Kinh tế Việt Nam phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc
Một cửa hàng bán giày dép tại Hà Nội. Hàng hoá Trung Quốcđang tràn ngập thị trường Việt Nam. Reuters |
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng đều đặn hàng năm, 90% dự án công nghiệp nặng lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc: nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc một cách đáng ngại. RFI Việt Nam phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội.
Chuyên trang Diễn đàn Kinh tế VEF ngày 27/6 vừa qua đã đăng trên mạng Internet một bài báo tựa đề “Sự ưu ái kỳ lạ cho một nhà thầu Trung Quốc”. Trong bài này, tác giả Minh Tân đã đề cập
đến Dự án cung cấp thiết bị, vật tư kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật cho nhà máy thủy điện Dakđrinh ( Quảng Ngãi ). Đây là một gói thầu quốc tế, nhưng theo bài báo, “ ngay từ khâu đánh giá sơ bộ hồ sơ thầu đến khâu lựa chọn nhà thầu đều có nhiều khuất tất.” Cho nên, cuối cùng, nhà thầu Dongfang Electric Corporation (DEC ) của Trung Quốc thắng thầu, mặc dù công ty này không hề đạt bất cứ tiêu chuẩn nào theo các quy định của Luật đấu thầu và lẽ ra đã bị gạt ra ngay từ giai đoạn đánh giá sơ bộ.Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất mà hiện nay, tuyệt đại đa số các gói thầu EPC ( tạm gọi là thầu trọn gói, tức là thầu từ thiết kế, cung ứng thiết bị cho đến xây lắp ) đã lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 90% dự án công nghiệp nặng như các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ USD mỗi dự án.
Điều đáng nói là các nhà thầu Trung Quốc sau khi trúng thầu ở Việt Nam không chỉ đem theo các chuyên gia, mà còn đưa rất nhiều lao động phổ thông sang, mặc dù luật Việt Nam không cho phép sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài.
Theo tờ Thanh Niên, trong bài báo đăng trên mạng ngày 20/6, tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đi kèm một nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận là hàng trăm công nhân Trung Quốc đổ về. Cứ thế, xung quanh nhà máy những "phố Tàu" xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.
Tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh ( Ninh Bình ), số công nhân Trung Quốc cũng đông đến mức mà theo tờ Thanh Niên, đã hình thành một “Phố Trung Quốc”, với gần 1.500 lao động Trung Quốc làm việc cho Nhà máy đạm Ninh Bình mà không có giấy phép. Hậu quả của sự có mặt đông đảo công nhân Trung Quốc là người lao động Việt Nam thiếu công ăn việc làm và tình trạng này gây ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Đã không có biện pháp ngăn chận hoặc giảm bớt làn sóng ồ ạt lao động Trung Quốc, có nơi còn xây phố dành riêng cho người Hoa. Báo mạng Tuần Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua đã tiết lộ là một khu phố dành riêng cho người Hoa mang tên mang cái tên rất Tàu là Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương. Khu phố này do chính Công ty Becamex IJC của tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Trang web của công ty Becamex IJC quảng cáo dự án này là: “Sự kết hợp tài tình trong cách bố trí màu sắc và những biểu tượng truyền thống của người Hoa, tượng trưng cho sự thịnh vượng, vương giả và trường tồn với thời gian.”!
Một hiện tượng khác cũng đáng lo ngại không kém là việc các lái buôn Trung Quốc gần đây lại đẩy mạnh hơn nữa việc thu gom nông sản ở Việt Nam, thậm chí vào tận vườn của nông dân để mua. Điều này không hẳn là có lợi cho nông dân, mà trái lại, các lái buôn Trung Quốc có đầy mưu mẹo, để lúc thì đẩy giá lên thật cao, lúc thì ép giá xuống thật thấp.
Hiện tượng này gây thiệt hại lâu dài cho nông dân và cho ngành xuất khẩu nông sản nói chung của Việt Nam. Ngoài ra, nó còn gián tiếp làm giá lương thực, thực phẩm cũng như các mặt hàng thiết yếu trong nước tăng cao, khiến đời sống dân nghèo càng thêm khốn đốn. Điều đáng nói là hiện tượng nói trên đã kéo dài từ nhiều năm qua, chứ chẳng phải mới mẻ gì.
Trả lời tờ Nông Thôn Ngày Nay tháng 6 vừa qua, tiến sĩ Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế cao cấp giải thích: “ Từ trước đến nay sự phối hợp giữa các bộ, ngành của ta không tốt, dẫn đến không quản lý, không thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng xuất sang TQ. Lợi ích quốc gia của chúng ta đã chưa được đặt lên hàng đầu, mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích của một nhóm nào đó. Do vậy, nhiều nông sản của ta xuất sang TQ rơi vào tình trạng không thể quản lý nổi. Cuối cùng thiệt hại vẫn là chúng ta.”
Những yếu tố nói trên đã khiến kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước hiểm họa này, Việt Nam cần phải thi hành những biện pháp gì? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét