Đơn Khởi Kiện Đài Phát Thanh Truyền Hình Hà Nội
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LẦM THAN
Đập dập – Tự do – Hạnh Phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2011
ĐƠN KHỞI KIỆN
(V/v Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã phát sóng truyền hình có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự)
Kính gửi: Tòa án nhân dân Quận Đống Đa – Thành phố Hà Nội
I. Nguyên đơn, gồm:
STT Họ tên Địa chỉ
01 Nguyên Ngọc Nhà E7, khu tập thể số 8, Lý Nam Đế, Hà Nội
02 Nguyễn Huệ Chi 10 C3, Khu TT Viện KHXH, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội
03 Nguyễn Văn Khải 42 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
04 Ngô Đức Thọ 50, ngõ 210/41/11 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
05 Vũ Ngọc Tiến P.1106, nhà N5A, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội
06 Phạm Xuân Nguyên P.503, nhà H1, ngõ 37, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội.
07 Nguyễn Quang A 19 Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội
08 Nguyễn Đăng Quang Số 7, Đường Sông Tô Lịch, Quan Hoa, Cầu giấy, Hà Nội
09 Lê Dũng 54B, Hà Trì 3, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội.
10 Nguyễn Xuân Diện P.201, B8, Tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
II. Bị Đơn:
Đài Phát thanh và truyền hình Hà nội (Viết tắt Đài PT-TH Hà Nội)
Trụ sở: Số 3 và số 5 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
a/ Những người biểu tình tại Hà nội phản đối Trung Quốc gây hấn (ngoài những người trong danh sách Nguyên đơn, có nguyện vọng tham gia vụ kiện)
b/ Những phóng viên thực hiện những chương trình truyền hình liên quan (đề nghị Đài PT-TH Hà Nội cung cấp tên)
III. Tóm tắt nội dung vụ kiện:
Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây thiệt hại và uy hiếp nhiều hoạt động kinh tế của các tổ chức, công dân Việt Nam tại Biển Đông. Bức xúc trước những hành vi gây hấn, xâm hại này, từ ngày 5/6/2011 đến ngày 21/8/2011 đã có 11 cuộc biểu tình tự phát của người Việt Nam tại Hà Nội. Chúng tôi (những Nguyên đơn) đã tham gia những cuộc biểu tình này, để thể hiện lòng yêu nước, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bảo vệ ngư dân Việt Nam, phản đối những hành vi xâm hại Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đài PT-TH Hà Nội trong hai buổi phát sóng ngày 21/8 và ngày 22/8/2011 (Tài liệu 1 và tài liệu 2, 02 Clip đính kèm) đã có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình trong đó có chúng tôi, vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự. Chúng tôi xin nêu một số nội dung vi phạm sau:
Trong hai buổi phát sóng này, HTV1 có đưa hình ảnh của nhiều người biểu tình, trong đó có ảnh của các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải. Chương trình này có những lời bình của HTV1 và ý kiến của một số người như sau:
1- Lời bình của HTV1, 18:41:25 ngày 21/8: “… việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”
2- Lời bình của HTV1, 18:42:37 ngày 22/8: “Thời gian gần đây lợi dụng vỏ bọc yêu nước một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin không nắm bắt thông tin đầy đủ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, cản trở và chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.” ….
3- 18:43:14, ngày 22/8: Ông Nguyễn Đức Thành, một cựu chiến binh phát biểu: về những người biểu tình “…dâng khẩu hiệu và nói bậy nói bạ… ”
4- Lời bình của HTV1: 18:44:03, ngày 22/8: “là những người con của Hà Nội đã từng cầm súng ra trận bảo vệ tổ quốc các cựu chiến binh như ông Khoa ông Thành vô cùng bức xúc trước những hành động tự phát của một số kẻ xấu đã chà đạp lên tình cảm yêu nước chân chính của người dân Thủ Đô. Để có được cuộc sống thanh bình hạnh phúc hơn bao giờ hết lúc này mỗi người dân Hà Nội đang chúng sức chung lòng nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất và chiến đấu quyên mình, chính vì vậy trước hành vi của một nhóm người tập trung trái phép mang theo băng rôn biểu ngữ và hô khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự khiến cho nhân dân trong khu vực hết sức bất bình.”
5- 18:44:57, ngày 22/8: Bà Nguyễn Thị Đài: “theo tôi nghĩ thì ở đây có một sự kích động nào đấy của các thế lực phản động chứ không phải là yêu nước. … chính quyền bây giờ phải dẹp mà kiên quyết với những phần tử phản động ấy chứ không nếu không cứ lan tràn ra những lớp thanh niên trẻ là họ không có nhận thức đúng đắn được thì nói chung là nhiều khi là nguy hiểm”.
Ngày 26/8/2011, chúng tôi có Thư yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội đăng phát biểu của chúng tôi về một số nội dung đã phát sóng của Đài Đài PT-TH Hà Nội liên quan đến những người biểu tình và yêu cầu Đài này xin lỗi, cải chính (Tài liệu 3).
Ngày 31/8/2011, ông Trần Gia Thái, Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội đã có thư trả lời (Tài liệu 4), phản hồi Thư yêu cầu trên của chúng tôi, nhưng không thể hiện sẽ đăng bài phát biểu của chúng tôi trên Đài truyền hình theo Luật báo chí, không xin lỗi, cải chính về những nội dung đã phát vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình. Vì vậy, chúng tôi làm Đơn khởi kiện này để yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội và nhóm phóng viên liên quan phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về những hành vi vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự do họ gây ra.
IV. Những căn cứ pháp lý cho việc Khởi kiện:
A/ Luật báo chí (ban hành năm 1989 và được sửa đổi bổ sung năm 1999)
Điều 9. Cải chính trên báo chí
1- “Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả….
2- Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả.
Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn năm ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, mười ngày đối với báo tuần, trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó.
3- Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của Chính phủ.
4- Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án”.
Điều 10. Những điều không được thông tin trên báo chí
“Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây :
Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân ;
……..
4- Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.”
B/ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí
Điều 4. Cải chính trên báo chí
……..
“3. Cơ quan báo chí nhận được lời phát biểu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân về những nội dung đềcập trên báo chí của mình khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ thì phải đăng, phát lời phát biểu đó đúng vị trí, chuyên mục mà báo chí đã đăng, phát thông tin. Lời phát biểu không được vượt quá diện tích, thời lượng đã đăng, phát nội dung thông tin nói trên.
Trường hợp không nhất trí với lời phát biểu của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình. Sau ba (3) lần đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát các thông tin của đương sự. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo chí đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
……
Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân nếu lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trong trường hợp đó cơ quan báo chí phải gửi văn bản báo cho tổ chức, cá nhân biết, nói rõ lý do, đồng thời phải gửi báo cáo bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.”
Điều 5. Những điều không được thông tin trên báo chí
……..
“3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).”
C/ Bộ Luật dân sự 2005:
Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
D/ Bộ Luật tố tụng dân sự 2005:
Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
…..
“6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
…..
8. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
9. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.”
Điều 56. Đương sự trong vụ án dân sự
…..
“4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan….”
Điều 163. Phạm vi khởi kiện
……
“2. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.”
V. Những yêu cầu của Nguyên Đơn đề nghị Tòa án xem xét giải quyết:
1. Xác định Đài PT-TH Hà Nội đã vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng đến những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, trong đó có chúng tôi, thông qua việc Đài này vào các ngày 21/8 và 22/8/2011 đã đăng những ngôn từ được trích dẫn nêu trên. Đặc biệt trong những chương trình phát sóng này có những ngôn từ không thể chấp nhận được để nói về những người biểu tình, như: “tấm bia che chắn cho thế lực thù địch phản động”, “bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động”,”nói bậy nói bạ”, “một số kẻ xấu đã chà đạp lên tình cảm yêu nước chân chính của người dân Thủ Đô”, “một sự kích động nào đấy của các thế lực phản động chứ không phải là yêu nước”, “kiên quyết với những phần tử phản động ấy”. Với những ngôn từ này, Đài PT-TH Hà Nội đã coi chúng tôi là những kẻ xấu, phản động và có mối liên hệ trực tiếp với những thế lực thù địch phản động. Chúng tôi, những người trong danh sách Nguyên đơn, hầu hết đã hoặc đang làm trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, nhiều người đã tham gia các lực lượng vũ trang, đã hoặc đang là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, là những công dân chấp hành tốt pháp luật Việt Nam. Việc chúng tôi biểu tình thể hiện lòng yêu nước là thực hiện quyền biểu tình đã được Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam tôn trọng và bảo đảm (Điều 69 Hiến pháp 1992). Đề nghị Tòa án xác định việc Đài PT-TH Hà Nội coi biểu tình yêu nước là phản động hoặc do thế lực phản động kích động là thông tin phá hoại khối đoàn kết toàn dân (vi phạm Điều 5 khoản 1 Luật báo chí).
2. Xác định Đài PT-TH Hà Nội không đăng tải Thư yêu cầu đề ngày 26/8/2011 (Tài liệu 1) là vi phạm Điều 9 khoản 2 Luật báo chí và Điều 4 khoản 3 Nghị định 51/2002/NĐ-CP.
3. Xác định Đài PT-TH Hà Nội đăng ảnh những người biểu tình, trong đó có các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Huệ Chi mà không được sự đồng ý của những người này là vi phạm Điều 31 khoản 2 và khoản 3 Bộ Luật dân sự, và Điều 5 khoản 3 Nghị định 51/2002/NĐ-CP.
4. Buộc Đài PT-TH Hà Nội phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn và những người biểu tình khác. Cụ thể như sau:
4.1. Do có hai chương trình phát sóng vào 2 ngày khác nhau (ngày 21/8 và 22/8/2011) có nội dung vu khống xuyên tạc, xúc phạm người biểu tình, nên xác định có 2 hành vi vi phạm của Đài PT-TH Hà Nội. Tương ứng mỗi hành vi vi phạm, Đài PT-TH Hà Nội phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho mỗi nguyên đơn và mỗi người biểu tình khác 10 tháng lương tối thiểu tức 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), phù hợp với Điều 611 khoản 2 Bộ Luật dân sự. Như vậy, Đài PT-TH Hà Nội phải bồi thường cho mỗi nguyên đơn và mỗi người biểu tình khác 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) cho 2 lần vi phạm.
4.2. Do đăng ảnh những người biểu tình không được sự đồng ý của họ, làm tổn thương đến uy tín và nhân phẩm của họ, nên Đài PT-TH Hà Nội phải bồi thường cho mỗi người bị đăng ảnh mỗi lần đăng là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), phù hợp Điều 611 khoản 2 Bộ Luật dân sự. Trước mắt các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Huệ Chi yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội bồi thường cho mỗi ông 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) cho việc đăng ảnh 2 lần.
Những nguyên đơn ký Đơn khởi kiện này tuyên bố toàn bộ số tiền do Đài PT-TH Hà Nội bồi thường cho họ sau khi trừ các chi phí kiện tụng sẽ chuyển cho một số Quĩ trợ giúp những ngư dân Việt Nam bị thiệt hại bởi những hành vi xâm hại từ phía Trung Quốc.
4.3. Buộc Đài PT-TH Hà Nội phải đăng lời phát biểu của những người biểu tình (trong đó có chúng tôi) về nội dung phát sóng của Đài này trong các ngày 21/8 và 22/8/2011. Lời phát biểu này phải được phát sóng 2 lần trong 2 ngày từ khoảng 18h30 – 19h trong ngày.
4.4. Buộc Đài PT-TH Hà Nội phải đăng lời xin lỗi và cải chính do đã phát nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng đến những Nguyên Đơn và những người biểu tình khác theo đúng Luật báo chí.
4.5. Buộc Đài PT-TH Hà Nội xin lỗi các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Huệ Chi và những người biểu tình khác vì đã đăng ảnh họ mà không xin phép họ trước.
Trên đây là nội dung Đơn Khởi kiện của chúng tôi đối với Đài PT-TH Hà Nội. Chúng tôi sẽ bổ sung yêu cầu, tài liệu, chứng cứ sau khi Tòa án thụ lý Đơn Khởi kiện theo yêu cầu hoặc sự cho phép của Tòa án. Kèm theo Đơn Khởi kiện này là những tài liệu 1 và 2 (02 Clip về buổi phát sóng 21/8/2011 và 22/8/2011), tài liệu 3, 4 (Thư yêu cầu đề ngày 26/8/2011 của những người biểu tình gửi Đài PT-TH Hà Nội và Thư trả lời đề ngày 31/8/2011 của ông Tổng giám đốc Đài này).
Trong quá trình giải quyết Đơn Khởi kiện này, chúng tôi những nguyên đơn ủy quyền cho các ông Hà Huy Sơn, địa chỉ 50/106/79 Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: 0903.222.888, ông Nguyễn Đăng Quang, địa chỉ số 07, tổ 1, đường Bờ Sông Tô Lịch, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: 0903.209.626 thay mặt cho chúng tôi nhận và gửi những đơn từ liên quan đến vụ kiện này.
NHỮNG NGƯỜI KHỞI KIỆN KÝ TÊN VÀO ĐƠN KHỞI KIỆN (Kiện Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phát sóng truyền hình có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm Luật Báo chí và Bộ Luật Dân sự):
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét