Cánh Cò

Chơi Trội Như Quốc Hội Việt Cộng
 - Có vài chuyện mới nghe tưởng chừng là nhỏ nhưng khi ngẫm nghĩ lại thì chúng không nhỏ chút nào.
Chuyện thứ nhất: điện giật chết một lúc 6 công nhân đang chôn trụ điện khi dòng điện cao thế không


được cắt nên sự bất cẩn đã gây nên những cái chết thương tâm cho sáu gia đình nạn nhân. Sáu người chết có thể là con số nhỏ so với mấy chục người bị giết trong vụ chìm tàu Dìn Ký, nhưng nhìn kỹ ra thì đây là một vấn đề lớn của xã hội khi còn quá nhiều công ty chưa thực hiện đầy đủ các quy định an toàn lao động, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp.

Chuyện nhỏ thứ hai là nhà nước ra lệnh cấm quyển truyện cười bằng tranh “Sát thủ đầu mưng mủ’ gồm một nhóm thành ngữ mới của dân lướt mạng được giới trẻ cho là sành điệu; thực hiện bằng tranh minh họa của tác giả Thành Phong. Quyển sách bị thu hồi với nhiều lý do chẳng hạn như “có nội dung phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên”, hay “thiếu tính nhân văn” và nhất là “ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt”.

Việc tịch thu sách vở ngoài luồng của nhà nước là chuyện thường ngày ở huyện. Mặc dù Việt Nam nổi tiếng là có hệ thống kiểm duyệt vào hạng nhất nhì thế giới nhưng lâu lâu lại có những tác phẩm “ngoài tầm kiểm soát” của nhà nước xuất hiện trên kệ các nhà sách. Thường thì những cuốn bị tịch thu là sách tư tưởng, viết những gì nhà nước cho là nhạy cảm mặc dù trên các trang mạng thì những tư tưởng loại đó xuất hiện tràn lan, nhiều đến nỗi không ai nghĩ là nó sẽ nguy hại cho nhà nước.

Tịch thu “Sát thủ đầu mưng mủ” mới nghe là chuyện nhỏ, nhưng cái dư âm phía sau câu chuyện tịch thu không nhỏ tí nào. Giới trẻ trước nay vẫn thờ ơ với chính trị nay cảm thấy sở thích của họ bị vi phạm. Cách nói theo ngôn ngữ cư dân mạng thoạt nghe khó mà hiểu họ nói gì, nhưng nếu phân tích kỹ như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì đây không thể là loại ngôn ngữ làm mất “sự trong sáng” của tiếng Việt.
Không ai có khả năng làm mất đi sự trong sáng hay “u tối” của một ngôn ngữ. Khi một tập thể nào đó sáng tạo và chấp nhận một loại ngôn ngữ đặc biệt trong cộng đồng của họ để giao tiếp thì cách phán định duy nhất là thời gian để đánh giá loại ngôn ngữ đó có tồn tại được trong đời sống hay không. Chính quyền không có bổn phận kiểm soát nó nếu nội dung mà thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy không vi phạm thuần phong mỹ tục hay làm lệch lạc đời sống văn hóa của dân tộc.

Bộ Văn hóa Du Lịch tịch thu sách của giới “teen” khiến người dân ngỡ ngàng tự hỏi, rồi đây cái gì thuộc về sỡ hữu của mình sẽ bị tịch thu nữa đây?
Câu trả lời là có: họ sẽ tịch thu cái quyền tưởng chừng như không ai có thể xâm phạm đó là: “quyền làm thơ”!

Một du khách ngoại quốc khi nghe chuyện này chắc phải trố mắt lên mà cho rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc khôi hài nhất thế giới. Nhưng du khách ấy nếu biết đọc tiếng Việt thì cái trố mắt ấy sẽ biến thành diễu cợt có pha một chút khinh bỉ sau khi biết người đề nghị cái ý kiến quái gỡ này là một Đại biểu quốc hội khóa 13 này.

Vào ngày 3 tháng 11, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng trên cột nhất bài viết có tựa đề: Luật cần không có, lại thò ra luật nhà thơ!
Bài báo cho biết “vào ngày 2-11, thảo luận tổ về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu cho rằng chương trình này còn nhiều vấn đề bất hợp lý cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn, dự thảo chương trình đưa vào những dự án luật chưa cần thiết như Luật Nhà thơ, Luật Thư viện, nhưng lại thiếu vắng những luật để điều chỉnh những vấn đề cấp bách hiện nay.”
Vậy thì cái chuyện tưởng nhỏ, buồn cười này nào có nhỏ? Nó là chuyện to và phản ánh đúng những gì mà xã hội Việt Nam đang từng ngày đối diện. Trước tiên, đây là mặt sau của bức tranh Quốc Hội Việt Nam. Một manh vải (canvas) thiếu phẩm chất được phủ lên khá dầy những mảng màu mà chất lượng chắc chắn sẽ không tốt gì hơn tấm canvas đó.

Kiến thức của nhiều đại biểu quốc hội đã nhiều lần bị báo chí vạch ra một cách tệ hại. Từ đại biểu mang tên “rau muống”, đến một doanh gia đại biểu quốc hội cười hăng hắc như một bà điên sau khi đọc sai tên của mấy ông bộ trưởng ngồi bên dưới. Người đề nghị ra Luật Nhà thơ và Luật Thư viện mức độ kiến thức còn thua xa hai vị trên, bởi ông /bà này có lẽ chưa bao giờ làm thơ và cũng chưa bao giờ vào một thư viện tại Việt Nam để biết sự thật về hai lãnh vực này.

Thư viện thì ở đâu có? Ngoại trừ các trường đại học với số thư viện phầm chất được xem là thấp nhất thế giới, còn thư viện công cộng cho người dân thì lèo tèo gần như con số không. Nếu có nó chỉ là những căn phòng chứa đầy tài liệu tuyên truyền cho hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Đố ai tìm cho ra các tài liệu chống…nhà nước trong các thư viện công cộng này!

Khi một thư viện chỉ chứa những tài liệu một chiều, không “đa nguyên” như vậy thì có đáng gọi là thư viện hay không?
Còn Luật Nhà thơ thì sao?

Bài báo không nêu đích danh ai là người đưa ý kiến này chỉ viết vỏn vẹn là đại biểu Quốc hội mà thôi. Ý kiến chung quanh cái luật trừu tượng này đang ngày một lan rộng ra, rộng đến nỗi cư dân mạng quên hết mọi chuyện nóng bỏng. Từ biểu tình tới biển đông, từ lụt lội miền Tây đến hội nghị cảnh sát Interpol nổi tiếng thế giới!
Người ta tấn công ông/bà tác giả dự luật quanh chuyện xâm hại tự do sáng tác, tự do bày tỏ ý kiến qua thơ. Kể cả tự do làm thơ chống nhà nước âm thầm “tự diễn biến” trong tâm hồn của nhà thơ, hay những người sắp sửa biến thành nhà thơ vì bức xúc tình trạng rối ren của xã hội trước mắt.

Nhiều người đồng ý rằng kẻ phát biểu câu nói trên là thiếu kiến thức thảm hại và có người còn đòi truy xét văn bằng của ông/bà ta nữa. Nhưng cái cần truy xét hơn cà là nguồn gốc thừa nhận ông/bà ta là đại biểu Quốc hội do chính lá phiếu của người dân hay do ai?

Câu trả lời nên dành cho nhà nước, cho UBMTTQ và cho những lần hiệp thương đầy “kịch tính” trước các cuộc bầu cử. Nếu thật sự dân chủ, những lá phiếu thật sự được từng người dân ý thức gạch tên ai, để tên ai thì hậu quả “Luật nhà thơ” phải chính do người dân lãnh nhận. Còn ngược lại thì cơ chế này, nhà nước này phải can đảm thừa nhận những sai trái của mình trong các cuộc được gọi là bầu cử như từ xưa tới nay vẫn làm.
Liên kết ba vụ việc tưởng nhỏ mà lớn vừa kể thì việc cần thiết nhất là Quốc hội nên chú tâm vào Luật an toàn lao động nhằm tránh bớt những cái chết thương tâm như 6 công nhân vừa xảy ra. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước không nên để tác giả “Sát thủ đầu mưng mủ” ghi thêm vào danh mục tuổi teen của mình là “Chơi trội như quốc hội!”
Cánh Cò (RFA Blog)

Không có nhận xét nào: