Công đoàn cản công nhân biểu tình chống Bắc Kinh
BIÊN HÒA (TH) - Ban Chấp Hành Công Ðoàn khu công nghiệp tỉnh Ðồng Nai gửi văn thư đến các ban chấp hành thành viên kêu gọi công nhân không tham gia biểu tình chống Trung Quốc, theo tin tức được phổ biến trên mạng Dân Làm Báo.
Bản chụp văn thư yêu cầu ngăn cấm công nhân biểu tình chống Trung Quốc của Công Ðoàn khu công nghệ tỉnh Ðồng Nai. (Hình: Dân Làm Báo)
Lần đầu tiên, người ta thấy một văn bản như vậy được nhìn thấy trên Internet.
“Trong những ngày qua, trên mạng Internet một số tổ chức, cá nhân kêu gọi thanh niên, công nhân lao động biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Ðông.” Văn thư của Công Ðoàn khu công nghiệp Ðồng Nai đề ngày 24 tháng 6, 2011 ký tên Phó Chủ Tịch Nguyễn Văn Thắng viết như vậy và yêu cầu các bộ phận thành viên, “Nắm bắt thông tin, tuyên truyền giải thích cho người lao động hiểu rõ về đường lối, chủ trương của đảng, nhà nước về vấn đề Biển Ðông, không để các tổ chức, cá nhân kích động lôi kéo tham gia các hoạt động biểu tình, giăng biểu ngữ hoặc các hoạt động gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nhằm phục vụ ý đồ của các tổ chức chính trị phản động.”
Nguyễn Văn Thắng kêu gọi các công đoàn thành viên tại các xí nghiệp làm nhiệm vụ “báo cáo phản ánh tình hình về Công Ðoàn khu công nghiệp và các cơ quan chức năng xử lý nếu có tình huống phát sinh gây mất an ninh trật tự tại đơn vị và trên địa bàn.”
Các tổ chức Công Ðoàn tại Việt Nam là bộ phận ngoại vi của đảng Cộng Sản, phục vụ nhu cầu của đảng Cộng Sản nên không hề cầm đầu công nhân đấu tranh đòi hỏi quyền lợi, chống lại các sự bóc lột và đối xử bất công của giới chủ nhân. Các người cầm đầu hệ thống Công Ðoàn, từ trên xuống dưới đều là đảng viên của đảng Cộng Sản.
Như hiện nay, tại Sài Gòn, cuộc đình công của 65,000 công nhân công ty Pou Yuen (Bảo Nguyên) vốn đầu tư Ðài Loan, kéo dài sang tuần lễ thứ hai, đòi tăng lương và các quyền lợi khác cũng không do Công Ðoàn tổ chức.
Chế độ Hà Nội rất lo ngại giới công nhân các xí nghiệp kỹ nghệ tại Việt Nam, phần lớn tập trung ở khu vực Sài Gòn, Bình Dương và Ðồng Nai, tham gia biểu tình, liên kết với các thành phần khác trong xã hội.
Phó chủ tịch BCH Công Ðoàn khu công nghệ Ðồng Nai tên Nguyễn Văn Thắng, một đảng viên, đảng CSVN được cài cắm để khống chế công nhân, thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân. (Hình: DongNai.Gov.vn)
Từ đầu năm đến hết tháng 5, 2011, đã có 331 vụ đình công đòi tăng lương tại Việt Nam nhưng hầu hết đều không thấy hệ thống báo đài của nhà cầm quyền loan tải.
Những tờ báo coi như đại diện cho giới công nhân như “Lao Ðộng” và “Người Lao Ðộng” nhưng hiếm khi thấy đăng tin tức công nhân đình công. Luật lệ đình công của Việt Nam tròng tréo với nhiều tầng nấc đòi hỏi khó khăn. Nếu muốn tổ chức đình công thì khó lòng xảy ra. Ðây là lý do tại sao tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam đều bị coi là “bất hợp pháp” vì giới công nhân tự động đình công, các kẻ cầm đầu Công Ðoàn không hề tổ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét