Thanh Quang

Vấn đề « xử lý kỷ luật luật sư »

Với sự trợ giúp của nước ngòai. Liên đòan Luật sư VN vừa tổ chức cuộc hội thảo quốc tế, chủ đề “Xử lý kỷ luật luật sư – Thực trạng và sự cần thiết ban hành Quy chế xử lý kỷ luật của Liên đòan LSVN”.

LS Trần Quốc Thuận lên đường đến phiên phúc thẩm xử TS Cù Huy Hà Vũ. blog Anhbasam Photo


LS Huỳnh Văn Đông, bị xóa tên vì bào chữa "phương hại an ninh quốc gia"

Tạo điều kiện tốt mới là ưu tiên

Theo báo Pháp Luật VN thì “hầu hết các đại biểu tham dự đều nhấn mạnh đến việc cấp thiết ban hành quy chế xử lý kỷ luật LS”. Không thấy các quan chức đề cập tới những khía cạnh bị nhiều nghi vấn khác của nền tư pháp VN, kể cả quyền bào chữa đúng nghĩa của luật sư. Như vậy, câu hỏi được nêu lên trước tiên là luật sư trong nước có sai trái gì trầm trọng đến nỗi phải “cấp thiết ban hành quy chế xử lý kỷ luật LS” ? Trả lời câu hỏi này của Thanh Quang, LS Trần Quốc Thuận, 1 trong 4 luật sư bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ vừa rồi, cho biết:

Bây giờ chỗ ngồi của LS là ở dưới thấp, trong khi ngồi ngang hàng với Viện Kiểm Sát là Thư ký Tòa Án

LS Trần Quốc Thuận

LS TRẦN QUỐC THUẬN: Trước khi có cuộc hội thảo này, thì vừa qua, khi họp tòan thể Hội đồng Luật sư Tòan quốc, tại một cuộc hội thảo hẹp, tôi có phát biểu rằng vấn đề quan trọng của luật sư VN là Liên đòan phải quan tâm, tạo điều kiện cho LS hoạt động ngày càng tốt bởi vì trong hoạt động của LS bây giờ cũng có một số trở ngại. Đặc biệt là LSVN đang thực hiện nghị quyết 49 của Bộ Chính Trị về cải cách tư pháp, trong đó, có nhấn mạnh là phải đề cao vai trò luật sư, nhất là đề cao vai trò LS tranh tụng trước tòa. Cũng có người đặt vấn đề là LS trước tòa phải được ngồi ngang hàng với Viện Kiểm Sát. Bây giờ chỗ ngồi của LS là ở dưới thấp, trong khi ngồi ngang hàng với Viện Kiểm Sát là Thư ký Tòa Án. Vấn đề được đặt ra trước nhất, tôi cho rằng cần phải tạo điều kiện để LS hoạt động tốt.

THANH QUANG: Thế còn Chủ đề “xử lý kỷ luật LS – Thực trạng và sự cần thiết ban hành Quy chế xử lý kỷ luật” như vừa nói thì sao ?

LS TRẦN QUỐC THUẬN: Chủ đề này thực ra cũng cần thiết, nhưng nếu làm chậm một chút thì tốt hơn. Tuy nhiên vấn đề kỷ luật LS mà cho là vấn đề bức thiết thì cũng có 1 vấn đề, đó là bây giờ tình trạng LS trong phạm vi cả nước, thì có những đòan LS rất lớn, như đòan LS TPHCM, đòan LS Hà Nội, đòan Bà Rịa-Vũng Tàu, đòan Hải Phòng v.v…, số LS bị kỷ luật không đáng kể. Nhưng vấn đề là chưa có mặt bằng chung để có nhận xét kỷ luật như nhau. Cho nên tôi cho rằng vấn đề đặt ra như vừa nói cũng là 1 vấn đề , để có được sự so sánh, nhìn thấy 1 mặt bằng chung.

Nguyên tắc căn bản: tam quyền phân lập

THANH QUANG: Như vậy, thưa LS, có lẽ vấn đề cũng cần phải đặt ra là những LS một khi bị kỷ luật có được tự bào chữa cho họ một cách đúng mức không ?

LS TRẦN QUỐC THUẬN : Vấn đề là khi cần xét kỷ luật LS thì phải cho có sự công bằng, làm sao để cho quy trình kỷ luật phải đảm bảo cho người LS đó trình bày ý kiến của mình một cách đầy đủ, để họ tự biện minh. Chứ không phải LS biện minh cho những thân chủ trong khi chính mình bị kỷ luật thì vai trò tự biện minh không thực hiện được tốt. Tôi cho đó cũng là vấn đề cần đặt ra.

THANH QUANG: LS vừa đề cập tới vấn đề là cần cấp thiết tạo điều kiện thuận lợi cho LS hoạt động đúng với chức năng của 1 người LS, thì cũng trong chiều hướng đó, công luận lâu nay thường phê phán môi trường tư pháp VN bị nhiều áp lực từ giới cầm quyền liên quan những bản án dành cho dân oan, những nhà dân chủ, bất đồng chính kiến…Mà hậu quả là những bị cáo đó thường bị “án bỏ túi”, bị xử oan sai. LS nhận thấy cuộc hội thảo vừa nói chỉ chú trọng tới quy chế xử lý kỷ luật LS mà không chú trọng tới tình trạng “án bỏ túi” là có hợp tình, hợp lý không ?

LS TRẦN QUỐC THUẬN: Ở VN, vấn đề tư pháp phải độc lập là chuyện người ta đặt đi đặt lại nhiều lần rồi. Và vai trò LS cũng phải được đề cao cũng từng được đặt ra rồi. Nhưng trên thực tế thì những vấn đề này được thực hiện chưa được tốt. Chúng tôi cần phải phấn đấu.
Nếu việc sửa đổi hiến pháp sắp tới đây mà giới hữu trách làm tốt được việc này thì rất hay. Còn vấn đề án có “bỏ túi” hay “không bỏ túi” thì đó là chuyện nhận xét chứ mình cũng không có bằng chứng gì để xác định án bỏ túi hay không bỏ túi. Mà thực sự cũng khó tìm ra bằng chứng đó.

hành pháp, lập pháp, tư pháp phải độc lập và rạch ròi. Lúc đó hoạt động tư pháp của VN mới tốt.

Ủy viên bộ chính trị, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An


LS Lê Quốc Quân, lúc vừa được tự do- Photo web Nuvuongcongly

THANH QUANG: LS có quan ngại là một khi quy chế xử lý kỷ luật LS của Liên đòan LSVN được hòan thiện và áp dụng chung cho cả nước thì nó  sẽ bị lợi dụng để kỷ luật dễ dàng hơn đối với những LS bào chữa cho các trường hợp dân chủ, nhân quyền ?

LS TRẦN QUỐC THUẬN: Cuộc hội thảo này có sự tham dự của chuyên gia nước ngòai và đề tài này cũng được sự tài trợ của nước ngòai, cụ thể là JPP, các nước châu Âu, Canada và Nhật, thì tôi nghĩ rằng các nước khi tài trợ một đề tài, chắc họ cũng có tính tóan. Cho nên vấn đề phải làm sao cho LS tự nguyện làm cho tốt thì đó cũng là vấn đề cần đặt ra. Người ta cũng không thích thú gì để LS trở thành đơn vị hành chánh. Nhưng nó là đơn vị tự quản. Giới LS cũng đặt vấn đề rất nhiều là phải làm sao để Liên đòan LSVN thực sự là 1 tổ chức tự quản.

THANH QUANG: Theo LS, nói chung, giới hữu trách VN cần phải cấp bách áp dụng những biện pháp nào để thực sự cải thiện môi trường tư pháp cho công minh, cho thực sự “đúng người đúng tội” ?

LS TRẦN QUỐC THUẬN: Nếu nhìn vào pháp luật ở VN thì nói chung cũng khá đầy đủ. Nhưng trong đó còn nhiều vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là làm sao vai trò tòa án phải thật sự độc lập, còn vai trò LS cũng phải thực sự độc lập và phải được luật pháp bảo vệ đầy đủ. Lúc đó, diễn biến tư pháp VN sẽ càng ngày càng tốt. Cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An, từng là Ủy viên Bộ Chính Trị, cũng từng nói là VN phải làm sao cho hệ thống từ hành pháp, lập pháp, tư pháp phải độc lập và rạch ròi. Lúc đó hoạt động tư pháp của VN mới tốt. Nhưng đó hãy còn là con đường dài.

THANH QUANG: Cảm ơn LS Trần Quốc Thuận.



Thanh Quang- RFA

2011-08-26

Không có nhận xét nào: