Kinh tế Việt Nam: cần đổi mới lần thứ hai
Trong bài viết “Một trang sử mới đã mở ra” (xem TL 261), ông Nguyễn Gia Kiểng đã phân tích cho chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế thế giới, những gì đang diễn ra và những gì sắp đến. Đối chiếu với thực tế chúng ta có thể thấy được bức tranh kinh tế thế giới đúng như vậy, thậm chí nó còn u ám và nghiêm
trọng hơn nhiều. Khủng hoảng Châu Âu vẫn ngày càng lún sâu vào bế tắc. Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp, một quốc gia phát triển trong hệ thống sử dụng đồng tiền chung Euro vẫn còn đó bất chấp những nỗ lực to lớn của Cộng Đồng Châu Âu và thế giới. Thậm chí ngay cả Ý, một thành viên khối G7 cũng đã bị hai công ty thẩm định tài chính quốc tế có uy tín là Moody”s và S&P hạ điểm tín nhiệm.Tại Hoa Kỳ, cường quốc kinh tế số 1 của thế giới, cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên kênh ABC, tổng thống Obama thừa nhận rằng “tình trạng kinh tế của phần lớn người Mỹ không khá hơn cách đây 4 năm, trước khi ông đắc cử”. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn rất cao : 9,1%. Việc ông Obama bị dân chúng Mỹ cho về vườn “vui thú điền viên” trong kỳ bầu cử tới ngày càng trở nên hiện thực. Quốc hội Mỹ đã khởi động một “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới qua việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm trừng phạt chính quyền Bắc Kinh với lý do là đồng nhân dân tệ bị dìm giá quá thấp để kích thích xuất khẩu, và đó là nguyên nhân làm cho người Mỹ bị thất nghiệp ngày càng nhiều.
Tại Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới, xem chừng là nghiêm trọng hơn cả. Theo thẩm định của ngân hàng Anh, Standard Chartered, tổng số nợ công của Trung Quốc hiện nay đã lên tới 28 000 tỷ CNY (nhân dân tệ), khoảng 3 200 tỷ EUR hay 4 300 tỷ USD, tương đương với 68% GDP. Đáng lo ngại hơn là hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang nắm trong tay đến 9 000 tỷ CNY (1.400 tỷ USD) nợ khó đòi. Khoản tiền nŕy tương đương với 22% GDP của Trung Quốc.
Bên cạnh hồ sơ nóng bỏng nợ công, Trung Quốc còn đang phải đau đầu giải quyết lạm phát trong viễn cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo hiệp hội các doanh nghiệp tư nhân thì đã có khoảng 1/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuyên bố phá sản. Nguy cơ vỡ bong bóng đầu cơ bất động sản cũng như sự phá sản của các ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc ngày càng trở nên hiện thực. Chủ trương phát triển kinh tế bằng cách xuất khẩu thật nhiều hàng hóa với giá rẻ buộc các doanh nghiệp phải khai thác tối đa sức lao động của công nhân Trung Quốc và khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên bất chấp môi sinh và môi trường của Trung Quốc ngày nay đang sắp hết tác dụng (RFI).
Tại Việt Nam thì thế nào? Có thể lấy tình hình của Trung Quốc để đánh giá hiện tình của Việt Nam vì bấy lâu nay Việt Nam vẫn là bản sao (mờ nhạt) của Trung Quốc về nhiều mặt, trong đó có kinh tế. Tuy nhiên tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Trung Quốc vì nền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn bị Trung Quốc thao túng. Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô và phần lớn xuất sang Trung Quốc. Thị trường hàng tiêu dùng trong nước bị tràn ngập bởi hàng rẻ tiền từ Trung Quốc, đe dọa sự sống còn của các xí nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam ; nguy cơ này sẽ cŕng tăng lên trong những ngày sắp tới khi các thị trường chính của Trung Quốc tại Châu Âu và Mỹ bị thu hẹp. Đây là một thách thức lớn cho chính quyền Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong 9 tháng qua đã có gần 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ giải thể hoặc phá sản. Nguyên nhân là do chính phủ Việt Nam thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát khiến các công ty nhỏ đói vốn. Xuất khẩu sụt giảm, tỷ giá đồng Việt Nam ngày càng yếu đi khiến niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt suy giảm theo. Người dân đã vội vàng rút tiền gửi trong ngân hàng để mua vàng dù với giá rất cao so với thế giới. Mục đích duy nhất của người dân khi mua vàng là để bảo vệ tài sản của mình, đây là việc làm bất đắc dĩ của người dân nhưng nó sẽ gây nhiều hệ lụy cho kinh tế đất nước khi một khối lượng tiền lớn “nằm chết” (bất động) trong tay người dân.
Lạm phát cao khiến sản xuất bị đình trệ sẽ dẫn tới việc nổ bong bóng bất động sản và cùng với đó là việc “nổ bong bóng tín dụng”. Một loạt các vụ vỡ nợ của tư nhân đã diễn ra gần đây như ở Thái Bình, Hà Tây với số tiền lên đến hàng chục triệu đô la.
Thí dụ như vụ vỡ nợ 150 tỉ VND (7,2 triệu USD) của bà Nguyễn Thị Dậu tại Hà Đông, vụ vỡ nợ 400 tỉ VND (19 triệu USD) của tiệm vàng Quang Quyên tại thị trấn Phùng, Đan Phượng. Vụ vỡ nợ 350 tỉ VND (14,5 triệu USD) tại Quảng Trị của vợ chồng Thiện-Lan Anh. Vụ vỡ nợ của đại gia Vũ Văn Phong ở Thái Bình với nhiều trăm tỉ đồng…). Vấn nạn này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới với số tiền ngày càng lớn hơn và sẽ lan rộng sang thị trường chứng khoán lẫn ngân hàng. Báo chí vừa đưa tin một vụ vỡ nợ khổng lồ trên thị trường chứng khoán với số tiền lên đến nhiều ngàn tỉ đồng và liên quan đế nhiều công ty chứng khoán lẫn ngân hàng.
Những vụ việc này để lại những hậu quả nghiêm trọng cho người dân lẫn xã hội. Niềm tin của con người vào con người sẽ bị mất đi do hầu hết các ông bà chủ vỡ nợ đều huy động tiền của người quen, trong đó có những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi nước mắt từ chính người thân của họ. Ngoài ra sự việc này còn phản ánh một thực tế đáng buồn (và đáng lo ngại) nữa tại Việt Nam là người dân không muốn (hoặc không dám) bỏ tiền ra kinh doanh sản xuất vì quá khó khăn và bấp bênh, lại thường xuyên bị các cơ quan chức năng nhũng nhiễu. Họ đành đem tiền gửi người quen để lấy lãi cho chắc nhưng những người huy động tiền của họ lại đem tiền đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm như bất động sản hoặc chứng khoán. Và rồi tất cả đều mất sạch.
Vì sao lại như vậy ? Lý do là chính quyền chưa tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân. Mọi nguồn lực của đất nước đều dồn cho doanh nghiệp nhà nước, là những doanh nghiệp có nhiều ưu đãi nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất. Đã đến lúc chính quyền Việt Nam cần thay đổi tư duy là “thay vì lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo thì phải lấy hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo”. Nếu được như vậy thì doanh nghiệp tư nhân cần được đối xử công bằng như mọi thành phần kinh tế khác.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì: “Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng. Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP”.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thì “nợ công Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro”, nợ nước ngoài ngày càng tăng trong khi khả năng chi trả ngày càng yếu. Từ 11,5 tỉ USD năm 2001 đã lên tới 55,2 tỉ USD năm 2010.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã đặt thẳng vấn đề là: “Cần có đổi mới lần thứ hai” trong lĩnh vực kinh tế một cách sâu sắc và toàn diện.
Chính phủ Việt Nam cần làm những gì trong cuộc đổi mới lần thứ hai này?
Đầu tiên và trên tất cả là chính quyền phải nhận thức được những khó khăn và thách thức nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu trong gần ba thập niên qua đã kết thúc.
Ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định: “Điều còn chắc chắn hơn là từ đây mọi cố gắng của các nước dân chủ phát triển sẽ phải dồn vào hướng giảm tiêu thụ, song song với tăng thuế, để thăng bằng ngân sách và giảm khối nợ công đã đạt quá giới hạn chịu đựng. Hậu quả tự nhiên là nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài sẽ sút giảm nặng. Giai đoạn của mô hình phát triển hướng ngoại dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã chấm dứt. Các nước như Trung Quốc và Việt Nam sẽ không còn có thể bóc lột công nhân tối đa để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ mà sẽ phải trông cậy trước hết vào thị trường nội địa”.
Một khi đã nhận thức được như vậy thì chính quyền cần phải thay đổi tư duy thay vì lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo. Trong tinh thần đó, chính phủ phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chấm dứt vai trò chủ đạo của khối doanh nghiệp quốc doanh này. Cần có một bộ luật kinh tế chung áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, phải tạo mọi điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Cần có thái độ và cách nhìn đúng đắn về những hiệu quả to lớn mà thành phần kinh tế tư nhân đem lại cho nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, chính quyền cần nhanh chóng có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích”.
Phải chống được lạm phát. Tuy nhiên chỉ bằng biện pháp “thắt chặt tiền tệ” thôi sẽ không đủ. Nếu thắt chặt tiền tệ quá mức và không đúng chỗ thì sẽ góp phần “giết chết” các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát là do việc chi tiêu và đầu tư công quá lớn, quá tốn kém mà không hiệu quả. Phải giảm được thất thoát (do tham nhũng) trong đầu tư công và phải dứt khoát cắt giảm những công trình đầu tư công không hiệu quả và chưa thật cần thiết.
Cần phải có những biện pháp hạn chế sự thao túng chính sách của các nhóm lợi ích bằng cách công khai minh bạch trong việc đấu thầu các dự án đầu tư công. Chính phủ phải hậu thuẫn mạnh mẽ cho những tiếng nói dũng cảm như bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ trong việc “đương đầu” với các nhóm lợi ích.
Cần soạn thảo gấp một lộ trình để chấm dứt tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt phải tăng cường giám sát các hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, nhất là vấn đề nợ công của các doanh nghiệp này. Ngay từ bây giờ phải nghĩ đến việc làm thế nào để hạn chế làn sóng nhập siêu, cụ thể nhất là việc đối phó với làn sóng nhập siêu hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc.
Thứ ba, chính quyền phải để Ngân hàng nhà nước và Kiểm toán nhà nước hoạt động hoàn toàn độc lập. Có như vậy mới hạn chế được những sự can thiệp làm méo mó thị trường bất động sản, chứng khoán, chính sách tiền tệ cũng như sự khuất tất trong thu chi từ các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan trực thuộc chính phủ. Kiên quyết giải thể những ngân hàng yếu kém. Tăng cường giám sát để thị trường bất động sản và chứng khoán hoạt động đúng theo nguyên tắc vận hành của thị trường.
Thứ tư, đã đến lúc chính quyền Việt Nam cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Đây là việc mà người dân và xã hội yêu cầu đã lâu mà chính quyền vẫn chần chừ không giải quyết. Khi kinh tế suy thoái thì bất ổn gia tăng. Lĩnh vực đất đai vẫn luôn là điểm nóng gây nhiều bức xúc cho người dân. Nếu không kịp thời tháo gỡ ngòi nổ này thì hậu quả sẽ xảy ra khó lường.
Để có thể “đổi mới lần hai” này trong lĩnh vực kinh tế, ông Lê Đăng Doanh cho rằng : “đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, (dũng cảm) cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội”.
Và chúng ta chắc chắn phải đồng ý với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rằng Việt Nam phải có một “cuộc cách mạng Minh Bạch” vì nếu không có sự “minh bạch và công khai” thì sẽ không có bất cứ một cuộc đổi mới nào là thực chất và có hiệu quả.
“Sứ mệnh” này, chính xác hơn là “nhiệm vụ” này sẽ được trao cho ai? Người nào có đủ bản lĩnh để làm được công việc “đổi mới” lần hai này?
Nguồn: Ethongluan.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét