Bình Sơn – Lý Sơn với Hoàng Sa – Trường Sa: Đầu bò thụt lưỡi
Dâng tặng bà con ngư dân Bình Sơn – Lý Sơn
Cù lao Ré thuộc huyện Bình Sơn, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam từ thời Hậu Lê. Nay là huyện đảo Lý sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tên Ré đã khiến ta liên tưởng ngay tới H’rê, một tộc người bản địa góp công chính yếu xếp đá xây dựng Trường Lũy Quảng Ngãi hơn 200 km. Cách xếp đá tại Cổ Lũy ngay cửa Thu Xà của sông Trà Khúc cũng cùng phong cách xếp đá cổ trên đảo Lý Sơn. Hơn nữa, những hiện vật khảo cổ tại xóm Ốc, suối Chình cũng đồng đại với hiện vật Sa Huỳnh và mang đậm dấu ấn biển, giao thương với Mã lai – Đa đảo (Malayo-Polynesian).
Chắc chắn rằng từ trước khi biển tiến, Cù lao Ré là một đỉnh cao do phun trào hỏa sơn trên phần sát biển cũ của dải đất này, nên về sau dù bị biển cách ngăn, Lý Sơn vẫn gắn liền nhịp sống với cảng Sa Kỳ (Bình Châu), cảng Vũng Quýt (Dung Quất – Bình sơn), cảng Kỳ Hà (Tam Kỳ) và cả Sa huỳnh (Đức Phổ).
Những tư liệu cổ địa chất cho ta biết trong cuộc tạo sơn vĩ đại lần sau, có thể do sự va chạm của các mảnh lục địa trôi giạt mà ngày nay được làm sáng tỏ hơn bởi lý thuyết kiến tạo mảng, đã hình thành khối nâng kỳ dị là Cao nguyên Trung phần – Tây Nguyên với sơn khối Ngọk Linh bao gồm bốn tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum, với đỉnh cao Ngọk Linh, Kon Tum (2.598 mét). Đối diện với sơn khối này, là một vực sâu thoai thoải dần từ bờ biển Quảng Ngãi đến đáy lòng chảo hơn 5.400 mét sâu của biển tâyPhilippines.
Những dãy núi đá cổ chìm sâu trong lòng biển phát triển theo chiều hướng Tây Nam lên Đông Bắc kéo dài từ ngoài khơi đảo Lý Sơn thẳng tới quần đảo Hoàng Sa (Paracel) cho thấy sự liên tục địa hình, khác với thực địa của đảo Hải Nam và xa hơn, lân cận Hồng Kông, Ma Cao chỉ cần ra xa khơi không quá 200 hải lý, từ mực 200 mét là dốc ngay xuống vực sâu 1.140 mét rồi 2.500 mét và sâu hơn nữa.
Trường hợp tương tự, dịch về phía Nam, biển Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có thềm lục địa khá bằng phẳng cho thấy rằng từ Bà Rịa – cù lao Thu (đảo Phú Quý) – quần đảo Trường sa (Spatley) nằm trên cùng một vĩ độ. Từ vùng biển ngoài khơi phía đông Côn Đảo là một dải liên tục thấp dần rồi thoải ra Trường Sa, cũng những dãy núi lửa cổ như đá ngầm và chóp cao phủ kín san hô phát triển theo cùng một hướng như đã mô tả.
Những tư liệu mới về một lục địa Sundaland rộng lớn trong suốt kỷ Băng hà (thuộc mảng kiến tạo Sunda hay Sonde, gồm cả vùng sông Dương Tử) đã bị chìm ngập khi băng tan biển tiến tạo nên những bến bờ như ngày nay, đã được mô tả tỉ mỉ bởi Emmel và Curray, 1982. Những nghiên cứu về bào tử phấn hoa trong đất dưới lòng biển thuộc vùng nước thấp cho thấy sự diễn thế của các loài thực vật từ Hymalaya theo ngã Trường sơn ViệtNamcũng đã lan xuống Bornéo. Những công bố di truyền học mới nhất cho thấy loài người đã từng sinh tụ đông đúc trên lục địa này khoảng 50.000 năm trước, phủ nhận giả thuyết về những dòng người di cư từ Formosa (Đài Loan) lan xuống khoảng 10.000 năm trước đây, mà một số khoa học gia như P. Bellwood theo đuổi. (S. Oppenheimer, 2008). Hơn nữa, ngôn ngữ của vùng Mã lai – Đa đảo có những điểm tương đồng với thổ dân lục địa cổ Sahul, nay là châu Úc.
Điều đó minh chứng rằng không có sự phụ thuộc nào của các quần đảo ngoài khơi Biển Đông Việt Nam với Hoa lục, kể từ cổ đại đến nay cả về cấu tạo địa lý tự nhiên cho đến chủng tộc, ngôn ngữ. Trong khi đó, nhiều cứ liệu hiển nhiên chứng minh ít nhất một trong những tộc người hải đảo đó nay vẫn còn sinh tụ ở đông Trường sơn ViệtNam. Họ đã hòa huyết vào cư dân Lý Sơn từ xa xưa.
Trong tiềm thức dân chài Bình Sơn – Lý Sơn ngày nay không thể xóa đi được văn hóa biển cổ xưa, họ dùng vật dụng bằng vỏ sò ốc, ăn những loài tảo biển được chế biến thành nhiều món ngon, ăn tôm cá mực tươi luộc bằng chính nước biển,… Ngay cả cây trồng cũng có hương vị riêng nhờ bón phân tảo biển, phủ đất trồng tỏi bằng vụn san hô,… Đặc biệt là mộ táng xưa của họ mang hình chóp đảo, khác hẳn cách đắp nấm mộ của cư dân ven bờ.
Những chuyến đi khơi xa ra Hoàng sa – Trường sa họ tâm niệm: …đi khơi là viếng về bờ là thăm… Có biết bao Thuyền trưởng kiếm sống ở Trường Sa, nhưng họ cũng không thể giải thích vì sao lại phải ngoặc tay lái lên Hoàng Sa. Ở đó, không chỉ từ khi có Hải đội Hoàng Sa oai hùng ra đi không về, nay còn giữ lệ tế hàng năm Khao lề thế Lính, mà trước rất xa có lẽ từ chưa có sử đã là vùng đất, vùng biển tâm linh có hồn thiêng sông núi, cha ông của họ.
Trong cổ sử, trích đoạn này trên báo Đất Việt số gần đây cũng cho thấy:
“…Tư liệu từ triều nhà Hồ trở về trước đã bị mất mát, phá hoại rất nhiều vào thời giặc Minh xâm lược nước ta nhưng việc Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn quốc gọi chung là Hồng Đức bản đồ vào năm Canh Tuất (1490), trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa, điều này cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh, đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo.
Căn cứ vào Hồng Đức bản đồ, nho sinh Đỗ Bá (tự Công Đạo) đã soạn ra bộ sách Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư (1630 – 1653), ở quyển 1 có thể hiện địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú thích trên bản đồ có nói tới Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển” và có một bản đồ vẽ nhóm đảo thuộc Quảng Ngãi, phủ Thăng Hoa với chú thích chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng”.
Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư theo lệnh của Chúa Trịnh những năm Chính Hòa (1689-1705) là văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến bấy giờ. “Bãi Cát Vàng” được ghi chú trong bản đồ phản ánh việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa – muộn nhất là vào thế kỷ thứ XV.
Cũng theo Thiên nam lộ đồ, bản đồ xứ Quảng Nam đời Lê, được vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier), có “Bãi cát vàng” – tức Hoàng Sa ngày nay…”.
Các vua thời nhà Nguyễn hiển nhiên đã dựa vào những tư liệu có trước và tình hình thực tế mà lập ra Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, giao cho Quảng Ngãi mà cụ thể là Bình Sơn – Lý Sơn thực hiện thường trực, lâu dài nhiệm vụ gìn giữ bờ cõi.
Ta thử hỏi tại sao lại chỉ là Quảng Ngãi thì câu trả lời quá rõ ràng, dân chài Bình sơn – Lý sơn thông thuộc thủy lộ hơn dân chài của các vùng biển khác nhờ vào vị trí địa-kinh tế, địa-văn hóa lâu đời. Đó chính là thềm lục địa có độ dốc ít, chỉ thoải dần ra biển sâu nên sóng gió nhẹ, dòng chảy của hai dòng hải lưu đối chiều Gulf Stream (dòng Vịnh) và Kuroshio (dòng Nhật bản) không xiết, đặc biệt là những dòng chảy rối do các dãy núi đá ngầm đã định hướng đường đi thẳng Tây Nam- Đông Bắc từ Lý Sơn tới Hoàng Sa. Tương tự, hải trình từ Côn Đảo hay Phú Quý ra Trường Sa cũng có những thuận lợi như vậy. Điều ấy cũng nói lên từ xa xưa, các triều đại của ViệtNamđã nắm chắc được độ sâu cạn của lòng biển và quy luật hải hành.
Trời đất đã trao cho đất nước ta hai cửa ngõ hành lang tuyệt vời để tiến ra biển xa gìn giữ những đảo thiêng, như giữ lấy cội nguồn vĩnh cửu. Quả đúng là: …Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,…
Nhớ lại năm trước, ngày 27 tháng 8, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đăng tin Trung quốc đã dùng tàu ngầm cắm lá cờ Trung quốc xuống đáy Biển Đông. Trích bài viết của Stephen Chen:
Tàu ngầm Trung Quốc cắm một lá cờ quốc gia sâu dưới đáy Biển Đông trong thời gian lặn thử nghiệm hồi tháng trước để củng cố tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc, người thiết kế con tàu cho biết hôm qua.
Bộ Khoa học Công nghệ và Cơ quan Quản lý đại dương Nhà nước Trung Quốc cùng tuyên bố hôm qua rằng, một tàu ngầm nghiên cứu khoa học Trung Quốc với thủy thủ đoàn gồm ba thành viên dân sự đã khám phá địa hình không rõ ở vị trí nào, ở độ sâu hơn 3.700 mét tại trung tâm Biển Đông. Trước khi nổi lên trên mặt nước, họ đã cắm một lá cờ Trung Quốc dưới đáy đại dương.
Thông báo chính thức đã không cho biết vị trí, nhưng Giáo sư Zhao Junhai, người thiết kế chính của chiếc tàu ngầm cho biết, nó nằm ở phía Đông Nam của đảo Hải Nam, giữa Trung Quốc và Philippines.
Ông Zhao, kỹ sư thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu bè Trung Quốc, người thiết kế thân tàu ngầm, cho biết: “Chúng tôi được truyền cảm hứng từ người Nga, đã cắm một lá cờ ở Bắc Cực bằng tàu ngầm MIR [sâu dưới đáy đại dương]. Nó có thể khiêu khích một số nước, nhưng chúng tôi sẽ không gặp trở ngại gì. Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] thuộc về Trung Quốc. Hãy xem người nào dám thách thức điều đó”.
Trung Quốc cho thấy ngày càng kiên quyết sử dụng ưu thế vượt trội trên vùng biển giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng, vùng biển mà một số nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.
Giáo sư Zhao đã lầm khi tuyên bố như thế, vì sự kiện nước Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Băng dương là dựa trên cơ sở thềm lục địa liên tục từ nước Nga theo dãy núi ngầm Lomonoxov. Mặc dù vậy, Đan Mạch đang lên tiếng khẳng định rằng dãy núi này thuộc lãnh thổGreenlandcủa họ. Cuộc đua này đã kéo cả Mỹ, Anh, Canada tham gia vì băng tan đã làm cho điều kiện tiếp cận Bắc Cực thuận tiện hơn trước, nơi mà dự đoán có một số lượng rất lớn những nguồn tài nguyên quan trọng.
Luật Biển hiện nay trao cho các quốc gia một vùng kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường biên giới trên bộ của họ. Vùng này có thể được mở rộng tới nơi mà một nước có thể chứng minh cấu trúc của thềm lục địa tương tự cấu trúc địa chất trong lãnh thổ của nước đó. Như vậy, chỉ có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Bruney, Philippines là có thể thỏa mãn được những điều kiện của Công ước về Luật Biển đối với quần đảo Trường Sa.
Tiếc thay cho Trung Quốc, từ lục địa xuống Biển Đông chỉ là vực thẳm mà cấu trúc thềm lục địa bị chấm dứt và đổi khác về chất quá rõ. Có dãy núi, dải đất nào nối Hoa Lục với Hoàng Sa – chứng cớ, tung tin giả dối và dùng vũ lực để… ăn cướp, trấn lột nhằm tạo ra cơ sở “hợp pháp”.
Học giới phù trợ cho “cái đầu bò mộng” đang gằm mặt giương sừng gọng kìm hung hăng húc xuống phương Nam, liệu có còn sở cứ gì giúp cho “cái lưỡi” ngoài biển Đông đang ngắc ngoải kia không? Hay lại chỉ có một “bài học” cũ muốn mang ra “dạy lại” ViệtNamđể chuốc lấy ô nhục muôn đời? Chắc chắn rằng họ chẳng thể chơi dại ngoài việc dụng kế tằm ăn dâu, làm suy kiệt nền kinh tế buộc lệ thuộc toàn diện và mua chuộc sự đồng thuận bằng kế sách đàm phán song phương.
Ngoài âm mưu dùng cảng Khe Gà, Bình Thuận để “sói gửi một chân vào nhà thỏ” qua việc đầu tư cho TKV khai thác bô-xít và chân thứ hai do “nhà đầu tư” Quảng Liên đặt lên hơn 500 ha có 23 ha cảng biển chuyên dụng ở xã Bình Đông thuộc huyện Bình Sơn, cạnh Dung Quất, Quảng Ngãi – nơi mà vừa mới đây rộ lên tin “thú lạ” xơi hết hàng chục bộ thủ cấp và nội tạng chó nhà trong một đêm, song đến nay vẫn không có kết luận.
Hai điểm quan yếu này nếu để cho đối phương đầu tư hay thuê mướn dài hạn sẽ chính là cột mốc tranh chấp chủ quyền Biển Đông ngay trước hiên nhà. Nên việc giữ được toàn vẹn chủ quyền trên bờ biển Nam – Ngãi sẽ giúp cho đời sau còn có cơ thu hồi lại Hoàng Sa khi nước nhà phát triển và đại bá suy tàn, ngược lại ta sẽ mất tất cả.
Nói như vậy, để nhắc nhớ một hiện trạng rằng xen kẽ vào dãi cát dài ven biển từ Chân Mây qua Ngũ Hành Sơn tới Tam Kỳ, từ rừng Phú Giáo ở Bình Dương đã cho thuê tới rừng sinh quyển Cần Giờ cũng đã chấp thuận đầu tư (chỉ 65 triệu USD); và còn cả những vị trí sinh tử khác ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu, Côn Đảo hay suốt dải cát qua các cảng Sa Huỳnh, Đà Di, Đà Nông,… cũng phải lưu tâm.
Sài gòn, ngày 15/7/2011
Đ.N.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét