Một chủ nhật không có biểu tình
Photo courtesy of Danlambao Biểu tình chống Trung Quốc hôm |
Tâm tư của một số người từng tham gia biểu tình về hiện tượng này ra sao?Ý kiến về việc cơ quan truyền thông Hà Nội cho người biểu tình là ‘kẻ xấu’, là ‘phản động’ thế nào?
Gia Minh trình bày trong phần sau.
Buồn, thiếu
Sau 11 lần biểu tình chống Trung Quốc gây hấn khởi phát hồi ngày 5 tháng sáu cho đến chủ nhật 21 tháng 8 vừa qua, lần biểu tình thứ 12 vào ngày 28 tháng 8 đã không diễn ra.
Một chủ nhật không có biểu tình chống Trung Quốc khiến cho một bạn sinh viên từng có mặt trong sinh hoạt đó vào nhiều chủ nhật vừa qua tỏ ra thấy thiếu thốn một điều gì:
“Một buổi sáng không biểu tình thấy thiếu thiếu, buồn buồn.”
Thiệt thân
Công an chìm bắt những người biểu tình chống TQ tại Hà Nội sáng 21-08-2011. Courtesy Danlambao.
Người từng bị bắt về đồn Công an Từ Liêm, Mỹ Đình trong một chủ nhật trước đây vì tham gia biểu tình, bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trình bày nguyên nhân vì sao trong ngày 28 tháng 8, những người biểu tình yêu nước không xuất hiện như những chủ nhật trước đó quanh Hồ Gươm nữa:
“Hiện tượng này cũng dễ hiểu thôi vì vừa rồi UBND thành phố Hà Nội đưa ra bản thông báo mà không ký tên; thế nhưng nó vẫn gây ra những hiệu ứng tâm lý đối với những người đi biểu tình.
Ngoài việc ra thông báo như thế còn có người đến tận nhà của những người hay đi biểu tình nói không được đi biểu tình. Những người này cũng nói lại đi biểu tình là yêu nước và không chống chính phủ nhưng họ bảo ‘không được, dứt khóat không được biểu tình’; mà không giải thích gì thêm. Chắc mọi người nghĩ mình biểu tình để ủng hộ Nhà Nước mà nhà nước không cần thì thôi; chứ không Nhà nước lại dùng biện pháp mạnh lại thiệt thân.”
Chắc mọi người nghĩ mình biểu tình để ủng hộ Nhà Nước mà nhà nước không cần thì thôi; chứ không Nhà nước lại dùng biện pháp mạnh lại thiệt thân.
Bà Nguyễn Nguyên Bình
Trong thời gian qua, truyền thông Nhà nước như báo An Ninh Thủ Đô, báo Hà Nội Mới, rồi đài truyền hình Hà Nội, HTV1, cùng có ý kiến tương tự người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, cho rằng có những thế lực xấu kích động người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.
Bà Nguyễn Nguyên Bình lập luận bác bỏ điều đó như sau:
“Tôi sống trong một gia đình truyền thống như thế, tôi làm việc trong ba đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang như thế, tôi được rèn luyện như thế thì ‘bọn nào kích động được’ và năm nay tôi đã 65 tuổi rồi.
Tôi có 16 năm nghiên cứu về tình hình Trung Quốc; từ năm 96, 97 đến nay tôi làm ‘kiểm thính buổi đài phát thanh tiếng Bắc Kinh của Đài tiếng nói Việt Nam’. Tôi từng có những ý kiến xác đáng… tôi đọc nhiều báo chính thống và những tư liệu khác, nên tôi nghĩ tôi không phải là người thiếu thông tin.”
Sẽ không có xin lỗi, cải chính
Thư yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội xin lỗi và cải chính. Photo courtesy of Nguyễn Xuân Diện's blog.
Ngay sau khi các cơ quan truyền thông chính thống của Nhà Nước như vừa nêu có những đánh giá cho rằng người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội trong những chủ nhật qua là ‘kẻ xấu’, là ‘phản động’, thì trên các trang mạng ‘lề trái’ đã xuất hiện những bài phản bác lại. Và chính một số nhân sĩ - trí thức có tiếng tại Việt Nam cũng có chất vấn đặt vấn đề.
Các vị như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… cùng một số người khác đã ký vào thư yêu cầu Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, HTV1, xin lỗi và cải chính vì đã phát nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến công dân.
Tuy nhiên một số người tỏ ra không mấy tin tưởng vào khả năng cơ quan truyền thông này của Hà Nội sẽ thực hiện yêu cầu đó dù sai phạm quá rõ ràng.
Người sinh viên Hà Nội nói về điều này:
Tôi chẳng hy vọng gì vì họ nói bao nhiêu điều trái mà vẫn cứ nói thôi.
Bà Nguyễn Nguyên Bình
“Khó với một cơ quan báo chí Nhà Nước; trừ khi có ảnh hưởng đến Nhà nước thôi. Chứ còn với những người dân mà họ qui theo điều 38 thì họ sẽ sử dụng mọi lý lẽ để không xin lỗi.”
Bà Nguyễn Nguyên Bình cũng có lý giải về khả năng việc xin lỗi khó có thể xảy ra:
“Tôi chẳng hy vọng gì vì họ nói bao nhiêu điều trái mà vẫn cứ nói thôi. Bao nhiêu người nói rất chân thành, gửi thư tận nơi, nói bao nhiêu thứ mà có ai nghe cho đâu. Ví dụ như Cụ Giáp, bây giờ được cho là người tiêu biểu của dân tộc và đề cao cụ nhiều điều; nhưng việc cụ khuyên dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên có ai nghe cho đâu. Bây giờ dự án bauxite rất lúng túng, nhiều khó khăn. Tất cả những điều cụ nói đều đúng mà có ai nghe đâu; giờ dân nói mấy cũng thế thôi.”
Chút lòng yêu nước từ sau… xin chừa’
Một công an đứng trên xe buýt đạp liên tục vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Screen capture.
Trang mạng bauxite Vietnam số ra ngày chủ nhật 28 tháng 8 có đăng thư của tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy từ Sài Gòn gửi cho các bác đã phát biểu trong chương trình truyền hình Hà Nội ngày 22 tháng 8 năm 2011. Theo tiến sĩ Nguyễn thị Từ Huy thì những người biểu tình yêu nước “thể hiện một cách ôn hòa trách nhiệm và nổi lo lắng của họ cho đất nước. Bất chấp mọi khó khăn, bất chấp bị bắt giữ, bất chấp bị đạp lên mặt, bị xách bốn chân tay như lợn, họ vẫn tiếp tục biểu tình. Đó là để bộc lộ tình yêu của họ đối với đất nước này, đối với những người đã mất vì giang sơn này, và đối với những người còn sống trên đất nước này, đối với chính các bác.”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng lẽ ra những người bị cho là kẻ xấu là phản động như lên án được đưa ra cũng phải có cơ hội phát biểu trong chương trình truyền hình đó; thế nhưng đã không hề có như ý kiến của bà Nguyễn Nguyên Bình sau đây:
Nhà nước cứ khăng khăng không nghe nhân dân, tôi không biết tương lai đất nước đi đến đâu nữa. Rất là buồn, rất băn khoăn.
Bà Nguyễn Nguyên Bình
“Chuyện đó làm bức xúc, băn khoăn mà không có diễn đàn nào để nói, mà thậm chí có thể không được nói nữa; như chuyện tôi nói với ông đây ông đưa lên Đài sắp tới sẽ có người đến thắc mắc với tôi cho xem.
Nhưng chẳng có gì hơn cả, không có động cơ gì khác ngoài việc lo cho đất nước, lo cho dân tộc. Nhà nước cứ khăng khăng không nghe nhân dân, tôi không biết tương lai đất nước đi đến đâu nữa. Rất là buồn, rất băn khoăn.”
Trước bao cản trở từ phía những người đang cầm quyền tại Hà Nội, tác giả Kim Anh, có bài được blog Quê Choa đăng tải với tựa lẩy Kiều ‘Chút lòng yêu nước từ sau… xin chừa’. Dù rằng trong bài tác giả cho biết những lý do đi biểu tình hết sức nhân bản và đúng đắn; thế nhưng bởi bao lực cản, nay đành phải nhường quyền yêu nước được cho là đúng cách thay vì biểu tình cho người khác trong nỗi uất nghẹn.
Gia Minh, biên tập viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét