại giao để tìm đồng thuận, mà lẽ nào lại chẳng muốn đạt được đồng thuận với nhân dân bằng đối thoại sao? Trấn áp là phương thức giải quyết vấn đề không thể đạt được tôn trọng và tuân phục mà sẽ chỉ dẫn đến gia tăng căng thẳng, bất đồng. Nhưng lại đang là đối pháp duy nhất vậy. Đối thoại: nhà nước không cần, không muốn hay không dám? Với chính tổ quốc mình?

Mà nếu không thể tìm ra biện pháp nào ngoài trấn áp, thì nhân dân cũng chỉ mong muốn 1 điều, xin hãy trấn áp chúng tôi bằng pháp luật. Quốc có quốc pháp, nhà có gia quy, xin hãy cứ theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật mà làm thì dân này cũng xin cam chịu. Các anh công an, cảnh sát, an ninh phải làm nhiệm vụ, cũng chỉ xin các anh nhớ giúp dân 1 điều rằng, quân có quân pháp, mệnh lệnh cấp trên là phải thực hiện. Nhưng còn 1 thứ mệnh lệnh vươt trên mọi thứ mệnh lệnh khác đó là pháp luật và 1 mệnh lệnh tối cao trên cả Pháp luật là lương tri. Một thượng cấp có thể sẽ chủ quan, nóng nảy, sai lầm hay vì mục đích cá nhân khi ra mệnh lệnh, còn pháp luật là cả một hệ thống đã được xây dựng và áp dụng cho cả những người cao cấp nhất và lương tri là thứ để con người ta không hổ thẹn với chính bản thân mình. Nếu buộc phải bắt một người giữa đám đông, xin hãy đúng nguyên tắc pháp luật mà làm điều đó. Xin dừng vì phải bằng được làm cho xong nhiệm vụ mà có những hành động lạ thường, và xin đừng bảo rằng ấy là vì quan hệ ngoại giao. Ai cũng hiểu, muốn có được 1 thế đứng ngoại giao vững chắc thì trước tiên gia quy mình phải thật nghiêm minh.

Nhưng đâu phải một người, cũng đâu phải bây giờ mới nói… Thôi thì lúc này đây, ai còn tha thứ được cho ai thì cũng chỉ còn biết nghĩ thế mà bỏ qua và tiếp tục việc mình làm, cũng đành chỉ vậy. Lại lấy lý do nhiệm vụ, mệnh lệnh cấp trên mà cố vui vẻ, tươi cười với những người luôn nhìn ta bằng ánh mắt hình viên đạn vậy. Có gì đâu.

Phàm ở đời, lẽ công bằng nào lại chẳng cần đến sự thứ tha. Không có đức hi sinh, không có lòng vị tha, nhường nhịn thì mọi nền công lý, mọi lẽ công bằng xét cho cùng cũng chỉ là những bản án mà người ta sát phạt lẫn nhau khi quyền lợi cá nhân bị xâm phạm đến. Chẳng có tình người. Chú Diện ơi, từ nay, cháu sẽ không bao giờ kể lại hay mô tả về những cuộc mời mọc đầy kịch tính của những người phải thi hành công vụ nữa, cháu sẽ xem đó như 1 việc rất bình thường, có lẽ là 1 đặc điểm riêng khác biệt của xứ Việt Nam.

Chú biết không, cái tối thứ 7 mà nhận được tin cơ quan an ninh sẽ không mời làm việc anh Nguyễn Văn Phương vào sáng Chủ Nhật hôm sau ấy, cháu đã hết sức vui mừng. Chỉ là 1 tín hiệu rất nhỏ, nhưng nó làm bùng lên 1 tia hi vọng về lòng tin đã mất. Đất nước này đã đánh mất, đang khủng hoảng và cần nhiều lắm lắm niềm tin để hàn gắn những rạn nứt, những vết thương và những chia cắt của cả một lịch sử chiến tranh, 1 quá trình xung khắc trong nhận thức và những chiều hướng tiêu cực của 1 xã hội đầy rẫy khó khăn, phức tạp. Và rồi, cơ hội ấy đã không thể đến, tia sáng ấy đã bị khuất lấp đi thì khi chú thông báo trên trang blog Nguyễn Xuân Diện rằng, Bộ ngoại giao thông báo sẽ đối thoại với các nhân sỹ, trí thức, cháu lại 1 lần nữa đặt cược tất cả niềm tin của mình vào cơ hội ấy. Rồi cũng bất thành. Sao vậy nhỉ, Bộ ngoại giao có thể đàm phán với Trung Quốc dễ dàng đến thế, mau chóng đạt đồng thuận chung đến thế mà với chính dân mình thì khó đến vậy sao? Những điều tốt đẹp, lẽ nào vẫn cứ mãi chỉ là tưởng bở, ngây thơ? Lòng tin đã mất vẫn chưa thể tìm lại được, mọi nỗ lực rồi cũng chỉ là gió thoảng mây bay. Đất nước này vụn vỡ, khi niềm tin đã không còn được 1 sự nối kết nào, chính phủ đã thả nhân dân vào vô vọng. Vì sao?
Có lẽ nào, biết bao nhiêu niềm tin đặt vào giờ phút ấy, cho 1 sự hiệp thông, lắng nghe, trao đổi và chia sẻ để tạo nên một Việt Nam thực sự thống nhất lý trí, đồng tâm hiệp lực vẫn không đủ để chỉ 1 lần Bộ ngoại giao gửi giấy mời các nhân sỹ, trí thức vào phòng họp để trả lời những thắc mắc trong kiến nghị hay sao? Hay chỉ là thứ trưởng Hồ Xuân Sơn không thể công khai điều đó. Cơ hội vô cùng hiếm hoi cho 1 lần tìm lại lòng tin đã bị bỏ lỡ. Dân tộc này, rồi sẽ còn chia rẽ, tan rã trong cái vỏ bọc 36 năm thống nhất dài dài. Buồn lắm chú à.

Và 1 nỗi buồn âm ỉ khác, không đến từ kẻ thù xâm lược, cũng không đến từ những con người đang ở 2 phía mang nhiệm vụ trái ngược nhau - mệnh lệnh cấp trên hay mệnh lệnh của lương tâm và lòng yêu nước. Nỗi buồn đến từ chính chúng ta, chính những người thuộc cùng tầng lớp nhân dân, quần chúng với nhau. Những khi rảnh rỗi, cháu thường luôn tranh thủ thu thập tin tức từ mạng Internet và bạn bè đã đưa link cho cháu đọc, về những bài viết của Bs Hồ Hải, Kami hay của Đông A, về những bài viết xung quanh hình ảnh biểu tình ngày 05 tháng 06. Bạn bè cháu bảo, họ đọc thấy liên quan đến cháu, mà thấy ấm ức nên muốn cháu là người trong cuộc, lên tiếng 1 lần. Nhưng cháu đọc xong, càng đọc càng thấy buồn, buồn đến chẳng nói được gì. Sao người Việt mình cứ mãi chia rẽ, hơn thua vậy chú? Bởi thế nếu trách những người phải thi hành công vụ kia 1, thì có lẽ ta nên tự trách chính mình phải gấp đôi lên. Trong thư trước, cháu đã tâm sự với chú về việc làm hôm đó của mình, về mục đích cuối cùng là xây dựng 1 Việt Nam thực sự thống nhất, đoàn kết một lòng trước kẻ ngoại xâm. Vậy mà có ngờ đâu, cũng chính hành động đó lại trở thành 1 tiêu điểm để chính phe mình phản bác phe ta. Tự do ngôn luận là quyền căn bản nên mọi người được thoải mái trình bày suy nghĩ của mình, nhưng nếu chúng ta thực sự mở lòng để cảm thông nhau nhiều hơn nữa, thì chắc sẽ bớt được rất nhiều thời gian tranh cãi và những lời nói khó cho nhau. Tổ quốc cần chúng ta và thời gian thực sự không nhiều, lãng phí là có tội. Cháu đọc các bài tranh luận đó xong, thấy người ta lại chia thành 2 phái rồi đả phá nhau, thậm chí cả tấn công cá nhân cũng có, sao lại thế? Cháu thì chỉ thấy rằng, ai cũng có lý lẽ của riêng mình, có suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá của riêng mình. Dĩ nhiên là đã không cùng nhận định, lại ở vào hoàn cảnh khác nhau thì có những phán xét khác nhau là chuyện bình thường. Những phán xét, đánh giá ấy, dù đúng dù sai, xét cho cùng không phải là điều quan trọng nhất. Cháu nghĩ rằng điều quan trọng nhất là ta nên hiểu cho nhau, hiểu tại sao 1 người nào đó trong 1 hoàn cảnh nào đó lại nhìn nhận sự việc, vấn đề như vậy. Nếu được như thế, việc góp ý sẽ thật nhẹ nhàng và việc bỏ qua những khác biệt cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều lắm. Tự do luôn là điều con người khao khát, nhưng nếu ngoài tự do cho bản thân mình chúng ta biết giúp tìm và tôn trọng tự do của người khác nữa, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp và hòa nhã biết bao.

Cháu sẽ rất buồn khi nỗ lực của mình lại diễn biến theo chiều ngược lại. Cháu thấy Đông A cũng có cái lý của Đông A, dù lời lẽ thì có vẻ hơi nặng nề hay mang tính châm biếm, mỉa mai. Nhưng cháu vẫn luôn nghĩ rằng, khi nhìn một con người thì hãy mở lòng mở trí của mình để nhận thấy những điểm đáng và cần học hỏi ở con người ấy, chứ xin đừng mang tâm lý dò xét để bắt lỗi nhau. Dù không quen biết, cũng là lần đầu tiên đọc những bài viết của tác giả Đông A, nhưng cháu tin cháu cảm nhận được con người này và hiểu được ông ấy muốn chia sẻ những gì. Chỉ có điều, nếu tác giả Đông A có vào đọc blog chú Nguyễn Xuân Diện, xin hãy cho cháu nhắn gửi lời này: Người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn, nhưng sẽ không bao giờ có được trọn vẹn suy tư và cảm giác của người trong cuộc. Nếu bác hay chú Đông A gì đó muốn trình bày quan điểm trọn vẹn hoàn chỉnh về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua thì xin hãy một lần xuống đường như thế, bằng tất cả cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ, trăn trở của mình và gạt bỏ mọi thứ ở xung quanh thì cháu tin, khi trở về bác (chú) Đông A sẽ có thêm nhiều cách nhìn trải nghiệm. Và chắc chắn sẽ hiểu được cái cảm giác: dù bác đi 1 mình, đi bằng “sự tự do nội tại riêng mình”, dù không quan tâm đoái hoài gì bất kỳ người nào khác, nhưng bác sẽ thấy chính mình gắn kết với họ bằng một lực hút vô cùng mạnh mẽ, không thể tách rời. Đó là hào khí thiêng liêng của lòng yêu nước, thứ ấy sẽ cuốn trôi tất cả những gì gọi là trí thức độc lập, sáng suốt rời rạc hay tỉnh táo một mình, chúng ta sẽ được cuộn vào dòng chảy và bất chấp xa thân tất cả cho một cảm xúc rất chung, cho mọi người bên cạnh. Xin hãy thử cảm nhận 1 lần, bác sẽ thấy những giây phút hạnh phúc lớn lao ấy đủ để có thể tha thứ cho những lỗi lầm nhỏ bé phát sinh. Và cái cách người ta siết chặt tay nhau cùng chịu trách nhiệm, cùng khắc phục hậu quả nếu có sai lầm sẽ là những phút giây bất tử. Còn nếu chỉ đứng ngoài, thì cho dù có là người xuất chúng và sáng suốt đến đâu, chắc chắn một số nhận xét theo chiều hướng thiếu tích cực vẫn sẽ là coi thường hay nặng nề hơn là chà đạp danh dự người trong cuộc. Chúng ta cần thật nhiều những tranh luận để khai sáng vấn đề, đồng thời cũng cần thật nhiều những tình cảm ấm áp, hòa nhã, bao dung để không tách rời nhau. Nếu không, nỗi buồn chia rẽ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt và dù có uyên bác bao nhiêu, chúng ta cũng sẽ phải chết trong cái lặng lẽ cô đơn trí thức của mình.
Đất nước đã Nam – Bắc một nhà, thì xin hãy giúp lòng người thôi ly tán. Sự đoàn kết của chúng ta sẽ làm cho kẻ thù run sợ, sẽ làm chúng kinh khiếp hãi hùng mà tắt ngấm những nụ cười đểu giả và toan tính gian tà. Xin hãy làm cho Việt Nam là như thế.

Nỗi buồn đã quá nhiều, xin cho cháu gửi mấy lời vui chia sẻ. Xin cho cháu cảm ơn thật nhiều các bác, các chú, các cô, các anh, các chị và các bạn đã chia sẻ với cháu thật nhiều trong bức thư qua. Cháu vô cùng cảm động và hạnh phúc vì biết rằng mình không bao giờ phải cô đơn. Cảm ơn tất cả mọi người nhiều lắm. Cháu cảm ơn Gs Hoàng Xuân Phú thật nhiều.

Đặc biệt là cháu xin gửi riêng lời cảm ơn xúc động đến bác Phạm Chuyên, cảm ơn bác đã cho cháu niềm tin vào một điều tốt đẹp. Bác đã từng là Thiếu tướng công an, từng là Giám đốc công an Hà Nội nhưng bác đã hòa mình vào và thấu hiểu tấm lòng của những người dân nước Việt thì cháu tin rằng, những người chiến sỹ công an đang phải làm nhiệm vụ những Chủ Nhật qua rồi cũng sẽ có ngày họ hiểu được nhân dân như bác. Ngày ấy, Việt Nam ta sẽ tươi sáng hơn nhiều.

Những việc bác đã làm vừa qua, những dòng tâm sự bác đã gửi gắm đến mọi người đã là những giá trị để giúp cháu tin rằng rất nhiều người công an Việt Nam đều mang trong họ những suy tư như vậy. Cho nên, nếu vì nhiệm vụ mà họ buộc phải khó chịu với mình, thì ta hãy vì hoàn cảnh của họ mà thông cảm nhiều hơn chút vậy. Chỉ mong các anh, các chú công an đừng trút những bực dọc, nóng nảy của một ngày không được nghỉ lên những con người chân thành yêu nước như hình ảnh ngày 12 tháng 06 tại Sài Gòn và ngày 17 tháng 07 tại Hà Nội vừa qua thêm nữa. Những người đi tuần hành, biểu tình cũng bởi vì yêu nước, các anh xin cũng hãy là những người làm nhiệm vụ cho quê hương.

Thư viết cho chú từ tối hôm Chủ Nhật, đến bây giờ mới có thể dừng mà trong lòng vẫn còn rất nhiều cảm xúc.

Cháu cảm ơn chú Diện thật nhiều, trong nỗ lực truyền tải thông tin những ngày qua cũng như những hành động góp sức cùng các bậc nhân sỹ, trí thức để vận động xã hội nhằm thúc đẩy đất nước tốt đẹp hơn. Chân thành cảm ơn chú và tất cả các bậc nhân sỹ nước Nam.

Kính chúc chú và tất cả những nhân sỹ, trí thức, cùng toàn thể những người yêu nước Việt Nam sức khỏe dồi dào, tin thần kiên định, lý trí vững vàng. Chúc tất cả chúng ta sớm đạt được những ước mơ trong sáng và cao đẹp.
Tổ quốc chúng ta sẽ giàu đẹp, dân tộc chúng ta sẽ trường tồn.
Sài Gòn, 19 tháng 07 năm 2011
Cháu
Một Người Việt Nam

Không có nhận xét nào: