Quan Điểm của LS Lê Trần Luật về Luật Biểu Tình
Vào khoảng giữa tháng 8 năm 2008, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên đã nhờ luật sư Lê Trần Luật đưa đơn xin Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội được quyền đi biểu tình.AFP photo : Những poster của người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 8 năm 2011.
Sau đó thì cả hai người này bị bắt và họ hiện đang thi hành bản án 4 năm tù ở cho cô Nghiên và 6 năm cho nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa.
Không còn cách nào khác
Trước nguồn tin TT Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Quốc Hội Việt Nam soạn thảo luật qui định về Biểu tình trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hiền Vy có cuộc nói chuyện với LS Lê Trần Luật. Trước hết LS Luật cho biết ý kiến của ông khi nghe nguồn tin này:
LS Lê Trần Luật: Tôi không thấy bất ngờ, bởi luật pháp ra đời vì nhu cầu khách quan, vì những đòi hỏi của xã hội. Bằng chứng khách quan đó là đã có hàng loạt cuộc biểu tình trước vấn nạn xâm lăng của Trung Quốc. Biểu tình không còn là hiện tượng xã hội đơn thuần nữa, mà nó đã trở thành những đòi hỏi khách quan của xã hội, bắt buộc nhà cầm quyền phải cho ra đời bộ Luật về biểu tình. Điều đó cũng cho thấy pháp luật không phải là ý chí của nhà cầm quyền như nhiều người quan niệm.
Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo
Trong hàng loạt văn kiện hiến pháp, xuyên suốt trong thời gian nắm quyền, nhà cầm quyền Việt Nam lúc nào cũng thừa nhận biểu tình là một quyền căn bản của con người, nhưng họ phớt lờ, cho đến giai đoạn vừa rồi, có quá nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xảy ra ở Hà Nội, ở TP HCM, thậm chí có nhiều cuộc đụng độ và xung đột giữa người biểu tình và chính quyền cũng đã xảy ra. Chính điều này đã thúc đẩy nhà cầm quyền KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC phải thỏa mãn yêu cầu khách quan này, dù rằng họ không muốn.
Tôi thấy cần quan tâm hơn về nội dung của Luật này, đây chính là lúc nhà cầm quyền can thiệp bằng ý chí của mình. Họ có thể cho ra đời một bộ Luật biểu tình, trong đó họ đưa ra các trình tự thủ tục khắt khe, thậm chí là không thể làm được. Họ cũng có thể đưa ra các điều kiện, tiêu chí, những ràng buộc, thậm chí là những chế tài hình sự để thắt chặt hoặc kiểm soát các cuộc biểu tình, hoặc là không cho phép các cuộc biểu tình xảy ra.
Hiền Vy: Xin LS cho biết liệu việc có qui luật biểu tình có làm cho xã hội VN khác hơn không? Tôi muốn nói, chiều hướng tốt hơn đấy ạ.
Chính điều này đã thúc đẩy nhà cầm quyền KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC phải thỏa mãn yêu cầu khách quan này, dù rằng họ không muốn.
LS Lê Trần Luật
LS Lê Trần Luật: Pháp luật là những nhu cầu khách quan của xã hội, tuy nhiên khi ra đời pháp luật sẽ có những tác động trở lại với xã hội. Nếu phù hợp với nhu cầu khách quan của xã hội, thì pháp luật sẽ là những nhân tố thúc đẩy các tiến bộ xã hội. Còn ngược lại, nếu pháp luật đi ngược lại những đòi hỏi khách quan này, bởi sự can thiệp của ý chí nhà cầm quyền, thì pháp luật sẽ trở thành nhân tố cản trở sự phát triển xã hội.
Hiền Vy: Có phải trong hiến pháp VN hiện tại đã công nhận có quyền được biểu tình của người dân, phải không ạ?
LS Lê Trần Luật: Trong xuyên suốt các văn kiện Hiến pháp của Việt Nam, lúc nào nhà cầm quyền Việt Nam cũng ghi nhận cái quyền này, tôi xin phép dùng từ "ghi nhận" chứ không phải "công nhận". Tức là ghi vào trong Hiến pháp các quyền của con người nhưng thực tế đâu có cái quyền nào được thực hiện đâu. Kể cả quyền biểu tình cũng vậy.
Tiên phong trong việc đòi quyền biểu tình
Cô Phạm Thanh Nghiên. RFA file Photo. |
Hiền Vy: Khoảng tháng 8 năm 2008, trước khi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên bị bắt và bị tù, có phải 2 người này đã nhờ luật sư đưa đơn xin UBND Thành phố Hà nội, được quyền biểu tình và không được chấp nhận. Thưa sau đó thì diễn tiến như thế nào, trước khi họ bị bắt ạ?
LS Lê Trần Luật: Lúc đầu tôi cũng có một chút ngạc nhiên vì nếu biểu tình là một quyền của con người thì tại sao phải xin. Vấn đề đặt ra là chúng ta bị ràng buộc bởi cái nghị định 38 về tập trung đông người. Cho đến nay nghị định vẫn còn hiệu lực. Với những quy định trong nghị định này, nhà cầm quyền đã tước bỏ quyền biểu tình của người dân VN. Trong nghị định này, thay vì gọi là biểu tình thì họ dùng cái từ "tập trung đông người". Muốn tập trung đông người thì phải xin phép.
Tôi nghĩ cô Nghiên, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng như những người khác có thể tự ý đến nơi mà mình muốn biểu tình để thực hiện cái quyền của mình, tuy nhiên tôi không muốn họ bị một cái chế tài hình sự là gây rối trật tự công cộng, cho nên chúng tôi thống nhất là có đơn gởi cho Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội đề nghị họ cho phép được biểu tình tại một nơi công cộng.
Sau đó họ có một văn bản trả lời là từ chối. Sau khi họ từ chối thì cô Nghiên cũng như ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã quyết định khởi kiện cái hành vi hành chánh của UBND TP Hà Nội, là từ chối không cho biểu tình. Khi khởi kiện đến Tòa án Thành phố Hà Nội thì tòa án TPHN trả lời rằng vụ khởi kiện này không thuộc thẩm quyền của họ và cần phải được giải quyết ở UBND TP Hà Nội, và họ trả lại đơn và chờ sự giải quyết của UBND TP Hà nội. Nhân đây tôi cũng xin nói một chi tiết để thấy được cách hành xử của chánh quyền Việt Nam đối với cô Nghiên và ông Nghĩa trong giai đoạn đó.
Tôi cho rằng hai người này đã có công đầu trong việc đòi hỏi quyền biểu tình cho người dân Việt Nam .
LS Lê Trần Luật
Đó là, sau khi tòa án trả lại đơn và chờ sự giải quyết của UBNDTP Hà Nội thì họ không có giải quyết. Cho đến ngày ông Nghĩa bị bắt rồi sau đó đến cô Nghiên bị bắt thì đúng buổi sáng bị bắt thì buổi chiều UBNDTPHN lại có một giấy mời, mời cô Nghiên và ông Nghĩa lên giải quyết vụ việc. Tôi ngạc nhiên cái chi tiết này, bởi vì suốt một thời gian dài họ từ chối, không chịu giải quyết. Cho đến ngay sau khi cô Nghiên bị bắt thì họ lại mời lên giải quyết. Sau đó họ lấy lý do là cô Nghiên và ông Nghĩa đã từ chối, không lên giải quyết.
Hiền Vy: Như vậy thì thưa luật sư, việc cô Phạm Thanh Nghiên và ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt có phải một phần là do vụ việc đưa đơn xin được biểu tình không?
LS Lê Trần Luật: Với những gì mà tòa án Hải Phòng đã xét xử ông Nghĩa và cô Nghiên thì họ không nói liên quan đến cái vụ việc biểu tình. Họ chỉ nói về những bài viết, những hành động của hai người này nhưng trong sự tác động qua lại, tôi cho rằng cái việc họ xin biểu tình đã làm cho chính quyền khó xử hơn và nó thúc đẩy nhanh cái quá trình mà chính quyền cần bắt hai người này.
Hiền Vy: Bây giờ thì cô Nghiên đang thi hành bản án và cũng gần tới lúc được ra rồi và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì còn hơn hai năm nữa. Với cái nguồn tin là có thể sẽ có cái Luật biểu tình thì thưa xin cho biết ý kiến của ông về những người đã tiên phong đem chuyện này ra công luận ạ.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa. RFA file Photo. |
LS Lê Trần Luật: Cho tới lúc này, trước áp lực của nhiều cuộc biểu tình thì nhà nước sắp sửa cho ra đời Luật biểu tình. Điều đó cho thấy rằng hành động trước đây của cô Nghiên và ông Nghĩa là một hành động đi trước, là một hành động hết sức đứng đắn để thể hiện đòi hỏi các quyền của con người.
Tôi cho rằng hai người này đã có công đầu trong việc đòi hỏi quyền biểu tình cho người dân Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng tại giai đoạn trước đây, vào khoảng năm 2008, nhà cầm quyền đã tước bỏ quyền chính đáng của cô Nghiên và ông Nghĩa rồi sau đó hai người này phải đi tù. Tôi nghĩ cho tới bây giờ họ cần phải có một cái văn bản chính thức xin lỗi hai người này vì họ đã cố tình tước bỏ cái quyền của hai người này.
Nhân đây tôi cũng cần nhắc lại là chúng ta nên ghi nhận những cái công hàng đầu của hai người này đã tiên phong trong quá trình đòi hỏi quyền biểu tình cho người dân Việt Nam.
Hiền Vy: Xin cảm ơn luật sư Lê Trần Luật.
Hiền Vy, thông tín viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét