Lữ Giang

Công hàm Phạm Văn Đồng

Ngày 20.7.2011, báo Đại Đoàn Kết ở trong nước đã cho phổ biến bài “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” của nhóm PV Biển Đông. Bài này được các báo chí trong nước đăng lại và phổ biến rộng rãi. Nội dung của bài báo gồm hai điểm chính:

Trước hết, bài báo phản bác lập luận của Trung Quốc cho rằng bằng công hàm ngày 14.9.1958 chính phủ Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Bài báo nói Trung Quốc đã “giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.”


Sau đó, bài báo gián tiếp trả lời bài “Trở lại chuyện bán đất” của chúng tôi phổ biến ngày 13.7.2011, trong đó chúng tôi dựa vào hai luật lý để nói rằng công hàm của Thủ Tướng Văn Đồng có tính cách ràng buộc. Bài báo cho rằng công hàm đó không hội đủ điều kiện để áp dụng thuyết “promissory estoppel” (sự ràng buộc của lời hứa) mà chúng tôi đưa ra.

Từ trước đến nay, nhà cầm quyền CSVN và báo chí trong nước đã tránh né không đề cập đến công hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, mặc dầu đây là một vấn đề không thể không làm sáng tỏ. Bài “Trở lại chuyện bán đất” của chúng tôi đặt nhà cầm quyền vào tình trạng phải lên tiếng vì chúng tôi dựa vào những luật lý có tính cách thuyết phục để phân tích.

Bài lên tiếng của báo Đại Đoàn Kết tuy không phải là một tuyên bố chính thức, nhưng nó phải được sự chấp thuận của nhà cầm quyền mới được phổ biến, nên cũng có thể coi đó là tiếng nói của nhà cầm quyền. Qua bài này, chúng ta có thể biết được lối giải thích của nhà cầm quyền. Chúng tôi rất hoan nghênh về sự lên tiếng này vì nó có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ vấn đề hơn và tìm ra được lối thoát để bảo vệ quyền lợi của tổ quốc tại Biên Đông.

Để độc giả dễ dàng theo dõi, trước tiên chúng tôi xin tóm lược nội dung của bài báo, sau đó sẽ phân tích các sự kiện và lý luận được bài báo nêu ra.

NÓI VÒNG VO TAM QUỐC

Vì các sự kiện và lý luận được đưa ra thiếu chính xác nên bài báo không được xây dựng theo một hệ thống chặt chẽ mà viết theo lối “hỏa mù”. Chúng tôi xin tóm lược 4 điểm sau đây được nêu ra trong bài báo:

1.- Bài báo đã đưa ra những bối cảnh "phức tạp và cấp bách" đối với Trung Quốc vào thập niên 1950s như chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Chu Ân Lai tuyên bố giải phóng Đài Loan, Hoa Kỳ dự tính tấn công Trung Quốc bằng võ khí nguyên tử, v.v. Từ đó bài báo dẫn lời của Hoàng Việt thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ở trong nước để giải thích lý do tại sao có công hàm 1958: Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH - Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em".

2.- Theo bài báo, nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

3.- Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4.- Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel" (mà chúng tôi đã đưa ra). Lời tuyên bố của VNDCCH, thiếu 2 điều kiện nên không thể áp dụng thuyết này được.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Bài “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” của nhóm PV Biển Đông là một bản “biện minh trạng”, chỉ đưa đưa ra những sự kiện và những lý luận giúp cho việc biện hộ cho chế độ, nên thiếu giá trị khách quan.

1.- Bối cảnh thật sự của Hà Nội lúc đó.

Bối cảnh “phức tạp và cấp bách” của Hà Nội lúc đó không phải là các vấn đề của Trung Quốc mà Hà Nội đã nêu ra. Bối cảnh thật sự của Hà Hội lúc đó là cần có viện trợ của Trung Quốc để đánh chiếm miền Nam. Nhưng theo Hà Nội, lúc đó Trung Quốc chủ trương “trường kỳ mai phục”, “tích trử lương thực” “chờ đợi thời cơ”... chứ không cho đánh liền. Vì thế, Hà Nội phải chấp nhận trao hai quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa cho Trung Quốc để đổi lấy viện trợ đánh chiếm miền Nam. Sau khi có sự hứa hẹn của Trung Quốc, tháng 1 năm 1959, Hội Nghị lần thứ 15 của Trung Ương Đảng đã họp và đưa ra quyết định “giải phóng miền Nam”.

Tài liệu của Trung Quốc cho biết trong chuyến bí mật viếng thắm Bắc Kinh vào tháng 4/1965 cùng với Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn đã nói với Lưu Thiếu Kỳ, đại diện Trung Ương Đảng CSTQ rằng Việt Nam "luôn luôn tin tưởng rằng Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Việt Nam," và "sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam luôn đứng đầu về số lượng cũng như chất lượng." Lưu Thiếu Kỳ cám ơn Lê Duẩn và nói với Lê Duẩn rằng "chính sách của Đảng Trung Quốc trước sau như một, và Trung Quốc sẽ thỏa mãn tối đa những gì mà mà Việt Nam cần." Tiếp theo, ngày 16.5.1965, Hồ Chí Minh lại qua Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông tại Trường Sa, tỉnh lỵ của tỉnh Hồ Nam, và nói với Mao về những gì Việt Nam cần để có thể gửi người đi chiến đấu tại miền Nam. Mao hứa sẽ cung cấp "bất cứ sự trợ giúp nào mà Việt Nam cần."

Báo Đại Đoàn Kết nhìn nhận: “Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ.”

Nói tóm lại, không có viện trợ của Trung Quốc, sẽ không có ngày 30.4.1975.

2.- Công hàm 1958 đã gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Chỉ cần đăng lại nguyên văn tuyên bố ngày 4.9.1958 của Trung Quốc và Công Hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, chúng ta có thể thấy rõ ngay Hà Nội đã gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 4.9.1958, nước CHNDTQ đã đưa ra lời tuyên bố gồm 4 điểm. Sau đây là điểm 1 liên hệ đến Hoàng Sa và Trường Sa

Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

(Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện)

Tài liệu của Trung Quốc cho biết sáng ngày 21.9.1958, ông Nguyễn Khang, Đại sứ Việt Nam tại Trung-quốc, đã đến gặp ông Cơ Bàng Phi, Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, chuyển giao công hàm ngày 14.9.1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng có nội dung như sau:

Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.”

Nhóm “PV Biển Đông” cho rằng Công Hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã viết rất thận trọng, không tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập luận này không đứng vững: Khi Trung Quốc tuyên bố hải phận của Trung Quốc bao gồm cả hải phận của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính phủ VNDCCH chẳng những không phản đối về điểm này mà tuyên bố “ghi nhận và tán thành” toàn bản tuyên bố của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Hà Nội đã gián tiếp công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

3.- Hội Nghị San Francisco 1951.

Báo Đại Đoàn Kết cho rằng tại Hội Nghị Hội nghị San Francisco 1951 Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là lối viết theo kiểu lập lờ đánh lận con đen. Hội Nghị San Francisco tại California, Hoa Kỳ, được tổ chức từ ngày 5 đến 8.9.1951, còn được gọi là Hội Nghị Cựu Kim Sơn, do 51 nước đồng minh trong Thế Chiến II họp lại để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại Châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều không được mời tham dự vì giữa Mỹ và Nga không đồng ý ai đại diện cho nước Trung Hoa. Dĩ nhiên là VNDCCH cũng không được tham dự, trái lại, Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo đã đại diện cho Việt Nam tại hội nghị.

Trong hội nghị này, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đại diện cho Chính phủ QGVN tuyên bố:

Và vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống tranh chấp, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

(Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour estouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur iles Spratly et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet-Nam).

Ông Andrei A. Gromyko, Ngoại trưởng Liên Xô, đại diện cho Trung Quốc, yêu cầu ghi vào Hiệp ước Hòa bình với Nhật một điều khoản nói “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của Liên Xô.

Chúng ta cần biết rằng trong thế chiến thứ hai, năm 1938, Nhật Bản đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và đổi tên thành Hirata gunto. Năm 1939, quân đội Nhật Bản đổ bộ lên đảo đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và đổi tên thành Itu Aba. Ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố rằng ngày 30-3-1939 chính phủ Nhật Bản quyết định đặt quần đảo Trường Sa dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.

Việt Nam đã chấp hữu Hoàng Sa và Trường Sa từ 1884 đến 1951 dưới họng súng của Pháp. Nhật chỉ chiếm đoạt hai quần đảo này trong khoảng 5 năm, nên Hội Nghị San Francisco không phản đối lời tuyên bố về chủ quyền của Thủ Tướng Trần Văn Hữu, nhưng hội nghị này không phải là một cơ quan tài phán, có thể xác định chủ quyền thuộc về ai. Điều oái oăm là năm 1972, khi quyết định bỏ Miền Nam VN, Hoa Kỳ đã đem Miền Nam giao cho Bắc Kinh chứ không giao cho Hà Nội, vì biết rất rõ Hà Nội chỉ là cánh tay nối dài của Bắc Kinh.

4.- Sự ràng buộc của lời hứa

Báo Đại Đoàn Kết đã lặp lại hai lý do mà chúng tôi đã đưa ra từ lâu để cho rằng Công Hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý.

Lý do thứ nhất: Lúc đó hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VNCH. Tục giao pháp lý Latin có câu: “Nemo dat quod non habet”, tức không ai cho cái mình không có. Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc miền Bắc nên Đảng CSVN không thể giao cho Trung Quốc được.

Lý do thứ hai: Điều 23 của Hiến Pháp ngày 9.11.1946 quy định: “Nghị viện nhân dân (tức quốc hội)... chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.” Công hàm ngày 14.9.1958 không được quốc hội phê chuẩn nên không có giá trị.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại luật lý, chúng tôi thấy Công Hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bán (promesse de vente): Hà Nội hứa với Bắc Kinh rằng nếu Bắc Kinh viện trợ cho Hà Nội đầy đủ phương tiện để chiếm miền Nam, sau khi chiếm được, Hà Nội sẽ giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Trong bài “Trở lại chuyện bán đất”, chúng tôi đã đưa ra hai học lý để chứng minh rằng trên một khía cạnh, công hàm ngày 14.9.1958 có thể bị coi như có giá trị cưỡng hành, đó là nguyên tắc “Promesse de vente vaut vente” (Hứa bán có giá trị như bán) trong hệ thống Roman Law và nguyên tắc “promissory estoppel” (sự ngăn chận việc làm trái với lời hứa) trong Common Law.

Báo Đại Đoàn Kết nhìn nhận theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel", nhưng cho rằng lời tuyên bố của VNDCCH thiếu 2 điều kiện nên không thể áp dụng thuyết này được, đó là: (1) Quốc gia nại "estoppel" phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (2) Quốc gia nại "estoppel" cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.

Nếu lý luận kiểu này, Trung Quốc có thể chứng minh dễ dàng hai điều kiện nói trên đã hội đủ: Dựa vào Công Hàm của Phạm Văn Đồng, Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội đầy đủ để đánh chiếm Miền Nam và Trung Quốc đã bị thiệt hại lớn khi Việt Nam không thực hiện lời hứa sau khi đã chiếm Miền Nam. Sợ Hà Nội sẽ lật lộng, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa trước khi Hà Nội chiếm Miền Nam.

NHÌN VÀO THỰC TẾ TRƯỚC MẮT

Hôm 29.7.2011, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho báo chí biết Philippines muốn phân định vùng tranh chấp Biển Đông. Ông nói: "Nếu chúng ta có thể xác định những phần tranh chấp, chúng ta sẽ có khả năng khai thác chung. Các khu vực không có tranh chấp thì đương nhiên thuộc quyền quản lý của quốc gia có chủ quyền”. Giải pháp này nghe rất giản dị, nhưng làm thế nào để phân biệt vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp?

1.- Trung Quốc coi chủ quyền Biển Đông là không thể tranh cãi.

Trong vụ kiện về khu vực đánh cá giữa Anh và Na Uy năm 1951. Na Uy coi vùng biển Anh đòi chủ quyền là vùng biển mà Na Uy đã khai thác qua nhiều thế kỷ và không có nước nào tranh chấp, nên phải coi đó là “vùng nước lịch sử” (historic water) và Na Uy có “quyền sở hữu lịch sử” (historic title). Lý thuyết này đã bị Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 bác bỏ và thay vào đó vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mỗi quốc gia.

Mặc dầu bị Luật Biển 1982 bác bỏ, Trung Quốc vẫn dùng lý thuyết “vùng nước lịch sử” để coi Biển Đông là ao hồ của họ, tuy Trung Quốc không chứng minh được trong lịch sử họ đã chấp hữu một cách hợp pháp vùng Biển Đông trong “đường lưởi bỏ”. Nếu Trung Quốc tiếp tục xử dụng lý thuyết không được chấp nhận này, toàn Biển Đông trở thành “vùng tranh chấp” và không còn khu vực nào cho các quốc gia khác khai thác.

2.- Xác định quyền sở hữu về các đảo đá và đảo đá ngầm.

Các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là đảo đá (rocks) hay đảo đá ngầm (reefs), không thể có cuộc sống tự nhiên được, nên rất khó chứng minh quyền sở hữu theo các điều kiện luật định.

Luật “Corpus Juris Civilis” của La Mã được ban hành giữa năm 527 và 565 đã xác định chủ quyền về các hải đảo nổi lên ở biển (Insula in mara nata) như sau:

“Một hải đảo nổi lên ở biển là vật vô chủ (nó không thuộc về ai) và vì thế nó trở thành tài sản của người chiếm hữu đầu tiên”

[An island which arose in the sea was res nullius (it belonged to nobody) and as such it become the property of the first occupant].

Điều luật này đã gây ra những tranh chấp không giải quyết được vì quốc gia nào cũng đưa ra những tài liệu chứng minh họ đã chiếm đầu tiên và bác bỏ tài liệu của phe đối kháng. Đây là trường hợp tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều nơi khác trên thế giới. Sau này, học lý và án lệ đưa ra những tiêu chuẩn về “sự thụ đắc bằng chiếm hữu”“sự thụ đắc theo thời hiệu” để xác định chủ quyền đồi với các đảo trên biển. Gần như không quốc gia nào trong Biển Đông đáp ứng được các tiêu chuẩn này nên Trung Quốc phải dùng bạo lực để chiếm hữu. Hiện nay, các quốc gia thuộc khối ASEAN đang cố gắng đưa ra một Bộ Luật Ứng Xử (Code of Conduct) để giải quyết các tranh chấp này.

3.- Vấn đề quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc không những đã chiếm hữu bằng võ lực quần đảo Hoàng Sa mà còn biến đảo này thành một đảo có thể có vùng đặc quyền kinh tế.

Theo khoản 3, điều 121 Công ước Luật biển 1982, các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, không được phép có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế. Đảo Hoàng Sa ở trong tình trạng này.

Tuy nhiên, sau khi chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng đảo này thành một đảo mà con người có thể ở với những phương tiện phải đem từ bên ngoài đến và tuyên bố đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đây là một sự nguỵ tạo.

Vì Hoàng Sa chỉ cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý, nên vùng đặc quyền kinh tế của Hoàng Sa do Trung Quốc tuyên bố đã chồng lên vùng đặc quyền kinh tề của Việt Nam và ngăn chận Việt Nam đánh cá trong khu vực này.

Theo nguyên tắc, khi vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tiếp giáp chồng lên nhau như trên, phải chia đôi bằng một đường trung tuyến. Do đó, dù Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế, Trung Quốc cũng không thể lấn chiếm qua giới hạn luật định. Nhưng Trung Quốc có súng lớn, Việt Nam chỉ có súng nhỏ, nên Trung Quốc đã tự áp đặt quyền lợi của mình trên quyền lợi của Việt Nam.

ooOoo

Nhìn chung, Đảng CSVN đã coi việc đánh chiếm Miền Nam quan trọng hơn bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa thì đảng phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử. Để cứu vãn tính thế, phải bám lấy Bộ Luật Ứng Xử (Code of Conduct) về Biễn Đông mà ASEAN sắp đưa ra để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Chịu áp lực của Trung Quốc, đồng ý thi hành riêng bản Tuyên Bố về Ứng Xử (Declaration of Conduct) về Biển Đông 2002 giữa hai nước như mới đây, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc đè bẹp.

Ngày 2.8.2011
Lữ Giang

Không có nhận xét nào: