Nguyển đạt Thịnh

Phối hợp nỗ lực hải ngoại + quốc nội chống đại nạn xâm lăng

Không chỉ còn là một hiểm họa nữa, đại nạn Trung Cộng xâm lăng Việt Nam đang xừng xững hình thành ngoài khơi Biển Đông.Khởi đầu là những hình thức giả mù sa mưa: Trung Cộng ra luật ngư nghiệp trên biển Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam phải tuân hành; "phạt vi cảnh" những ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản vào thời điểm 3 tháng mỗi năm chúng cấm đánh bắt, hoặc hành nghề tại những hải phận chúng "xí" là hải phận Tầu (như hải phận quanh đảo Hoàng Sa).
  Những hình thức khởi đầu này là để đặt vấn đề "Biển Đông: phần nào của giải nước mênh mông
nằm về hướng Đông Việt Nam là của Việt Nam; và phần nào là biển Nam Hải (của Tầu). Trung Cộng không cần ai công nhận cái hải phận lưỡi bò ngang ngược của chúng, chúng tự chia phần lợi cho chúng.

Trong giai đoạn thứ nhì, giai đoạn hiện tại, chúng dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn những đòi hỏi lãnh hải vô căn bản của chúng; tính cách không căn bản của những đòi hỏi này bị lột trần qua cuộc hội luận vừa rồi tại Hoa Thịnh Đốn, trong đó những nhà trí thức thế giới vạch rõ cuộc phiêu lưu mang tính đế quốc thôn tính của Trung Cộng.

Trừ những người Việt Cộng đang cầm quyền tại Việt Nam, toàn dân Việt Nam đang nhìn rõ dã tâm của Trung Cộng; họ liên tiếp xuống đường, biểu tình chống Trung Cộng trong suốt 6 lần cuối tuần vừa rồi. Trong lần này -ngày Chúa Nhật mùng 9 tháng Bẩy- luật sư Lê Thị Công Nhân cho chúng tôi biết, chồng cô, anh kỹ sư Huyền (hay Quyền) đã bị bắt.

Một người biểu tình -cô Dương Thị Xuân- nói, "chúng tôi mang biểu ngữ 'Hoàng Sa + Trường Sa của Việt Nam'; biểu ngữ bị công an giật lấy rồi ném xuống đất; tôi hỏi họ 'nếu biểu ngữ viết 'Hoàng Sa + Trường Sa của Tầu' thì anh có ném xuống đất không?"

Mười nhà trí thức gửi thư đòi hỏi Việt Cộng minh bạch hóa những gì thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vừa sang Bắc Kinh để đồng thuận với Trung Cộng 2 tuần trước, và những gì Phạm Văn Đồng đã đồng thuận trong bức công hàm gửi sang Trung Cộng năm 1958.

Trong lúc khí thế chống xâm lăng bừng bừng trong quốc nội, thì sinh hoạt chính trị ngoài hải ngoại cũng không kém sôi động. Hải ngoại và quốc nội đang nỗ lực phối hợp tiềm năng Việt Nam chống xâm lăng.

Hai sinh hoạt có liên quan với nhau đã xẩy ra hôm Chúa Nhật mùng 3 tháng Bẩy: sinh hoạt thứ nhất, tại Hà Nội người Việt Nam xuống đường biểu tình lần thứ 5 chống Trung Cộng xâm lược, và, sinh hoạt thứ nhì, tại hải ngoại 4 nhà trí thức Việt Nam lên màn ảnh truyền hình thảo luận tìm cách liên kết để người Việt quốc nội và hải ngoại cùng đứng lên cứu nước.

Trên màn ảnh truyền hình khán giả thấy một nhà văn nữ, vừa bị Việt Cộng trục xuất sang Mỹ, một giáo sư, một anh trưởng hướng đạo, và một ký giả, ông này không hiện diện, nhưng vẫn tham dự hội thoại qua phim ảnh và điện thoại. Quan tâm của những người dự hội thoại là tìm một ngày, một thời điểm, để kết nối đấu tranh; một người đề nghị lấy ngày 14 tháng Chín làm "phong trào 14 tháng Chín", kỷ niệm ngày 14/9/1958 thủ tướng Việt Cộng ký công hàm dâng biển, gửi sang Tầu. Nguyên văn công hàm như sau:

"Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí tổng lý rõ:
" Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng.
Ký tên Phạm Văn Đồng,
Thủ tướng Chính phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa."

Dĩ nhiên người đưa ra đề nghị chọn ngày 14/9/1958 đầy thiện chí tạo kết hợp giữa những người Việt đang sống dưới chế độ Việt Cộng, và những người Việt đang sống tự do, ngoài mọi kềm kẹp của chế độ đó - cả hai đối tượng này cùng thù ghét việc ông Đồng dâng Biển Đông cho Tầu.

Nhưng công hàm Phạm Văn Đồng, nếu hại cho người Việt Nam, thì đương nhiên phải lợi cho Tầu. Vì có lợi nên ngày 28/6/2011, Tầu cho Tân Hoa Xã đưa lên mạng bản tin Anh ngữ, theo đó Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến công cán tại Trung Cộng của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn - được hiểu là Trung Cộng triệu gọi ông sang Tầu để bắt Việt Nam thực hiện điều họ gọi là sự đồng thuận.

Trong bàn tin, Tân Hoa Xã nhắc lại công hàm Phạm Văn Đồng gởi cho thủ tướng Trung Cộng lúc đó là ông Chu Ân Lai.

Như vậy, Trung Cộng đồng ý với người Việt hải ngoại là nên khai thác công hàm dâng biển của Phạm Văn Đồng? Dĩ nhiên chúng ta muốn khai thác góc cạnh bán nước trong việc làm của một thủ tướng Việt Cộng, không như Trung Cộng lợi dụng nội dung công hàm theo chiều hướng có lợi cho họ.

Người trong nước nghĩ thế nào về công hàm này? Nhà sử học Dương Trung Quốc - cũng là đại biểu Quốc hội Khóa 12 - từ Hà Nội nhận định: 

"Trung Quốc nhắc lại thỏa thuận của ông Phạm Văn Đồng cách đây 50 năm, tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình khai thác và lợi dụng chi tiết này.

Hơn nữa về mặt pháp lý quốc tế thì cách đây hơn 50 năm, theo tinh thần hiệp định Geneve, ở phía Nam vĩ tuyến 17 là thuộc chủ quyền của chính phủ VNCH, cho dù lúc đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đang xung đột đi chăng nữa,yếu tố không gian liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa nằm trong không gian thuộc chủ quyền VNCH. Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa về nguyên tắc mà nói chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon."

Tôi không có tí thiện cảm nào với ông "đảng biểu" Dương Trung Quốc, nhưng ông Trung Quốc vẫn cho chúng ta thấy là ngày 14 tháng Chín, không phải là ngày giúp kết hợp quốc nội, hải ngoại. Hơn nữa, chúng ta vẫn có thể chặt chẽ kết hợp với quốc nội mà không cần đến một ngày thời điểm, mà chỉ cần yểm trợ việc quốc nội đang làm.

Người quốc nội đang làm gì? Xin nghe lời của một người tham dự biểu tình ngày mùng 3 tháng Bẩy mô tả:

"Bây giờ được khoảng trên 50 người, công an chính quyền đang bảo mọi người giải tán. Họ bảo đó không phải là nơi tụ tập. Mọi người tập trung từ lúc bảy giờ. Hôm nay chính quyền đông hơn nên người ta đứng tản mát; riêng chỗ đó thôi là 50 người.

Tuần này cà phê Cột Cờ cũng đóng cửa, nhưng bán qua hàng rào, một ly 40 ngàn; ở ngoài cao lắm là 15 ngàn.

Tuy nhiên mọi người rất nhiệt huyết, có thể cuộc biểu tình đông vì mọi người chung một lòng yêu nước, mọi người không sợ đâu."

Trong đoàn biểu tình tại Hà Nội trong ngày 3 tháng 7, có một số trí thức tham gia như tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu thuộc Viện Văn Học, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, các giáo sư Ngô Đức Thọ, Hoàng Xuân Phú, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên…; trong xã hội cộng sản hay trong bất cứ một xã hội nào khác, sự có mặt của ngần đó nhà trí thức trong một cuộc xuống đường, cũng vẫn là dấu hiệu phẫn nộ cao độ của quần chúng.

Một diễn biến khác cho thấy độ nóng chính trị cực kỳ lên cao tại Việt Nam: nhiều nhà trí thức Việt Nam như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các vị GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, những TS Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, LS Trần Vũ Hải cùng nhiều nhà tâm huyết khác đã gởi Kiến Nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao VN cung cấp thông tin liên quan thực chất của mối quan hệ giữa VN với TQ, nhất là nội dung thoả thuận Việt-Trung "không thấy đăng trên báo chí của VN", kể cả cuộc gặp gỡ mới đây nhất giữa Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn và các quan chức tương nhiệm Bắc Kinh.

Kiến nghị Bộ Ngoại giao VN như sau:

1) Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa ra, đó là "Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước" ( theo ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc). Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.

2) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958?

3) Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.

Tôi muốn trình bầy là diễn tiến đấu tranh trong nước đang đi trước cuộc vận động của người Việt hải ngoại -mưu tìm một thuận lợi để kết hợp nỗ lực bên trong và bên ngoài ranh giới Việt Nam, để cùng chống xâm lăng.

Tôi cũng đề nghị cuộc hội thảo cuối tuần này của phong trào ĐÁP LỜI SÔNG NÚI đề cập thẳng đến hoạt động kết hợp cụ thể: khuếch đại tiếng nói quốc nội thành tiếng nói chung của người Việt Nam trên khắp thế giới.

Tôi tin tưởng rằng cộng thêm 10 cuộc biểu tình ở hải ngoại vào 7 cuộc biểu tình hàng tuần tại Hà Nội, hoài bão bảo vệ lãnh hải Việt Nam của chúng ta sẽ được nhiều người biết đến hơn hiện nay.
Nguyển đạt Thịnh

Không có nhận xét nào: