Nguyễn Thông

Đến thượng đế cũng phải cười
Sau này, các nhà viết lịch sử báo chí đầu thế kỷ 21
 muốn kiếm tư liệu quý này, xin cứ hỏi, tôi sẽ để lại
với giá mỗi chữ trong ảnh là một chỉ vàng
Tặng các bạn tôi: Kim Dung, Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Bé, Thu Hà, Xuân Ba, Hương Big, Quang Tửu…
 Mình có lẽ là người duy nhất ở miền Nam đọc báo Hà Nội Mới. Thì cứ ngoa ngôn phét lác tí như thế chẳng chết ai. Mà cũng có lý bởi mình có rất nhiều bạn ở thủ đô, quân dân chính đảng nam phụ lão ấu quốc doanh dân doanh đủ cả, thỉnh thoảng làm cuộc điều tra mini, hỏi chúng mày đọc báo tiếng nói của đảng bộ, chính
quyền và nhân dân thủ đô có hay không, chúng nhấm nhẳn (xin lỗi) tao có đọc đéo đâu mà hỏi. Thế thì mình vẫn hơn chúng nó, những công dân của thành phố hòa bình.

Mê đọc báo, dù báo quốc doanh, dù báo Hà Nội Mới, không có gì phải xấu hổ. Mình tự hào có tiền án tiền sự về điều này. Những năm 1972-1976 học ở Hà Nội, dù trường và ký túc xá mãi ngoài Mễ Trì ngoại thành xa tít, mất những một hào tiền vé tàu điện vào tận bến tàu trung tâm Bờ Hồ (Hoàn Kiếm), nhưng hễ tới nơi là thế nào mình cũng cuốc bộ đến trụ sở báo Hà Nội Mới (44 Lê Thái Tổ) mặt tiền trông ra rặng liễu xanh ngắt, để đọc báo.

Dạo ấy báo chí hiếm lắm, chả mấy ai có tiền mua báo, còn cơ quan đặt mua thì chỉ nhõn mấy ông bà sếp được đọc, họ chưa kịp đọc thì họ nửa kín đáo nửa công khai đem về nhà đọc tiếp, kết hợp có báo cũ bán cho mấy bà gói xôi hoặc đồng nát. Vậy thì những kẻ không tiền như mình phải tìm mọi cách đọc ké. Nhiều tòa báo dựng hẳn một cái khung to chắn lưới mắt cáo, hằng ngày đính lên đó tờ báo mới, quay đủ mặt trong mặt ngoài chả sót trang nào. Vào đầu giờ mỗi sáng, người mót báo mà ít tiền như mình cứ xúm đông xúm đỏ, châu đầu vào thùng lưới đọc mê mải. Nhiều bác già chen vã mồ hôi, đọc xong ra mặt mũi đỏ bừng, người như ngây ngất say say. Chả biết có tiếp thụ được cái gì không mà nghiện thế.

Tàu điện Hà Đông-Bờ Hồ qua Mễ Trì thì dừng ga ở Thanh Xuân, mình phóc lên cứ nhằm chỗ đông mà lẩn vào. Thường thì chỉ trả 5 xu để đến ga Cầu Mới hoặc Thượng Đình, sau đó né né anh soát vé, tới ga cuối vội phóc xuống, thở phào, đỡ được 5 xu. Tổng kết lại rất nhiều chuyến vào trung tâm thành phố đi chơi đã đời, đọc ké hết báo Nhân dân đến báo Hà Nội Mới (trụ sở gần nhau), vào Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền lượn qua lượn lại, chán chê thì lê chân rã rời với cái bụng đói meo về bến Bờ Hồ lên tàu nhằm ký túc xá, chi phí cả đi lẫn về, xem báo, ngó hàng có chuyến chả mất xu nào, chuyến thì 5 xu, chuyến cao nhất một hào. Hầu như quanh năm suốt tháng rỗng túi. Mãi đến năm 1974 mình mới được ăn bát phở bò đầu tiên sau mấy tháng dành dụm (cái này là cả một thiên truyện, để dành viết sau).

Với báo Hà Nội Mới mình cũng có thêm chút kỷ niệm nhỏ nữa. Thời sinh viên, đứa nào chả tập tọng làm tí thơ phú. Năm 1975, khi ấy lăng cụ Hồ mới khánh thành, mình lần mò vào xem. Lội bộ từ ga Hàng Bột, qua Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu mới tới nơi. Hoành tráng thật, đẹp thật, cảm xúc trào dâng. Về ký túc xá cặm cụi viết một bài dạng thơ 5 chữ, nắn na nắn nót, xong rồi lại xé, thêm chữ này, thay hình ảnh khác, mấy lần mới hoàn thành, đặt tít là “Cây ở lăng bác Hồ”, còn nhớ đoạn cuối kết như vầy:

“Sáng Ba Đình rực nắng
Nghe lá cành lao xao
Tưởng bàn tay Bác vẫy
Với muôn đời mai sau”

hay phát khóc lên được. Bản cuối cùng mình thấy có vẻ vừa ý, đem trình lên thi sĩ Bùi Trọng Cường.

Anh Cường là sinh viên khoa Hóa ĐH Tổng hợp đi bộ đội, sau về học lại nhưng vào Văn khoa, học chung lớp, ở chung phòng với mình. Anh Cường rất máu văn chương, thi tứ dồi dào, có thơ đăng báo Văn nghệ trung ương và nhiều báo khác liên tục, chơi với toàn danh nhân như Trần Hòa Bình, Bùi Quang Thanh, Đỗ Minh Tuấn, Trần Trường Chiến (Trần Chiến), Bế Kiến Quốc…; dạng như anh ấy ở khoa Văn đếm trên đầu ngón tay.

Vừa nghe nhạc (bác Cường có chiếc máy quay đĩa than, cả khoa chỉ mỗn bác ấy có) vừa nhìn lướt qua tác phẩm tâm huyết của mình, lát sau bác gật một nhát, buông một câu: được. Mình sướng củ tỉ, bèn năn nỉ hỏi bậc đàn anh vậy thì em gửi cho báo nào để chắc ăn, anh Cường bảo mày đừng bắt chước mấy ông Nguyễn Dương Côn, Đỗ Minh Tuấn, Triệu Xuân Điến (Triệu Xuân), Nguyễn Tri Nguyên, Thái Kế Toại… (mấy anh học khóa trước thường có văn thơ đăng trên báo Văn nghệ, Nhân dân), cứ gửi cho những tờ làng nhàng thôi, kiểu Độc lập, Chính nghĩa, Tổ quốc, Hà Nội Mới thì dễ lọt.

Sáng hôm sau, mình cất công làm cuốc xe điện Bờ Hồ, lân la đến tờ Hà Nội Mới, rụt rè đưa cho bác bảo vệ cái phong bì dán kỹ lưỡng, ngoài ghi nắn nót “Bài đăng báo” nhờ bác chuyển. Ông già nhận, bỏ tọt vào chiếc ngăn kéo, xong chả để ý gì đến mình nữa. Vậy mà về lòng cứ lâng lâng. Hơn hai tháng sau nhận được giấy báo đến lĩnh nhuận bút, 3 đồng rưỡi, nhưng báo biếu thì không còn nên mình cũng chả biết đứa con tinh thần của mình đẹp xấu thế nào. Dẫu sao cũng là một kỷ niệm đẹp với tờ báo của thủ đô.

Năm 1977 mình vào Nam, bẵng hơn hai chục năm không đọc báo Hà Nội Mới. Thỉnh thoảng ra Hà Nội vẫn lượn qua căn nhà phố Lê Thái Tổ hướng mặt hồ, vẫn thấy cái hòm trước cổng nhưng đã thay vỏ đẹp hơn, lưới mắt cáo được thay bằng kính, phía trong trưng bày số báo mới ra. Khác ngày xưa, giờ họa hoằn lắm mới có người dừng lại liếc nhìn, thoáng chốc rồi quày quả đi ngay. Báo chí nhiều quá, lá cải quá khiến bạn đọc nản, mất cả hứng thú, niềm tin, niềm say mê. Mình cũng làm báo, lại kiêm luôn người mê báo nên mình thấy rất rõ điều này. Cô bạn mình, một thời là thư ký tòa soạn, trưởng một ban quan trọng của tờ báo Hà Nội Mới nhưng hầu như mình chỉ được đọc bài viết của nó trong những số báo xuân, thường là phỏng vấn mấy vị trung ương hoặc quan đầu tỉnh; nói ra sợ nó chửi, những bài dạng vô thưởng vô phạt. Nó tốt tính, làm quan báo nhưng xuề xòa, hay rủ bạn bè đi ăn uống, nó bao tất, giờ về hưu kinh doanh, nghe đâu còn giàu gấp mấy lần hồi làm báo.

Bản này cụ thể hơn

Suốt mấy tháng trời vừa qua, thủ đô lên cơn chộn rộn khiến con người bao nỗi truân chuyên. Báo chí nhận được lệnh án binh bất động nên cứ nín khe, im hơi lặng tiếng. Ấy thế mà lại hay, đỡ phải nghe chửi. Vậy mà đánh đùng một cái, nhận lệnh chỉ đạo của cấp trên, nghe nói từ cục Báo chí-xuất bản, Bộ 4T, mấy báo thủ đô lĩnh ấn tiên phong, đánh cho bọn biểu tình yêu nước nhiều trận tơi bời hoa lá. Ngoài mấy anh chị nhà báo có tên tuổi nhưng chắc sợ người ta chửi nên giấu tên, chỉ dám ký cóc ổi xoài, còn có cả phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn múa bút rất hung hăng. Một bên nắm cơ quan truyền thông trong tay, tha hồ nói, ngang dọc phải trái kiểu nào cũng được, còn một bên cứ đớ lưỡi vì tay không, chỉ dựa vào ba cái anh bờ lốc bờ leo, mạng này mạng nọ, nhằm nhò gì. Dân tình ớ ra chả biết tin ai. Mình vội sục sạo tìm báo Hà Nội Mới thân yêu, ở Sài Gòn tuy khó kiếm nhưng không phải không có. Đọc được mấy bài, cười ngất. Choáng. Tờ báo là tiếng nói của nhân dân thủ đô, nhưng sao các tầng lớp nhân dân thủ đô dạo này ăn nói linh tinh nhỉ. Cái bài báo mà mình chụp tấm ảnh kỷ niệm kèm theo đây là dẫn chứng rõ nhất. Hay là không phải, mình vẫn cứ hồ nghi, người Hà thành nào có thế bao giờ. Dứt khoát không phải là giọng điệu của người Hà Nội mà mình xưa nay yêu mến.
Còn bản này dễ xem nhất
3.9.2011
N.T.

 
Bài này công phu thế mà chỉ có một phản hồi!

Vì bình yên bền vững của Thủ đô yêu dấu

(HNM) - Sáng chủ nhật 28-8, Hà Nội thật thanh bình, yên ả. Chớm thu, nắng và gió nhè nhẹ trải quanh hồ Hoàn Kiếm. Không còn những cuộc tuần hành, biểu tình tự phát, không còn những đám người tụ tập gây huyên náo...
Người già chậm rãi thả bước dạo quanh hồ, trẻ em tung tăng nô đùa ở sân trước tượng đài Lý Thái Tổ, còn những đôi uyên ương thì tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ bên Hồ Gươm khi mùa cưới đã về. Hơn hai tháng qua, nhiều người dân ở khu vực này nói riêng và hơn 7 triệu người Hà Nội cùng gần 90 triệu người dân Việt Nam nói chung luôn mong muốn được chứng kiến những hình ảnh bình dị như vậy về một thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, đại diện cho sự phát triển ổn định của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ.

Ngày nghỉ cuối tuần tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Bảo Lâm

Những chuyển biến đáng khích lệ trên cho thấy, Thông báo ngày 18-8 của UBND thành phố về việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời cũng cho thấy sự nhận thức theo hướng tích cực của một số công dân đã từng tham gia 11 cuộc biểu tình tự phát vừa qua. Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, kiên trì của các lực lượng chức năng, của cả hệ thống chính trị từ lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự đến các tổ công tác ở các địa phương. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục đã thể hiện rõ ràng khi người dân có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm công dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Lòng yêu nước vốn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và nền độc lập, tự chủ của đất nước đã được xây dựng trên nền tảng lòng yêu nước của các thế hệ con dân nước Việt. Tuy nhiên trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn cụ thể của lịch sử, lòng yêu nước chân chính của từng công dân phải có cách thể hiện phù hợp, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có như vậy, thế và lực của đất nước mới có thể vươn lên tầm cao mới, sánh ngang thời đại. Rõ ràng, những thế lực thù địch với chế độ xã hội của Việt Nam không muốn điều đó. Vậy nên họ ra sức chống phá, chia rẽ hòng làm suy yếu sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện âm mưu đen tối đó, họ không từ bất cứ thủ đoạn nào. Và việc lợi dụng hình thức tuần hành, biểu tình tự phát thể hiện lòng yêu nước ở Hà Nội trong hơn hai tháng qua là nhằm gây mất trật tự trên địa bàn thành phố, từ đó tạo ra sự bất ổn định về chính trị - xã hội trong thời gian qua chính là ví dụ điển hình.

Không phải mọi người dân đều dễ dàng nhận ra những âm mưu thâm độc được bọc trong “nhãn hiệu” đẹp của lòng yêu nước. Trong tình hình hiện nay, phải khẳng định các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn chưa ngừng lợi dụng người dân để tiến hành các hoạt động chống phá chế độ chính trị của Việt Nam. Do đó, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị là luôn đề cao cảnh giác, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân. Lòng yêu nước chân chính không thể tách rời khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tách rời sự ổn định, hòa bình và phát triển của đất nước.
Khi chúng ta có đường lối, chủ trương đúng, có nhận thức đúng và cách làm phù hợp, huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội thì nhất định sẽ thu được kết quả tích cực. Đó là bài học không bao giờ cũ.

Trong bối cảnh hiện nay, môi trường ổn định của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung là đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là sự mong mỏi, mục tiêu mà toàn xã hội hướng tới thông qua những hành động, việc làm thiết thực của từng người dân. Do đó, dư luận xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung đều mong muốn nhanh chóng duy trì trật tự trên địa bàn Hà Nội. Sự yên bình bền vững phải được giữ gìn cẩn trọng tại Thành phố Vì hòa bình -Thủ đô văn hiến và anh hùng nghìn năm tuổi của một quốc gia độc lập, tự chủ được thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.

Hà Nội đó, niềm tin yêu, hy vọng. Mỗi công dân Hà Nội nói riêng và con dân đất Việt nói chung hãy ý thức rõ sự yên bình quý giá trên Thủ đô và đất nước yêu quý của mình mà chung tay góp sức bảo vệ, giữ gìn.
Hoàng Thu Vân 

Không có nhận xét nào: