Công nhân công ty Pou Yuen


65,000 công nhân đình công ở Sài Gòn
4 tháng đầu năm 2011 có 331 vụ đình công tại Việt Nam

Công nhân công ty Pou Yuen ra về, nghỉ việc tập thể
sau buổi ngưng việc vào sáng 24 tháng 6. (Hình: VTC
SÀI GÒN 24-6 (TH) - Một vụ đình công lớn xảy ra ở Sài Gòn kéo dài đã ba ngày qua tại công ty vốn đầu tư Ðài Loan 100%, sản xuất giày gia công cho nhiều hãng giày lớn và nổi tiếng ở ngoại quốc.

Theo các bản tin VTC và Bloomberg, công nhân tại nhiều phân xưởng khác nhau của công ty Pou Yuen (Bảo Nguyên) ở quận Bình Tân đình công tập thể để đòi tăng lương và các quyền lợi khác.

“Các nhân chứng là công nhân công ty Pou Yuen (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) kể lại với VTC News, sự việc bắt đầu bùng nổ từ cách đây 3 ngày, hàng ngàn công nhân của khu C tổ chức nghỉ việc tập thể, đình công để đề ra các kiến nghị tăng mức lương so với hiện tại. Cho dù, BGÐ công ty vừa quyết định tăng mức lương cho tất cả thêm 200,000 đồng so với hiện tại.” Bản tin VTC tường thuật như vậy và kể cho biết “Mức độ càng lên cao trào khi từ sáng kéo dài cho đến trưa ngày 24 tháng 6, hàng ngàn công nhân bắt đầu từ khu A, sau đó kéo qua khu B, C, D tổ chức đình công tập thể. Nhiều công nhân quá khích đã tràn vào công ty dùng gậy đập phá cửa kính, miệng la lớn yêu cầu những người đang làm việc phải ngưng lại ra về. Ðã có một vài người bị đánh gây thương tích.”

Hiện tổng số công nhân của Pou Yuen khoảng 65,000 người mà lúc thịnh đạt nhất cách đây mấy năm lên đến 80,000 người.

Không những đòi tăng lương, cuộc đình công còn là hậu quả của nhiều đòi hỏi khác như tiền thưởng không tương xứng với sức lao động, bữa ăn quá thiếu lại không bảo đảm an toàn vệ sinh, giờ nghỉ ngơi hay vệ sinh bị hạn chế quá đáng, ép tăng ca, v.v.

Trong 4 tháng đầu năm 2011, đã có 331 vụ đình công tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội. Tất cả các cuộc đình công này đều bị cáo buộc là bất hợp pháp vì không theo hiệu lệnh của công đoàn, tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, vốn không đứng ra bảo vệ quyền lợi của giới công nhân bị bóc lột.

Gần như mỗi ngày đều xảy ra một cuộc đình công ở Việt Nam nhưng báo chí ở trong nước hiếm khi đề cập. Lạm phát tăng cao chóng mặt, tiền lương quá thấp và cố định của người lao động không đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản, dù là mua thực phẩm.

“Mỗi ngày, ở một nơi nào đó tại Việt Nam đều xảy ra một vụ đình công”. Youngmo Yoon, một chuyên viên về lao động Việt Nam của tổ chức Công Ðoàn Quốc Tế ILO nói với hãng tin tài chính Bloomberg.

Theo ông, lương công nhân lao động tại Việt Nam ít nhất phải được tăng lên thêm 12% thì may ra tạm bắt kịp phần nào với lạm phát.

Ngày 23 tháng 6, đang tham dự đình công tại công ty Just Special material Co., Hà Nội, một nữ công nhân thiệt mạng và 6 công nhân khác đã bị thương khi chiếc xe tải do một người bảo vệ lái đâm thẳng vào họ khi họ cản trở xe này chạy vượt qua.

Không có nhận xét nào: