Công an làm mọi cách ngăn cản biểu tình
Công an mặc thường phục xô đấy, bắt bớ người biểu tình hôm Chủ nhật, 21/8/2011. AFP photo |
Sau khi UBND TP Hà Nội tung ra bản thông báo ngăn cấm biểu tình, công an kết hợp với những tổ chức địa phương đến từng nhà người từng đi biểu tình để vận động họ không nên tham gia vào cuộc biểu tình lần thứ 11.
Ra văn bản cấm Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm nào trong việc chống biểu tình, tuy nhiên hệ thống theo dõi của nhà nước đối với từng nhân khẩu đã lên tới mức độ có
thể gọi là toàn hảo vì vậy không một cuộc biểu tình quy mô nào có thể xảy ra ngoại trừ những tập trung bất ngờ để đòi hỏi quyền lợi đất đai trong thời gian gần đây, sau khi nhà nước phát động phong trào đổi mới.
Cho tới khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra tại Hà Nội và Sài Gòn thì sự an tâm của nhà nước đã bị thách thức. Đối phó với các cuộc biều tình hồi gần đây, do chưa có kinh nghiệm, nên công an mỗi nơi làm một kiểu tuỳ theo bản tính của từng người. Kẻ thì lôi kéo người biểu tình như lôi súc vật trên đường phố, kẻ thì vật người biểu tình xuống đất rồi khuân đi, và đặt biệt hơn hết công an thản nhiên đạp vào mặt người biểu tình bị bắt và coi đó là hành động cảnh cáo người khác.
Tác giả “cú đạp lịch sử” đâu biết rằng cái đạp ấy đã nảy sinh nhiều vấn đề đến nỗi ông trung tướng công an phải ra họp báo là công an không đàn áp ai cả và người biểu tình xuất phát từ hành động yêu nước.
Từ câu nói này, người biểu tình vịn lấy, đứng lên tiếp tục làm công việc dài hơi và khó khăn nhất, đó là đi biểu tình!
Cảm thấy bị hố, UBND thành phố Hà Nội đã vội vã ra thông báo cấm biểu tình. Ra thông báo nhưng vẫn còn chưa yên tâm thế là danh sách những người thường đi biểu tình nhất được gửi xuống cho từng tổ dân phố và công an khu vực kết hợp với dân quân, với đoàn thể, hội đoàn để tới thẳng nhà riêng của người biểu tình với mục đích duy nhất: yêu cầu những người này thôi đừng đi biểu tình nữa!
Thuyết phục từng nhà
Một cuộc biểu tình chống TQ tại Hà Nội hôm 14/8/2011. AFP
Nhà báo tự do Dương Thị Xuân từng bị bắt nhiều lần sau 10 cuộc biểu tình kể lại:
"Hôm nay họ đến nhà tôi đông lắm. Sáng nay khoảng 11 giời rưỡi thì họ đến gần chục người, công an khu vực, tổ trưởng dân phố, dân phòng và theo như họ giới thệu thì có cán bộ uỷ ban, rồi an ninh của Quận họ đến. Lúc ấy tôi đang thổi cơm bởi vì đã 11 giời trưa, họ bảo họ vào kiểm tra hành chính, thì tôi bảo rằng nhà này tôi trông hộ người ta thôi chứ không làm gì phải kiểm tra. Thế các ông ấy bảo tôi là tôn trọng các ông ấy.
Về sau thì họ tìm chồng tôi về, họ bảo chồng tôi và thông báo về việc tôi hay đi biểu tình và họ nói UBND thành phố Hà nội vừa ra thông báo ngăn chặn biểu tình. Họ đề nghị gia đình làm bản cam kết coi như là vận động tôi không đi biểu tình. Tôi nghe loáng thoáng họ nói tôi mới bảo thế này: “Biểu tình là quyền của người dân, ý chí, nguyện vọng của người dân, không ai có thể ngăn cản được. Hiến pháp nước Việt Nam cũng quy định rõ là người dân được quyền biểu tình.
Như vậy UBND thành phố Hà Nội ra thông báo như thế là không đựơc”. Về sau họ bảo đọc cho tôi nghe cái biên bản cam kết mà họ viết thì tôi mới nói là tôi sẽ không nghe cái đoạn cam kết ấy. Các ông ấy bảo thế thì chị ký vào! Tôi mới nói vui rằng tôi từng này tuổi rồi mà phải ký cam kết với các ông là không đi biểu tình à? Tôi vẫn đi biểu tình!"
Tôi mới nói vui rằng tôi từng này tuổi rồi mà phải ký cam kết với các ông là không đi biểu tình à? Tôi vẫn đi biểu tình!
Nhà báo tự do Dương Thị Xuân
Không riêng gì bà Dương Thị Xuân, nhiều người khác cũng cùng chung tình trạng. Chị Phương Bích được một nhóm người chiếu cố đến tận nhà với hy vọng thuyết phục người nhà của chị nên ngăn cản khi chị có ý định biểu tình.
Tuy nhiên những người đi thuyết phục chị Phương Bích đã bị cha của chị thuyết phục lại. Chị Phương Bích mặc dù có người anh ruột mang cấp bậc đại tá trong ngành công an nhưng tư tưởng của chị không đặt vào đó mà đặt vào sự nguy biến của đất nước. Chị thẳng thắng cho biết là dù anh chị có lên tiếng cũng vô ích vì chị đã quyết.
Đòn tâm lý
Anh Nguyễn Chí Đức, nạn nhân của “Cú đạp lịch sử” cho biết cảm tưởng của mình khi bị người nhà nước đến tận nhà làm áp lực với mẹ anh, anh nói:
"Nói thẳng, mình không sợ bạo lực, công quyền, tại vì việc mình làm đây là rất chính nghĩa, mà nó là truyền thống của dân tộc ta. Đối với cường quyền bạo lực, với công an mình không sợ đâu, nhưng mình sợ nhất là gia đình. Hôm nay mẹ mình cũng vừa xem phóng sự trên VTV1 thì mẹ mình đã gọi điện cho mình rồi, thì mình nghĩ rất nhiều người nòng cốt mà mình biết sẽ bị tác động của gia đình.
Những chiếc xe bus chờ sẵn để bắt người biểu tình ở HN hôm 21/8/2011. Photo: Kami's blog
Đấy là sợ hơn tác động của cường quyền, tại vì những người như bọn mình đã bị bắt rồi, bị đánh rồi, mình còn chả sợ cơ mà, nhưng sợ nhất là nhân tâm. Đấy là đòn hiểm! Có thể nó làm cho họ sẽ kéo mình lại. Đấy mới là đòn cực độc, sẽ làm chùn chân nhiều người, chứ không phải cái công văn của UBND thành phố hay là của công an hay là bất kỳ thế lực nào nói xấu đoàn biểu tình."
Một người trẻ nữa rất nổi tiếng sau cuộc biểu tình thứ 8, cô là Trịnh Kim Tiến con của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, người bị công an Hà Nội đánh chết trong thời gian mới đây. Kim Tiến được cư dân mạng đặt cho mỹ danh là “Hoa hậu biểu tình” vì mỗi lần cô xuất hiện chừng như hàng ngàn ánh mắt theo dõi bước đi của cô. Cô điển hình cho người dân bị áp bức, chà đạp nay đứng lên đòi hỏi công lý cho mình và gia đình sau cái chết của của người cha. Khi được hỏi cảm tưởng của cô về văn bản cấm biểu tình Kim Tiến cho biết:
"Thật ra khi đọc cái văn bản ấy thì em thấy nó hoàn toàn không hợp lệ. Văn bản đó không có số bao nhiêu và cũng không có người ký nhận trách nhiệm thì không đúng thủ tục hành chính thông thường. Văn bản pháp lý ra mà không có người ký thì không có giá trị về mặt pháp lý.
Em có thể sẽ đi và có thể không đi vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác nhưng không bao giờ vì nỗi sợ hãi. Việc em làm hết sức chính đáng, nếu giả sử em không cùng đi dược với mọi người để bày tỏ lòng yêu nước thì trái tim em vẫn luôn ở cạnh người xuống đường.":
Mặc dù Kim Tiến đã hứa với phường, với gia đình là không đi biểu tình tuần này tuy nhiên cô bức xúc kể lại việc xảy ra sáng Chúa Nhật 21 tháng 8:
"Vì hôm qua em đã hứa với gia đình là hôm nay em không đi biểu tình do nể phường. Ngày hôm nay em đã không đi cho đến lúc 11 giờ em và anh Lã Việt Dũng đang đi dạo trên đường Mễ Trì đi rất chậm có mang mũ bảo hiểm. Em bị cảnh sát giao thông giữ xe lại và sau đó bắt bọn em về đồn với lý do xe không có giấy tờ."
Không phải công an chỉ tới nhà nhũng người dân bình thường mà họ còn tới cả những nơi không nên tới là nhà của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Vị tướng về hưu này không ngang hàng với công an để phải trả lời những câu hỏi, những lời khuyên trái tai, kể cả hành động đe dọa ngầm cũng không thể làm con sư tử già này run sợ.
Đấy mới là đòn cực độc, sẽ làm chùn chân nhiều người, chứ không phải cái công văn của UBND thành phố hay là của công an hay là bất kỳ thế lực nào nói xấu đoàn biểu tình.
Anh Nguyễn Chí Đức
TS Nguyễn Xuân Diện, GS Ngô Đức Thọ và nhiều trí thức khác cũng được chiếu cố và cũng như những người khác họ chỉ cười và sáng Chúa Nhật lại tiếp tục biểu tình!
Người biểu tình bị công an tới nhà tỏ ra e ngại cho gia đình họ hơn là cho bản thân họ. Theo nhiều nhà làm luật cho biết nếu luật pháp thực sự có mặt tại Việt Nam thì hành động vi hiến này phải đựơc xem xét vì nó đi ngược lại với điều 69 trong hiến pháp năm 1992, cho phép người dân được quyền biểu tình. Công an tới từng nhà xé bỏ điều luật này, và áp lực mọi cách với người đi biểu tình kể cả người thân của họ. Hai hành động này rõ ràng là vi phạm pháp luật và có thể khởi tố họ vì thứ nhất là xé hiến pháp, thứ hai là dùng chức vụ và quyền hạn của mình để gây áp lực với dân chúng.
Mặc Lâm, BTV RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét