Vài suy nghĩ về các nhà đấu tranh trong nước
Hình ảnh một số nhà đấu tranh quốc nội |
Lịch sử đã ghi nhận rằng, phần lớn những nhân vật đấu tranh giải phóng, từ cổ chí kim trên thế giới, đều có xuất xứ từ những lớp người bị chế độ cầm quyền bạc đãi, ngược đãi, những công thần bị thất sủng, những người thân và thuộc hạ thân tín của một vị vua chúa hoặc quan chức, chúng dân trung tín của nhà nước trước đó đã từng bị triều đại hay chế độ hiện thời lật đổ.
Cũng có nét giống như vậy, số người đứng lên cất tiếng nói đấu tranh chống Độc tài Cộng Sản hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là những người dân oan khiếu kiện lâu ngày, những cán bộ nhà nước bị trù dập, bị đối xử bất công, các trí thức có tài năng không được trọng dụng, và một bộ phận là những người dân trung thành với chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ (ở hải ngoại thì lực lượng này gần như chiếm 100%). Nói chung đội ngũ đấu tranh hiện nay đang bao gồm phần lớn là những người có ân oán hoặc bất mãn với chế độ, chỉ có một số rất ít là những người muốn tự khẳng định tư tưởng chính trị của mình.
Có những người lúc đầu tham gia đấu tranh đơn giản chỉ vì những ân oán hay bức xúc cá nhân. Họ muốn làm một cái gì đó để đáp trả chế độ, hòng đòi lại sự công bằng. Và trong quá trình đấu tranh, được học hỏi, tìm hiểu, người ta mới hiểu rõ căn nguyên của sự bất công xuất phát từ sự thối nát của hệ thống chính trị cầm quyền. Người ta nhận thức được rằng yêu nước, không chỉ là sẵn sàng cầm súng giữ nước, mà còn cần phải biết bảo vệ quyền lợi của quốc gia, song song với quyền lợi của mỗi người, bằng quyền lực chính trị của toàn dân.
Yêu nước nghĩa là phải biết đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái bất công của chế độ. Vì quyền lợi của mỗi người dân luôn gắn liền với quyền lợi của tổ quốc, cho nên yêu nước chính là biết tìm cách xóa bỏ bất công, bảo vệ quyền lợi của mình và cộng đồng, mới mong đưa đất nước phát triển hưng thịnh. Người ta hay nói “nước nhà” hay “nợ nước thù nhà” để khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa nhân dân và đất nước. Ai đó hay nhắc đến chuyện đấu tranh vì lý tưởng cao quý này kia, chẳng qua chỉ là sách vở. Người ta đấu tranh vì quyền lợi của bản thân và đất nước. Nếu ta cứ bắt các nhà đấu tranh phải vì những lý tưởng cao quý nhưng xa vời mãi tận đâu đâu, thì ta lại đang vô tình đi theo lối mòn sáo rỗng của Chủ nghĩa Cộng Sản…
Những người dám cất lên tiếng nói đấu tranh ôn hòa trong nước đều có nhận định việc làm của mình là đúng lương tâm, trong phạm vi quyền con người và không vi phạm pháp luật Việt Nam. Bởi vậy họ khá tự tin trong việc công khai quan điểm chính trị Đa nguyên Đa đảng và chống Độc Tài. Nhưng ngược với những kiến thức về pháp luật mà những người đấu tranh có được, họ lại bị lực lương công an và hệ thống pháp luật của chế độ coi là những thành phần phản động, chống đối nhà nước, họ bị khoác lên đầu các tội trạng xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XI Bộ luật hình sự) mà họ không hề có như “tội tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Khi bị công an khủng bố, bắt bớ, giam giữ, những người đấu tranh đa phần đã bị hụt hẫng, mất thăng bằng. Họ không thể ngờ được một chế độ xưng là có dân chủ pháp trị mà lại đi hành xử với nhân dân một cách vô cùng phi pháp. Phần lớn họ rơi vào trạng thái phẫn uất và hết sức hoang mang. Đồng thời, một bộ phận không nhỏ trong số này vì quá tự tin vào chân lý đúng của mình, họ đã không hề chuẩn bị trước tinh thần để đối phó với những đòn cân não, chia rẽ tình cảm, và nhất là những thủ đoạn bức cung của bộ máy công an trị.
Đơn độc trong chốn lao tù, đối mặt với những nguy hiểm trước mắt, những người đấu tranh chưa có kinh nghiệm thường chọn giải pháp nhận tội với công an điều tra, để tránh những áp lực nhất thời. Dù sao, nếu một người đã bị chế độ cho vào tầm ngắm, thì bằng cách này hay cách khác, trước sau gì họ sẽ bị công an gán cho những tội danh không có thật, bằng những luận cứ mơ hồ và thậm chí là chứng cứ giả. Vì vậy giải pháp nhận tội cho xong, chịu tạm lùi để chọn đối sách tiếp theo cho bản thân là điều có thể chấp nhận được. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy trình tố tụng của pháp luật: “Nhận tội không có nghĩa là có tội”, và chỉ có “thành khẩn khai báo mới là yếu tố giảm nhẹ hình phat” mà thôi. Nhận tội và thành khẩn khai báo là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tương tự như vậy, nhận tội không có nghĩa là đầu hàng hay bỏ cuộc.
Chúng ta thử nhìn lại những gì mà hơn 30 năm qua những người đấu tranh đã làm, xem họ có phải là những người hèn nhát hay không? Sau năm 1975 đã có hàng chục tổ chức, đảng phái người Việt cầm súng đứng lên chống lại chế độ, với số lượng hàng ngàn người tham gia. Có thể kể đến như Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam của ông Hoàng Cơ Minh, Đảng Dân Quân Phục Quốc do nhiều người khởi xướng, Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam của các ông Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh vv… Hoạt động đấu tranh võ trang luôn đối diện giữa sự sống và cái chết, nhưng những người đấu tranh vẫn dám làm, vậy thì họ không phải là những thành phần hèn nhát. Có điều, ngày nay quốc tế không ủng hộ cách đấu tranh dùng bạo lực nữa, nên người đấu tranh chấp nhận hình thức bất bạo động mà thôi…
Có lẽ những người đấu tranh chẳng cần ai biện minh cho họ về hành động nhận tội của họ với công an. Trong một xã hội mà đại đa số người dân dù bị “giẫm cổ đè đầu vẫn chẳng dám ho he một tiếng” (Phan Châu Trinh), thì chỉ riêng hành động dám tham gia vào các đảng phái, tổ chức, hội đoàn, hay độc lập cất tiếng nói đấu tranh chống bạo quyền, đã là một hành động vô cùng dũng cảm. Nhưng thật khó khăn cho họ, chính những người ủng hộ đấu tranh, đôi khi lại là vật cản đường đáng kể đối với các nhà đấu tranh trong nước.
Đầu năm 2010 Linh mục Nguyễn Văn Lý được tạm tha tù để chữa bệnh. Chỉ sau ít ngày và qua vài cuộc phỏng vấn với báo đài, đề tài về Linh mục Nguyễn Văn Lý lại được dịp hâm nóng trong cộng đồng những người ủng hộ dân chủ, nhưng là ở thế bất lợi cho ông. Đối với luật sư Lê Thị Công Nhân thì cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ban đầu người ta ca ngợi linh mục Lý và luật sư Nhân bao nhiêu thì sau một số cuộc phỏng vấn của hai nhà đấu tranh nổi bật này, họ lại bị người ta hạ bệ không thương tiếc. Đến nỗi người viết bài này buộc phải viết bài “Hãy để cho họ làm những người bình thường”, (xin đọc ở phần phụ lục) trong đó có đoạn: “Đối với linh mục Nguyễn Văn Lý và luật sư Lê Thị Công Nhân, họ cũng là con người bằng xương bằng thịt như bất cứ ai. Họ có thể nên thánh (theo nghĩa thánh thiện). Nhưng họ chẳng bao giờ thành thánh (theo nghĩa thánh thần). Lịch sử đã chứng minh rằng: Đừng nên biến con người thành thần thánh. Làm như vậy là ta đã tước đi quyền làm người bình thường của họ. Hồ Chí Minh chính là một bằng chứng sống về một người chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ trong đời sống hạnh phúc cá nhân. Chính vì chuyện thần thánh hóa lãnh tụ mà chế độ Cộng Sản cố tình tô vẽ nên, đã cướp đi cuộc sống bình thường của ông ta”.
Người ta đôi khi quá dễ dãi, nhưng có lúc lại quá khắt khe. Một nhà đấu tranh bị bắt bớ, giam cầm tù tội đã tổn hại sức khỏe, ức chế tinh thần, đáng lẽ cần được những người ủng hộ cảm thông chia xẻ, ngược lại họ lại bị săm soi từng ly từng tí thật rắc rối và phiền hà. Một nhà đấu tranh có tên tuổi là một người của công chúng, nhưng là một người của công chúng đặc biệt. Họ không giống như những tài tử Xi Nê hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Họ đấu tranh là chấp nhận hy sinh, không phải để hưởng thụ. Vậy có chuyện một nhà đấu tranh nào đó nhận tội với công an, với tòa án, thậm chí họ có quyền từ bỏ con đường đấu tranh cũng là chuyện bình thường.
Bắt một con người bình thường như các nhà đấu tranh trong nước phải trở nên thánh, toàn năng như những vị thánh, là điều không thể. Có những nhà đấu tranh có thừa sự dũng cảm, nhưng lại thiếu bộ óc chiến lược, thiếu khả năng lãnh đạo, đôi khi mất lòng người này người kia chỉ vì tính tình thẳng thắn bộc trực. Người khác thì rất thông minh, học cao hiểu rộng, nhưng bản tính lại quá thận trọng đến mức trở nên rụt rè, và thiếu quyết đoán. Mỗi con người đều có mặt mạnh mặt yếu, các nhà đấu tranh cũng vậy thôi. Vấn đề là công luận cần có cái nhìn khách quan và thực tế dành cho họ. Không thể chỉ lấy một hiện tượng như một phát biểu nhầm lẫn, hay thiếu kín kẽ của một người, hoặc việc nhận tội của họ, để đánh giá bản chất của con người đó.
Như vậy dù là chúng ta yêu hay ghét một cách thái quá đối với những người đấu tranh trong nước đều không nên. Hãy khen vừa đủ sự động viên khích lệ. Hãy chê vừa đủ trong tinh thần góp ý chân tình cầu tiến. Như thế họ mới có thêm sự tự tin để bước tiếp trên con đường dấn thân phục vụ. Những nhà đấu tranh ôn hòa trong nước cần lắm, và mong mỏi lắm, những sự động viên tinh thần đúng mức, đúng lúc. Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất cần thiết của đồng bào.
Lê Nguyên Hồng
Phụ lục: Bài viết "Hãy để cho họ làm những người bình thường"
Hãy để cho họ làm những người bình thường
Hai sự kiện “nóng hổi” diễn ra chỉ cách nhau ít ngày gần đây đã là những “bữa tiệc” của báo chí và người hâm mộ. Đó chính là việc luật sư Lê Thi Công Nhân hết hạn “tù ngồi” 3 năm, chuyển sang “tù đứng” hai năm tiếp theo tại gia. Và tiếp đên đó là linh mục Nguyễn Văn Lý được tạm chấm dứt mạch “an dưỡng” 8 năm trong nhà lao để ra ngoài chữa bệnh.
Sự việc nếu chỉ đơn thuần và âm thầm diễn ra như đối với rất nhiều những tù nhân chính trị đã từng mãn hạn tù và về nhà, ‘không kèn không trống” trong thời gian mấy chục năm qua, thì cũng không có gì phải nói. Thế nhưng câu chuyện của linh mục Lý và luật sư Nhân lại khác. Khác vì hiện nay hai nhà đấu tranh này đang là thần tượng “nổi”, hai “tượng đài” về sự dũng cảm kiên cường bất khuất chống chế độ độc tài, trong mắt đồng bào, nhất là đồng bào người Việt hải ngoại.
Và nếu câu chuyện cũng chỉ có vậy, rồi dừng lại ở chuyện báo chí quan tâm phỏng vấn, đăng bài ca ngợi họ, hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần và tôn vinh họ, thì cũng không có điều gì đáng bàn.thêm…
Thế nhưng, cũng chỉ trong vài ba ngày vừa qua. Hai nhà đấu tranh nói trên, dường như đồng thời và ngay lập tức, cùng bị thất sủng (?) trước những người hâm mộ họ. Phải chăng là, có điều gì khủng khiếp đã xảy ra? Ta tạm gác chuyện đó lại đã. Xin được bàn đến ở phần tiếp sau của bài viết này.
Đầu tiên xin được nói về tình trạng bệnh tật của linh mục Nguyễn Văn Lý. Linh mục Lý trước khi vào tù là một người khỏe mạnh. Nhưng chỉ sau trên dưới 2 năm bị giam giữ trong nhà tù của Cộng Sản tại Việt Nam (CSVN). Ông đã trở thành một bệnh nhân mang trong mình căn bệnh cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp được các nhà nghiên cứu về Bệnh Học ví như là “kẻ giết người giấu mặt” nguy hiểm. Bệnh nhân – Tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị – Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị tên giết người giấu mặt đó, đánh quỵ tới hai lần. Vì căn bệnh áp huyết cao khá là phổ biến trong đời sống, cho nên hẳn mọi người đều biết những di chứng sau tai biến của căn bệnh cao huyết áp là vô cùng nguy hiểm một cách đa dạng: Như tổn thương Tim, Não, Thận, Mắt, Mạch Máu. Nghĩa là trực tiếp gây hại đến nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể con người. Gây mất cân bằng kiểm soát, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, thậm chí là làm tê liệt những bộ phận quan trọng của cơ thể…
Tiếp đến, vì quá vui mừng bởi việc linh mục Nguyễn Văn Lý được tạm trả tự do, một số đài phát thanh và báo chí hải ngoại của người Việt, đã vội vã gọi điện phỏng vấn ông. Họ vô tình quên mất một điều rằng: Ông đang là một bệnh nhân rất nặng, đến nỗi nhà cầm quyền CSVN phải cho ra ngoài để chữa bênh, một hành động cực kỳ hiếm hoi đối với những kẻ vốn có trái tim bằng sắt như chế độ Cộng Sản.
Cũng vì nôn nóng và quá vô tư, cho nên các “nhà đài” (cụ thể là trường hợp đài BBC) đã dẫn cuộc phỏng vấn ngày 15/03/2010 giữa Đài và linh mục Nguyễn Văn Lý vượt quá mức cần thiết là thăm hỏi, động viên sức khỏe một bệnh nhân nặng, sang một cuộc phỏng vấn về tư tưởng chính trị. Việc làm trên đã dẫn đến “sự cố” (hay là tai nạn phát ngôn) của Ông, trong buổi phỏng vấn đó. Nếu đối với những thính giả có sự hiểu biết nhất định về tâm lý người bệnh, tâm lý một tù nhân vừa mới được tạm ra tù vài ngày. Thì họ rất dễ hiểu và thông cảm cho sự mất thăng bằng tâm lý và những “lỗ hổng kiến thức” (thậm chí là nhận thức) về các vấn đề thời sự chính trị xã hội hiện tại của linh mục Lý- Một người bị bịt tai, bịt mắt, cách ly với những thông tin chính trị xã hội trung thực trong suốt 3 năm ròng…
Tạm loại trừ không xét đến những bài viết, bài phát biểu của những kẻ bịa đặt, phá hoại, đã công kích, đả phá luật sư Lê Thị Công Nhân, bóp méo, xuyên tạc phát biểu quan điểm của Cô về quan hệ giữa QuôcHội Mỹ và Quốc Hội Việt Nam. Trường hợp linh mục Lý thậm chí đã được chính một vị tự xưng là bác sỹ Vũ Linh Huy chia xẻ sau: “Thưa cha khả kính, Con đang vui mừng vì cha được thả về, thấy cha rất khoẻ mạnh, hồng hào, tinh thần sáng suốt…thì bỗng nhiên bài phỏng vấn cha do đài BBC thực hiện được phổ biến khắp nơi. Con đọc xong mà bàng hoàng, chóng mặt, không tin mắt mình, không tin tai mình, nhất là đoạn sau cùng con xin ghi lại sau đây:…”
Không hiểu vị bác sỹ nói trên có phải đang là… bệnh nhân hay không, mà lại có cách trình bày ngớ ngẩn như vây? Ông ta dựa vào sự chẩn đoán nào mà dám khẳng định là “Cha rất khỏe mạnh”, đúng là một người không hề có chút kiến thức và bản lĩnh nào của một bác sỹ cả.
Việc luật sư Lê Thị Công Nhân có phát biểu rằng: “Quốc Hội Hoa Kỳ nên giúp đỡ Quốc Hội Việt Nam”. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ có cách tiếp cận Quốc Hội Việt Nam thì người Mỹ mới có cơ may làm thay đổi nhận thức về chức năng và quyền hạn cao nhất của một bộ máy lập pháp. Khẳng định được quyền độc lập về lập pháp và khẳng định được quyền lực của dân, mà Quốc Hội là cơ quan cao nhất đại diện nhân dân, thì Quốc Hội mới thoát ra được khỏi sự kiềm tỏa của Đảng Cộng Sản. Đừng ai nói rằng Quốc Hội Việt Nam ngày hôm nay không muốn khẳng định quyền lực của riềng mình. Chỉ vì họ không biết làm cách nào để thực hiện điều đó mà thôi. Lý luận rằng Quốc Hội Việt Nam cũng toàn là đảng viên Cộng Sản cả, là suy đoán thiếu khách quan. Không ai lại từ bỏ quyền lực chính đáng mà mình đang có một cách hợp pháp và hợp hiến cả…
Ngoại trừ một cuộc cách mạng mang tính phế truất hoặc lật đổ. Con đường ngắn nhất tiến tới dân chủ và tháo gỡ độc tài phải bắt đầu từ khâu nào? Chính là từ Hiến Pháp và hệ thống luật pháp. Ai có quyền ban hành và sửa đổi hiến pháp? Chính là Quốc Hội. Hoan hô Lê Thị Công Nhân!
Đối với linh mục Nguyễn Văn Lý và luật sư Lê Thị Công Nhân, họ cũng là con người bằng xương bằng thịt như bất cứ ai. Họ có thể nên thánh (theo nghĩa thánh thiện). Họ chẳng bao giờ thành thánh (theo nghĩa thánh thần). Lịch sử đã chứng minh rằng: Đừng nên biến con người thành thần thánh. Làm như vậy là ta đã tước đi quyền làm người bình thường của họ. Hồ Chí Minh chính là một bằng chứng sống về một người chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ. Chính vì chuyện thần thánh hóa lãnh tụ mà chế độ Cộng Sản cố tình tô vẽ nên, đã cướp đi cuộc sống bình thường của ông ta.
Vì vậy, nên chăng những người hâm mộ hai nhà đấu tranh Nguyễn Văn Lý và Lê Thị Công Nhân hãy hành động một cách thực tế theo suy nghĩ và khả năng của mỗi người. Thay vì biến hai người này (và tất cả những ai giống như họ) thành những vĩ nhân, những “anh thư nước Việt” những “anh hùng thời đại”. Ta hãy cứ để cho họ làm những người bình thường. Hãy động viên họ bằng lời và cả bằng vật chất cần dùng để tiếp sức cho họ.
Hợp lý nhất hiện nay, có lẽ là nên để linh mục Nguyễn Văn Lý nghỉ ngơi hoàn toàn để an tâm chữa bệnh. Chuyện đấu tranh còn dài, và nếu không còn sức khỏe thì đồng nghĩa với việc không có đấu tranh. Chúng ta hãy để cho Lê Thị Công Nhân dành chút thời gian hòa nhập với cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nhan sắc, giúp đỡ mẹ già, và từ từ làm quen trở lại với nhịp điệu đấu tranh ngoài đời…
Đấu tranh loại bỏ cái cũ cái lạc hậu là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mỗi công dân. Tại sao ta phải tô vẽ sự tất yếu, một cách thái quá?
Ai cũng có thể mắc sai lầm. Hôm qua, hôm nay có thể chưa, nhưng ngày mai không chắc là không có. Hãy tôn vinh, hãy ngợi khen. Nhưng hãy đặt sự tự do tuyệt đối của mỗi cá nhân con người lên phía trước. “Không kỳ vọng vào bất cứ điều gì hoàn hảo”, đó cũng là cách chống hụt hẫng mỗi khi thần tượng của mình chẳng may mà bị sụp đổ.
Lê Nguyên Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét