BBC

Người trong cuộc kề̉ chuyện hậu biểu tình

 
Giới chức Hà Nội nhanh chóng dập tắt biểu tình chống Trung Quốc hôm 21/8
Sau những hành động dập tắt cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 21/8 của giới chức Hà Nội, BBC đã có buổi nói chuyện với những người trong và ngoài cuộc.


Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Thị Như Quỳnh, người đã quan sát lần biểu tình lần thứ 11 và cập nhật một số thông tin từ các blog cá nhân của những người biểu tình nói với BBC: “Ngày hôm qua nhiều người bị bắt và họ bị đối xử rất tệ về mặt sức khỏe và ăn uống. Hôm qua họ bị tạm giữ thôi mà giống như là đã bị tước mất quyền công dân ngay tại lúc đó.”.



Chị cho biết: “Tám người vẫn chưa được thả tại công an quận Hoàn Kiếm. Đó là: Anh Nguyễn Tiến Nam, Ngô Duy quyền, Lê Trọng Đức, Trịnh Long Hữu, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, và hai bác là cựu chiến binh tôi không nắm được tên”.

Blogger này nói thêm đã có lệnh tạm giữ hành chính ba ngày cho hai người là bà Bùi Thị Minh Hằng và Đặng Bích Phượng.

“Một mình chị Minh Hằng đã bị tách khỏi nhóm và đưa đến khu giam giữ tội phạm hình sự hồi tối khuya 21/8 vào khoảng 23.30. Giọng chị Hằng đã bị khản đi rất nhiều và được biết là chị rất yếu về mặt sức khỏe lại không được ăn uống gì cả..”

Mẹ Nấm cho biết nếu được thả tự do sau đợt này, anh em phải ngồi lại với nhau, làm chung kiến nghị về một số báo như Hà Nội Mới và cả đài Hà Nội đã đưa tin là những người này đã cố tình tụ tập gây rối và làm loạn.

“Chúng tôi sẽ phản ứng bằng cách theo đúng luật pháp quy định về quyền công dân gửi kiến nghị.”

Giải thích thêm về vấn đề này, Mẹ Nấm gọi đây là ‘chồng chéo luật pháp’ của công an Việt Nam về lệnh tạm giữ, chị cho biết thêm công an sẽ không tính thời gian tạm giữ từ lúc những người này bị bắt mà tính từ thời điểm họ ra lệnh tạm giữ trên văn bản.

Theo dự đoán, sớm nhất thì những người này sẽ được thả vào lúc 9h tối 22/8 hoặc phải đến sáng thứ Ba.

Người trong cuộc

Chị Nguyễn Hồng Phi, một trong số những người cuối cùng được thả ra từ đồn công an Mỹ Đình tối chủ Nhật 21/8 nói với BBC.

“Người biểu tình đã nắm được mấy tinh thần rằng họ sẽ trấn áp như thế nên đã chia ra thành mấy nhóm lẻ. Nhóm đầu tiên, những người mới tụ tập giăng cờ ngoài Hồ Gươm, khi mới đi được vài bước và hô thì đã bị lực lượng thanh niên cơ động rất đông ̣đảo xấn tới, lùa mọi người lên xe buýt. Họ đã có những hành động như là xô, đẩy, túm áo, cưỡng bức phải lên trên xe.”

Chị cho được biết hôm Chủ Nhật, UBND TP Hà Nội đã có buổi họp khẩn lúc 6.30 sáng nhằm chuẩn bị những phương tiện ở đằng sau Nhà hát lớn nhằm phục vụ cho đội ‘an ninh trật tự’ nếu có biểu tình xảy ra như ‘vòi rồng và xe buýt và cả dùi cui cùng một số đông ̣đảo lực lượng an ninh’

Chị Hồng Phi nói xe chở chị và mọi người chạy lòng vòng qua thành phố rất lâu sau đó mới đưa chúng tôi về công an phường Mỹ Đình. Đến đó, mọi người hô nhau là cương quyết không xuống.

"Tôi xuống đường không phải vì lý tưởng làm chính trị mà tôi chỉ lo cho những người thân ở gia đình tôi, những người đang sống ở thành phố Lào Cai vì bài học năm 1979 đã quá đau lòng rồi."

Hoạ sỹ Nguyễn Hồng Phi

“Tuy nhiên, do lực lượng của họ quá đông và họ lại giở trò trấn áp lôi kéo một số người xuống nên chúng tôi phải xuống theo.”

“Khi ở Mỹ Đình, bên ngoài thì họ cầm dùi cui hùng hổ, hù dọa ghê lắm, nhưng vào trong thì họ cũng mời anh, mời chị, mời bác mỗi người một bàn và một nhân viên phụ trách hỏi. Tất cả tinh thần của những người hôm qua là không có gì sợ sệt hay lo lắng cả. “

Chị Hồng Phi nói những người biểu tình đã phản đối khi công an nói họ vi phạm nghị định 38CP. Theo chị, thông báo gần đây của UBND TP Hà Nội chưa có tính pháp lý và hiện chưa có văn bản chính thức về luật cấm biểu tình ở Việt Nam. Hơn nữa, giới chức chưa có ‘hồi âm’ về kiến nghị gửi đi ngày 19/8.

“Họ đã không cưỡng ép được việc chúng tôi công nhận việc đi biểu tình là sai nên họ đã chuyển sang đề tài về mục đích và động cơ của việc đi biểu tình.”

“Tôi xuống đường không phải vì lý tưởng làm chính trị mà tôi chỉ lo cho những người thân ở gia đình tôi, những người đang sống ở thành phố Lào Cai vì bài học năm 1979 đã quá đau lòng rồi.”

Chị cũng giải thích:“Không có ai lôi kéo rủ rê tôi và tôi cũng không liên lạc với ai. Đến đó thì mọi người mới gặp và quen biết nhau chứ trước đó thì không.”

Trong khi đó, chị Hồng Phi dẫn lời cán bộ hỏi cung chị nói: “Việc đó đã có nhà nước lo, các chị xuống đường có giết được thằng Tàu nào không?”.

Chị nói: “Chúng tôi xuống đường đế chứng tỏ với những người dân quá khích ở Trung Quốc hiểu rằng là nhân dân Việt Nam rất yêu hoà bình, vẫn chuộng hoà bình và hết sức nhẫn nhịn nhưng một khi họ cố tình gây hấn thì chúng tôi cũng sẵn sàng đứng dậy cầm súng.”

Theo chị Hồng Phi, luật sư trẻ tên là Long, chị Bùi Thị Minh Hằng, và những người bị coi là ‘ngoan cố’ và tích cực nhất bị đưa lên quận Hoàn Kiếm sau khi có mặt trong chuyến xe đầu tiên đến Mỹ Đình lúc khoảng gần 10 sáng Chủ Nhật, 21/8.

Sau khi làm việc với công an Mỹ Đình, những người biểu tình phải làm việc và lấy lời khai lần hai với lực lượng an ninh thành phố Hà Nội.

An ninh Thủ đô

Một số thông tin khác cho hay thì vẫn còn khoảng hai, ba người đã bị bắt tại công an Mỹ Đình khi họ ngồi bên ngoài một quán cóc chỉ vì muốn tiếp tế bánh mỳ và nước cho những người bị bắt trong đồn.

Blogger Vũ Quốc Ngữ, người đã tham gia nhiều lần biề̉u tình trước nhưng lần này đóng vai trò tiếp tế, nằm trong số này.

Tuy nhiên, trên tờ An Ninh Thủ đô đêm 21/8 đăng tin về những người này là “trong quá trình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Đồn Công an Mỹ Đình, một nhóm người đã kéo đến với mục đích và hành vi gây mất trật tự, lăng mạ lực lượng chức năng. Lập tức, công an huyện Từ Liêm đã có mặt, tạm giữ ba trường hợp để điều tra, xử lý.”

Báo này trích lời Đại tá Bạch Thành Định nói: “Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn thành phố, nhưng trong sáng 21-8, tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, một nhóm người vẫn cố tình vi phạm, tụ tập, có hành vi gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ. Lực lượng chức năng đang lập hồ sơ, kiên quyết xử lý từng trường hợp vi phạm”.

Tuy nhiên, blogger Mẹ Nấm cho hay: “Tôi được biết có một số vị trí thức, giáo viên, thậm chí có tuổi đã tới biểu tình một cách tự phát cho dù họ chỉ có một mình. Nhưng khi bị bắt, những người này không hề có hành động chống trả lực lượng an ninh. Ngay cả Tiến Nam cũng nói là “thả tôi ra để chúng tôi tự đi”.

Tờ báo này đã cáo buộc những người biểu tình “có nhiều lời nói, hành động lăng mạ, chống người thi hành công vụ và tìm cách kéo đi tuần hành, gây mất trật tự công cộng”.

Bài báo với tựa đề “Kiên quyết xử lý việc tụ tập, gây mất an ninh trật tự” nói những người có mặt tại cuộc biểu tình đã bị cưỡng chế lên xe buýt là do “số công dân này tỏ thái độ bất hợp tác, có hành động chống người thi hành công vụ; buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải đưa tất cả về Đồn Công an Mỹ Đình - Từ Liêm”, theo An Ninh thủ đô.

Báo này cũng viết: “Tổng cộng, có 47 trường hợp bị đưa về Đồn Công an Mỹ Đình, trong đó 14 trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân. Qua xác minh, phân loại, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính với hình thức cảnh cáo 39 trường hợp về hành vi tụ tập trái quy định, gây mất trật tự công cộng.

“Tám trường hợp bị đưa về CAQ Hoàn Kiếm để đấu tranh, xử lý về các biểu hiện gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.”

Theo Mẹ Nấm, tám người vẫn chưa được thả tại công an quận Hoàn Kiếm là: Nguyễn Tiến Nam, Ngô Duy quyền, Lê Trọng Đức, Trịnh Long Hữu, Bùi Thị Minh Hằng, Đặng Bích Phượng, và hai cựu chiến binh rõ tên.

Tính đến thời điểm này, công an quận Hoàn Kiếm vẫn phủ nhận việc tạm giữ những người nói trên, theo blogger Mẹ Nấm.


BBC

Không có nhận xét nào: