Phạm Thuận Thiên

Manh nha thị trường mua bán thận tại VN
Phạm Thuận Thiên
Một ca thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh minh họa.
Chúng tôi liên hệ với ông N., một người cần mua thận: “Cần mua thận bằng mọi giá từ một người đàn ông khỏe mạnh, nhóm máu O. Liên hệ 098...”. Sau khi chúng tôi đã trả lời trùng khớp với những gì ông cần, tôi hỏi lại rằng sẽ tiến hành ghép ở đâu nếu hai bên thỏa thuận xong giá cả. Ông N. cho rằng, nên ghép tại VN, có đến 5-6 bệnh viện có thể tiến hành cấy ghép thận. Chỉ cần hai bên đều xác nhận là thân nhân thì có thể ghép... hợp pháp. Rồi thì người bán thận nhận tiền, không hợp đồng, “thủ tục” nhanh gọn.
“Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nay tôi bán quả thận của mình. Mong những ai đọc được dòng chữ này, có nhu cầu ghép thận, xin liên lạc với tôi qua e-mail này... Tôi cũng muốn các bạn ghép thận ở Việt Nam. Giá quả thận của tôi bán là 70 triệu. Tôi tên X... số điện thoại 0168...”.

Đây chỉ là một trong những tin nhắn chúng tôi tìm được trên một trang web. Dạo một vòng tại những chợ trên mạng, từ mua... com, rao... vn đến cho... com, chúng tôi thống kê đến hơn 20 người rao bán thận.

Rao bán thận mình

Không khó để có được một cuộc hẹn với những người có nhu cầu bán thận, số điện thoại của họ thường có sau những lời rao. Sau khi dạo một vòng, tôi quyết định gọi cho người phụ nữ tên Tâm, chị rao bán thận mình để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng (theo như lời rao trên trang web muaban...). Một cuộc hẹn đối diện Bệnh viện (BV) Bình Dân, quận 3, TP HCM.

Y như lời rao, Tâm là một người khá khỏe mạnh, khoảng trên 30 tuổi. Sau vài câu chào hỏi, Tâm vào thẳng vấn đề rằng tôi sẽ trả giá bao nhiêu cho quả thận. Tôi nói cần phải coi tình trạng sức khỏe mới có thể định giá. Tâm ậm ừ rồi lấy từ trong chiếc giỏ đen ra một xấp giấy đã được chuẩn bị sẵn, một bộ hồ sơ sức khỏe được chuẩn bị kỹ càng.

Tâm chờ tôi xem xong toàn bộ giấy tờ mới ra giá quả thận của chị sẽ bán với giá 3.000 USD, nếu đồng ý thì ngay tháng sau có thể ghép, chỉ cần đưa trước cho Tâm 30 triệu đồng, số còn lại sau khi ghép xong có thể thanh toán. Tại Việt Nam (VN) hay Trung Quốc (TQ) là tùy người mua, nhưng nếu ghép tại TQ, tôi sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí cho chuyến đi. Còn nếu ghép ở VN, Tâm sẽ tự lo chi phí ăn ở.

Rồi Tâm kể rằng, cực chẳng đã Tâm mới phải rao bán quả thận của mình, chồng Tâm, hiện đang nằm tại BV Bình Dân, hai vợ chồng lặn lội từ miền Tây lên, tiền đã hết nhưng chồng Tâm vẫn chưa thể xuất viện. Đồ đạc trong nhà đã bán sạch. Tâm đã tìm đủ mọi cách để kiếm tiền nhưng không có cách nào hữu hiệu, họa chăng cũng chỉ đủ ăn, không có tiền thuốc thang cho người chồng bệnh tật.

Nghe nói đến những đường dây bán thận từ lâu, hôm rày, Tâm cũng thường xuất hiện ở BV Chợ Rẫy đến  khu vực chạy thận nhân tạo, gạ người này người kia để bán thận nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, lại sợ cơ quan chức năng xuất hiện nên đã nhờ người rao bán trên mạng, với hy vọng nhanh chóng bán được thận mình. Đã hơn 1 tuần kể từ khi rao bán thận, Tâm vẫn chỉ nhận được những lời dạm hỏi.

Nhóm máu của Tâm khá hiếm: B. Tôi cũng lấy lý do người cần ghép không cùng nhóm máu để từ chối mua thận của Tâm, chị cũng không lấy đó làm buồn, theo chị thì thế nào cũng bán được, người cần ghép thận nhiều mà.

Cuộc điện thoại thứ 2 tôi nhắm đến một sinh viên “cần tiền” để trả nợ. Cuộc gặp tại khu vực BV Trưng Vương gần Trường đại học (ĐH) Bách khoa. Chàng trai tên Linh, 23 tuổi, cao ráo nhưng có một khuôn mặt khắc khổ. Linh thao thao bất tuyệt với tôi về những khó khăn mà cậu gặp phải, gia đình đã cắt “viện trợ” ngay sau khi cậu không thể tốt nghiệp như dự định, Linh đã học đến năm thứ... 6 ĐH. Bây giờ Linh phải tự lo tiền ăn ở.

Linh làm một con tính, nếu có đi làm thêm, cố gắng, tháng kiếm được hơn triệu bạc, cũng không đủ trang trải tiền ăn, ở, lấy đâu ra tiền dành cho những “dịch vụ” khác. Mà nếu hăng say kiếm tiền, bỏ bê học hành, việc cậu từ quê vào TP HCM học hơn 6 năm thành ra công cốc. Suy đi tính lại, cậu quyết định làm “Tô Công Luân”, rao bán thận mình, kiếm tiền trang trải nợ nần và theo tiếp cái sự học.

Linh có vẻ không tự tin khi tôi kể về trường hợp của sinh viên Tô Công Luân. Sau khi suy tính, Linh đã quyết định suy nghĩ thêm về chuyện bán thận. Nhưng ngày hôm sau, Linh vẫn gọi cho tôi, vẫn chào bán quả thận mình với giá 100 triệu đồng. Tôi trả lời đây là cái giá quá cao so với thị trường. Linh bảo, cái gì cũng có giá của nó, thận của người trẻ “khỏe mạnh, chất lượng hơn”.

Trên mạng, giá rao bán thấp nhất là 1.000 USD, cao nhất 10.000 USD, tất cả đều tự xưng là thanh niên khỏe mạnh.

Người thứ 3 chúng tôi liên hệ là ông N., một người cần mua thận: “Cần mua thận bằng mọi giá từ một người đàn ông khỏe mạnh, nhóm máu O. Liên hệ 098...”. Chúng tôi đã liện lạc với ông và được biết, ông mua thận cho người thân, ông đã hỏi cặn kẽ chúng tôi về nhóm máu, sức khỏe và cả... hoàn cảnh gia đình. Sau khi chúng tôi đã trả lời trùng khớp với những gì ông cần, tôi hỏi lại rằng sẽ tiến hành ghép ở đâu nếu hai bên thỏa thuận xong giá cả.

Ông N. cho rằng, nên ghép tại VN, có đến 5-6 bệnh viện có thể tiến hành cấy ghép thận. Chỉ cần hai bên đều xác nhận là thân nhân thì có thể ghép... hợp pháp. Rồi thì người bán thận nhận tiền, không hợp đồng, “thủ tục” nhanh gọn.

Khi chúng tôi đưa thông tin lên trang web: “Cần một quả thận nhóm máu O, giá nào cũng mua...” lên mạng, lập tức một người có nickname “Xlo...” nhắn lại chào bán quả thận của mình với giá 2.000USD. Người này cho biết đang là sinh viên năm thứ hai một trường ĐH dân lập, bán thận vì thiếu tiền... học phí!? Một người khác có nickname “bietiu...” tự giới thiệu là công nhân, 37 tuổi, sống tại TP HCM, hiện thất nghiệp, chào bán một quả thận với giá... 10.000 USD.

Trong những ngày thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết, nắm được nhu cầu mua bán thận, quanh các BV  như BV Chợ Rẫy, Bình Dân, 115... đã xuất hiện một số “cò” thận thường lân la trong khu vực chạy thận nhân tạo. Không ít người rao bán thận trên mạng đã lọt vào “tầm ngắm” của những gã “cò” này.

Đừng để tái diễn những bi kịch “Tô Công Luân”

Bạn đọc còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận đã xôn xao khi chàng sinh viên Tô Công Luân đã tử vong trước ngày cưới không lâu vì bán thận mình. Theo người môi giới, Luân vì cần tiền cưới vợ đã đồng ý bán và sang TQ ghép thận. Tại TQ, vì những kiểm tra qua loa, người ta đã không hay biết Luân mắc chứng bệnh máu khó đông, một trong những chứng bệnh không thể cho thận. Bi kịch đã xảy ra. Luân được đưa về VN trong tình trạng suy kiệt, vài tuần sau thì qua đời. Cho đến khi xảy ra vụ việc Tô Công Luân, dư luận mới dấy lên ồn ã về một thị trường mua bán thận
Sinh viên Tô Công Luân sau khi bán thận.
Sau khi xảy ra vụ Tô Công Luân, một trong những chuyên gia hàng đầu VN về ghép tạng, đồng thời cũng là thành viên trong Ban soạn thảo Luật Hiến mô và ghép tạng, GS-BS Trần Đông A cho báo chí biết: Từ khi ra đời cho tới nay với sự tiến bộ của các kỹ thuật ghép, ghép tạng đã trở thành cái phao cứu sống hàng triệu người trước các bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng nhu cầu ghép tạng ngày càng cao, vì suy thận giai đoạn cuối chỉ có ghép mới cứu sống được và là phương pháp rẻ tiền nhất so với chạy thận nhân tạo. Chỉ tính riêng tại Việt Nam mỗi năm có thêm hàng ngàn người bị suy thận giai đoạn cuối cần phải ghép. Như vậy, cung không đủ cầu, tất nhiên là sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực.

Ngay tại Mỹ là nước thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên, mỗi năm thực hiện khoảng 20.000 ca ghép thận, với nhu cầu lớn như vậy nhưng nguồn cung cấp lại rất ít đã đưa tới vấn đề mua bán thận. Hiện nay, VN đã có Luật Hiến mô và ghép tạng. Trong đó tại Điều 11 có quy định rõ, cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, cấm quảng cáo, môi giới việc cho nhận, hiến bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Như vậy, luật pháp của Việt Nam đã có và quy định rất rõ những điều nghiêm cấm không được làm liên quan tới việc ghép tạng.

Vụ mua bán thận liên quan tới SV Tô Công Luân là đã vi phạm các quy định của Luật Hiến mô và ghép tạng. Song vấn đề ở đây là trừng trị như thế nào là do khả năng của cơ quan bảo vệ pháp luật. Còn để có thể kiểm soát được hành vi mua bán nội tạng trái phép dưới hình thức xin cho, hiến tặng thì đòi hỏi Cơ quan công an phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế để giám sát các trường hợp nghi ngờ.

Theo quy định của Ủy ban Ghép tạng quốc gia, hiện nay các bệnh viện chưa được phép lấy thận từ người sống tự nguyện hiến thận, mà chỉ được lấy thận của người cho có cùng huyết thống hoặc có quan hệ gần gũi với người nhận như cha mẹ, anh em, con cái, vợ chồng, họ hàng... Những trường hợp này đều phải được chính quyền địa phương xác nhận.

Theo TS-BS Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy: “Người cho thận phải là người không mắc các bệnh truyền nhiễm và chịu được cuộc phẫu thuật lớn để lấy thận, không mắc các bệnh về phổi, tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, những bệnh về rối loạn đông máu như xơ gan, đặc biệt là máu không đông. Riêng tại BV Chợ Rẫy, quy định về tình hình sức khỏe của người hiến và nhận thận rất rõ ràng: người cho thận phải là người cùng huyết thống hoặc phải lý giải được một cách minh bạch, rõ ràng là tự nguyện cho chứ không vì lý do mua - bán”.

Nhộn nhịp thị trường mua bán thận

TS-BS Trần Ngọc Sinh cho biết, hiện tượng mua bán thận là có thật. Với chức năng Trưởng khoa Tiết niệu của BV lớn nhất nước, BS Sinh đã nhận được rất nhiều lời xin sự... giúp đỡ, tiến hành cấy ghép thận, hầu hết là những trường hợp mua và bán.

Quan điểm của BS Sinh, y học là nhân đạo, ông không thể tiến hành cấy ghép trái với y đức. Cách đây không lâu, ông từng dừng mổ khi biết ca mổ là một vụ mua bán. Lần ấy, ông tiến hành mổ nội soi, khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, tất cả các thủ tục, giấy tờ đều hợp pháp, người nhận thận là một Việt kiều, người cho thận được xác nhận là anh em chú bác. Khi đường mổ đầu tiên chuẩn bị được tiến hành, BV Chợ Rẫy nhận được điện thoại từ một Trung tâm y tế của tỉnh Đồng Tháp.

Trung tâm này thông báo về một vụ mua bán thận, sự việc được ghi lại rằng: có một Việt kiều đã thỏa thuận với một cô gái mua thận, cô gái cần tiền để trang trải nợ nần. Hai bên đã đến chính quyền địa phương để nơi đây chứng nhận là “anh em họ” và họ chọn BV Chợ Rẫy làm nơi tiến hành cấy ghép. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, các y bác sĩ BV Chợ Rẫy sau khi tiến hành kiểm tra những giấy tờ liên quan thấy đều hợp pháp, có cả giấy chứng nhận của chính quyền địa phương. Vụ việc chỉ vỡ lở khi người mẹ của cô gái bán thận biết chuyện và bà đến gặp người mua... xin thêm tiền. Vị Việt kiều nọ không đồng ý, người mẹ nọ đã ra trung tâm y tế huyện để tố cáo vụ việc.

BS Sinh còn kể rằng: ông còn từ chối cả những trường hợp... hợp pháp: Cách đây không lâu, khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân suy thận là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Có một người con của ông đồng ý cho ông thận để ông có thể kéo dài sự sống. Người cho là một cô gái xinh đẹp, chưa lập gia đình, 26 tuổi. Sau khi tiến hành xét nghiệm người nghệ sĩ nọ, BS Sinh đã từ chối tiến hành cấy ghép. Ông Sinh nêu rõ quan điểm của mình, người nghệ sĩ tuổi đã cao (70 tuổi) với đủ thứ bệnh trong người: suy tim, đái tháo đường, suy thận, nếu có tiến hành cấy ghép thận, cũng không thể kéo dài sự sống cho ông, trong khi đó, con gái của ông, mới chỉ 26 tuổi, cô gái còn cả một chặng đường dài phía trước, với chỉ một trái thận, cuộc sống của cô gái tiềm ẩn nhiều bất trắc. Sau khi BV Chợ Rẫy từ chối, người nghệ sĩ nọ cùng con gái quyết định qua Mỹ để tiến hành cấy ghép. Nhưng nơi đây cũng từ chối vì lý do nhân đạo.

Thật khó để kiểm soát thị trường mua bán thận, bởi thị trường này hầu như không hoạt động theo quy luật nào. Theo TS- BS Sinh, y đức của người bác sĩ góp phần rất quan trọng trong chiến dịch xóa bỏ “thị trường” mua bán thận, kiên quyết không cấy ghép cho những trường hợp mua bán thận. Các cơ quan chức năng phải hạn chế tối đa những trường hợp “du lịch ghép tạng”, người bán và người mua qua nước ngoài để tiến hành cấy ghép. BS Sinh cũng cảnh báo về một hiện tượng lừa đảo người ra nước ngoài ghép thận đã xuất hiện thời gian gần đây.

Người rao bán thận mình không hề biết những "bất trắc" như BS Trần Ngọc Sinh cảnh báo, họ đều chỉ nghĩ đơn giản rằng, có mất đi một quả thận, họ vẫn có thể sống khỏe. Không mấy người biết, họ đang tự hủy hoại chính bản thân mình. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế VN đã chống việc mua bán tạng phủ và coi đó là hành vi vô nhân đạo. Xét cho cùng, người dùng tiền đi mua tạng phủ của người khác - hành vi của họ về mặt đạo đức - cũng là hành vi vô nhân đạo

Phạm Thuận Thiên

Không có nhận xét nào: