Trọng tâm

Cẩm nang đối diện công an cộng sản
Quốc hội Ba Lan
Cẩm nang tổng hợp và hệ thống các kinh nghiệm được truyền đạt từ những cuộc trao đổi, nói chuyện với những người Ba Lan từng hoạt động độc lập thời Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan (trước năm 1989). Càng gần tới đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam XI, sẽ càng có thêm nhiều bắt bớ. Chúng ta cần hiểu nguyên tắc làm việc của công an trong chính quyền chuyên chế, cần xác định vị trí của mình khi đối diện với an ninh cộng sản


để trên hết, không làm tổn hại tới bản thân và sau đó, không để người khác bị liên quan. Mục đích tiếp theo của cẩm nang là không bảo vệ lợi ích của độc tài chuyên chế mà tay chân là các cơ quan bạo quyền như công an và quân đội hay Mặt Trận Tổ Quốc.
Đối diện với công an cộng sản như thế nào?

KHÁI NIỆM:
Khi bị đặt làm mục tiêu của công an, bất kể lý do, cần thông suốt 3 Mấu Chốt:
- tâm khảm: lòng tin trong tâm niệm rằng chính nghĩa không nằm bên phía đối phương. Nghĩa là cơ quan an ninh không đại diện cho cái thiện phổ cập.

- thái độ: mình là người bình thường đại diện cho phần chính nghĩa vốn là số đông phổ cập
- đối phó: không tự cho mình là đối tác của công an, lại càng không được tin mình yếu thế hơn đối phương.

Tóm lại, cái Thiện là Ta (Mình) (trong phần sau được viết là „Ta”), cái ác là công an (CA)

Cần thông suốt 3 Mấu Chốt trên với chính Mình trước khi đối diện với công an. Nếu làm được vậy, Ta đã tự đặt mình ở thế thắng cuộc. Luôn tìm tới 3 Mấu Chốt khi bị công an đặt vào tình huống khó xử.

Hoàn cảnh khách quan: Ta là dân thường và cư xử bình thường đang đối diện với đại diện độc tài cư xử bất thường.

Mục đích của công an là thay đổi 1 hoặc tất cả 3 mấu chốt trên, tiện thể thâu thập thông tin hòng tận dụng chúng trong những chiến dịch thay đổi 3 mấu chốt đối với những người khác liên quan ít nhiều tới Ta. Lô-gích và mục tiêu hoạt động của công an có hại cho tất cả những ai bị cuốn vào nó, sở dĩ bởi công an muốn đạt lợi ích cho CA nhưng để người dân trả giá (có thể bằng sách nhiễu hàng ngày, bằng chậm tiến xã hội… nhưng cụ thể hại như thế nào không nằm trong phân tích của cẩm nang này)

Cần nhớ rằng mục đích của công an không chỉ muốn thay đổi quan niệm của đối phương mà điều quan trọng không kém là muốn tự thuyết phục chính bộ máy cầm quyền rằng „độc tài cầm quyền là đúng và được người dân công nhận”.

Mục đích của Ta là bảo vệ quyền lợi của Ta. Quyền lợi của Ta là quyền không liên can tới nhà chức trách, tức không thực hiện mục đích của công an hoặc ít nhất thể hiện được rằng: Ta nằm ngoài lô-gích suy luận và hành động của công an. Chỉ như vậy mới mong được vô can với công an và chính quyền độc tài (điều này cả xã hội Việt Nam đang làm nhưng không định nghĩa được cụ thể mà thôi).

Tất nhiên, công an cũng muốn lôi kéo Ta vào lô-gích của công an. Vì vậy mới cần tỉnh táo và vững chắc trong 3 Mấu Chốt đã kể trên.

Nguyên tắc công an làm việc với Ta:

Thuyết phục đối phương hợp tác bằng bất kì hình thức nào

Không minh bạch

Dựa trên bạo lực và sợ hãi

Nguyên tắc Ta đối phó với công an:

Bất cần

Minh bạch

Không hãi sợ nhờ niềm tin vào 3 Mấu Chốt và „lấy thiện thắng ác”

Một số nguyên tắc trong thái độ ứng xử với công an:

Cung cấp càng ít thông tin cho công an càng tốt mà tốt nhất là không cung cấp bất kì thông tin gì ngoài họ tên. Tuân thủ nguyên tắc không nhiều lời với công an

Không bao giờ tuân thủ nguyên tắc của công an mà chỉ tuân thủ nguyên tắc riêng của Ta
Không được tin sẽ thuyết phục được công an

Không được mất công phán đoán hay suy luận công an đang nghĩ gì hoặc sẽ làm gì mà ngược lại, phải biết (chẳng hạn qua cẩm nang này) công an muốn gì và lô-gích hoạt động của công an là thế nào trước khi tiếp xúc với nó.

Không được tin mình phải phục tùng công an.

Không được tin công an „đa năng” hay „cái gì cũng biết”

Không nên coi họ „đáng mến”, nói họ „dễ chịu” lại càng không nên bởi nói vậy là lâm phải lô-gích: coi công an ngang bằng Ta, trong khi mục đích của Ta là lánh xa lô-gích suy nghĩ và hành động của công an.

Tuyệt đối không được công nhận bất kì lỗi lầm nào về phía mình.

Duy trì niềm tin xã hội bênh vực Ta.

HÀNH ĐỘNG:

Theo những nguyên tắc trên cùng với 3 Mấu Chốt đã nêu, cần hành động trong các tình huống cụ thể như sau:

Không tiếp xúc mập mờ: CA tìm cách tiếp cận bằng nhiều cách nhưng Ta phải tuân thủ nguyên tắc của Ta: không tiếp xúc. Phải đặt ra mục tiêu – chỉ tiếp xúc khi có giấy gọi đàng hoàng. Điều này rất quan trọng bởi nếu chấp nhận tiếp xúc không đàng hoàng nghĩa là tất cả nội dung nói chuyện với CA cũng không đàng hoàng – thế là đi tong mọi nguyên tắc đã nêu. Nếu CA quá coi trọng cuộc nói chuyện với Ta thì thế nào cũng có cách tiếp cận và như vậy thế nào mình cũng phải gặp, nhưng ở thế bị ép gặp chứ không phải do Ta tình nguyện chấp nhận – được như vậy phần không minh bạch nằm ở phía CA chứ không ở phía Ta.

Không cung cấp thông tin: không được để CA hiểu Ta là nguồn thông tin dồi dào cần khai thác. Nhiều người nhầm tưởng cứ nói nhiều về những gì „CA đằng nào cũng biết” là tối ưu. Không phải vậy, bởi mục tiêu tối cao của CA không phải là thu thập thông tin mà muốn tìm hiểu thái độ của đối phương với các khái niệm thông tin để rốt cuộc, thực hiện lô-gích độc tài. Một lần nữa phải tự nhắc nhở rằng Ta không được làm theo nguyên tắc độc tài đề ra.

Nên thuyết phục công an „tìm thông tin chính xác trực tiếp từ nguồn tin chính”. Ví dụ nếu CA muốn hỏi về hoạt động của thành viên trong gia đình thì nên hỏi chính thành viên đó bởi mình là người không quan tâm hay không hiểu biết. Có thể CA muốn biết những đánh giá của mình hoặc thái độ của mình với hoạt động của thành viên trong gia đình. Không nên tỏ ra có ý kiến - không ủng hộ cũng không đấu tranh bởi mình là người vô can.

Hiểu YẾU ĐIỂM của công an

- Công an hoàn toàn yếu đuối về nhân cách và không được xã hội tin tưởng. Đó là điều ai cũng biết. Có điều CA sẽ yếu hơn nếu chúng ta tin họ yếu.

- Công an phải trình biên bản phỏng vấn và các thông tin lượm được với cấp trên: Đây là điểm yếu đuối nhất của CA. Những người thi hành nhiệm vụ không muốn hoặc không tiện viết các bản tường trình làm cấp trên lo lắng hay phật ý. Thế nên, hầu hết các biên bản nộp lên cấp trên đều bị cấp dưới làm mạo. Cấp dưới lại thường làm mạo văn bản theo… linh tính, mà linh tính thường rất mơ hồ. Tốt nhất không nên đóng góp thông tin vào quá trình giả mạo này bởi vai trò trung gian ở đây thật sự không cần thiết và không ý nghĩa gì với cả hai phía của cuộc nói chuyện. Đây cũng là lý do vì sao cần phải có giấy triệu tập chính thức, chứ tuyệt đối không được „huyên thuyên” khi chưa có giấy gọi chính thức. Điều này rất ảnh hưởng tới tương lai (nhưng ảnh hưởng thế nào không nằm trong mục đích phân tích của cẩm nang này).

- Phải để cho công an biết rằng họ kém cỏi và không làm Ta sợ. Những câu nói đại thể như „các anh nắm những thằng không có tóc như tôi chứng tỏ các anh nghiệp vụ kém, không biết hỏi đúng đối tượng” hay „không biết các anh học qua trường nào rồi mà phải hỏi những người mù tịt thông tin như tôi” là những câu công an rất ngán, bởi CA không muốn cấp trên biết CA bị đối phương coi thường. Một cái biên bản „đẹp” cho những người thi hành công vụ là biên bản kể công với cấp trên. Hãy để CA tự tạo những biên bản đó, vốn là việc họ vẫn làm.

- Hệ thống thông tin của an ninh cộng sản vì thế rất bừa bãi, nhiêu khê và thiếu thống nhất. Hãy để gậy lưng đập lưng ông – họ xứng đáng với những cú đòn đó.

Không kí kết hay khẳng định với công an bất cứ điều gì trên văn bản nếu văn bản đó không hợp lệ: không xuất phát từ giấy triệu tập đồng thời có nội dung phản ảnh không đúng sự thật. Kí kết trên văn bản là việc làm rất không hay (bởi là hành vi chấp thuận lô-gích của độc tài). Phải đặt mục tiêu tránh kí kết.

Tuyệt đối không giữ bí mật các tiếp xúc của mình với CA. CA sợ ánh sáng và chỉ có thể mập mờ trong bóng tối. Chỉ có trong bóng tối, CA mới dễ bề tiếp tục hành hạ thường dân. Sau khi tiếp xúc với CA, cần thông báo rộng rãi nhất có thể về nội dung cuộc gặp/ hỏi cung. Việc bạch hóa một phần giúp ta thoát khỏi bóng tối, một phần giúp ta minh bạch với bạn bè, người thân, đồng nghiệp để tránh ghi ngờ sau này từ phía người thân rằng chúng ta „có thỏa thuận ngầm” nào đó với CA. Minh bạch là điều bắt buộc đối với những ai hoạt động trong nhóm từ 2 người trở lên, hoặc làm việc đại chúng (nhà báo, nhà văn, chủ blog, luật sư, nhà hoạt động…).

TÂM LÝ

- Tâm lý vững vàng đảm bảo thành công bởi thân thể có thể bị hành hạ nhưng tinh thần nếu khép kín với công an, sẽ không bị xâm phạm. Bởi vậy không nên bỏ công thuyết phục hay "mở cửa" với công an.

- Không được nhầm tưởng CA „mạnh hơn” Ta.

- Không được tin CA dám xâm hại tới tính mạng của Ta đồng thời không được tin mình là con mồi quý của CA (trên thực tế, gia đình của các nhà dân chủ không bị đánh đập hay giết hại). Hãy tin rằng, kể cả khi bị đánh đập, công an vẫn biết Ta là con mồi vô dụng (thường thì CA đánh người bởi chót hi vọng con mồi béo bở). Ta không được để CA đặt hi vọng vào.
- Tuân thủ 3 Mấu Chốt giúp tâm lý ổn định và tự tin từ bên trong thâm tâm.

- Khi đã vững vàng 3 Mấu Chốt, Ta sẽ tự thấy không cần „lên gân lên cốt” để tỏ ra tự tin mà chỉ cần tự tin trong tâm khảm là đủ.



© Tôn Vân Anh

12.03.2010

24.07.2011 - có sửa đổi 1 số câu chữ và cách hành văn

Không có nhận xét nào: