ÐD

Không có biểu tình lần thứ 12 ở Hà Nội
Lãnh đạo thành phố gặp người biểu tình

Giáo Sư Chu Hảo (trái) và Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện trước khi vào gặp lãnh đạo thành phố Hà Nội hôm 27 Tháng Tám. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

HÀ NỘI (TH) - Cho tới 10 giờ sáng Chủ Nhật, giờ Việt Nam, tức là 8 giờ tối Thứ Bảy, giờ California, các trang blog của những người tham gia 11 cuộc biểu tình trước đây hoàn toàn không đề cập đến một cuộc biểu tình nào tại Hà Nội chống Trung Quốc bá quyền, như trước đây.

Trước đó một hôm, theo hai trang blog Nguyễn Xuân Diện và Anh Ba Sàm, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một số đại diện của nhóm biểu tình.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, một người có mặt tại buổi gặp gỡ, bắt đầu từ hơn 9 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ 45 phút sáng Thứ Bảy.

“Phía chính quyền thành phố Hà Nội, thành phần cho thấy thái độ rất trọng thị, gồm có Bí Thư Thành Ủy Phạm Quang Nghị, Chủ Tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ Tịch Vũ Hồng Khanh, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hồ Quang Lợi, Giám Ðốc Công An Nguyễn Ðức Nhanh, Chủ Tịch UBMTTQVN TP Ðào Văn Bình, Chánh Văn Phòng UBND Nguyễn Thịnh Thành,” Tiến Sĩ Diện viết tiếp.

Sau khi thành phố Hà Nội ra thông báo hôm 19 Tháng Tám, không có số và không có chữ ký, cấm biểu tình hồi đầu tháng, một số trí thức tham gia biểu tình đã gởi đến thành phố một bản kiến nghị đòi hỏi giải thích một số điều cũng như phản đối văn bản này.

Hai ngày sau, 21 Tháng Tám, cuộc biểu tình lần thứ 11 vẫn được tổ chức tại Hà Nội. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ, 47 người bị an ninh bắt. Sau đó, 39 người được thả. Ngày hôm sau, năm người nữa được thả. Riêng ba người cuối cùng được thả hôm 25 Tháng Tám.

Trong cuộc gặp hôm Thứ Bảy, theo Tiến Sĩ Diện viết trên blog của ông, “phía những người gửi kiến nghị gồm có Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo Sư Chu Hảo, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A và Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện.”

Ông kể: “Trước tiên là ông Nguyễn Thế Thảo phát biểu về lý do cuộc gặp, và mời các vị khách phát biểu. Các vị Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Chu Hảo lần lượt phát biểu ý kiến. Các vị Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Ðức Nhanh phát biểu. Và cuối cùng là ông Phạm Quang Nghị. Những người phát biểu đều nêu ý kiến của mình, có cả những ý kiến trái ngược nhau.”

Về buổi gặp gỡ, trang web BBC tiếng Việt trích lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, cựu viện trưởng Viện IDS, nói: “Hết sức xây dựng và thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc đối thoại hữu ích và nếu có những cuộc đối thoại như thế sớm hơn thì hay biết mấy. Và những cuộc đối thoại như thế được tiếp tục, thì cũng sẽ rất là tốt để cho mọi người hiểu nhau hơn.”

Về bản kiến nghị, các nhân sĩ “yêu cầu làm rõ ai, bộ phận nào trong UBND TP Hà Nội quyết định ra thông báo nêu trên,” Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cho BBC tiếng Việt biết. “Có một điểm UBND TP Hà Nội đã trả lời một cách rất rõ ràng là thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình là của UBND Hà Nội và ủy ban chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông báo đó.”

Tuy nhiên, theo Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, những người tham gia và ủng hộ biểu tình vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ như:

1. Liên hệ với Bộ Tư Pháp để làm rõ về tính pháp lý của bản thông báo của UBND Hà Nội;

2. Làm rõ về quyền biểu tình của công dân được quy định tại Ðiều 69, Hiến Pháp năm 1992; và có hay không mối liên hệ giữa quyền biểu tình với Nghị Ðịnh 38 của chính phủ;

3. Tiếp tục đề nghị các cơ quan liên quan trả lời về việc bắt giữ, khám xét và làm phiền một số công dân;

4. Tiếp tục đề nghị làm rõ và cải chính xin lỗi công dân tham gia biểu tình về các nội dung quy chụp ác ý đối với người biểu tình đã đăng tải, phát sóng trên báo An Ninh Thủ Ðô, Hà Nội Mới và Ðài Phát Thanh Truyền Hình Hà Nội.

Ông Diện cho biết trong cuộc gặp gỡ, các nhân sĩ có chuyển tận tay ông Hồ Quang Lợi lá thư yêu cầu Ðài Phát Thanh Truyền Hình Hà Nội xin lỗi những người biểu tình.

Ông cũng cho biết một số vị khác có giấy mời, nhưng không có mặt vì các lý do cá nhân, ví dụ như Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, một trong 25 người ký tên vào kiến nghị.

Hiện không rõ liệu có biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc trong những ngày tới hay không.
Biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu ngày 5 Tháng Sáu vào mỗi Chủ Nhật tại Hà Nội và Sài Gòn. Thế nhưng, sau hai tuần, không thấy biểu tình ở Sài Gòn nữa.

Tại Hà Nội, biểu tình vẫn tiếp tục mỗi tuần, tuy có ngưng một tuần, cho tới tuần trước.

Không có nhận xét nào: