Tình trạng khiếu kiện đất đai ngày càng phức tạp
Photo courtesy of VietnamNet. Cảnh người dân khiếu kiện đất đai trước cơquan công quyền từ năm 2006. |
Trong nước hiện tiếp diễn trầm trọng tình trạng chính quyền tiếp tục cưỡng chiếm đất đai khiến nhiều người dân lâm cảnh bần cùng.
Vì quyền lợi và trách nhiệm công dân
2.000 hộ dân tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang lâm vào tình trạng trở thành dân oan khiếu kiện và rồi thành nạn nhân của hành động đàn áp khắc nghiệt từ giới cầm quyền và công an địa phương.Trong khi “chuyện dài quê hương cưỡng chiếm đất đai”, chẳng hạn như, ở Saigon mới đây, giới cầm quyền địa phương thuộc quận 2 ra hàng loạt quyết định cưỡng chế, thu hồi đất thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Vietnam khiến MS Nguyễn Hồng Quang, Cố vấn Giáo Hội và quản lý những giáo sở mục vụ bị ảnh hưởng phải than rằng:
"Đây là một thảm họa cho nhân dân. Những người thuộc nhóm gọi là lợi ích, chuyên về đất đai, luôn nhắm vào tài sản đất đai của đất nước thì luôn dùng mọi thủ đọan trục lợi và đẩy người dân ra đường."
Hay tại Kiên Giang, vụ dự án “Lấn biển” vì công ích cho người dân biến thành lấn ngược trở vô đất canh tác lâu năm của dân, khiến một dân oan tố cáo: "Mấy ông ăn cướp đất của tôi chứ không phải thu hồi đất của tôi."
Thì tại huyện Đức Linh thuộc tỉnh Bình Thuận, hàng ngàn hộ dân tiếp tục kiện UBND tỉnh liên doanh với các công ty cưỡng chiếm đất canh tác lâu năm của họ và tiến hành khai thác hàng chục ngàn hecta đất rừng khiến cư dân địa phương mất sinh kế, lâm cảnh điêu đứng.
Quyền lợi riêng là chén cơm manh áo của gia đình tôi sống hiện nay và quyền lợi chung là trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, xã hội.
Ô. Lê Hồng Kỳ, dân oan H. Đức Linh
Ông Lê Hồng Kỳ, một trong hàng ngàn người dân tại huyện Đức Linh giải thích:
"Tôi là một trong những người dân đã đi khiếu kiện rất nhiều năm, trong đó có quyền lợi riêng của tôi và quyền lợi chung của dân địa phương. Quyền lợi riêng là chén cơm manh áo của gia đình tôi sống hiện nay và quyền lợi chung là trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, xã hội.
Thứ nhất, về quyền lợi riêng, thì gia đình tôi có đất hợp pháp, có nhà có cửa đàng hoàng, nhưng chính quyền địa phương họ ký giấy cấp đất tôi cho cán bộ, tước quyền lợi sống của tôi, khiến gia đình tôi lâm cảnh bần cùng bi đát, cơm không có ăn, điện cũng bị cắt. Cách đây 20 năm, gia đình tôi khai hoang 7 mẫu đất. Bây giờ chính quyền huyện Đức Linh lấy đất của tôi cấp cho một tư nhân là cán bộ làm cho gia đình tôi nghèo mạt.
Mặt khác, gần đây có một nhóm công dân có trách nhiệm đối với đất nước, họ phát hiện hàng ngàn hecta đất rừng nguyên sinh bị chính quyền tỉnh Bình Thuận lấy cấp cho các công ty tư nhân như Minh Thuận Phát, Rạng Đông để họ trồng cao su, trong khi hàng ngàn hộ dân ở huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh lân cận không có đất sản xuất.
Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 02 của UBND tỉnh Bình Thuận giao đất này cho dân. Nhưng chính quyền địa phương không giao, mà họ giao đất cho các doanh nghiệp để làm giàu. Dân địa phương hiện nay không có đất thì đành phải đi làm thuê làm mướn thôi."
Dân oan Lê Hồng Kỳ nhân tiện cáo giác hành động sai trái của giới cầm quyền địa phương:
"Cán bộ địa phương làm không đúng. Họ vi phạm dân chủ, xem thường dân, xem thường luật pháp. Tôi xin công bố một điều là tại Bình Thuận hiện nay, từ cơ quan đảng đến chính quyền, họ cấu kết, bao che với nhau, không chịu giải quyết đơn. Cho nên dân Bình Thuận phải kéo ra Hà Nội hay vào Saigon kiện triền miên hàng chục năm, sai phạm là do cán bộ địa phương, cơ sở. Bởi vì cán bộ hiện nay ở Bình Thuận, thứ nhất, trình độ họ yếu kém. Thứ hai, họ có hành vi bao che cho nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Họ không muốn từ bỏ quyền lợi mà họ đã tước đoạt của dân."
Cấp trên bảo, cấp dưới không nghe
Theo dân oan này thì chính quyền Bình thuận “đánh lừa dân”, ông nói:
"Các cơ quan trung ương khó tiếp xúc với dân lắm. Họ chỉ xuống làm việc với cơ quan thanh tra, cơ quan thanh tra trả lời thế nào bằng văn bản thôi. Rồi họ căn cứ vào văn bản, chứng cứ của các cơ quan chức năng của Bình thuận để làm báo cáo. Điều nguy hiểm nhất cho dân oan là như thế này: Trong quy định, khi anh giải quyết vấn đề gì thì anh phải ra quyết định. Và anh giải quyết những tố cáo thì anh phải lập đoàn đi xác minh và anh có kết luận.
Nhưng cán bộ Bình Thuận không bao giờ ra quyết định giải quyết khiếu nại đâu. Họ chỉ dùng công văn thôi. Khi mà họ dùng công văn thì dân chúng tôi không kiện lên cấp trên được, vì phải có quyết định của cấp dưới thì cấp trên mới thụ lý theo nghị định 136 của chính phủ. Nhưng hiện nay chính quyền Bình Thuận đánh lừa dân, chỉ ra công văn thôi."
Dân oan Lê Hồng Kỳ cũng bày tỏ nỗi phẫn uất của mình:
"Là 1 công dân Bình thuận, tôi rất buồn. Tình hình Bình Thuận hiện nay, dân đi khiếu kiện rất nhiều, kéo nhau đi kiện hàng loạt, hàng loạt. Có người đi kiện 20 năm, như tôi, mà chính quyền Bình Thuận không giải quyết, mặc dù đã có chỉ đạo của Văn phòng Trung ương đảng rồi. Thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng có quyết định giải quyết cho trường hợp của tôi, có thanh tra ra làm việc. Nhưng Chánh Thanh tra tỉnh Bình thuận Nguyễn Thành Tâm cố tình không giải quyết. Thanh tra cố tình làm sai."
Có người đi kiện 20 năm, như tôi, mà chính quyền Bình Thuận không giải quyết, mặc dù đã có chỉ đạo của Văn phòng Trung ương đảng rồi. Thanh tra cố tình làm sai.
Ô. Lê Hồng Kỳ, dân oan H. Đức Linh
Chúng tôi có điện thọai cho Văn phòng Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu thêm vấn đề:
Thanh Quang: Xin cho gặp ông Nguyễn Thành Tâm, Chánh thanh tra tỉnh Bình Thuận.
Đầu dây: Có chuyện gì không ?
Thanh Quang: Thưa ông, tôi là Thanh Quang của Đài ACTD bên Mỹ, tôi được biết là…
Đầu dây: Không phải số này, không phải số này, không phải số này…
Chúng tôi tìm cách liên lạc thêm với quan chức Bình Thuận, kể cả ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch tỉnh, nhưng không ai bắt máy.
Trong khi đó, những người dân khác ở huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận, xem chừng như đang trong không khí khủng hoảng như tại Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, đã ngại lên tiếng với Đài ACTD chúng tôi.
Thanh Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét