Chúng ta đã gặp kẻ thù và hắn chính là ta (*)
LTG. Nhân đọc tin: a) tiến sĩ, bác sĩ, nhà văn, kiêm đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng đề xuất thảo luận Luật Nhà Thơ ở Quốc hội trong khi b) 3 đoạn video cho thấy cảnh sát biển VN ‘rượt’ (hay bị) tầu Hải giám Trung quốc (kéo?) c) Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ở Hà Nội thừa hành lệnh của Đại sứ quán Trung quốc tuyên án hai thành viên Pháp Luân Công Vũ đức Trung 3 năm tù và Lê văn Thành 2 năm tù về tội phát thanh trái
phép, trong tinh thần ôn cố tri tân, người viết xin mượn văn hóa tiên phong của nhân sĩ Bắc-Hà Tú Mỡ của các tờ Phong Hóa và Ngày Nay (Tự Lực Văn đoàn), mà ta thán rằng tại một nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Độc lập-Tự do- Hạnh phúc như Việt Nam làm gì có những chuyện khôi hài, tréo cẳng ngỗng như vậy?
Cách đây hai tuần, tôi có ngỏ ý với ông Tổng Lãnh Sự Nguyễn Bá Hùng nếu lãnh đạo Việt Nam muốn thoát khỏi quỹ đạo của Trung quốc thì họ phải thật sự có những bước mạnh dạn và quyết liệt, không thể đi nước đôi với Trung quốc và Hoa Kỳ cùng một lúc được. Tôi quên rằng, nhiều năm nay Việt Nam đã đề cao 16 chữ vàng và 4 tốt, ký kết thề non hẹn biển với người tình Trung quốc và không hiểu họ còn nợ “công viên ghế đá” gì nữa với Trung quốc không.
Chuyện quốc gia đại sự có thể khó hiểu đối với một kẻ bần dân xa xứ như tôi, nhưng nếu xét trên bình diện cá nhân thì tôi có thể ví von như thế này: Việt Nam như người vợ hiền đã bao lần bị người chồng vũ phu áp đảo, đánh đập, sau cơn vùi dập thì tên vũ phu xum xoe vuốt ve, vỗ về. Cái chu kỳ vừa đánh vừa xoa (1) được khoa tâm lý học Tây phương chứng minh không thể nào tốt hơn được khiến cô vợ Việt cố tìm cách ve vãn một anh chàng trượng phu nhà giàu mắt xanh khác, nhưng khổ nỗi cô ta như bị sái thuốc phiện, vẫn không dứt khoát được với anh chồng đầu gấu nên khó thuyết phục được chàng mắt xanh nọ.
Việt-Nam-Trung quốc-Hoa Kỳ là một bang giao xét trên bình diện quốc tế, khó hiểu và vẫn tái diễn không ngừng, một hiện tượng liên hệ đến những diễn viên lớn của thâm cung bí sử. Xét cho cùng nếu Việt Nam là một chủ thể độc lập thì phường tuồng Việt Nam -Trung quốc chỉ có thể hiểu theo tựa đề “Chúng ta đã gặp Kẻ Thù và Hắn chính là Ta” (lấy ý của họa sĩ biếm họa Mỹ Walt Kelly, 1913-1973). Dưới bình diện quốc tế, ta vẫn có những hiện tượng cá nhân riêng lẻ, tự mình tạo ra kẻ thù cho mình.
(*) “We have met the Enemy and He is Us” là một câu nói xuất xứ từ một truyện hình vẽ với nhân vật chính là Pogo, do họa sĩ hí họa Walt Kelly sáng tác. Truyện hình hí họa của ông mang tính cách răn đời đã trở thành tác quyền nghiệp đoàn đăng trên nhiều nhật báo Mỹ trong suốt 27 năm (từ 1948-1975). Ông mượn loài thú và nhân cách hóa chúng thành những nhân vật thường nhật đăng trong các dải hình trên báo để châm biếm những tính xấu của loài người, như tham lam, đố kỵ, độc địa, ngu xuẩn, thích đả kích. Pogo là tên một con vật thuộc loài đại thử (2) trong truyện hình của ông Kelly, sống trong đầm lầy Okefenokee Swamp với những con vật khác ở bang Georgia.
Có lẽ câu trích dẫn nổi tiếng nhất trong truyện hình Pogo là “Chúng ta đã gặp Kẻ Thù và Hắn chính Là Ta“. Hơn bất kỳ những câu nào khác đo ông Walt Kelly viết, câu này hội tụ được hết những thái độ của ông đối với các tật thói của nhân loại và bản chất của con người.
Videoclip tầu cảnh sát biển VN ‘rượt’ tầu Hải giám Trung quốc (nếu thêm được cảnh bắt và áp giải tù binh Trung hoa) thì có lẽ sẽ giống như khẩu hiệu trong thông điệp của Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Commodore Oliver Hazard Perry gởi cho Đại tướng Lục quân William Henry Harrison báo tin thắng trận hải chiến với Hải quân Anh quốc ở Hồ Erie (trong Ngũ Đại Hồ) vào năm 1813, (trận chiến cuối cùng khi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia độc lập, chấm dứt vĩnh viễn sự đô hộ của mẫu quốc Ăng-lê) nội dung như sau:
“Chúng ta đã gặp kẻ thù, và họ là sở hữu (tù binh) của chúng ta!”
Khẩu hiệu này được cài biến thành: “Chúng ta đã gặp Kẻ Thù và Hắn chính Là Ta” và xuất hiện lần đầu tiên trong một dạng dài hơn trong lời mở đầu quyển: Tập Sách Pogo/The Pogo Papers: A Word to the Fore (Một Lời Đi Trước), xuất bản lần đầu vào năm 1953. Kể từ khi những mẫu truyện hình được in lại trong Tập Sách này, kể cả sự xuất hiện đầu tiên của 2 nhân vật J. Mole (Chuột Chù J.) và Simple Malarkey (Malarkey Tầm Thường, ám chỉ thượng-nghị-sĩ chống Cộng quá khích Joseph Mc Carthy trong thời 50′s), để mở đầu cuộc tấn công của ông Kelly đối với chủ nghĩa chống Cộng quá độ McCarthyism ở Mỹ, ông Kelly đã sử dụng lời mở đầu để bảo vệ hành động của mình (4):
“Dấu vết của sự quý phái, từ tốn và lòng can đảm vẫn tồn tại nơi mọi người, hãy làm những gì mình muốn để dập tan xu hướng này. Tương tự, xin hành xử như vậy với những tập tính xấu. Thật không may, qua bàn tay vụng về của (tôi) một họa sĩ vẽ tranh biếm họa, tất cả các tập tính này trở nên kỳ quái, đưa đến một sợ chống đối ỏm tỏi nhất định nào đó mà tôi ý-thức được cùng với ý muốn nhập trận khai chiến.
Chẳng cần phải xông xáo tìm, bởi lẽ sự thật vẫn hiển nhiên: thật là lạ, những điều làm cho chúng ta thành người (ngợm) bao giờ cũng kề bên. Vậy thì hãy nhất quyết rằng trên điểm đứng này, cùng với những lá cờ nhỏ lất phất bay và tiếng kèn tò-te tí-te loe ra từ những cây kèn nhỏ, chúng ta sẽ trực diện với kẻ thù, và không những nó sẽ thuộc về ta, nó có thể là ta.
Tiến lên!”
(Walt Kelly, Tháng Sáu 1953)
Phiên bản cuối cùng của khẩu hiệu này xuất hiện trong một bích chương chống ô nhiễm môi trường nhân Ngày của Địa Cầu/Earth Day năm 1970 và được in lại một năm sau, hí họa được kèm theo bài viết này. (3)
Xã hội nào ít nhiều cũng có những chuyện quá độ, kể cả Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện và khẩu hiệu: “Chúng ta đã gặp Kẻ Thù và Hắn chính Là Ta” trích từ hí họa của Walt Kelly lại thích ứng với câu chuyện thời thượng của Việt Nam như thế – từ trong cho đến ngoài nước. Việt Nam từ hơn ba phần tư thế kỷ nay, từ lúc chủ nghĩa Cộng sản xuất hiện, đã sản sinh không biết bao nhiêu chuyện quái gỡ, xuẩn ngốc và khôi hài, dở khóc dở cười đến chết người! Vì là một người VIệt hải ngoại, một công dân gương mẫu của xứ Cờ Huê, tuy lỡ nặng nợ hành trang cố(tổ) quốc, mục đích của tôi hôm nay không nhằm đả kích những tệ nạn, tệ đoan, hay các nhân vật tăm/tai tiếng của xã hội Việt Nam, chuyện đó xin nhường cho các bậc đàn anh trong nước.
Đương nhiên, khẩu hiệu: “Chúng ta đã gặp Kẻ Thù và Hắn chính là Ta” đòi hỏi người viết phải nói đến bản thân mình trước khi nói đến người khác, do đó tôi xin xác quyết một điều: tôi là kẻ thù lớn nhất của chính tôi và những ước vọng mình muốn thực hiện trong cuộc đời. Vì là một người ham sống sợ chết, tôi không thể về Việt-Nam phất cờ khởi nghĩa làm tên phản động chống nhà nước hô hào lật đổ họ vì tôi vẫn thích hưởng thụ, tìm vui trong cuộc sống, thể hiện đúng tinh thần mưu cầu hạnh phúc mà tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ nêu lên, đã được bác Hồ tán thưởng ở Ba Đình ngày 2 tháng 9/ 1945.
Xin nhường chuyện này cho các đảng viên và người trong nước VÀ những người ‘dũng cảm’ dám nói dám làm ở hải ngoại. Tuy vậy bất kể những khó khăn do cá nhân và ngoại cảnh mang đến, trong đời lúc nào tôi cũng cố tìm chân, thiện, mỹ, cố tìm lẽ phải và sự cảm thông cho tình huống những người không sống trong cùng một môi trường, và hoàn cảnh với mình.
Nhiều lúc tôi vẫn ta thán: phải chi mình quên được thân phận và gốc gác Việt Nam của mình thì có lẽ tôi đã thành công hơn trong chuyện mưu cầu hạnh phúc ở Hoa Kỳ, nói như thế không phải nếu được làm công dân Mỹ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp và người ta sẽ không phải đương đầu với những khó khăn riêng của nó, nhưng chắc chắn một điều, tinh thần của người Việt di dân sẽ được an ổn gấp bội phần, họ sẽ được thanh thản và sung sướng khi thụ hưởng những thành quả mà công sức và trị tuệ họ đóng góp trong việc làm đã mang lại vì không phải sầu muộn bởi chuyện đất nước.
Trường hợp này thể hiện cụ thể với những lớp trẻ Việt-Mỹ, kể cả những thành phần hay thích làm chuyện thiện nguyện và công tác xã hội ở Việt Nam, vì chính họ đã làm được những công việc/công trình có ý nghĩa giúp những người đồng hương kém may mắn hơn mình.
Tuy nhiên, thực hiện những công tác xã hội ở Việt Nam không bảo đảm cuộc sống sẽ có ý nghĩa và an bình hơn khi lớp trẻ nhiều nhiệt huyết cũng bị yêu sách đủ điều bởi các cấp chính quyền địa phương, và khi có vấn nạn – như trường hợp cô Mi Vân Lovstrom làm việc cho Trung Tâm Việt Nam (ở) Na-Uy bị trục xuất từ phi trường Tân Sân Nhất khoảng gần tháng nay – cho thấy chuyện máu chảy ruột mềm với Việt Nam vẫn mang nhiều hệ lụy.
Chưa hết, nếu chưa bị ‘bầm dập’ vì những kinh nghiệm làm khó làm dễ bởi nhà nước, phải ngậm đắng nuốt cay để làm công tác xã hội ở Việt Nam, chính những người trẻ, con cháu của những người đầu óc có ‘sạn Cộng sản’ ở hải ngoại lại bị cha chú mình lên án là thân Cộng, nối giáo cho giặc! Cá nhân tôi được biết đến một thiếu nữ Việt-Mỹ không nhìn cha nữa nguyên do cũng vì chuyện cô không nghe lời cha về Việt Nam làm việc thiện nguyện bị mắng mỏ thậm tệ.
Tất nhiên, tôi phải thấu hiểu và cảm thông cho những người đã sống và kinh qua những cuộc trù dập kinh hoàng và đổi đời của họ nên nhìn đâu cũng thấy bóng ma. Vậy mà có những người không phải là nạn nhân Cộng sản, chưa hề nếm mùi gian khổ của chế độ, đã nhập tịch và sống lâu năm ở Mỹ (hay một nước dân chủ nào khác) nhưng vì một lý do nào đó thích biểu diễn lập trường, cổ vũ hô hào dân chủ tự do cho người trong nước, nhưng bản thân họ không chấp nhận và quên rằng đa nguyên – sự khác biệt trong đường lối hành động hay suy nghĩ – là một nhân tố cốt lõi của dân chủ.
Nếu tôn trọng dân chủ, đa nguyên, hà cớ gì ta buộc người khác phải có những tư tưởng, ý nghĩ giống mình, chia sẻ cái nhìn nhiều khi rất độc tôn và thiển cận của mình?! Nếu đa nguyên sao lại chụp mũ người khác ý kiến với mình? Đó là chưa nói đến những phần tử nằm vùng, những Công An trên mạng lưới toàn cầu chuyên thọc bị thóc chọc bị gạo, gây nghi ngờ hoang mang trong cộng đồng hải ngoại.
Cùng với nhau – một đằng vì nhiệm vụ lương tiền, một đằng có lẽ do thiếu sự giải khuây trong cuộc sống – họ bỏ rất nhiều thì giờ lên mạng đọc phê bình và phá thối/rối, núp bóng dưới những ‘nick’ biệt hiệu danh xưng giả, và trong một không gian ảo, họ ném đá dấu tay một cách vô tội vạ, thiếu tự trọng, trách nhiệm và liêm sỉ.
Không nói ra, tôi đoan chắc đại đa số bộ phận dân tộc Việt Nam đều muốn chế độ Cộng sản-tư bản đỏ này chấm dứt, kể cả nhiều thành phần đảng viên. Chấm dứt cách nào còn tùy thuộc vào thời cơ (thiên thời)… và giải pháp tốt đẹp nhất, ít đổ máu nhất, nằm trong tay các ông đương quyền khi họ ý thức được lòng dân chính là chất xúc tác cuối cùng cuốn kéo tất cả những diễn biến hòa bình, những sửa đổi nữa vời, tạm bợ, những mưu mô giả dối… theo dòng nước lũ của cơn thịnh nộ, chống lại sự tàn phá đất nước lâu nay…
Nhưng ngược lại, chuyên mong đợi một cuộc cách mạng Việt Nam không vì thế nằm trong những lời hô hào, cổ vũ ồn ào, sáo rỗng ở hải ngoại, lại càng không thể đi theo mô hình hoang tưởng của các bậc trí giả ngoại cuộc (bên ngoài) thích vẽ vời, tôn vinh, bợ đỡ quá trớn những nhân vật đấu tranh trong nước, chỉ vì chính bản thân người hải ngoại không làm được những điều họ mong muốn. Chúng ta không thể tất cả đểu là Huỳnh Thục Vy, Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Nguyễn văn Lý (hay Lê Chí Quang). Ở một mức độ nào đó người ta phải sống, phải làm người. Xin dành những chuyện ‘không thành công nhưng vẫn thành nhân’ cho tiếng gọi lương tri của mỗi con người.
Cũng đừng đòi hỏi hy sinh kham khổ quá đáng ở mọi người. Cách mạng nằm gai nếm mật khó có thể xảy ra trong thời kinh tế thị trường của đời nay, tiếc thay nó còn tùy thuộc phần lớn vào mãnh lực của kim tiền. Lãnh đạo – trong hay ngoài nước – có mấy ai có thể hy sinh phúc lợi của bản thân và gia ̣đình để mang lại một tương lai sáng sủa hơn cho dân tộc nếu họ không nhận thức được họ đã gặp Kẻ Thù và Kẻ Thù chính là Mình? Họ cứ tiếp tục đào những hố sâu tội lỗi và sai quấy, đôi lúc bị chống đối, ý thức được việc mình làm vứt vội một vài nắm đất vào cái hố sâu thẳm. Nếu họ còn lương tri thì phải dứt khoát quay mặt với quá khứ, dốc sức làm những việc mình có thể.
Rốt cuộc mẫu số chung lớn nhất của những người còn cho mình là người Việt chính là hoài bão cho tương lai sống còn của Việt Nam – những người khác là người Mỹ gốc Việt, công dân các nước sở tại, sống xa rời và cách biệt với thực tại Việt Nam – tất cả đều phải nhận diện ra ai là kẻ thù của mình. Còn lại là những buồn bã, những cơn trầm cảm vô biên.
Một nhà báo Việt trấn an tôi, ví xã hội Việt Nam như một con sông, phía trên nổi lều bều những rác rển, đồ phóng uế, nhưng ở phía dưới là sự chuyển động của một giòng nước ngầm mạnh mẽ, có thể lay chuyển được lưu lượng chính của dòng sông. Nhưng có lẽ anh quên rằng ở Việt Nam có nhiều dòng sông đang ứ đọng đầy rác rển và ô nhiễm, nhiều dòng nước đã chết nên mất đi bản năng vận hành của nó. Luồng nước phía trên cũng không khác gì dòng nước phía dưới, đều chứa đựng đầy những cặn bả và rác rưới của một xã hối ung thối.
Cuối cùng thì chính vì người ta không thấy tiềm năng của dân tộc nên đã tự mình trở thành kẻ thù của chính mình, của chính những hoài bão mà mình đang mong muốn cho dân tộc.
Và tội nghiệp cho những ai ở hải ngoại thích tự khoác cho mình cái áo chính nghĩa và sự hiểu biết độc tôn, thích lên án đương quyền chuyên chính độc tôn nhưng lúc nào cũng đứng trên bờ sông xa hàng vạn dặm hô hào, đả phá, chửi đồng loại, và như anh hùng Don Quixote của Cervantes thích chém (cối) gió.
© NKTA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét