Ngô Nhân Dụng

Dù Bắc Kinh cố ý biểu diễn sức mạnh quân sự sát biên giới nước ta thì người mình cũng không cần sợ.

Có nhiều lý do để người Việt Nam không sợ nạn Mã Viện, Thoát Hoan hay Vương Thông, Mộc Thạnh. Tất nhiên, lý do quan trọng nhất vẫn là những bài học lịch sử mà nước Trung Hoa đã học mỗi lần đánh Việt Nam. Khi lòng yêu nước bị khích động, dân Việt Nam sẽ rất khó bị chinh phục.


Nhưng ngay cả khi quân Trung Quốc dư sức “cho thêm một bài học” rồi rút tàn quân về, thì họ cũng không dại gì mà đánh. Từ vài chục năm nay đảng Cộng Sản Trung Hoa đang cố đeo cái mặt nạ hòa hiếu khắp thế giới, họ không dại gì tự lột mặt nạ. Hiện nay Trung Quốc đang mua bán với 220 xứ và lãnh thổ, thầu xây dựng hạ tầng cơ sở ở 180 xứ, và đầu tư vào 129 xứ! Họ muốn mang một bộ mặt ôn hòa, chỉ lo làm ăn chứ không tính xâm chiếm ai hết! Chỉ khi nào họ đã kiểm soát được, làm cho chính quyền một nước khác không cựa được, thì Bắc Kinh mới lộ mặt hung hăng mà không sợ gì cả!

Nhưng nếu Trung Quốc mà tấn công Việt Nam một cuộc chạy đua mua khí giới và tăng cường quân lực trong vùng Đông và Nam Châu Á sẽ bắt đầu. Các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan và Nam Hàn sẽ có lý do để tăng ngân sách quốc phòng, sẽ liên hết với Mỹ chặt chẽ hơn. Kỹ nghệ sản xuất vũ khí của các nước Nga, Mỹ sẽ có thêm khách hàng! Đó là điều Cộng Sản Trung Hoa không muốn thấy!

Nhưng Cộng Sản Trung Hoa có cần phải đánh Việt Nam hay không? Họ thực sự không cần dùng sức mạnh quân sự cũng có thể đạt được những mục tiêu của họ bằng phương cách khác.

Sức mạnh của các quốc gia phải dựa trên kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến một guồng máy quân sự khổng lồ của Liên Xô, có lúc đóng quân trên một nửa Âu Châu, nhưng cuối cùng cũng thành bất lực khi hệ thống kinh tế quốc doanh tê liệt rồi sụp đổ. Người Trung Hoa từ 30 năm qua đã chú trọng đến việc phát triển kinh tế nhiều hơn là quân sự. Nếu không xâm lăng bằng quân sự thì Trung Quốc có thể làm gì để ảnh hưởng tới vận mệnh Việt Nam? Con đường chắc chắn hơn là theo con đường kinh tế.

Năm ngoái, nền ngoại thương nước ta bị thâm thủng gần 12 tỷ đô la Mỹ đối với Trung Quốc. Đó chỉ là cán cân mậu dịch chính thức, chưa kể đến những gánh hàng buôn lậu qua một biên giới hầu như không ai kiểm soát vì các quan chức địa phương rất dễ được hối lộ. Hàng hóa bên Tàu đổ sang bán với giá vốn có thể đè bẹp tất cả các cố gắng của các nhà sản xuất Việt Nam. Nhưng những chuyến hàng lậu cũng chỉ là chuyện vặt. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang mở cửa cho Trung Quốc tấn công trên những trận địa lớn, mà người dân Việt bình thường có thể không mấy người để ý tới, vì không nhìn thấy trước mắt.

Một món hàng không ai nhìn thấy là điện từ Trung Quốc có thể được truyền sang Việt Nam trong những sợi dây mong manh. Theo công ty điện lực Việt Nam thì các tỉnh phía Bắc nước ta đang nhập cảng điện từ Trung Quốc, số lượng lên tới 6% tổng số điện tiêu thụ trên toàn quốc. Coi như một biên giới đã bỏ ngỏ cho điện chảy qua. Nếu nhà cung cấp bên Tàu cúp điện, vì “sự cố kỹ thuật” nào đó, thì hoạt động kinh tế ở mấy tỉnh phía Bắc sẽ ngưng trệ ngay.

Vào đầu tháng 7, ký giả Ben Bland viết trên nhật báo Financial Times một bài, “Nhu cầu điện sẽ khiến xung độ Bắc Kinh Hà Nội giảm bớt” (Electricity demands could limit Beijing-Hanoi rift); sau khi quan sát thị trường điện lực ông khẳng định: “Bắc Kinh ngày càng điều khiển kinh tế Việt Nam” (Beijing is increasingly driving Vietnam's economy). Ben Bland nhận xét Trung Quốc không quan tâm đầu tư, trong năm 2010, họ chỉ bỏ vô số tiền trị giá 365 triệu Mỹ kim vào Việt Nam, bằng một phần trăm tổng số các quốc gia đầu tư trực tiếp.

Không bỏ tiền đầu tư nhiều, nhưng Trung Quốc có đường khác để gây ảnh hưởng kinh tế, là cho vay. Và họ cho vay một cách dễ dàng hơn ngân hàng các nước khác, đặc biệt trong các công trình xây dựng nhà máy điện.

Ai cũng biết một nước đang bắt đầu phát triển thì nhu cầu điện lực rất lớn. Các quốc gia mới lên đều phải vay tiền ngoại quốc, gọi thầu các công ty ngoại quốc tới xây dựng nhà máy phát điện trong nước mình. Người Việt Nam có thể đi vay các ngân hàng quốc tế, có thể gọi các công ty quốc tế tới đấu thầu trong việc xây cất. Tại sao chính quyền Việt Nam không mở các cuộc “đấu giá” công khai để các ngân hàng quốc tế cạnh tranh nhau trong việc đem tiền tới cho vay, rồi các công ty quốc tế cạnh tranh đem máy móc, thiết bị tới xây dựng nhà máy điện, sử dụng các chuyên viên và công nhân Việt Nam? Tại sao chính quyền Cộng Sản Việt Nam lại chỉ vay các ngân hàng Trung Quốc mà không vay nước khác?

Tất nhiên, sau những vụ vay tiền rồi vỡ nợ kiểu Vinashin, Việt Nam rất khó đi vay tiền trên thế giới. Nhưng đó không phải là lý do chính. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẵn sàng cho Việt Nam vay với lãi suất thấp hơn trên thị trường quốc tế. Ðổi lại, họ đặt thêm điều kiện khi cho vay, là Việt Nam phải cho các công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp thiết bị và xây dựng nhà máy. Các ngân hàng Trung Quốc khi cho vay đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải sửa đổi các điều kiện gọi đấu thầu, hạ thấp tiêu chuẩn các máy móc thiết bị xuống một mức thấp hơn, để các nhà thầu Trung Quốc đủ điều kiện tham dự! Và chính quyền Việt Nam rất dễ tính trong việc này. Thế là trong mỗi nhà máy điện được xây dựng, Trung Quốc sẽ có dịp xuất cảng các máy móc, các sản phẩm kỹ thuật. Chưa hết, họ sẽ xuất cảng cả những nhân lực dư thừa trong nước họ, bán sức lao động sang Việt Nam nữa!

Theo báo Thanh Niên ở Sài Gòn tại công trường nhà máy đạm thuộc dự án khí-điện-đạm Cà Mau có những công nhân Trung Quốc sang làm những “công việc thủ công” như “khiêng gạch, bẻ sắt” với tiền công mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng; mà không hề tìm thuê người Việt Nam nào vào làm.

Đây là một chiến lược tấn công ba mặt, tài chánh, kỹ thuật và nhân dụng, mặt nào Trung Quốc cũng có lợi. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc có thể “hiến giá” chấp nhận lấy giá rẻ hơn các công ty quốc tế khác. Vì trình độ kỹ thuật của họ thấp hơn, phẩm chất các máy móc của họ cũng thấp hơn. Và tất nhiên, lương các chuyên viên và nhân công của họ cũng thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế!

Những ngân hàng và công ty kỹ thuật của Âu Châu, Ấn Độ hay Hàn Quốc, họ không có chính sách pha lẫn lợi ích kinh tế với mục tiêu chính trị, sẽ không thể cung cấp những “gói hàng” đủ mặt với giá thấp như vậy, tự nhiên bị gạt bỏ ra ngoài cuộc cạnh tranh! Các công ty Trung Quốc đang làm nhà máy điện khắp nước Việt Nam, từ Kontum, Quảng Ngãi, cho tới Sơn Tây. Trong cuộc gọi thầu làm nhà máy điện ở Cao Ngạn, chỉ có bốn công ty Trung Quốc tham dự; sau cùng công ty HPE của Trung Quốc đã trúng thầu! Từ năm 2003, công ty Đông Phương đã phụ trách xây dựng các nhà máy điện ở Dak Mi, A Lưới, An Khê-Ka Nak, Bản Ve và Sông Ba Ha. Công ty Sơn Đông của Trung Quốc không cần tranh thầu với ai trong dự án nhà máy điện Cẩm Phả 2, vì chính quyền Việt Nam được lệnh riêng của chính ông Nguyễn Tấn Dũng phải cho họ trúng thầu theo thủ tục đặc biệt, “vì lý do nhu cầu cấp bách!” Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng có được lợi ích nào khi ra lệnh như vậy hay không.

Nhưng trong các cuộc trao đổi ba mặt như vậy, thì Việt Nam bị thiệt hại gì không? Thiệt hại trước tiên là Việt Nam phải chấp nhận những sản phẩm kỹ thuật với phẩm chất thấp hơn. Thiệt hại thứ hai là phải chấp nhận cho công nhân nước khác vào làm việc trong nước mình trong lúc nạn thất nghiệp trong nước mình cũng rất cao.

Trong khi đó, nhiều người Việt có trách nhiệm than nhà thầu Trung Quốc đã dùng các thiết bị phẩm chất kém tiến trình dự án bị chậm trễ khiến cho chi phí sau cùng lại cao hơn! Hầu hết các dự án bị kéo dài một tới hai năm, vì nhà thầu Trung Quốc không có kinh nghiệm. Họ chỉ quen với các tiêu chuẩn thô sơ và thấp ở các vùng quê Trung Quốc; chưa từng làm việc ở nước ngoài. Họ sử dụng thị trường Việt Nam như một nơi thí nghiệm khả năng của các kỹ sư và công nhân của họ trước khi bước vào thị trường thế giới! Khi một dự án bị trì hoãn thì tất nhiên Việt Nam sẽ phải vay thêm tiền của ngân hàng Trung Quốc, và phải trả tiền lãi nhiều hơn. Công việc trì hoãn cũng tăng thêm chi phí trả cho các kỹ sư làm công việc thiết kế lại! Giáo sư Bùi Huy Phương, thuộc Viện Khoa Học Điện Lực, đã cảnh cáo mối rủi ro về an toàn năng lượng khi để cho các công ty Trung Quốc gần như chiếm độc quyền trong việc xây dựng mạng lưới điện lực khắp nước Việt Nam! Khi so sánh hai nhà máy điện, một ở Na Dương sử dụng các kỹ thuật của Nhật Bản và các nước Tây phương, hai là ở Cao Ngạn dùng kỹ thuật Tàu, thiết bị Tàu, thì các chuyên gia đã thấy hiệu năng ở Cam Ngạn rất thấp so với Na Dương, và đã trục trặc nhiều lần.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 16 tháng 6 năm 2011 trên 90% gói thầu thuộc lĩnh vực khác nhau rơi vào tay Trung Quốc, thì việc “ngành năng lượng điện tại Việt Nam ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc cũng không có gì làm lạ”. Phụ thuộc nghĩa là thế nào? Liệu có lúc nào các nhà máy điện do Trung Quốc xây có thể cùng ngưng chạy một lúc hay không? Chuyện rất khó xảy ra. Nhưng nếu người ta cố ý thì chuyện gì cũng có thể làm được cả!

Câu hỏi là nước Việt Nam có thể thản nhiên để cho một ngành quan trọng như điện lực trở thành phụ thuộc vào Trung Quốc hay không? Xem ra thì hiện nay người Việt Nam rất quan tâm đến những hòn đảo đã bị mất và có thể sắp mất ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng ít người để ý đến một cuộc xâm lấn kinh tế. Cuộc xâm lăng này lại được nhiều đồng lõa làm nội ứng. Cuộc xâm lăng nhẹ nhàng, chậm chạp mà chắc chắn; nếu không ngăn ngừa ngay thì sau này cũng rất khó tháo gỡ.
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: