Hoà Vân

Khấu đầu và bịt miệng dân

Hành động bắt tay khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có người đang tính chuyện "chung chi" trên lưng những người dân nghèo khổ.

Hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam trong và ngoài nước trong suốt tháng 6 này đã được phân tích dưới nhiều khía cạnh1. Tất nhiên,
trong quan hệ quốc tế, sự căng thẳng tới một lúc nào đó hoặc sẽ được đẩy đến tột cùng là chiến tranh, hoặc hai bên đều cảm thấy phải “giảm nhiệt”, và có bước xuống thang. Chiến tranh là kết cục khó xảy ra trong tình hình hiện nay, khi tham vọng bành trướng của Trung Quốc chưa thể được thực hiện nếu không muốn trả giá quá cao, do nhiều yếu tố (sự có mặt của Hoa Kỳ, phản ứng “bất lợi” của các nước ASEAN, phản ứng của nhân dân Việt Nam cho thấy “miếng mồi” không dễ nuốt…). Về phía Việt Nam, dĩ nhiên chiến tranh cũng không phải là một chọn lựa khả dĩ. Vả chăng, tất cả các bên liên quan, trong hay ngoài cuộc, đều tỏ ý mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình. Vậy thì “xuống thang” là tất yếu, không có gì phải bàn cãi.

Thông tin báo chí chung Việt Nam và Trung Quốc” ngày 26.6, trong chuyến đi Bắc Kinh của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn với tư cách là “đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam”, là thể hiện cụ thể của bước xuống thang ấy. Vấn đề đặt ra là đằng sau những câu chữ của bản “thông tin”, người ta có thể thấy những gì.

Nhận xét đầu tiên là, trong khi Trung Quốc mới là kẻ làm cho tình hình nóng lên với những vụ gây hấn trên Biển Đông, trong vùng độc quyền kinh tế của Việt Nam – và cả ở cạnh bờ biển Philippines  – thì tại sao Việt Nam phải cử “đặc phái viên” tới Bắc Kinh mà không là ngược lại? Nhưng thôi, “một câu nhịn là chín câu lành”, hình thức không quan trọng bằng nội dung, ngày xưa các cụ “đi sứ” vẫn có cách bảo vệ danh dự và quyền lợi của đất nước đó thôi. Kẹt nỗi, ngay câu đầu của “Thông tin” (sau phần mào đầu giới thiệu các cuộc gặp) làm như không có chuyện gì xảy ra: “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.”. Nếu vậy thì cử “đặc phái viên” đi để làm gì? Những ngư dân Việt Nam bị đánh, giết trong khi đánh cá trong vùng biển của nước mình, những tàu thăm dò địa chất của Việt Nam bị phá hoại trong vùng độc quyền kinh tế của mình, là những “phát triển lành mạnh” ư?

Nghiêm trọng hơn là ba câu trong đoạn cuối của “Thông tin : 1/ tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước ; 2/ đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; và 3/ thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất” (người viết đánh số để dễ biện luận).

Xin nói ngắn về hai câu “đối ngoại”. Câu 2/ có thể coi là một sự khẳng định nguyên tắc “song phương” trong khi vấn đề Biển Đông (trừ trường hợp quần đảo Hoàng Sa chỉ liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc) là một vấn đề dính tới nhiều nước, trong bản chất là đa phương, mà không một thoả thuận riêng nào giữa hai nước có thể góp phần “giải quyết” được. Cộng với sự từ chối nói tới COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, viết tắt theo tiếng Anh: “Code of Conduct in the South China Sea”) trong câu 3, như đòi hỏi của ASEAN – vì “Tuyên bố ứng xử” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea” thường viết tắt là DOC) không bao gồm các biện pháp chế tài, và chưa hề được Trung Quốc tôn trọng –, hai câu kết này gieo nghi ngờ về chính sách đối ngoại của chính quyền Việt Nam trong trách nhiệm bảo vệ chủ quyền ngoài biển, đảo của đất nước. “Bó đũa” ASEAN vừa mới chớm hợp lại trước những hành động gây hấn của Trung Quốc thì chính thành viên cần nhất sự hợp lực của những chiếc đũa bạn lại rút ra, giúp đối phương bẻ gãy từng chiếc? Hà Nội không thể tránh trả lời minh bạch câu hỏi này đối với các đối tác ASEAN – và cả đối với các đối tác khác của mình. Và nếu diễn biến của tình hình xấu đi, thì không phải chỉ là đối với các nước bạn mà chính là đối mặt với nhân dân mình mà những người chọn con đường song phương sẽ phải trả lời về chọn lựa ấy. Người viết bài này không mong gì hơn được nghe những lời phản bác có thẩm quyền rằng các diễn giải của mình đã đi quá xa so với ý tưởng của các tác giả bản “Thông tin”.2.

Nhưng, bài viết này muốn nói nhiều hơn tới câu đầu, tới khía cạnh đối nội mà một người mang danh đại diện cho đất nước đã chấp nhận ghi vào một bản tin ký chung với nước ngoài, một cam kết lạ lùng mà một chính phủ tự trọng không bao giờ có thể đưa ra.

Ý nghĩa của cam kết ấy ra sao, chỉ cần ôn qua diễn biến tình hình gần đây để thấy rõ.

Hơn 700 tờ báo chính thống trong mấy tuần qua đã không được quyền nói tới các cuộc biểu tình phẫn nộ của người dân Việt Nam trước các hành động côn đồ của Trung Quốc – ngoại trừ một bản “tin” của Thông tấn xã với cụm từ “tụ tập đông người tự phát” đã trở thành trò cười cho mọi người. Những cuộc biểu tình mà nhà cầm quyền không dám ra mặt cấm đoán song đã bằng mọi cách ngăn cản (tới mức đe doạ đuổi học đối với sinh viên học sinh tham gia), kể cả bắt giữ những người bị coi là hạt nhân của phong trào, đồng thời tung một lực lượng công an chìm, nổi chưa từng thấy ra ngăn đe những người tham gia. “Định hướng đúng đắn dư luận” đó còn được tăng cường tới đâu nữa? Những bài viết trên các báo chính thống tố cáo các hành động bắn giết ngư dân Việt Nam, hành động cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam trong vùng độc quyền kinh tế mà Luật biển quốc tế công nhận, chỉ đích danh thủ phạm sau một thời gian dài phải che đậy bằng từ “lạ”, sẽ biến đi chăng hay lại trở về giai đoạn “lạ” mới chỉ được vượt qua không lâu? Những bài báo thuật lại những lời đe doạ đầy tính miệt thị trên báo chí Trung Quốc đối với nước ta, nhằm thông tin cho đồng bào biết thực chất của 16 chữ đầy giả dối kia là gì, sẽ không còn được phép đăng nữa? Những blog, trang web “ngoài lề” sẽ bị đánh phá thô bạo hơn, các tác giả bị bắt giữ, tù đày? Vì tất cả những bài viết đó, trên báo lề phải hay lề trái, là những “lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước” trong khi hành động bắn giết ngư dân, cắt cáp của những con tàu thăm dò đang hoạt động hợp pháp trên đất nước mình thì không làm tổn hại đến “tình hữu nghị” và “lòng tin” ấy?

Phải chăng, khi đã cam tâm khấu đầu với ngoại bang tới mức chấp nhận cả lời chối trơ trẽn của chúng rằng đâu có gì, mọi việc vẫn “phát triển lành mạnh, ổn định” ngay sau khi chúng vừa giết người, phá hoại một công tác kinh tế hoà bình của đất nước, thì cũng quá logic là người ta sẵn sàng dùng những biện pháp thô bạo nhất để bịt miệng người dân trong nước, không cho phép họ tố cáo những cuộc đi đêm béo bở cho một số người nhưng lại chứa đầy hiểm nguy đối với quốc gia, dân tộc?

Cần nói rõ, người viết bài này không cổ suý cho những tiếng nói cực đoan, kích động hằn thù giữa hai dân tộc. Nếu những lãnh đạo cao cấp nhất trong chính quyền có lên truyền hình nói với đồng bào rằng những lời nói cực đoan đó hại nhiều hơn lợi, và xin đồng bào kềm chế, thì cũng bình thường. Bình thường với điều kiện là những tiếng nói đó vẫn được quyền cất lên – và chính người dân, chứ không phải nhà cầm quyền, sẽ cô lập chúng, làm cho chúng trở thành vô hại. Còn những tiếng nói điềm đạm, chừng mực khác, dù có nội dung đi ngược với các quan điểm chính thống, dù có phê phán mạnh mẽ những cá nhân hay tập thể nào đó trong bộ máy cầm quyền, dĩ nhiên càng không thể bị ngăn chặn, chụp mũ, đe nẹt…

Những điều kiện đó cho tới nay hoàn toàn vắng bóng, và có vẻ như một nghịch lý nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu, sự vắng bóng đó của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, trên thực tế đã là mảnh đất màu mỡ cho những tiếng nói cực đoan nảy nở, và vang xa.

Đó là những lý do khiến người dân Việt Nam – thực ra, phải kể cả nhân dân Trung Quốc, nhưng đó lại là đề tài khác – chưa thể nhẹ nhõm với thông tin “xuống thang” trên kia.

H. V.


1 Bài viết “Tôtem sói ngày nay” của nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Trung đã phân tích khá cặn kẽ những âm mưu của Trung Quốc, yếu kém của Việt Nam. Ngay cả báo điện tử của ĐCS Việt Nam cũng có bài phân tích về “Những bước đi có tính toán, có hệ thống của Trung Quốc trên Biển Đông” thay vì chỉ nhắc đi nhắc lại tuyên bố vô hồn của “người phát ngôn Bộ Ngoại giao” năm này qua năm khác. Các khía cạnh đối ngoại như chọn đồng minh, liên kết với các nước ASEAN, vai trò của Hoa Kỳ… và đối nội – hành xử của chính quyền đối với người dân – cũng đã được mổ xẻ trên nhiều bài viết mà Diễn Đàn đã đăng tải hoặc giới thiệu trong mục Thấy Trên Mạng trong suốt tháng 6 này.

2 Sau khi bài này xuất bản, tác giả được đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Hồ Xuân Sơn trên Sài Gòn tiếp thị, trong đó ông nói rõ hơn: “những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam-Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…”. Vậy xin ghi nhận, dù đáng tiếc là thứ trưởng HXS không đấu tranh để bản “Thông tin chung” ghi rõ như vậy, để chặn trước khả năng phía Trung Quốc đưa ra diễn giải khác.
http://www.boxitvn.net/bai/24259

Không có nhận xét nào: