Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn


   Khảo sát mới nhất của Tổng Cục Thống Kê cho biết chênh lệch giữa giàu nghèo ở Việt Nam đã lên tới hơn 9 lần. 

AFP photo


Một tiệm may gia đình ở Cao Bằng, ảnh minh họa

Theo các số liệu được các cơ quan lao động và xã hội công bố thì đối với những người thuộc diện nghèo khó, lương tháng của họ chưa tới 370 ngàn đồng, còn thu nhập của thành phần khá giả, sung túc là gần 3 triệu rưỡi đồng, một tháng, điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa nghèo và giàu ở Việt Nam là gấp hơn 9 lần.

Thực tế cho thấy có những người lao động bữa cơm của họ chỉ từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng, trong khi đó một chầu nhậu của những người lắm bạc nhiều tiền lên tới vài triệu đồng.

Ngoài ra trong xã hội biết bao hình ảnh cho thấy sự cách biệt quá lớn trong cuộc sống hằng ngày như có những người phải đi bộ, đi xe đạp, có những đại gia nhập về các loại xe sang nhất thế giới, trị giá hàng trăm ngàn đô la…

Từ Hà Nội, bà Lê Hiền Đức được gọi là “công dân chống tham nhũng” trình bày một số tình trạng cách biệt giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện giờ:

"Tất cả các báo đã đăng kể cả báo lề phải, lề trái là 35 đô một bát phở. Tôi chỉ quan tâm đến đời sống của người dân lao động chân chính ở Việt Nam, thì tôi đau lòng, người ta vô cùng cực khổ, một bữa ăn của người ta đem theo độ vài ba chén cơm, bỏ vào túi nilông, với một gói muối mè hay muối vừng. Tại sao không dám mua cơm hộp? vì ít nhất cũng 20 nghìn, người dân không phải chỉ khổ về cách lao động, kiếm ăn mà nghèo nên ăn khổ như thế.

Trong khi ấy tôi thấy rất nhiều những bữa nhậu nhẹt, có một buổi tôi đến một huyện ngoại thành, chứng kiến rằng bát, đĩa vung vãi, cỗ bàn thừa ê chề, các quan chức cấp huyện, cấp xã chứ chưa nói tới cấp thành phố, trung ương, cũng mặt đỏ, tía tai, đúng như danh từ tôi thường nghe thấy thanh niên họ dùng là dzô.” 

Một người dân miền Trung, anh Tốt, đưa ra nhận định về nguyên nhân của tình trạng giàu- nghèo ngày một gia tăng:

“Có sự phân biệt giữa người giàu và nghèo bởi vì xã hội tạo nên như vậy, khi có người thân thế trong chánh quyền thì người ta bao che cho nhau, dùng quyền lực đàn áp người nghèo. Người nghèo là nghèo luôn luôn, không có cơ hội để vươn lên, thành phần giàu thì càng giàu thêm, nhờ dùng tiền mua chuộc nên người ta làm được hết tất cả.”

Bà Lê Hiền Đức cũng chỉ ra hiện tượng ‘nhậu nhẹt’ của tầng lớp thu nhập có thể nói từ những nguồn bất chính,  giúp họ trở nên giàu có:

“Giàu nghèo ở Việt Nam chênh lệch quá mức, người ta khổ như thế, bên cạnh đó có nhiều người đủ các tầng lớp, mà tôi được nhìn thấy, đặt những bữa tiệc hàng triệu, triệu đồng nhậu nhẹt với nhau, kể cả tiền bỏ túi ra thì tiền ấy do sự bóc lột tham nhũng của người dân nghèo mà có, ăn uống một cách vô tội vạ, trong khi ấy người dân nghèo thì càng nghèo, đã đói, khổ, lao động vất vả, lại mất đất, hở một tí gì ra thì cũng phải đút lót tiền nong.”

Anh Tuấn, một nhân viên phục vụ ngành lao động và xã hội ở Saigon hiểu được nỗi chật vật của người dân nghèo và mong chánh phủ có biện pháp cải thiện cuộc sống cho họ:

“Cái đấy thuộc về chính sách của nhà nước, thay đổi điều ấy rất khó, theo mình nghĩ thì nên tạo nhiều điều kiện, nhiều cơ hội hơn cho những người nghèo kiếm thêm thu nhập, để cho khoảng cách giàu nghèo ngắn lại, đấy cũng thuộc về quyết định của nhà nước.”    

Trong thực tế, Nhà Nước cũng đã có nhiều chương trình như ‘xóa đói, giảm nghèo’ dành cho những hộ thuộc diện thu nhập thấp, rồi nhiều tổ chức quốc tế cũng giúp Việt Nam tiến hành các chương trinh nâng cao đời sống cho người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một số biện pháp nhằm mục đích tạo ra các nguồn sinh kế bền vững cho người dân cũng được đề cập đến.

Tuy nhiên công tác thực hiện các chính sách đưa ra vẫn chưa được tiến hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra các qui định luật pháp vẫn chưa chặt chẽ, còn quá nhiều kẽ hở để tạo điều kiện cho những thành phần xấu trục lợi ngân sách quốc gia, làm giàu riêng cho bản thân họ và làm trì trệ công cuộc phát triển, khiến nhiều người lương thiện mãi phải chịu cảnh đói nghèo.

Không có nhận xét nào: